Các hình thức trả lương

Một phần của tài liệu LVTS-2013 - Pháp Luật Về Tiền Lương - Thực Trạng Áp Dụng Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Thương Mại TNG (Trang 32 - 38)

Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán...”.

Đây là hình thức trả lương căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động. Thời gian làm việc của người lao động bao gồm thời gian thực tế làm việc và thời gian được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

Trả lương theo thời gian có 5 hình thức:

+ Trả lương theo năm: Là tiền lương trả cho một năm làm việc của người lao động theo mức do pháp luật quy định hoặc do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Hiện nay ở nước ta, chế độ trả lương theo năm làm việc chỉ áp dụng cho các thành viên hội đồng quản trị và giám đốc hay tổng giám đốc các công ty nhà nước. Hàng tháng, người lao động được tạm ứng 80% quỹ lương kế hoạch. Phần còn lại được thanh toán vào cuối năm tùy theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ.

+ Trả lương theo tháng: Là tiền lương trả cho một tháng làm việc của người lao động được xác định theo mức thỏa thuận của người lao động và người sử dụng được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc trong thang lương hoặc bảng lương áp dung cho người lao động đó. Việc thanh toán tiền lương theo tháng được thực hiện một lần hay hai lần trong tháng theo thời gian đã ấn định trong hợp đồng lao động hoặc đã quy định thống nhất trong đơn vị sử dụng lao động. Đây là hình thức trả lương phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, hình thức trả lương này trong các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh lại bộc lộ những nhược điểm là không khuyến khích được sự chuyên cần của người lao động, không phản ánh năng suất lao động khác nhau giữa những người lao động cùng làm những công việc như nhau, do vậy, cần áp dụng những chế độ khác như chế độ thưởng hay chế độ phụ cấp.

+ Trả lương theo tuần: Là mức lương trả cho người lao động theo tuần và được tính trên cơ sở lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.

+ Trả lương theo ngày: Là tiền lương trả cho một ngày làm việc của người lao động được xác định theo lương tháng chia cho số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng của đơn vị sử dụng lao động nhưng không quá 2 ngày.

+ Trả lương theo giờ: Là tiền lương được tính và trả cho một giờ của người lao động. Lương theo giờ được tính trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn của đơn vị sử dụng lao động nhưng không quá 8 giờ.

Về nguyên tắc lương tuần, lương ngày, lương giờ phải được trả ngay sau khi kết thúc tuần, ngày, giờ làm việc của người lao động. Hai bên có thể thỏa thuận trả gộp, nhưng chậm nhất sau 15 ngày, người lao động phải được trả lương một lần.

Hình thức trả lương theo thời gian có những ưu điểm là tính toán đơn giản, ổn định trong việc trả lương và dự toán tiền lương của doanh nghiệp. Áp dụng hình thức trả lương này, người lao động không phải chạy theo số lượng sản phẩm, do vậy, chất lượng sản phẩm làm ra cũng được đảm bảo hơn, người lao động có thời gian để sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, đầu tư cho chất lượng công việc... [11].

Tuy nhiên, trả lương theo thời gian lại có nhược điểm là thường mang tính bình quân, không khuyến khích được tính tích cực của người lao động, ít quán triệt nguyên tắc phân phối lao động. Để khắc phục nhược điểm này, chúng ta có thể sử dụng kết hợp giữa việc trả lương và thưởng cho người lao động để khuyển khích người lao động làm việc và nâng cao chất lượng công việc của họ. Vì vậy, việc trả lương theo thời gian có thể thực hiện theo hai cách: Trả lương theo thời gian đơn giản (trả lương theo thời gian thực tế làm việc) và trả lương theo thời

gian có thưởng (gồm trả lương theo thời gian đơn giản cộng với tiền thưởng). Trên thực tế, các doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương này chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có việc làm và kinh doanh ổn định.

(ii) Trả lương theo sản phẩm

Đây là hình thức trả lương cho người lao động căn cứ theo số lượng và chất lượng của sản phẩm công việc đã hoàn thành. Đây là hình thức trả lương được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm. Để thực hiện trả lương theo sản phẩm, người sử dụng lao động phải xây dựng định mức khoán sản phẩm cho người lao động trong một đơn vị thời gian nhất định và xác định đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm. Trả lương theo sản phẩm sẽ gắn kết người lao động với kết quả công việc. Vì vậy, người lao động sẽ tự ý thức trách nhiệm công việc và quyền lợi của mình từ việc hoàn thành định mức, tăng năng suất lao động.

Tiền lương của người lao động phụ thuộc trực tiếp vào số lượng sản phẩm mà họ làm ra, được người sử dụng lao động chấp nhận và đơn giá tiền lương mà người sử dụng lao động áp dụng cho loại sản phẩm đó. Tiền lương theo sản phẩm cũng được trả định kì theo thời gian, thông thường là theo tháng làm việc của người lao động. Trả lương theo sản phẩm bao gồm nhiều loại, tùy đối tượng hưởng lương. Những hình thức tiêu biểu đang được các doanh nghiệp sử dụng hiện nay đó là:

+ Lương theo sản phẩm trực tiếp cá nhân: Chế độ trả lương này được áp dụng khi người lao động làm việc mang tính chất tương đối độc lập, có định mức và kiểm tra nghiệm thu sản phẩm một cách cụ thể và riêng biệt.

+ Lương theo sản phẩm tập thể: Chế độ này áp dụng đối với những công việc cần một tập thể công nhân cùng thực hiện.

+ Lương theo sản phẩm gián tiếp: Chế độ này thường áp dụng đối với công nhân phụ mà công việc của họ ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất của những công việc chính hưởng lương theo sản phẩm. Tiền lương của công nhân phụ cũng có thể tính bằng cách lấy % hoàn thành vượt mức sản lượng của công nhân chính với cấp bậc của công nhân phụ.

+ Lương theo sản phẩm có thưởng: Thực chất của chế độ trả lương này là kết hợp giữa chế độ trả lương kể trên với các hình thức tiền thưởng. Khi áp dụng chế độ này, phần tiền lương được tính theo đơn giá cố định, còn tiền thưởng sẽ căn cứ vào mức độ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về măt số lượng công việc.

Hình thức trả lương theo sản phẩm có những ưu điểm là tính chính xác và công bằng tương đối cao (so với hình thức trả lương theo thời gian), từ đó, có thể phân biệt năng suất lao động của những người lao động khi họ cùng làm những công việc như nhau, gắn chặt công việc với thu nhập cụ thể, kích thích nâng cao trình độ mọi mặt, giúp người lao động sử dụng hợp lý thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, góp phần tích cực trong việc thực hiện kỷ luật trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hình thức trả lương theo sản phẩm có những nhược điểm là nảy sinh hiện tượng người lao động chạy theo số lượng sản phẩm làm ra, mà coi nhẹ chất lượng sản phẩm, việc sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất, việc giữ gìn máy móc trong doanh nghiệp, tranh thủ thời gian quá mức, do vậy, người lao động không còn thời gian để sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, đầu tư cho chất lượng công việc. Để khắc phục nhược điểm này, người sử dụng lao động cần xây dựng định mức lao động một cách thật khoa học; tổ chức, phục vụ tốt nơi làm

việc để hạn chế tối đa thời gian ngừng việc; tổ chức tốt việc kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, giáo dục tốt ý thức tuân thủ công việc của người lao động…

(iii) Trả lương khoán

Là hình thức trả lương căn cứ vào khối lượng và chất lượng công việc khoán mà người lao động thực hiện. Chế độ tiền lương này áp dụng cho những công việc nếu làm riêng từng chi tiết, từng bộ phận công việc theo thời gian thì không có lợi về mặt kinh tế và thời gian không đảm bảo, đồng thời công việc đòi hỏi một tập hợp nhiều loại công việc khác nhau theo yêu cầu hoàn thành đúng thời hạn. Chế độ trả lương này áp dụng chủ yếu trong xây dựng cơ bản và một số công việc trong nông nghiệp. Để thực hiện việc trả lương khoán, người sử dụng lao động cần xác định khối lượng (với chất lượng tương ứng) công việc cho người lao động, quỹ thời gian thực hiện, quỹ tiền lương kế hoạch cho toàn bộ công việc. Nếu công việc khoán kéo dài trong nhiều tháng, thì hàng tháng, người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động tương ứng với khối lượng công việc mà người lao động đã thực hiện được trong tháng.

Hình thức trả lương khoán có ưu điểm là hình thức trả lương khoán khá phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động, gắn thu nhập của người lao động với kết quả sản xuất kinh doanh. Người lao động biết trước được số tiền sẽ nhận được sau khi hoàn thành công việc hoặc hoàn thành công việc trước thời hạn, khuyến khích người lao động hăng say lao động, nâng cao năng suất. Tuy nhiên, hình thức trả lương khoán cũng có những nhược điểm giống như hình thức trả lương theo sản phẩm làm cho người lao động ít quan tâm đến giữ gìn máy móc thiết bị, chỉ chạy theo số lượng, không chú ý đến chất lượng, không tiết kiệm nguyên vật liệu và không quan tâm đến tập thể và người sử dụng phải tính

toán đơn giá chặt chẽ và tỉ mỉ để xây dựng đơn giá trả lương chính xác cho công nhân, đảm bảo yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh.

Việc xác định và áp dụng theo hình thức trả lương nào là thuộc về quyền hạn của người sử dụng lao động, tuy nhiên, hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày. Điều này góp phần ổn định, tránh sự xáo trộn trong việc nhận tiền lương, kế hoạch chi tiêu trong gia đình và bản thân người lao động.

Một phần của tài liệu LVTS-2013 - Pháp Luật Về Tiền Lương - Thực Trạng Áp Dụng Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Thương Mại TNG (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w