Đặc điểm mô bệnh học

Một phần của tài liệu 2021THSnguyentronghoa (Trang 74 - 77)

Thể mô bệnh học

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa là thể hay gặp nhất (82,9%) sau đó đến ung thư biểu mô tuyến nhày (11,8%), thể mô bệnh ung thư biểu mô tuyến biệt hóa rõ và ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa cùng chiếm 2,6%. Số liệu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của các tác giả khác. Theo Bùi Ánh Tuyết, thể ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa chiếm 84,6%, ung thư biểu mô tuyến chế nhày chiếm 13,9%, ung thư biểu mô tuyến không biệt hóa chiếm 1,5%. Theo Vũ Thị Nhung, thể ung thư biểu mô tuyến chiếm 87,7%, thể ung thư biểu mô tuyến nhày chiếm 10,9% và thể ung thư biểu mô tế bào nhẫn chiếm 1,4% 62,63.

Phân nhóm mô bệnh học ảnh hưởng quan trọng tới hình thái di căn của UTĐTT. Huge ghi nhận nhóm ung thư biểu mô tuyến chế nhày và ung thư biểu mô tế bào nhẫn có khả năng di căn nhiều vị trí cao hơn đáng kể so với nhóm ung thư biểu mô tuyến biệt hóa cao và vừa. Tác giả nhận thấy rằng trong nhóm ung thư biểu mô tuyến chế nhày thì tỷ lệ di căn phúc mạc cũng cao hơn. Điều này cũng được báo cáo trong các nghiên cứu trước với tỷ lệ từ 22% - 45%. Trong nghiên cứu của chúng tôi, trong 8 trường hợp ung thư biểu mô tuyến chế nhày có tới 3 trường hợp di căn phúc mạc, chiếm 37,5% cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê khi so với nhóm ung thư biểu mô tuyến biệt hóa cao và vừa (7,7%) với p = 0,037.

Độ mô học

Đối với ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng được xếp loại thành độ mô học thấp (biệt hóa cao và vừa; ≤ 50% hình thành tuyến) hoặc độ mô học

cao (> 50% hình thành tuyến). Đối với ung thư biểu mô tế bào nhẫn và ung thư biểu mô chế nhầy cũng được xếp vào độ mô học cao.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có tới 85,5% số bệnh nhân có giải phẫu bệnh được xếp loại độ mô học thấp, và có 14,5% số bệnh nhân có giải phẫu bệnh được xếp loại độ mô học cao. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự kết quả trong nghiên cứu của các tác giả khác. Trong nghiên cứu của Bùi Ánh Tuyết, có 81,5% bệnh nhân có giải phẫu bệnh được xếp loại độ mô học thấp và 18,5% bệnh nhân có giải phẫu bệnh được xếp loại độ cao. Trong nghiên cứu của Nguyễn Kiến Dụ, 92,4% bệnh nhân được xếp loại độ mô học thấp và 7,6% bệnh nhân được xếp loại độ mô học cao 61,62.

4.1.8. Đặc điểm giai đoạn bệnh

Mức độ xâm lấn thành đại trực tràng

Chúng tôi nhận thấy trên các bệnh nhân UTĐTT giai đoạn IV, giai đoạn T của khối u thường muộn. Trên phim chụp CT, toàn bộ các khối u đều ở giai đoạn T3-T4, với tỷ lệ các khối u giai đoạn T4 chiếm 44,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Trong nghiên cứu của tác giả Bùi Ánh Tuyết, 86,2% bệnh nhân có giai đoạn T3-T4 62.

Theo Vi Trần Doanh sự xâm lấn của u nguyên phát qua các lớp của thành ruột là một yếu tố tiên lượng quan trọng, khi khối u đã xâm lấn mô xung quanh thì nguy cơ di căn xa cao gấp 3,22 lần u chưa xâm lấn 66.

Tình trạng di căn hạch vùng

Chúng tôi cũng nhận thấy trên bệnh nhân UTĐTT giai đoạn IV, hầu hết các bệnh nhân đã có di căn hạch vùng (85,5%) trong đó đa số các bệnh nhân có di căn hạch vùng giai đoạn N2 (52,6%).

Vị trí tạng di căn

Trong nghiên cứu của chúng tôi, UTĐTT có di căn đến gan chiếm tỷ lệ lớn nhất là 59,2%, đứng thứ hai là di căn đến phổi chiếm 35,5%, tiếp theo là các

bệnh nhân có hạch di căn xa (17,1%), di căn phúc mạc (11,8%), di căn xương (2,6%), di căn não, buồng trứng, màng phổi (cùng chiếm tỷ lệ 1,3%). Kết quả của chúng tôi cũng tương đồng với kết quả của các tác giả khác. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Kiến Dụ, UTĐTT có di căn đến gan có tỷ lệ lớn nhất là 61,8% (42/68), đứng thứ hai là di căn đến phổi chiếm 16,2% (11/68); Tỷ lệ bệnh nhân nữ có di căn buồng trứng chiếm 7,4% (5/68) tổng số bệnh nhân có di căn và chiếm 14,7% (5/34) số người bệnh nữ có di căn. Theo tác giả Vũ Thị Nhung, gan là vị trí di căn hay gặp nhất với 43,7%, sau đó là di căn phổi 20,5%, phúc mạc 17,9%, các vị trí di căn khác như não, buồng trứng, bàng quang, niệu quản chiếm tỷ lệ rất thấp 61,63.

Một số nghiên cứu gần đây đã gợi ý rằng: vị trí di căn của UTĐTT có liên quan tới phân nhóm mô bệnh học. Trong đó, di căn phúc mạc, buồng trứng và di căn nhiều vị trí hay gặp ở nhóm ung thư thể chế nhày và ung thư biểu mô tế bào nhẫn. Di căn một cơ quan, đặc biệt là di căn gan thường gặp ở nhóm bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến. Sự khác nhau về hình thái di căn giữa ung thư đại tràng và ung thư trực tràng đã được ghi nhận từ lâu. Mặc dù cả hai ung thư này đều hay di căn gan nhưng ung thư đại tràng thường di căn các cơ quan trong ổ bụng nhiều hơn, trong khi đó ung thư trực tràng thường di căn các cơ quan ngoài ổ bụng, như là phổi và não.

Do đặc điểm giải phẫu, tĩnh mạch của toàn bộ đại tràng và trực tràng cao đổ vào 2 tĩnh mạch: tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch mạc treo tràng dưới rồi cuối cùng đều đổ về hệ tĩnh mạch cửa qua gan. Dẫn lưu máu tĩnh mạch của đại tràng và trực tràng cao là qua hệ cửa đổ về gan, đây là một cơ sở giải phẫu mà các tác giả lý giải tại sao ung thư đại tràng thường di căn gan. Trong khi đó đoạn trực tràng giữa và thấp được dẫn lưu máu bằng hệ chủ đổ về tim phải, dẫn đến tỷ lệ di căn phổi của ung thư trực tràng cao hơn đại tràng.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số các bệnh nhân chỉ di căn một tạng tại thời điểm chẩn đoán (chiếm tỷ lệ 75%).

Số lượng tạng di căn là một yếu tố tiên lượng quan trọng đối với các bệnh nhân UTĐTT di căn. Các bệnh nhân UTĐTT chỉ di căn một tạng (thường là di căn gan) cho phép bệnh nhân có cơ hội điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, còn các bệnh nhân đã di căn từ hai tạng trở lên thường là chống chỉ định của phẫu thuật triệt căn 33.

4.2. Tình trạng đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF và đối chiếu với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng

Một phần của tài liệu 2021THSnguyentronghoa (Trang 74 - 77)