Khu Đông Nam Bộ

Một phần của tài liệu đảng bộ miền nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng 1961 – 1975 (Trang 34 - 40)

Ở Đông Nam Bộ phong trào bổ túc văn hoá và xoá mù chữ trong cơ quan vẫn giữ vững. Khu giải phóng Củ Chi (Sài Gòn – Gia Định), Trảng Bàng, Hậu Nghĩa (Tây Ninh) là những nơi Mỹ-ngụy chủ trương oanh kích ác liệt, nhưng thường ngày vẫn có 6 ngàn học sinh đi học bình dân học vụ và phổ thông cách mạng, ở Chiến khu Đ bà con chặt gỗ dựng trường lớp và tổ chức những lớp học bình dân học vụ. Với mục đích đưa nội dung giáo dục dân tộc, dân chủ, khoa học vào chương trình giảng dạy, các lớp học vùng giải phóng Đông Nam Bộ được xây dựng theo mô hình trường lớp chặt chẽ, bằng phương thức có lớp trưởng, lớp phó, phân công giáo viên làm cố vấn cho mỗi lớp (giống như giáo viên làm chủ nhiệm lớp như ngày nay) hướng dẫn học sinh tham gia sinh hoạt lành mạnh, tiến bộ thích hợp với tuổi trẻ. Các thầy giáo đã tạo không khí học tập sinh hoạt sôi nổi ở vùng giải phóng Củ Chi, Hậu Nghĩa… Những trẻ khó dạy, học sinh bị ở lại lớp, hoặc bị đuổi học phụ huynh xin gửi theo học. Với lòng yêu ngành và phương pháp giáo dục đa dạng, toàn diện chú trọng đến sự phát triển của thế hệ trẻ, cán bộ, giáo viên đã gắn nhà trường với gia đình và xã hội. Vì vậy, giáo dục cách mạng đạt được kết quả tốt, tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của nhân dân tạo nên dư luận tích cực trong vùng giải phóng Đông Nam Bộ. Trường phổ thông và bổ túc văn hóa ở Củ Chi trở thành cơ sở giáo dục kiểu mẫu ở vùng giải phóng những năm 1961 – 1968.

Khu Đông Nam Bộ là cửa ngõ phía Đông Bắc của cái gọi là “thủ đô” nước “Việt Nam Cộng hòa”, vùng giải phóng bị thu hẹp, nhất là sau 1968 đến 1972. Đông Nam Bộ là chiến trường ác liệt giằng co giữa quân dân ta và Mỹ- ngụy, công tác giáo dục cách mạng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đến sau tổng tiến công chiến lược 1972 của quân dân ta, vùng giải phóng Đông Nam Bộ mở rộng đáng kể ở Củ Chi, Tây Ninh, Bình Phước, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục cách mạng phát triển, nhu cầu về giáo viên ngày càng tăng. Cũng như các khu khác, Trung ương Cục tổ chức đoàn cán bộ giáo viên miền Bắc tăng cường cho lực lượng miền Nam, Tiểu ban Giáo dục khu Đông Nam Bộ phân bổ giáo viên về cho các tỉnh.

Tháng 6/1971, Trung ương Cục đã điều động nhiều cán bộ về bổ sung cho Sài Gòn – Gia Định đồng thời lập Tiểu ban Giáo dục I4 làm công tác quản lý, phát triển công tác giáo dục ở vùng giải phóng Củ Chi, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu huấn luyện các hoạt động giáo dục ở vùng bị chiếm trong nội đô. Sự ra đời Tiểu ban Giáo dục I4 đã đánh dấu bước phát triển trưởng thành của phong trào giáo dục cách mạng, bước ngoặt quan trọng thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở vùng giải phóng Củ Chi. (vùng giải phóng ngoại ô Sài Gòn)

Trong hai năm 1973 – 1974, Tiểu ban Giáo dục I4 đã đề ra nhiệm vụ giáo dục cơ bản cho vùng giải phóng Củ Chi. Trước hết xây dựng, củng cố hoạt động giáo dục ở các xã giải phóng Bắc Củ Chi bằng nhiều phương thức thích hợp, duy trì cho được các nhóm học tập và lớp học để dần dần thu hút hết số trẻ đến độ tuổi đi học đến lớp. Dù công tác vận động giáo dục vùng mới giải phóng còn khó khăn, nhưng những cán bộ, giáo viên Tiểu ban Giáo dục I4 vẫn kiên trì, nhẫn nại, linh hoạt, sáng tạo trong công tác... Tháng

4/1974 vùng giải phóng Củ Chi đã xây dựng được hai trường phổ thông cấp I ở An Phú và Phú Mỹ Hưng – "Tổng số 16 lớp, 284 học sinh, 6 lớp bổ túc văn hoá ban đêm với 60 học viên". [Giáo..., tr.131] Những kết quả giáo dục bước đầu trên vẫn được giữ vững và phát triển cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ở Tây Ninh “sau phong trào đồng khởi 1960 có 24 xã được giải phóng”, [Hội đồng Trung ương…..,tr.218] Tiểu ban Giáo dục tỉnh đảm đương trách nhiệm tổ chức, đẩy mạnh phong trào giáo dục cách mạng. Trường nội trú Hoàng Lệ Kha được thành lập tại xã Tà Băng tiếp nhận thiếu niên về học văn hóa, năm 1964 trường có 70 học sinh. Khi địch càn vào đánh phá thì học sinh phân tán, học sinh nhỏ chăn trâu bò, học sinh lớn tham gia cùng du kích địa phương chống càn. Trường Hoàng Lệ Kha dần dần phát triển lên đến lớp 9 rồi 9 + 1, 9 + 2. Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng, nhắc nhở học sinh và thầy cô giáo của trường dạy tốt – học tốt, góp phần tích cực vào việc đánh thắng giặc Mỹ xâm lươc. Mặc dù địch mở nhiều đợt đánh phá, nhưng năm 1967 toàn vùng giải phóng Tây Ninh vẫn duy trì được 7 trường học với 550 học sinh. Kết quả này tuy còn khiêm tốn nhưng đã nói lên sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, giáo viên và nhân dân Tây Ninh trong việc kiên trì xây dựng phát triển sự nghiệp giáo dục cách mạng phục vụ kháng chiến.

Tây Ninh là vùng giải phóng nằm trong kế hoạch xây dựng căn cứ địa của ta từ miền Đông đến Tây Nguyên nối liền xuống Đồng Tháp Mười khu Tây Nam Bộ, là bản lề giữa căn cứ miền Đông và đồng bằng, Tây Ninh, là căn cứ Trung ương Cục. Sau 1973, Tây Ninh có vùng giải phóng rộng lớn, huyện Tân Biên, Dương Minh Châu và Châu Thành. Tiểu ban Giáo dục tỉnh mở liên tiếp 4 khoá sư phạm đào tạo giáo viên tại chỗ kịp thời cung cấp cho vùng giải phóng ngày càng được mở rộng. Với chủ trương "bám trụ, bám địa bàn", Tiểu ban Giáo dục đã bố trí cán bộ, giáo viên đến tận cơ sở vừa tham

gia các mặt công tác ở địa phương vừa vận động công tác giáo dục, từng bước xây dựng trường lớp. Tuy vậy, nhà ở nhân dân phân tán, thưa thớt, gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động tập hợp học sinh. Với ý thức "khẩn trương làm tốt công tác giáo dục, làm cho đời sống tinh thần và kiến thức của nhân dân được nâng lên để giác ngộ lý tưởng cách mạng ngày càng cao, các cán bộ, giáo viên đã khắc phục mọi khó khăn, cùng với địa phương vận động đưa trẻ em đến lớp. Kết quả mở trong 6 tháng đầu năm 1973 vùng giải phóng Tây Ninh có 8 trường học gồm 26 lớp với 20 giáo viên và 1.183 học sinh.” [LSĐBTN, tr.76]

Song song với việc xây dựng trường lớp các cán bộ, giáo viên tổ chức củng cố bộ máy giáo dục và đội thiếu niên tiền phong. Năm 1973 vùng giải phóng toàn tỉnh Tây Ninh có 6 Ban giáo dục xã và 15 Đội thiếu niên tiền phong. Tiểu ban Giáo dục tỉnh Tây Ninh xác định rõ xây dựng nền giáo dục cách mạng phải gắn liền với đấu tranh chống nền giáo dục phản động Mỹ- ngụy. Các trường học giáo dục lòng yêu nước, thương yêu làng xóm, vun đắp tình nghĩa đồng bào, tình quê hương xứ sở, coi trọng hoà hợp gia đình với xóm ấp; xoá bỏ mọi hận thù, hiềm khích dân tộc do kẻ thù gây ra.

Công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng con người mới, củng cố tinh thần nhân dân ở vùng giải phóng được cán bộ giáo dục các cấp quan tâm, tuyên truyền vận động nhân dân trên cơ sở nắm rõ tâm tư nguyện vọng, giáo dục thuyết phục định hướng giúp quần chúng tin và đi theo Đảng, một lòng phục vụ cách mạng. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Tây Ninh quan tâm tập trung xây dựng trường lớp, vận động con em đi học. Vì vậy, công tác giáo dục ở vùng giải phóng phát triển mạnh mẽ.

Cuối 1974 toàn tỉnh có 23 trường học, 167 lớp, 178 giáo viên, 5.030 học sinh, 518 đội viên thiếu niên tiền phong và 17 ban giáo dục xã.

Trường nội trú Hoàng Lệ Kha: 8 lớp, 10 giáo viên và 146 học sinh. Phong trào bổ túc văn hoá cho cán bộ chiến sĩ và bình dân học vụ cũng phát triển mạnh. Năm 1974 có 76 lớp bổ túc văn hoá, 68 giáo viên và 855 học viên [G..., tr.140].

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và chỉ đạo chặt chẽ Tiểu ban Giáo dục Miền, giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng tỉnh Bình Phước cũng phát triển theo phong trào chung. Bình Phước có vùng giải phóng ở miền núi rộng lớn nhưng trình độ dân trí thấp, thường xuyên nằm dưới sự kìm kẹp đánh phá của địch. Những cán bộ, giáo viên đã cố gắng vược qua mọi khó khăn gian khổ, coi trọng công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ quan, xây dựng trường phổ thông cấp I, thực hiện công tác xóa mù chữ cho nhân dân, trước hết là cán bộ chủ chốt, đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm 1961 – 1968, Bình Phước dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng liên tục tiến hành các cuộc tiến công và nổi dậy xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân mở rộng vùng giải phóng. Cùng với đấu tranh chính trị, quân sự công tác giáo dục, tư tưởng không ngừng được củng cố và phát triển. Ở các buôn, sóc bà con dân tộc ít người, những lớp học bình dân học vụ vẫn được mở đều đặng. Cán bộ, giáo viên cùng với cán bộ dân vận địa phương vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng vừa dạy chữ, vận động nhân dân tham gia, phục vụ cách mạng. Phong trào học tập không ngừng phát triển, nội dung giảng dạy theo chương trình miền Bắc xã hội chủ nghĩa đưa vào được vận dụng điều chỉnh phù hợp từng đối tượng. Để tránh bom đạn của địch các lớp học được phân tán nhỏ, sơ tán vào rừng hoặc giảng dạy dưới hầm trú ẩn. Riêng huyện Phước Bình có nhiều trường phổ thông như trường tiểu học Phú Nghĩa: 03 lớp, Phú Vân: 08 lớp, Đức Hạnh: 05 lớp…

Dù tỉnh Bình Phước vùng dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, công tác vận động giáo dục cách mạng khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Tiểu

ban Giáo dục Miền, giáo dục cách mạng tỉnh Bình Phước cũng phát triển mạnh sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Những cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục vẫn linh hoạt, sáng tạo đưa phong trào giáo dục ở vùng giải phóng ngày càng phát triển, song song với công tác xóa mù chữ cho nhân dân còn vận động nhân dân xây dựng trường lớp phổ thông cấp I. Năm 1969, địch càn quét liên tục, giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng gặp nhiều khó khăn, các lớp học có lúc phải tạm ngưng. Tình hình đó, tháng 6/1969, Tiểu ban Giáo dục R triệu tập cuộc họp cán bộ giáo dục đề ra nhiệm vụ: tiếp tục phát triển giáo dục ở vùng giải phóng, chuẩn bị việc tiếp quản những vùng sắp giải phóng. Tiểu ban Giáo dục R tăng cường cán bộ, giáo viên cấp II, III cho các huyện, tiếp tục củng cố xây dựng phong trào giáo dục. Những năm 1970 – 1975 giáo dục cách mạng tỉnh Bình Phước vẫn tiếp tục duy trì phát triển, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để tiếp quản vùng giải phóng. Đến 1972, vùng giải phóng đã có hàng chục vạn dân bám trụ ở các làng xã, công tác giáo dục từng bước ổn định, phát triển, tạo được thế đứng chân vững chắc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục giải phóng phát triển và xây dựng thực lực của ngành, tỉnh tiến hành tuyển chọn thanh niên có trình độ cấp II, III để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Tiểu ban Giáo dục tỉnh đã mở trường Trung sơ cấp Sư phạm tại Bù Đốp. Năm 1973, ngành giáo dục cách mạng tỉnh Bình Phước đã ổn định nề nếp với các phong trào thi đua hai tốt điển hình đã hình thành được Tiểu ban Giáo dục R đánh giá cao. Công tác tổ chức của Tiểu ban giáo dục tỉnh được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, biên chế thành phòng, ban chặt chẽ, quản lý chỉ đạo ngành theo chức năng chuyên môn, đủ điều kiện để phát triển ngành giáo dục cách mạng khi vùng giải phóng ngày càng mở rộng.

Tóm lại, phong trào giáo dục Đông Nam Bộ ở vùng giải phóng những năm 1961 – 1975 được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, với nhiều biện pháp,

hình thức giảng dạy linh hoạt cho con em người lao động, dân tộc ít người biết chữ, nhận thức được cuộc chiến tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Nhiều người sau khi học giác ngộ lý tưởng cách mạng tham gia bộ đội và trở thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng sự nghiệp giáo dục cách mạng thực sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Khu Đông Nam Bộ là chiến trường diễn ra ác liệt so với các vùng khác ở miền Nam, gần trung tâm đầu não của Mỹ-ngụy, địch ngày đêm càn quét đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng, gây khó khăn, tổn thất cho lực lượng cách mạng nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng. Tuy vậy, nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Cục, Tiểu ban Giáo dục và cấp ủy Đảng địa phương, cán bộ, giáo viên vẫn bám trụ duy trì sự nghiệp giáo dục giải phóng, đưa sự nghiệp ấy ngày càng phát triển đạt được những kết quả quan trọng, được các cấp uỷ Đảng đánh giá cao, nhân dân tin tưởng. Những cán bộ, giáo viên không chỉ là người thầy dạy chữ mà còn là những chiến sĩ, góp phần tuyên truyền quan điểm, tư tưởng cách mạng của Đảng. Trong quá trình công tác có những giáo viên bị bắt, hy sinh nhưng hầu hết vẫn kiên cường bất khuất tiếp tục hoạt động, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Được rèn luyện trong kháng chiến, đội ngũ giáo viên đã trưởng thành không bở ngỡ trước những nhiệm vụ mới.

Một phần của tài liệu đảng bộ miền nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng 1961 – 1975 (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w