Đội ngũ giáo viên cách mạng ở miền Nam nói chung vốn có một quá trình tổ chức lâu dài vừa đào tạo tại chỗ vừa được sự chi viện tích cực của cán bộ giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngoài việc phát triển phổ thông, bổ túc văn hoá, Tiểu ban Giáo dục Miền luôn chú trọng công tác đào tạo lực lượng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp. Sau 1968, địch phản công ác liệt với chiến lược "bình định cấp tốc", "bình định đặc biệt" phong trào giáo dục cách mạng giảm sút. Trong đội ngũ giáo viên có số đã hy sinh số bị bắt, bị thất lạc, một số giáo viên chuyển vào vùng tạm chiếm. Trong giai đoạn này, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Bộ Giáo dục thanh niên cách mạng cũng được hình thành. Trong cơ quan Bộ ngoài phòng chuyên môn thường lệ (phòng phổ thông, bình dân học vụ, phòng sư phạm để chăm lo giáo dục vùng giải phóng) còn có phòng tuyên truyền với hai buổi phát thanh "giáo dục giải phóng" và tập san giáo dục giải phóng.
Riêng Trung Bộ và Tây Nguyên hệ thống các trường tập trung của khu và tỉnh vẫn tiếp tục hoạt động đào tạo lực lượng giáo viên tại chỗ. Hơn nữa vùng này có lực lượng đông đảo giáo viên miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện, những giáo viên miền Bắc vừa giảng dạy vừa bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên địa phương thúc đẩy phong trào giáo dục phát triển. Trong giai đoạn 1961 – 1968, khu V Tây Nguyên thành lập trường sư phạm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Trường lấy tên là “Trường sư phạm miền núi khu V”. Trong hoàn cảnh khó khăn Khu V vẫn dành cho Trường sự quan tâm đặc biệt, 12 giáo viên được điều động từ miền Bắc về Trường, đã tốt nghiệp đại học các ngành Toán, Lý, Văn, Sử, Địa… Đối tượng đào tạo của nhà trường là con em dân tộc thiểu số và người Kinh ở vùng Tây Nguyên. Trình độ văn hoá của con em người dân tộc còn thấp, nhưng khoá học không cho phép kéo dài, mỗi khoá chỉ học 6 tháng, thời gian còn lại dành cho xây dựng trường lớp nhà ở, vận chuyển lương thực. Các giáo sinh được đào tạo
những kiến thức văn hoá cơ bản, đồng thời trang bị kiến thức tâm lý giáo dục và chính trị, tài liệu giảng dạy là sách giáo khoa của miền Bắc đưa vào, được biên soạn lại phù hợp với đặc điểm học sinh miền núi. Sau khi học giáo sinh trường sư pham miền núi khu V, được điều động về các trường phổ thông cấp I miền núi, trường bổ túc văn hoá, trường dân tộc nội trú. Cùng thời gian từ 1965 – 1968, miền Tây Phú Yên cũng mở trường Sư phạm miền núi, sau khoá học 3 năm giáo sinh có trình độ tiểu học được đưa về các cơ sở làm nhiệm vụ xoá mù chữ. Đến năm 1968, các trường khu V Tây Nguyên đào tạo được 300 giáo viên cấp I, II, 88 giáo viên người dân tộc dạy lớp 3, 4. Như vậy, ở Trung Bộ và Tây Nguyên từ những năm 1961 – 1968 nhiều trường lớp sư phạm và bổ túc văn hoá được mở ra nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập đa dạng của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Cán bộ, giáo viên vừa làm công tác dạy học, quản lý trường lớp, vừa tham gia các hoạt động kháng chiến như thông tin, tuyên truyền…
Sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng những năm 1967 – 1968 gặp nhiều khó khăn khi địch đánh phá ác liệt đời sống nhân dân xáo trộn, phong trào giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều cán bộ, giáo viên bị bắt, mất tích. Sau Đại hội công tác giáo miền Nam Tiểu ban Giáo dục đã mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ tỉnh, huyện và mở trường sư phạm cấp tốc đào tạo giáo viên cấp I; đồng thời tổ chức Hội nghị nhà giáo ở Tây Nam Bộ. Ngoài ra, Tây Nam Bộ còn có trường đào tạo Hoa Kiều. Năm 1968, Trường sư phạm cấp II Hoa Kiều đã đào tạo 40 giáo viên trong thời gian 6 tháng. Dưới sự chỉ đạo của Tiểu ban Giáo dục Miền, Tây Nam Bộ nhiều tỉnh đã soạn được sách học. Tiểu ban giáo dục tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) đã soạn được quyển vần Khơme để dạy cho đồng bào Khơme các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng Bạc Liêu, Cà Mau, tạo nên không khí phấn khởi, niềm tin cho đồng bào Khơme đối với
cách mạng, ngoài ra còn kết hợp với Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre soạn “Học báo” để giúp giáo viên có tài liệu giảng dạy các môn.
Những năm 1972 – 1973 nhiều trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp I, II được mở ở hầu hết các tỉnh miền Nam. Ở Tây Nam Bộ, ngoài trường sư phạm Khu đào tạo giáo viên cấp II còn tổ chức một số khoá sư phạm đào tạo cấp tốc 1 tháng các giáo viên tại huyện để bổ sung kịp thời nhu cầu đội ngũ giáo viên còn thiếu trong vùng giải phóng. Toàn khu Tây Nam Bộ từ 1968 – 1975 đã đào tạo hơn 35 khoá sư phạm, chưa kể các khoá sư phạm cấp tốc đào tạo giáo viên cấp I ở tỉnh và huyện. Những giáo viên được đào tạo hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là những chiến sĩ thật sự trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, có lý tưởng cách mạng, ý chí và nghị lực bền bỉ đầy tâm huyết đối với công tác giáo dục và sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Lực lượng cán bộ, giáo viên được đào tạo cơ bản theo yêu cầu của Tiểu ban Giáo dục Miền, tập trung ở Trường Lê Văn Tám của Khu và trường sư phạm các tỉnh, được trang bị tư tưởng chính trị, chuyên môn, phương pháp nghiệp vụ giảng dạy và công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Các cán bộ, giáo viên ngoài nhiệm vụ giảng dạy, duy trì sự nghiệp giáo dục còn là những người làm công tác dân vận tốt, vận động địa phương xây dựng trường lớp tuyên truyền bà con không "tản cư" – bỏ vùng giải phóng; vận động học sinh đến lớp, đồng thời biết bảo vệ học sinh khi có đạn pháo, địch càn quét, cùng sống, lao động sản xuất với nhân dân.
Các tỉnh Đông Nam Bộ, những lớp sư phạm ngắn hạn, dài hạn ở tỉnh và huyện vẫn thường xuyên được mở, đào tạo nhanh chóng giáo viên cấp I, II; có những lớp dành riêng cho cán bộ quản lý, hiệu trưởng và liên hiệu trưởng. Ở tỉnh Tây Ninh, năm 1974 đã mở lớp sư phạm dài hạn cho 120 giáo sinh, 6 lớp ngắn hạn 43 giáo sinh... (Trường Đảng tỉnh thành lập năm 1965 vẫn tiếp tục
hoạt động mở rộng quy mô đào tạo cán bộ các cấp phục vụ nhiệm vụ cách mạng.)
Những năm 1972 – 1973 bộ máy chỉ đạo giáo dục ở các tỉnh, huyện miền Nam luôn biến động, thiếu người do thường xuyên điều động, biệt phái và một số người đã hy sinh. Các khu phải đưa người về bổ sung cho tỉnh, tỉnh giảm bớt cán bộ đưa về củng cố cho cấp huyện, nhiều cán bộ "đi B" (những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc sau 1954 trở lại miền Nam tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước) về phải bổ sung cho trường sư phạm ở các tỉnh miền Nam. Trước tình hình đó, Tiểu ban Giáo dục Miền đã mở nhiều lớp "cán bộ phong trào" – cán bộ quản lý giáo dục cho các tỉnh, học viên được chọn đào tạo đa số đã qua lớp sư phạm, nhiệt tình cách mạng và có khả năng vận động, tổ chức phong trào để bồi dưỡng về chuyên môn, những kinh nghiệm công tác giáo dục trên địa bàn nông thôn ở vùng giải phóng.
Cán bộ, giáo viên tích cực vận động nhân dân xây dựng phát triển thực lực cách mạng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cách mạng ở vùng giải phóng nông thôn, chống nền giáo dục phản động Mỹ-ngụy ra sức đào tạo, bồi dưỡng những người có tinh thần cách mạng phục vụ kháng chiến, nâng cao ý thức giai cấp, dân tộc khơi dậy lòng căm thù giặc cho nhân dân lao động. Các cấp giáo dục đã phân công nhiều cán bộ giáo viên về cơ sở, tùy theo yêu cầu tình hình thực tế địa phương tham gia mọi công tác chung dưới sự chỉ đạo của cấp ủy cơ sở, cùng với Ban giáo dục xã vận động nhân dân và giáo viên khôi phục xây dựng trường mới, mở rộng quy mô lớp học. Tháng 4/1972 Tiêủ ban Giáo dục Miền và Bộ Giáo dục Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã chủ trương thành lập Trường sư phạm cấp II miền Nam (gọi tắt là Trường sư phạm miền Tây – Trường sư phạm R).
Các trường sư phạm được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố xây dựng thực lực giáo dục cách mạng. Qua đó, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng. Lực lượng cán bộ giáo viên đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giáo dục và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nói chung. Chuẩn bị những điều kiện cơ bản sẵn sàng đội ngũ thầy cô giáo và những người tham gia công tác giáo dục có phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn để tiếp quản Sài Gòn và các tỉnh lỵ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng.