NGƯỜI TRONG THƠ HỮU THỈNH.
2.1. Hình tượng quê hương, đất nước trong thơ Hữu Thỉnh:
Mối quan hệ giữa văn chương và cuộc sống từ lâu đã được chú ý. “Văn chương là cái hiện trạng của một thời đã làm nên nó” [37, 133]. Mác – xim Gorki cũng nhấn mạnh:
“Khi còn có nhà nước giai cấp thì nhà văn – con người của môi trường và thời đại nhất định – dù muốn dù không cũng phải phục vụ và quả nhiên đang phục vụ có điều kiện hay vô điều kiện cho những quyền lợi của thời đại mình, của môi trường mình” [37, 134 ].
Khác với văn xuôi, thơ phần lớn thuộc thể loại trữ tình, trong đó thế giới nội tâm con người với sự đa dạng, phong phú của những sắc thái tình cảm được bộc lộ trực tiếp và trở thành nội dung chủ yếu của thơ. Tuy nhiên, theo cách thức riêng của mình, thơ phản ánh hiện thực đời sống thông qua những biến cố, sự kiện và nhân vật trữ tình chứa đựng những tính chất tiêu biểu, khái quát trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Điều này là nguồn cội âm thầm của tính xã hội và giá trị chân thực của thơ.
Bielinxki cũng cho rằng: “Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ do ở mình, và chỉ miêu tả mình – dù là miêu tả những nỗi khổ đau của mình hay những hạnh phúc của mình. Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại” [114, 361].
Hữu Thỉnh cũng như bao nhà văn, nhà thơ chiến sĩ khác, sinh trưởng trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Nhà thơ đã dấn thân vào cuộc chiến chung của dân tộc với tư cách một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Thực tế sinh động nơi chiến trường cùng với cảm quan nghệ thuật của mình, Hữu Thỉnh đã để lại những dòng thơ về quê hương đất nước khá thành công.