Trong thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hình ảnh quê hương, đất nước được phản ánh trong hầu hết những sáng tác của các tác giả thơ đương thời. Mỗi thi sĩ lựa chọn cho mình những cách thức thể hiện riêng, qua đó, thể hiện cách nhìn nhận, chiêm nghiệm của mình về quê hương, đất nước. Ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước dường như trở thành một đề tài lớn trong thơ ca nói riêng và văn học nói chung.
Nhận xét về hình tượng Tổ quốc trong thơ chống Pháp và chống Mỹ, Nguyễn Bá Thành cho rằng: “Thời kháng chiến chống Pháp, Tổ quốc đồng nghĩa với chính quyền cách mạng, là nền dân chủ cộng hòa, là nhà nước công nông trẻ tuổi, là sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh Tổ quốc trong thơ thời kì đầu kháng chiến vẫn còn chung chung, chưa thật rực rỡ, sáng chói như thời chống Mỹ. Hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội…hình ảnh Tổ quốc trong giai đoạn này được khai thác chủ yếu ở phương diện giàu đẹp” [139, 140].
Ở một chỗ khác, tác giả cũng nhận xét:
“Hình ảnh “đất nước sang trang”, “lịch sử sang trang”, “cuộc đời sang trang” được nhắc lại nhiều lần trong thơ. Tổ quốc được các nhà thơ hình tượng hóa như một con tàu vừa nhổ neo, cưỡi sóng ra khơi, đi đến những bến bờ hạnh phúc: “Ôi tương lai như hải cảng lắm tàu” (Chế Lan Viên), “Tổ quốc tôi như một con tàu” (Xuân Diệu), “Hết đêm rồi đời lật giở sang trang” (Chế Lan Viên), “Xưa là rừng núi là đêm / Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày” (Tố Hữu). Hiện thực cuộc sống mới tràn vào thơ với một không khí tươi vui, sắc màu
rạng rỡ (…). Tư duy thơ thường liên hệ với “quá khứ buồn thương”
để nêu bật những hình ảnh của “hiện tại huy hoàng” và “tương lai tươi sáng”. Tình yêu Tổ quốc là thứ tình cảm thiêng liêng được các nhà thơ tập trung ca ngợi, thể hiện. Tổ quốc được ví với tình cảm vợ chồng, mẹ cha. Tổ quốc gắn liền với trách nhiệm chiến đấu và hi sinh tính mạng, đó là đỉnh cao nhất của tình yêu”. [139, 146].
Nhìn lại thơ ca chống Mỹ, ta thấy điều này đã trở thành một hiện tượng mang tính phổ biến. Mỗi nhà thơ có cách nhận thức riêng cho mình về Tổ quốc:
“Từ mảnh đất hiện tại, Chế Lan Viên nhìn về nguồn lịch sử và hỏi “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Rồi ông tự trả lời: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”. Huy Cận nghĩ về lịch sử ngàn năm của dân tộc qua dáng ông cha còn đọng lại trên “Những pho tượng chùa Tây Phương” và tự hào “ngày nay xã hội đã lên đường”. Giữa những ngày tổng tiến công và nổi dậy của quân và
dân miền Nam tết Mậu Thân (1968), Lê Anh Xuân đã nhìn thấy một
“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ “Đất nước” đã làm sống lại những biểu tượng về Đất nước, nhân dân có trong văn hóa truyền thống” [139, 147].
Trong thơ và trường ca, Hữu Thỉnh cũng có cách biểu hiện riêng về quê hương đất nước: “Bao trùm lên toàn bộ sáng tác của Hữu Thỉnh là cảm hứng về đất nước, nhân dân. Đất nước của anh là một Việt Nam kiên cường, bất khuất đã khẳng định và hoàn thiện tư cách dân tộc của mình. Nhân dân của anh là những số phận thầm lặng, những con người biết chịu đựng và biết hi sinh” [160, 51].
Đó là nhận định mang tính khái quát nhất về hình tượng quê hương, đất nước trong thơ Hữu Thỉnh. Chúng ta có thể bắt gặp sự hiện diện một cách thường xuyên của hình tượng đất nước, quê hương trong trường ca của tác giả.
Trong “Sức bền của đất”, tác giả đã nhìn nhận được sức mạnh của dân tộc trong sự gắn bó keo sơn giữa tuyền tuyến và hậu phương: “Chiến dịch mở ra khi thời vụ bắt đầu/ Mang cái rét giêng hai đi đánh giặc/ Mang chất thép định hình trên bàn cát/ Qua những cánh đồng đang sủi lăm phù sa/ Ta chao chân trên những mảnh bờ/ Lặng lẽ nhận ra sức bền của đất/ Đạp cứ điểm lần theo từng dấu dép/ Ta nhận ra màu bùn của những cánh đồng chiêm” (Sức bền của đất).
Hình tượng Tổ quốc – đất nước trong trường ca Hữu Thỉnh được khắc họa qua hình ảnh ẩn dụ “gốc sim cằn”: “Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù
chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao Tổ quốc/ Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim” (Đường tới thành phố)
Trong trường ca Biển, hình tượng Tổ quốc được hình thành từ những hạt cát của biển khơi: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc” (Chương 2: Cát, Trường ca Biển)
Hình tượng Tổ quốc trở thành nghĩa vụ thiêng liêng mà mỗi người hướng đến như cái đích đến cuối cùng trong cuộc kháng chiến gian khổ và hào hùng: “Còn ao ước nào hơn/ Tự do và đoàn tụ/ Vào rừng lấy mật và đẳng gỗ/ Thương mẹ và yêu em/ Còn hạnh phúc nào hơn/ Tổ quốc” (Đường tới thành phố)
Từ cảm hứng sử thi trong cái nhìn về Tổ quốc, Hữu Thỉnh đã nghĩ về hình tượng nhân dân, dân tộc với sức mạnh và truyền thống đấu tranh vẻ vang:
“Nhân dân
Vẫn nguyên vẹn nhân dân
Răng hạt lựu vẫn không cam đồng hóa” (Đường tới thành phố)
Hình tượng quê hương thời chiến tranh trong thơ Hữu Thỉnh nói chung (bao gồm cả thơ và trường ca) mang một đặc điểm nổi bật có thể khu biệt một cách đáng tin cậy về chất so với thơ của các tác giả đương thời: nó luôn luôn và bao giờ cũng gắn liền với hình tượng người mẹ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua Đường tới thành phố và
Sức bền của đất.
Trong thơ Hữu Thỉnh, hình tượng Tổ quốc – đất nước xuất hiện không nhiều. Hình tượng này đã hóa thân vào hình tượng có cấp độ nhỏ hơn về lượng: hình tượng quê hương. Và nếu hình tượng Tổ quốc – đất nước trong trường ca mang tính khái quát cao độ để đảm bảo một cách có hiệu quả cảm thức sử thi của thể loại; thì trong thơ, hình tượng này đã hòa vào hình tượng quê hương qua cách nhìn nhận mang tính chủ quan của nhân vật trữ tình.
Thơ Hữu Thỉnh đã đem lại một cách thể hiện mới khá đặc sắc về hình tượng quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vẫn trên cái nền chung của thơ ca đương thời,
tác giả đã biết lựa chọn cho mình cách thức biểu đạt riêng mà qua đó, dần hình thành nên phong cách thơ.
Hình tượng quê hương – đất nước trong thơ Hữu Thỉnh có xu hướng được thể hiện trên những phạm vi nhỏ hẹp. Chúng ta hoàn toàn cảm nhận được sự vắng bóng của lớp nghĩa biểu trưng, khái quát, mang tính lớn lao, vĩ mô về hình tượng này. Đây cũng là nét khác biệt cơ bản của hình tượng Tổ quốc, quê hương trong trường ca và trong thơ Hữu Thỉnh.
Hình tượng Tổ quốc dường như không được đề cập đến một cách trực tiếp trong thơ ông. Hữu Thỉnh nói nhiều về quê hương, về những nơi người lính đi qua hơn là đúc kết hay phản ánh hình tượng Tổ quốc hào hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Ở đây, hình tượng quê hương đất nước luôn gắn liền với cảm thức về người mẹ ở hậu phương. Đó có thể là hình tượng quê hương nghèo bị tàn phá trong chiến tranh gắn liền với người mẹ vất vả, tảo tần: “Mưa bay, mưa bay trong mùa gieo hạt/ Mười mấy năm tôi đi đánh giặc/ Không năm nào không nhớ đất đai/ Tôi nhớ đất đai của tôi/ Nhớ sao da diết/ Mẹ tôi đã già/ Em tôi giặc giết/ Tôi lớn lên không một đỡ đần” (Nỗi nhớ đất đai). Cũng có thể là quê hương gắn với không gian “vườn” thuộc quyền quản lí của người mẹ: khu vườn (ổi, đào, mận, mơ,…) (Hương cốm). Hoặc cũng có khi, hình tượng quê hương được khúc xạ qua nỗi lo đau đáu của người chiến sĩ về sự an nguy của mảnh đất quê hương, mà ở đấy, bà mẹ già đang sống từng ngày dưới bom đạn kẻ thù (Hương vườn). Những biểu hiện cụ thể của yếu tố này chúng tôi sẽ đề cập ở mục hình tượng người mẹ trong thơ Hữu Thỉnh ở phần sau.
Ngoài đặc điểm nổi bật trên, hình tượng quê hương, đất nước còn thể hiện ở một số chi tiết khác. Hình tượng này có thể được biểu trưng qua môi giới diễn đạt của hình ảnh đất: “Tôi vốc nắm đất lên/ Bắt gặp mùi tro bếp/ Đất gần như màu thép/ Cũng gần như bánh gai” (Đất); “Mười mấy năm tôi đi đánh giặc/ Không năm nào không nhớ đất đai” (Nỗi nhớ đất đai),…
Đất nơi chiến trường ác liệt cũng có những nét gần gũi nhắc nhớ về mùi vị, hình ảnh của quê hương. Nhân vật trữ tình “bắt gặp mùi tro bếp”, và màu “bánh gai”, hai hình ảnh gắn liền với làng quê nghèo ở chốn hậu phương, với tuổi thơ.
Thực ra, trong trường ca Hữu Thỉnh, đất cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng cho quê hương đất nước một cách rõ nét. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này qua hai trường ca của ông: “Biểu tượng đất nổi bật trong thơ Hữu Thỉnh, trở thành chủ đề của trường ca Sức bền của đất, của chương 4 “Đất này” (Trường ca Biển), của ba khúc “Đất ru” trong trường ca Đường tới thành phố. Hình tượng đất thể hiện khá toàn diện, đầy đủ quan niệm của nhà thơ về đất đai. Đất đai là môi trường sinh tụ của giống nòi “không có đất không thể nào sống được”, “cần có đất để làm nên quê hương”, “đất dựng nên làng”, sự sống muôn màu muôn vẻ đều bắt đầu từ đất” [130, 92]: “Luống hành hoa đội rạ đứng lay phay/ Người tứ phương tụ hội về đây/ Cắm cọc treo nồi/ Đóng đinh móc rế/ Trồng mùa thu bằng cây thị/ Trồng mùa hè bằng ngó sen/ Cây lan có tên cho cô Lan có tên/ Cây trúc có tên cho côc Cúc có tên…” (Trường ca Biển)
Hình ảnh quê hương còn được khai phá ở nét quyến rũ tự nhiên của nó. Trong bài
Mùa xuân đi đón, tác giả đã cung cấp thêm cho chúng ta khía cạnh tươi sáng, lộng lẫy của quê hương trong khung cảnh mùa xuân bên cạnh hiện thực điêu tàn trên gương mặt quê hương trong những ngày lửa khói: “Mùa xuân hẳn bắt đầu/ Trên quê mình mưa rắc/ Ruộng lúa dựng chiêm lên/ Cỏ đội bờ thả sức…Ở đây nghe rõ nhất/ Bao lời quê nhắn nhe” (Mùa xuân đi đón).
So với các thơ ca đương thời, hình tượng Tổ quốc – quê hương trong thơ Hữu Thỉnh có những nét khác biệt rõ nét.
Hình tượng Tổ quốc trong thơ ca chống Mỹ nói chung thể hiện chủ yếu ở các phương diện: truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử, đặc điểm địa lí,…
Chế Lan Viên cảm nhận sức mạnh Tổ quốc – đất nước từ truyền thống đánh giặc và làm thơ:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
Lâm Thị Mỹ Dạ đã có cách hình dung đáng nhớ về hình tượng Tổ quốc qua chi tiết mang đậm nét văn hóa truyền thống: tiếng đàn bầu.
“Tiếng đàn da diết xót xa nguồn cội
Tiếng đàn là Tổ quốc trong tôi”
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Tuy cùng viết về hình ảnh của một vùng quê hương thân thuộc, nhưng trong nhận thức thẩm mỹ của các nhà thơ đều có những địa chỉ chuyển tải tâm tình rất riêng cho mình. Quê hương trong thơ Hữu Thỉnh là làng quê nông nghiệp Bắc Bộ với những biểu hiện cụ thể của ruộng đồng, mà gắn chặt với nó là sự nâng đỡ nhiệm mầu của người mẹ. Hình tượng quê hương trong thơ Tế Hanh gắn liền với sông nước quê hương ông như một dấu hiệu nhận biết đặc trưng nghiêm túc: “Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến/ Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển/ Vẫn trở về lưu luyến bên sông” (Nhớ con sông quê hương); “Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ/ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm trôi/ Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi” (Quê hương).
Hình tượng Tổ quốc – quê hương trong thơ Hữu Thỉnh trong sự đối chiếu với các nhà thơ nữ đương thời, cũng có những điểm khu biệt đáng lưu ý:
“Nếu ở Xuân Quỳnh, Việt Anh, Tổ quốc là người mẹ lớn gồng gánh đau thương mất mát qua chiến tranh và sẵn sàng chiến đấu, dồn căm thù lên đầu súng thì ở Lê Thị Mây, Tổ quốc được nhìn từ phương diện địa lý, văn hóa và những trang sử hào hùng từng ghi danh các anh
hùng dân tộc. Ở Ý Nhi, Hoàng Thị Minh Khanh, Tổ quốc được hiện
hình dọc qua những miền quê từ Bắc chí Nam (Hải Phòng, Hà Nội,
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đông Hà, Huế, Quảng Nam, Nha Trang, Nam Bộ, Sài Gòn...). Còn ở Trần Thị Mỹ Hạnh, Tổ quốc in đậm với vùng mỏ miền trung du” [102].
Tóm lại, hình tượng quê hương trong chiến tranh trong thơ Hữu Thỉnh chủ yếu được khắc họa qua cách nghĩ của người lính về người mẹ. Hình tượng quê hương gắn liền với cuộc sống của bà mẹ ở hậu phương. Đó là quê hương của của “ruộng vườn”, của làng quê nông nghiệp. Nó hiện lên với tất cả những vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng vô cùng thiêng liêng, đẹp đẽ trong kí ức của người đi xa.