3.1. Ngôn ngữ:
3.1.1. Tiếp thu văn học, văn hóa dân gian:
Quan hệ ảnh hưởng giữa văn hóa, văn học dân gian đối với lịch sử phát triển của các nền văn học dân tộc từ lâu đã được chú ý.“Trong Mỹ học, khi bàn về thơ trữ tình, Hê – ghen đã nhận xét rằng các đặc điểm dân tộc cũng như thế giới tâm hồn của các dân tộc được biểu hiện nhiều nhất và rõ nhất qua thơ ca dân gian. Cũng qua đó, Hê – ghen nhận thấy việc tiếp thu thơ ca dân gian là một trong những đặc điểm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của các nghệ sĩ lớn: “Héc – đe đã làm nhiều trên con đường này, và Gơ – tơ đã tiếp thu được cái tinh thần làm cho thơ này sinh động đến nỗi có thể sáng tạo được những tác phẩm làm cho chúng ta ngạc nhiên với với vẻ bên ngoài mộc mạc của nó” [49, 11].
Trong phần lí giải những biểu hiện cụ thể về sự chuyển hóa của một số phương thức thể hiện dân gian trong thơ ca cách mạng Việt Nam (công trình Ảnh hưởng của thơ ca dân gian trong thơ ca Việt Nam hiện đại (1945 - 1975) [49]), Nguyễn Đức Hạnh đã đưa ra ba dạng thức chuyển hóa chủ yếu của thơ ca dân gian vào văn học viết giai đoạn này. Cụ thể, đó là: ngôn ngữ, thể thơ, và mô – típ trữ tình dân gian. Trong đó, đáng chú ý nhất là phần trình bày về những chuyển hóa của mô – típ trữ tình dân gian vào thơ ca.
Tác giả cho rằng: “Mô – típ trữ tình dân gian được hiểu như là hình thức diễn đạt trữ tình mang đặc trưng dân gian bằng hình ảnh, biểu tượng, cảm quan. Như vậy, mô – típ trữ tình luôn luôn gắn với biểu tượng có bao hàm các nét nghĩa biểu trưng hóa và có liên quan đến những mỹ cảm truyền thống của cộng đồng” [49, 175]. Ở những điểm khác, người viết cũng dừng lại ở sự lưu ý: “Hầu hết những mô – típ trữ tình dân gian mang đậm tâm lí tình cảm của những con người lao động. Các biểu tượng của nó được xây dựng trên cơ sở nguồn thi liệu của môi trường thôn quê”. Và trong sự tiếp thu những mô – típ trữ tình dân gian của thơ ca giai đoạn 1945 – 1975, Nguyễn Đức Hạnh đã dẫn dắt chúng ta đi đến sự khẳng định: “phần lớn các mô – típ trữ tình dân gian được sử
dụng trong thơ ca hiện đại là những mô – típ có liên quan đến việc biểu đạt nội dung tình yêu. Điều này cũng dễ hiểu vì trong kho tàng thơ ca dân gian, nội dung đề tài tình yêu được biểu hiện phong phú hơn cả và số lượng và đạt được trình độ nghệ thuật cao cũng tập trung ở đây nhiều hơn. Thực tế này phản ánh xu hướng trữ tình truyền thống của người Việt và đã tác động đến tư duy nghệ thuật của các nhà thơ hiện đại. Khi họ diễn đạt những cảm xúc trữ tình sâu lắng thiết tha, nhất là khi diễn đạt nội dung trữ tình yêu thì thơ ca dân gian trở thành những mẫu mực” [49, 183].
Nhưng rõ ràng việc vận dụng những mô – típ trữ tình trong văn học dân gian không đồng nghĩa với việc sao chép, mô phỏng một cách thụ động hay làm sống lại những nét nghĩa mang tính truyền thống của nó mà là “phát huy một cách tuyệt đích phẩm chất thẩm mỹ của nó trong một tình huống trữ tình mới”. Không thể ngẫu nhiên khi Nguyễn Văn Dân cho rằng: “Chúng ta không thể nói rằng một đề tài hay một hình thức truyền thống được kế tục bởi lẽ nó tồn tại qua nhiều thập kỉ, mà chỉ là vì nó phát huy một ý nghĩa thẩm mỹ mới” .
Đó là những tiền đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để chúng ta có thể tiến hành những bước đi đầu tiên trong hành trình tìm hiểu những biểu hiện của văn hóa, văn học truyền thống trong thơ Hữu Thỉnh. Và để giải tỏa sức nặng của vấn đề, cũng như đảm bảo một cách thuần túy khả năng tập trung của phần này, chúng tôi chỉ cho phép sự chú ý của mình dừng lại ở phạm vi tiếp thu mô – típ trữ tình.
Nhận xét về thơ Hữu Thỉnh, Lí Hoài Thu từng đưa ra ý kiến: “Dù viết về chiến tranh hay tình yêu, tâm trạng con người hay non sông mây gió, thơ Hữu Thỉnh thấm đậm chất dân gian. Điều đó thể hiện cả trong cảm xúc, suy nghĩ lẫn chất liệu sáng tạo” [160, 52].
Từ những năm tám mươi, Lưu Khánh Thơ đã bắt mạch được những nhịp đập đều đặn đáng tin cậy của khả năng vận dụng văn hóa, văn học dân gian của Hữu Thỉnh: “Nét đặc trưng này cũng là một điểm mạnh và là yếu tố cơ bản tạo hình thành cá tính thơ Hữu Thỉnh, làm nên nét đặc sắc trong thơ anh…Vốn kiến thức phong phú này đã làm thơ Hữu Thỉnh thêm giàu có, tạo thuận lợi cho những tìm tòi sáng tạo của thơ anh. Hữu Thỉnh tiếp thu truyền thống dân tộc không chỉ là ở cách nói, cách ví von, so sánh, mà còn ở tư duy,
cách liên tưởng độc đáo, ở một âm hương xa xôi khó nhận biết. Phải chăng sự ảnh hưởng đó là nguyên nhân khiến cho Hữu Thỉnh có được những câu thơ đa nghĩa, có tính ẩn dụ cao, mới lạ trong cách diễn đạt, bất ngờ trong cảm xúc” [156].
Nguyễn Nguyên Tản cũng nhận thấy điều này khi nghiên cứu thơ Hữu Thỉnh:
“Thơ Hữu Thỉnh chứa khá nhiều điển cố. Điều đặc biệt là “điển cố” mà nhà thơ gợi ra không hề có tính bác học mà đậm chất dân dã, lấy từ ca dao, tục ngữ, cổ tích của dân tộc. Trừ một số trường hợp nhà thơ dùng nguyên một câu ca dao, châm ngôn, một câu thơ cổ còn phần lớn trường hợp là gợi nhắc đến những “điển cố” thông qua những hình ảnh sáng tạo mới. Dùng điển cố là giữ lấy cái hồn của nó để cho hình ảnh mới được đẩy lên một tầng nghĩa nữa do liên tưởng đến hình tượng” [ , 158]. Ở một chỗ khác, tác giả cũng không che giấu cảm quan xem đây là một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh: “Lấy điển cố từ kho tàng văn học bình dân để tạo dựng nên hình ảnh, diễn đạt ý là một nét đặc sắc của Hữu Thỉnh” [130, 159].
Thật vậy, đọc thơ Hữu Thỉnh chúng ta không thể nào chạy trốn cảm giác bị bủa vây bởi những ý, những lời nhà thơ chắc lọc từ nền văn học dân gian hay nói một cách khoáng đạt và chính xác hơn là văn hóa dân gian. Chúng ta không ít lần liên tưởng đến những lời dân ca khi đọc những dòng thơ của Hữu Thỉnh.
Trước hết là sự tiếp thu tục ngữ của Hữu Thỉnh.
Trong sự vận dụng tục ngữ vào thơ ca, Hữu Thỉnh chủ yếu không sử dụng lại hình thức nguyên thủy của lời tục ngữ, mà phần lớn chỉ dùng lại cái khung của nó. Tức là ông chỉ giữ lại những gì tinh túy, cái hồn của câu tục ngữ đó. Bài “Trên một chiếc xe tăng” là một minh chứng không mấy bất ngờ, chứng tỏ đầy đủ tính chất nghiêm túc của vấn đề:
“Vào lính xe tăng anh trước anh sau/ Nết ăn ở người thì lạnh nóng/ Khi đã hát hòa cùng một giọng/ Một người đau tất cả quên ăn” (Trên một chiếc xe tăng).
Trong bài “Nghe tiếng cuốc kêu”: “Em tránh mặt những người con trai đẹp/ Đợi anh/ Chỉ mong anh về/ Áo rách cũng thơm”
Hay thành ngữ: “Thôi thì quầy rộng quán dài/ Mua mai bán rủi phát tài cậy
Bên cạnh đó là cách tiếp thu từ văn hóa dân gian. Bài Lời thưa đầu tập Thư mùa đông cũng là một cách thức xưng danh của sân khấu chèo: “Tôi vẫn thường hay lẫn với mồ hôi/ Xin bạn cứ hình dung một mảnh đời lấm láp/ Những gì hay bỏ quên, những gì hay bỏ sót/ Tôi ấy mà xin bạn cứ hình dung” (Lời thưa)
Nhân vật tôi trong bài thơ trên đã tiến hành điều đó bằng sự giúp đỡ của các điệp khúc:“Tôi ấy mà những chiếc cốc vô danh” – “Tôi ấy mà cánh diều nhỏ cô đơn”– “Tôi ấy mà, một cuống rạ bơ vơ”. Điệp khúc này trở đi trở lại nhiều lần đã thể hiện vai trò hữu ích trong việc khắc họa chân dung nhân vật trữ tình.
Trong trường ca Hữu Thỉnh, những câu thơ mang âm hưởng ca dao xuất hiện khá nhiều lần: “Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu/ Mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ” (Đường tới thành phố)
Trường ca Biển được mở đầu bằng câu ca dao: “Ra sông lấy sống mà yêu/ Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin”. Hai câu thơ mang đậm tính ca dao này “được coi như khúc dạo đầu và lời kết của bản trường ca đã làm sâu lắng thêm mạch trữ tình của tác phẩm, thấm thía hơn phép đối nhân xử thế, triết lí nhân sinh của người Việt Nam” [160].
Rõ ràng đấy không phải là tất cả những minh chứng mà chúng ta có thể kể ra nơi đây. Con số này có thể tăng thêm nhiều lần nếu sự cho phép mỉm cười với văn bản: “Cái túi tám gang ngăn đứa lọc lừa/ Quệt chìa vôi vạch ngang lời điêu hót/ Mũi tên đồng thay lời di chúc/ Ba ông đầu rau dạy thế đứng chân” (Sức bền của đất); “Ông bà đi xa ruộng nương để lại/ Làm sẵn ca dao dạy cách ở ăn/ Nhà có anh có em/ Ruộng có sào có thước/
Lấy ngày giỗ cha làm ngày sum họp/ Nước lã hương trầm thanh bạch bảo ban nhau”
(Sức bền của đất); “Tiếng mẹ ru ta cuối bãi đầu ghềnh/ Mẹ đi đốt than mẹ thường gánh vã”; “Cho em ngập ngừng buông dây xuống giếng/ Sợi dây chùng do dự trước trăng in”;
“Châu chấu cào cào xanh tím rủ tôi đi/ Những đồi cỏ may những đồi trống ếch/ Cây
bưởi ca dao cây cao cổ tích/ Tôi âm thầm nuôi bống bống trong chai”; “Đất chẳng bao giờ héo/ Trời thăm thẳm không mòn/ Khi vui chán ván khi buồn mặc ta”; “Tóc em dài gội lá đài bi/ Cuộc tình ngắn bỏ buồn cho bến vắng”, “Ngã ba ngã bảy về đâu/ Cái ngáng làm cớ cho nhau chuyện trò/ Ngọn đèn bọc trong ống bơ/ Cho em mờ tỏ đến giờ trong tôi” (Đường tới thành phố), “Bao giờ lúa trổ đòng đòng/ Lúa đang trổ anh đang về
đấy chị” (Đường tới thành phố), Chị tôi đi thửa hương vòng/ Ngậm ngùi trên mộ cũ/ Cháu ở cùng bà bồng bống bang bang (Trường ca Biển); “À ơi tình cũ nghẹn lời/ Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh” (Trường ca Biển);
Sự lưu ý trên hoàn toàn chưa nằm trong mối kiểm duyệt về những đoạn thơ mà hình tượng của nó đã có mối liên hệ một cách bền vững với điển cố. Chẳng hạn như: Ta bới sóng đi tìm các dòng sông/ Gặp nàng Tiên Dung đội cát/ Cát bàng hoàng/ Thế gian mờ mịt/ Vì nàng Tiên Dung đem hết vầng trăng/ Thần tình ái bậc nhất/ Khiến nàng Kiều xăm xăm nhường bước/ Hồ Xuân Hương mời trầu (Trường ca Biển).
Trong thơ Hữu Thỉnh, những câu thơ chịu ảnh hưởng từ ca dao, hay văn hóa dân gian cũng xuất hiện khá nhiều lần.
Qua khảo sát thơ Hữu Thỉnh, chúng tôi nhận thấy thơ và trường ca ông chịu ảnh hưởng rất rõ nét từ những mô – típ trữ tình trong ca dao. Những câu thơ này, có thể sử dụng những hình ảnh hay là lẩy ý từ những lời ca dao truyền thống, cũng có thể là sự xuất hiện cả dòng đầu của lời ca dao để tạo nên đòn bẩy hữu hiệu trong việc thể hiện tình ý của câu thơ, bài thơ.
Ở dạng thứ nhất, chúng tôi thấy xuất hiện ở các trường hợp.
+ “Trông ra bờ ruộng năm nào Mưa bay trắng cỏ cào cào lá sen (Trông ra bờ ruộng)
+ “Cuốc kêu từ ngày cây tre chưa đủ lá đan sàng”
(Nghe tiếng cuốc kêu)
Ở các dòng thơ này, Hữu Thỉnh mượn ý từ một dòng của một lời ca dao. Tác dụng của nó không phải là đưa đẩy ý thơ đến với bến bờ ý nhị, tình tứ, mà là góp phần cụ thể vào việc thể hiện nội dung, chủ đề của bài thơ. Ý của lời ca dao có vai trò rõ rệt.
Chúng tôi nhận thấy cách vận dụng này là một yếu tố chủ đạo trong sự tiếp thu những tinh hoa văn học dân gian của Hữu Thỉnh. Trong không ít trường hợp chúng như những trợ thủ đầy nhiệt tình trong việc tạo nên những nét nghĩa biểu đạt đầy sáng tạo như là những bông hoa của nỗi đam mê sáng tạo bất tận. Không ít những câu thơ của ông có sức mạnh nhiều hơn số lượng âm tiết trụ lại trên hình hài thuần túy của nó, mà ngay từ
giây phút đầu giáp mặt với chuỗi âm thanh, chúng ta đã có nhiều hơn cảm giác được đối thoại cùng những mạch nguồn thầm kín xa xôi của những lời ca dao đầy tinh tế:
- “Anh đi tìm một ngày cau ấp bẹ Hoa ngủ mê trong lá mơ hồ”
(Im lặng)
- “…Ngọn sào tre ngấp nghé trái bòng non Cá chẳng hơi đâu đớp bóng cầu”
(Đất ngày thường)
Trong những bài thơ ngũ ngôn, những lời ca dao phần nhiều được tác giả mượn hình ảnh, từ ngữ. Tất nhiên, những từ ngữ, hình ảnh này không thể đóng vai trò như những người khách lạ mặt, viếng thăm chúng ta bằng những đợt xuất kích đến văn bản từ một phòng trọ nào đó trong đầu óc nhà thơ; mà là những hình ảnh mang tính chất phổ biến đối với số đông những ai yêu thích có vốn am hiểu nhất định văn học dân gian: “Ai mải đuôi cá cờ/ Bỏ quên cờ dải quạt/ Ai chơi ăn quan/ Giờ cười rung tóc bạc/ Ra giêng
ai lấy chồng/ Làm ngẩn ngơ tre trúc/ Đình xưa mơ bóng hạc/ Sóng còn lưu luyến sông”
(Mượn mùa thu một buổi). Hay:“Ai đưa đò tình/ Dạt vào bến lỡ” (Em còn nhớ chăng).
Cách vận dụng mô – típ trữ tình dân gian vào thơ không xa lạ gì đối với thơ ca đương thời và trước đó. Chẳng hạn trong thơ Xuân Quỳnh: “Mẹ lại hát ru con bài ca đất
nước/ Vợ cấy chồng cày, đồng cạn đồng sâu/ Và yêu nhau cởi áo cho nhau”; “Cô gái
lấy chồng dù không cách sông/ Quê mẹ nhìn về mênh mang nước trắng/ Bao xa cách như một hòn đảo vắng/ Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần” (Bài hát đập đường). Đặc biệt là những câu thơ có sức thôi miên kì lạ từ lời ru: “À ơi…cái ngủ đang về cùng con”; “À ơi…ngọn lửa ngày xưa”…
Đọc những câu thơ trên của Xuân Quỳnh, “ta như nhớ lại âm điệu của các câu hát quan họ, của những sắc màu sặc sỡ của hội chèo làng quê Việt Nam. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh có những nét như bâng quơ, như vô lí, như thừa thãi…nhưng đó chính là cái hồn nhiên, nhiều bản năng của nghệ thuật hát ru dân tộc. Một loạt bài như: Khi con ra đời, Lời ru, Tuổi thơ của con, Lời ru trên mặt đất…thể hiện rõ đặc sắc của thơ Xuân Quỳnh” [47, 159 - 160]. Trong bài viết Cảm nhận về thơ Xuân Quỳnh, Lưu Khánh Thơ
cũng chỉ ra nét đặc trưng trong việc vận dụng vốn văn hóa dân gian của nữ thi sĩ: “Chị thường hay chọn lời ru hoặc lấy cảm hứng từ lời ru làm giọng điệu cho bài thơ mình (Ru. Lời ru, Hát ru, Lời ru trên mặt đất, Lời ru của mẹ, Hát ru chồng những đêm khó ngủ…) (…). Những điều chị muốn nói với cuộc đời, những suy nghĩ về con người, về đất nước, về hạnh phúc, về tình yêu và nhiều quan niệm nhân thế đã được Xuân Quỳnh diễn tả nhuần nhị bằng những lời ru bình dị ấy (…). Tiếng ru là một hình thức và phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện phần sâu lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh.” [47, 15 – 16].
Như vậy đặc trưng trong cách vận dụng văn hóa, văn học dân gian ở Xuân Quỳnh nằm ở khía cạnh lời ru. Và nếu có thể diễn đạt cụ thể hơn, chúng ta hoàn toàn không có nhiều lí do để chối từ cách hiểu của Nguyễn Xuân Nam: đó là những lời ru mang đậm