3.3.1.1. Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây lắp.
- Sau sự ra đời của hiệp hội các nhà thầu xây lắp năm 2002, Nhà nước, các Bộ, các ngành nên có những yêu cầu hoặc khuyến khích cho hoạt động của các hiệp hội.
- Hình thành ngân hàng thông tin nhằm cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về máy móc thiết bị, giá cả nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là cung cấp các thông tin về chủ đầu tư nước ngoài, các nhà thầu quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị theo hình thức tín dụng thuê mua, cho phép các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có khả năng nâng cao chất lượng máy móc thiết bị của mình
- Cho phép các nhà thầu thực hiện các dự án mang tính xã hội được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
- Thành lập nên các tổ chức tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và phương thức có được chứng nhận về chất lượng của các tổ chức quốc tế có uy tín, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và 14000 trong tình hình hiện nay.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo cán bộ quản lí, cán bộ kỹ thuật phục vụ cho hoạt động xây dựng nói chung và công tác đấu thầu nói riêng.
3.3.1.2. Tăng cường quản lí Nhà nước và hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lí trong đấu thầu.
Thực trạng công tác đấu thần hiện nay có nhiều minh chứng cho thấy phương thức đấu thầu nhiều khi chỉ diễn ra về mặt hình thức vì doanh nghiệp nào tham gia và thắng thầu thường nằm trong sự dự tính trước của chủ đầu tư. Tính cạnh tranh khốc liệt trong ngành làm nảy sinh các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc đấu thầu. Sự móc ngoặc giữa nhà thầu và chủ đầu tư gây thất thoát và tổn phí vô ích cho Nhà nước và các nhà thầu khác, hơn thế nữa làm suy giảm chất lượng công trình.
Tạo dựng sân chơi, luật chơi nhưng không điều khiển cuộc chơi thì thật là nguy hiểm. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp trực tiếp hoặc gián tiếp để quản lí quá trình đấu thầu các dự án, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và ít nhất các biểu hiện tiêu cực. Đây là một yêu cầu rất khó khăn nhưng rất cần thiết, đã đến lúc phải đưa thị trường XDCB đi vào nề nếp để tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội.
Đặc biệt quản lí chặt chẽ đối với các dự án đầu tư nước ngoài vì chủ đầu tư thường bắt tay với các tập đoàn xây dựng lớn để gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước, làm thiệt hại chung cho nền kinh tế, yêu cầu Nhà nước phải xử lí các vi phạm nghiêm khắc và triệt để.
Việc tạo một hành lang pháp lí cho hoạt động đấu thầu diễn ra công bằng, hiệu quả, đi đúng hướng là công việc cần có sự bám sát thị trường, vấn đề hoàn thiện cần có sự chỉ đạo kịp thời mới có hiệu quả cao, sự thay đổi này bắt nguồn từ những bức xúc của thị trường.
Vấn đề ưu tiên cho nhà thầu Việt Nam trong đấu thầu quốc tế, tránh sự lấn lướt của các nhà thầu nước ngoài là vấn đề cần xem xét vì chủ ý của Nhà nước là quốc tế hoá và tạo dựng sự tự chủ, khuyến khích sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp. Nên ưu tiên hợp lí và chủ yếu tập trung vào công tác nâng cao lực bản thân doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đứng vững được trên thị trường quốc tế.