Ưu điểm và nhược điểm của phương thức tín dụng chứng từ

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Sở giao dịch I – Ngân hàng công thương Việt Nam (Trang 25 - 27)

1.2.4.1 Ưu điểm

So với các phương thức thanh toán quốc tế khác thì phương thức TDCT có những ưu điểm hơn hẳn, nó đem lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan:

 Đối với người nhập khẩu : Thư tín dụng là một công cụ giúp họ bắt người xuất khẩu phải thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng (thể hiện ở điều kiện hàng hoá, thời hạn giao hàng, chứng từ yêu cầu xuất trình). Người nhập khẩu sẽ dễ dàng tìm kiếm được đối tác dựa vào sự tín nhiệm mà họ “vay” được của ngân hàng, chưa kể họ có thể vay được một khoản tiền của ngân hàng trong trường hợp ký quỹ dưới 100% giá trị thư tín dụng.

 Đối với người xuất khẩu : Yên tâm khi giao hàng vì họ chắc sẽ hu được tiền hàng với một bộ chứng từ hoàn hảo, tức là khi họ đã hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, nếu người xuất khẩu không được thanh toán ngay khi xuất trình bộ chứng từ hoàn hảo thì tín dụng chứng từ có thể được thực hiện thông qua chiết khấu, lấy tiền ngay. Do đó, người xuất khẩu có thể nhanh chóng thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Mặt

khác, người xuất khẩu còn tránh được rủi ro do sự quản lý ngoại hối của nước nhập khẩu vì khi làm đơn xin mở L/C, người nhập khẩu phải có giấy phép chuyển ngoại tệ của cơ quan quản lý ngoại hối.

 Đối với ngân hàng : Khi tiến hành nghiệp vụ thanh toán quốc tế, ngân hàng thu được phí dịch vụ từ khách hàng. Đây là một nguồn thu ngoại tệ cho ngân hàng, mặt khác, khi thực hiện nghiệp vụ TTQT theo phương thức TDCT thì ngân hàng gặp ít rủi ro vì : Nếu cấp tín dụng cho khách hàng thì thời hạn cho vay không quá 180 ngày, ngân hàng được đảm bảo do nắm giữ các chứng từ sở hữu hàng hóa, tiền bán hàng thu được sẽ bù đắp cho khoản tiền mà ngân hàng phải trả cho người thụ hưởng (cơ chế tự thanh toán).

Tóm lại, ưu điểm lớn nhất của TDCT là nó đạt tới sự thỏa thuận có thể chấp nhận được giữa những lợi ích đối kháng của người mua và người bán thông qua việc làm cho thời gian trả tiền phù hợp với thời gian giao hàng, vì thế nó được đánh giá là phương thức đem lại sự công bằng nhất cho người xuất khẩu và người nhập khẩu, là phương thức ưu việt nhất trong TTQT.

1.2.4.2 Nhược điểm

 Phương thức này đòi hỏi một quy trình thanh toán rất tỉ mỉ, máy móc, đòi hỏi các bên phải cẩn trọng, nhất là khâu lập và kiểm tra chứng từ. Bộ chứng từ là căn cứ duy nhất để ngân hàng trả tiền nên khó loại trừ khả năng người bán giả mạo hoặc thay đổi chứng từ để đòi tiền trong khi giao hàng không phù hợp với bộ chứng từ xuất trình. Ngược lại, nếu người mua không thiện chí, họ có thể tìm ra lỗi rất nhỏ trên chứng từ để từ chối thanh toán mặc dù hàng đã giao đúng phẩm chất và thời hạn quy định.

 Phương thức này đem lại nhiều rủi ro nhất cho ngân hàng so với các phương thức khác, ngân hàng có trách nhiệm kiển tra “bề ngoài” của bộ chứng từ trong thời hạn quy định do người xuất khẩu gửi đến. Nếu xét thấy các chứng từ đó phù hợp với các quy định trong L/C và không mâu thuẫn lẫn nhau thì ngân hàng phải trả tiền cho người xuất khẩu và đòi lại tiền từ người nhập khẩu, ngược lại thì từ chối thanh toán. Nhưng nếu ngân hàng kiểm tra không kỹ, người nhập khẩu kiểm tra lại thấy bộ chứng từ không hoàn hảo thì có quyền từ chối thanh toán cho ngân hàng.

 TDCT là một kỹ thuật từ lâu đời, chắc chắn nhưng nặng nề, có thể làm cho người nhập khẩu bất bình vì họ phải trả thêm nhiều chi phí tốn kém. Mặt khác, thủ tục hành chính nghiêm ngặt đôi khi rất khó khăn cho người xuất khẩu trong quá trình lập chứng từ.

Vì vậy, các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng sử dụng các phương thức thanh toán khác ngay khi có điều kiện thị trường cho phép.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Sở giao dịch I – Ngân hàng công thương Việt Nam (Trang 25 - 27)