Mô hình WRF (Weather Reseach and Forecast) là một trong những mô hình khí tượng tân tiến và đang được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới sử dụng phổ biến hiện nay. Mô hình được phát triển dựa trên nền của mô hình MM5 (Mesoscale Model version 5) với sự cộng tác của nhiều cơ quan tổ chức lớn trên thế giới như: Phòng nghiên cứu Khí tượng qui mô nhỏ và qui mô vừa của trung tâm quốc gia nghiên cứu Khí quyển Hoa Kỳ (NCAR/MMM), trung tâm quốc gia dự báo môi trường (NOAA/NCEP), phòng thí nghiệm phương pháp dự báo (NOAA/FSL), trung tâm phân tích và dự báo bão của trường đại học Oklahoma (CAPS), cơ quan thời tiết hàng không Hoa kỳ (AFWA) và các trung tâm khí tượng quốc tế như Học viện khoa học khí tượng của Trung Quốc CAMS, Cơ quan thời tiết trung ương của Đài Loan, Cơ quan khí tượng Hàn Quốc KMA,...
Hiện nay, mô hình WRF đang được sử dụng rộng rãi trong dự báo thời tiết nghiệp vụ cũng như trong nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể: tại Mỹ, mô hình WRF đang được chạy nghiệp vụ tại NCEP (từ năm 2004) và AFWA (từ tháng 7/2006). Mô hình này cũng đang được chạy nghiệp vụ tại KMA (2006), tại Ấn Độ, Đài Loan và Israel (từ năm 2007). Ngoài ra một số nước khác đang sử dụng WRF trong nghiên cứu và dự định sử dụng mô hình này trong nghiệp vụ như Trung Quốc, New Zealand, Braxin,...Mô hình WRF là một hệ thống mô hình hoá hiện đại, linh hoạt và tối ưu cho cả mục đích nghiên cứu cũng như chạy nghiệp vụ. Đặc biệt,
mô hình WRF thường xuyên được cập nhật các phiên bản mới cũng như sửa chữa các lỗi xảy ra trong quá trình cài đặt và chạy mô hình. Phiên bản mới nhất của mô hình WRF (phiên bản 3.0) ra đời tháng 4 năm 2008, bao gồm các chức năng chính sau: hệ phương trình động lực học bất thuỷ tĩnh nén được đầy đủ; các sơ đồ vật lý được tích hợp cho những ứng dụng ở quy mô từ mét đến hàng nghìn km và có mã nguồn mở để người sử dụng, cũng như các nhà nghiên cứu có thể đưa thêm các sơ đồ vật lý vào mô hình; điều kiện biên di động; hệ thống đồng hoá số liệu 3DVAR; kỹ thuật lồng ghép miền tính một chiều và đa chiều. Tùy theo mục đích khác nhau mà việc sử dụng mô hình số nói chung cũng như mô hình WRF nói riêng để nghiên cứu, thử nghiệm theo nhu cầu của người sử dụng cũng khác nhau và trong luận văn này, như đã đề cập trong các nội dung nêu trên, tác giả sử dụng mô hình WRF để dự báo tầm nhìn ở Việt Nam. Chính vì thế, việc lựa chọn các sơ đồ tham số hóa đối lưu, bức xạ, v.v.. cũng được nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ để sử dụng cho mục đích của bài toán đặt ra. Có thể nói, hiện tại ở Việt Nam mô hình WRF đã và đang được các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học ứng dụng cũng như cải tiến phát triển một cách khá thành công phục vụ các mục đích nghiên cứu cũng như nghiệp vụ dự báo Khí tượng Thủy văn, trong đó có thể kể đến như Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (gồm Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường; Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), v.v.. Chính vì vậy, các nội dung mô tả chi tiết về mô hình đã được đăng tải trên nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, điển hình có thể kể đến như: Hoàng Đức Cường và cộng sự trong đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sơ đồ đồng hóa số liệu 3DVAR cho mô hình WRF nhằm dự báo quỹ đạo bão trên Biển Đông” [1], Phan Văn Tân và cộng sự trong đề tài “Thử nghiệm ứng dụng hệ thống WRF-VAR kết hợp với sơ đồ ban đầu hóa xoáy vào dự báo quĩ đạo bão trên Biển Đông [8], v.v.. Trong luận văn này, tác giả không miêu tả một cách chi tiết các thông tin về mô hình mà chỉ trình bày những nét chính cũng như những lựa chọn trong mô hình để phục vụ mục tiêu dự báo tầm nhìn cho khu vực sân bay Hà Nội,
Cát Bi và Vinh. Dưới đây là những nét chính sơ lược về mô hình như cấu trúc miền tính, các sơ đồ lựa chọn. Cấu trúc dữ liệu số liệu thực tế của ngành hàng không để phục vụ nội dung đánh giá kết quả dự báo tầm nhìn của mô hình.