Sản phẩm thay thế
2.3.6 Môi trường nội bộ
2.3.6.1 Trình độ lao động của doanh nghiệp
Trong tất cả các hoạt động sản xuất, xã hội, nhân tố con người luôn luôn là nhân tố căn bản, quyết định tới chất lượng của các hoạt động đó. Nó được phản ánh thông qua trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của từng lao động trong doanh nghiệp,... Trình độ của người lao động còn được đánh giá thông qua sự hiểu biết, nắm vững về phương pháp, công nghệ, quy trình sản xuất, các tính năng, tác dụng của máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, sự chấp hành đúng quy trình phương pháp công nghệ và các điều kiện đảm bảo an toàn trong doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng quản lý trong doanh nghiệp cũng như nâng cao trình độ năng lực của lao động thì việc đầu tư phát triển và bồi dưỡng cần phải được coi trọng.
Mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp tổ chức lao động khoa học, đảm bảo và trang bị đầy đủ các điều kiện làm việc tốt; môi trường làm việc thân thiện, an toàn và thoải mái cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có các chính sách động viên, khuyến khích người lao động nhằm phát huy khả năng sáng tạo trong cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua chế độ thưởng phạt nghiêm minh.
2.3.6.2 Trình độ máy móc, công nghệ mà doanh nghiệp sử dụng
Đối với mỗi doanh nghiệp, công nghệ luôn là một trong những yếu tố cơ bản, quyết định tới chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trình độ hiện đại, tính đồng bộ và khả năng vận hành công nghệ,.. ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sản phẩm từ đó tác động đến sức cạnh tranh của nó. Trong điều kiện hiện nay, thật khó tin rằng với trình độ công nghệ, máy móc ở mức trung bình mà có thể cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao. Ngược lại, cũng không thể nhìn nhận rằng cứ đổi mới công nghệ là có thể có được những sản phẩm chất lượng cao, mà chất
lượng sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nguyên vật liệu, trình độ quản lý, trình độ khai thác và vận hành máy móc, thiết bị,...
2.3.6.3 Trình độ tổ chức và quản lý sản xuất của Doanh nghiệp
Các yếu tố sản xuất như nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, lao động,... dù có ở trình độ cao thế nào đi chăng nữa, song không được tổ chức một cách hợp lý, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các khâu sản xuất thì cũng khó có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Không những thế, nhiều khi nó còn gây thất thoát, lãng phí nhiên liệu, nguyên vật liệu,... của doanh nghiệp. Do đó, công tác tổ chức sản xuất và lựa chọn phương pháp tổ chức sản xuất trong Doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược kinh doanh cũng như mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tuy nhiên, để mô hình và phương pháp tổ chức sản xuất được hoạt động có hiệu quả thì cần phải có năng lực quản lý. Điều này gắn liều với trình độ nhận thức, hiểu biết của cán bộ quản lý về sức cạnh tranh, chiến lược cạnh tranh, nhằm xác định được mục tiêu một cách chính xác rõ ràng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện và cải tiến khả năng cạnh tranh của Công ty.
2.3.6.4 Quan điểm lãnh đạo của doanh nghiệp
Theo quan điểm kinh doanh hiện đại, mặc dù công nhân là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nhưng người quản lý lại là người phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm. Trong thực tế, tỷ lệ liên quan đến những vấn đề trong quản lý chiếm tới 80%.
Do vậy, họ phải nhận thức được rằng đó không chỉ do lỗi ở trình độ tay nghề người công nhân mà còn do chính bản thân mình. Trên thực tế, liệu đã có nhà quản lý nào đặt cho chính họ những câu hỏi như: mình bố trí lao động đã hợp lý chưa ? Việc bố trí có phát huy được khả năng, trình độ tay nghề của người công nhân hay không ? Sản phẩm như thế đã đủ sức cạnh tranh với đối thủ chưa? Có phải lỗi do mình không.
Thêm vào đó, chiến lược cạnh tranh được lập ra dựa trên những nghiên cứu, thiết kế của các lãnh đạo Doanh nghiệp. Quan điểm của họ có ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện chiến lược toàn Công ty nói chung và chiến lược cạnh tranh nói riêng. Điều này chứng tỏ rằng, chỉ có nhận thức được trách nhiệm của nhà lãnh đạo thì mới có cở sở để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của chính Doanh nghiệp mình.
2.3.6.5 Tổ chức hoạt động xúc tiến
Trong kinh doanh thương mại hiện nay, các doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả cao nếu chỉ nghĩ rằng: "Có hàng hoá chất lượng cao, giá rẻ là đủ để bán hàng". Nhưng giá trị của hàng hoá, dịch vụ, thậm chí cả những lợi ích đạt được khi tiêu dùng sản phẩm cũng phải được thông tin tới khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng, cũng như những người có ảnh hưởng tới việc mua sắm. Để làm được điều đó các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các hoạt động của xúc tiến thương mại.
Công tác tổ chức hoạt động xúc tiến gồm một số nội dung sau
- Quảng cáo, khuyến mại
- Hội chợ triển lãm.
- Bán hàng trực tiếp.
- Quan hệ công chúng và các hoạt động khuyếch trương khác.
Công tác tổ chức hoạt động xúc tiến tốt tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và sản phẩm nói riêng
2.3.6.6 Dịch vụ sau bán hàng
Để nâng cao uy tín và trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng về hàng hoá của doanh nghiệp, đòi hỏi Doanh nghiệp phải thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng.
Nội dung hoạt động dịch vụ sau bán hàng gồm: Hướng dẫn cách sử dụng hàng hoá, lắp đặt, sửa chữa, bảo hành, bảo đảm các dịch vụ thay thế,...
Tác động của dịch vụ sau bán hàng:
- Tạo được uy tín cho hàng hoá và doanh nghiệp trên thị trường. - Duy trì và mở rộng thị trường.
- Bán thêm các thiết bị thay thế làm tăng doanh thu lợi nhuận.
Qua dịch vụ sau bán hàng doanh nghiệp nắm bắt được hàng hoá của mình có đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng không, để từ đó ngày càng hoàn thiện và đổi mới sản phẩm của mình. Do vậy, dịch vụ sau bán hàng là một biện pháp rất tốt tăng uy tín trong cạnh tranh.