Số Không
CHÚNG TÔI BAY!
Tôi ngã mất hãy nâng tôi, bạn hỡi! Thuyền chúng tôi lao vào cõi xa xăm... Đang trượt theo đường e-líp tuyệt trần Tôi bay mãi, bay theo vành Trái Đất!
Đây là mấy câu thơ tôi sáng tác sau này, chứ lúc ấy còn bụng dạ nào mà làm thơ nữa! Quả thật, tôi đã bay vào vũ trụ cùng với anh phụ bếp, Pi và thuyền trưởng Đơn Vị trên con tàu "E-líp - 1". Đó là cái chuyện bất ngờ mà hôm qua thuyền trưởng nói tới.
Nói chung, tôi đã tỏ ra gan dạ và trong suốt thời gian bay không hề nhúc nhích tí nào. Người ta buộc tôi vào ghế chắc đến thế cũng bằng thừa.
Pi cũng được buộc chắc như thế. Còn đối với thuyền trưởng thì không phải lo rồi. Ông cứ lơ lửng, nhào lộn thả sức trong không trung!
Thuyền trưởng nói rằng tôi với Pi cũng có thể bay lơ lửng đấy (dĩ nhiên nếu không bị buộc vào ghế): bởi vì hiện giờ chúng tôi đang ở trạng thái không trọng lượng, tức là chúng tôi bị mất trọng lượng! Thế trọng lượng biến đi đâu nhỉ? Giá bà mẹ Số Tám của tôi ở đây thì hay biết mấy, bởi vì mẹ tôi thường cứ ước ao gầy đi được mươi cân!
- Không nhất thiết cứ phải bay vào vũ trụ mới thực hiện được chuyện đó - thuyền trưởng nói. - Có thể làm mất trọng lượng bằng cách khác.
- Bác muốn nói đến vấn đề ăn kiêng phải không? - Pi hỏi.
- Đúng hơn là bác muốn nói đến việc chữa bệnh bằng thể dục, - thuyền trưởng trả lời nghiêm túc... Còn muốn mất trọng lượng thì chỉ cần đứng trên nóc tủ nhảy xuống cũng đủ rồi. Có điều là trạng thái không trọng lượng này ngắn ngủi quá, đến khi ta chạm chân tới đất là hết. Bất cứ vật thể nào đang rơi cũng đều mất trọng lượng. Trọng lượng chỉ trở lại với vật thể khi nào xuất hiện một chướng ngại vật cản trở nó rơi.
Chính vì thế mà các quả cầu có trọng lượng khác nhau của Ga-li-lê đều rơi đến đất cùng một lúc: trong khi rơi, chúng không nặng chút nào hết.
- Cháu không hiểu! - tôi nói. - Quả cầu rơi từ tháp nghiêng xuống đất. Thế rồi sau chúng đi đâu?
Thuyền trưởng chạm chân vào trần.
- Đi đâu à? Đi về phía trung tâm Trái Đất, chính chúng ta cũng bị sức hút của Trái Đất kéo về đó.
- Bác nói, - Pi nói xen vào, - trạng thái không trọng lượng xuất hiện trong lúc vật thể đang rơi tự do. Nhưng hiện giờ chúng ta có rơi đi đâu đâu?
Thuyền trưởng bực mình, lộn một vòng trong không khí.
- Sao không rơi? Chính là chúng ta đang rơi, từng phút, từng giây. Rơi liên tục ấy chứ! Nếu như chúng ta không đang rơi xuống Trái Đất thì chúng ta đã bay vút về phía một ngôi sao xa lắc nào rồi ấy chứ! Bởi vì, chúng ta luôn luôn bị tên lửa đẩy đi cơ mà.
- Khó nói chuyện với bác lắm! - tôi thở dài. - Lúc thì nói chúng ta đang rơi xuống Trái Đất, lúc thì nói chúng ta đang bị tên lửa đẩy đi xa.
- Đúng thế, - thuyền trưởng nói. - Chúng ta đồng thời bay theo hai hướng và hai hướng ấy đối lập nhau, tựa hồ như kéo co với nhau.
Đề chúng khỏi "tủi thân", con tàu của chúng ta không chọn hướng này, cũng không chọn hướng kia, mà chọn một hướng thứ ba. Kết hợp hai hướng lại, ta được cái gọi là quỹ đạo của con tàu, tức là đường cong mà con tàu của chúng ta đang quay xung quanh Trái Đất.
- Chắc đấy là đường tròn. - Pi đoán.
Nhưng thuyền trưởng bảo rằng, đấy không phải là đường tròn, mà là đường e-líp. Tất cả các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời đều theo các đường e-líp. Các vệ tinh cũng quay quanh các hành tinh theo các đường e- líp. Còn tàu của chúng ta cũng là một vệ tinh của Trái Đất (có điều đây là vệ tinh nhân tạo), nên chúng ta chẳng còn cách nào khác là cũng bay, theo đường e-líp.
Thuyền trưởng nói tiếp:
- Thế nhưng cái việc các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời theo các đường e-líp không phải là ngay một lúc loài người đã biết đâu. Cũng không phải ngay một lúc loài người đã biết Trái Đất quay xung quanh mặt Trời đâu. Xưa kia người ta cứ tưởng Trái Đất đứng yên một chỗ, và tất cả các thiên thể đều quay xung quanh nó. Người ta coi Trái Đất là trung tâm vũ trụ. Nhưng nhà thiên văn học vĩ đại người Ba Lan là Ni-cô-lai Cô-péc-nich đã chứng minh được rằng Trái Đất cũng là một thiên thể như các hành tinh khác, và tất cả các hành tinh, trong đó cóTrái Đất, đều quay xung quanh Mặt
Trời, mỗi hành tinh quay theo một quỹ đạo riêng. Thực ra, hình thù các quỹ đạo như thế nào không phải do Cô-péc-ních tìm ra, mà do nhà thiên văn học vĩ đại người Đức là Giô-han Kê-pơ-le tìm ra. Chính ông xác định được rằng các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời theo những đường e-líp.
Dĩ nhiên chúng tôi rất muốn biết e-líp là gì, hình thù nó như thế nào. Nhưng, thuyền trưởng bảo rằng đang "chổng vó lên trời" như thế này thì làm sao vẽ được e-líp. Ông hứa khi nào trở về Trái Đất... tức là trở về thuyền, thì sẽ giảng cho chúng tôi nghe.
Thuyền trưởng đã giữ đúng lời hứa. Khi chúng tôi trở về thuyền, ông gọi chúng tôi vào trong khoang, ở đó ông đã chuẩn bị sẵn một cái bảng và một tờ giấy trắng đính ở giữa.
Ông lấy một sợi chỉ, thắt nút ở hai đầu rồi xỏ vào mỗi nút một cái đinh ghim. Đoạn ông xuyên hai đinh ghim vào tờ giấy cách nhau một khoảng ngắn hơn sợi chỉ để sợi chỉ không bị căng mà chùng thoải mái. Sau đó ông lấy một cây bút chì đã vóc nhọn, dùng đầu bút có căng sợi chỉ, rồi vừa giữ sợi chỉ căng vừa đưa bút chì trên mặt giấy. Đầu bút chì vạch một đường giống như quả trứng có đầu tù.
- Đây hình e-líp như thế đấy, - ông nói. - Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời theo một đường na ná như thế…
- Thế Mặt Trời nằm ở chỗ nào? Chắc là ở đúng giữa? - tôi hỏi. - Không, Mặt Trời ở một trong hai tiêu điểm của e-líp.
À ra thế, đến bây giờ tôi mới hiểu được một số điều sơ đẳng về bầu trời ở trước mắt tôi.
Chú ý: Xin các bạn đừng ngạc nhiên. Hôm nay là ngày 31. Trong tháng Số Không có những 33 ngày kia!