Số Không
HAI
HẠT ĐẬU
Lại một ngày nữa không thấy đất liền. Mênh mông toàn là nước.
Thuyền trưởng quyết định tiếp tục cuộc trao đổi hôm qua của chúng tôi.
Ông mở đầu:
- Hôm qua chúng ta đã cùng nhau nhận định rằng, thời đại hiện nay mà không có toán học thì không làm được trò trống gì hết. Nhưng muốn vận dụng toán học thì cần những gì?
- Cần thuộc lòng bảng cửu chương! - tôi nhanh nhảu trả lời.
- Ăn thua gì!- thuyền trưởng lắc đầu. - Phải biết nhiều hơn nữa. Và cái chính là phải biết cách suy nghĩ. Và không phải là suy nghĩ chung chung, mà là suy nghĩ theo toán học. Để các cháu dễ hình dung hơn, bác ra cho các cháu một bài toán. Các cháu hãy tưởng tượng một quả cầu thật nhỏ, một hạt
đậu cũng được. Ta lấy một sợi chỉ cuốn một vòng quanh xích đạo của nó. Ta tháo sợi chỉ xích đạo ấy ra khỏi hạt đậu, duỗi thẳng nó ra rồi ta nối thêm chỉ cho nó dài thêm một mét nữa. Đoạn ta đặt sợi chỉ đã nối dài thêm đó lên mặt bàn thành một đường tròn, và ta đặt hạt đậu vào đúng tâm điểm đường tròn này. Sau đó ta đo xem khe hở giữa đường tròn và hạt đậu là bao nhiêu. Bác cam đoan rằng khe ở ấy xấp xỉ 6 cen-ti-mét. Bây giờ chúng ta làm lại thí nghiệm này với Trái Đất.
- Ấy! Ấy! - Pi kêu. - Trái Đất có phải là hạt đậu đâu!
- Thế trí tưởng tượng để làm gì? - thuyền trưởng hỏi. - Vậy chúng ta hãy tưởng tượng trong óc rằng chúng ta tháo xích đạo ra khỏi Trái Đất và uốn thẳng nó ra. Ta sẽ được một sợi dây dài 40 triệu mét. Ta nối cho nó dài thêm một mét nữa.
- Cũng chỉ thêm một mét thôi ư?
- Ừ! Rồi ta nối hai đầu của đường xích đạo đã dài thêm một mét ấy lại, uốn nó thành vòng tròn rồi lồng vào Trái Đất. Phải giữ cho nó khỏi "rơi", bởi vì giữa xích đạo và Trái Đất cũng có một khe hở. Các cháu thử nghĩ xem khe hở ấy rộng bao nhiêu nào?
- Chắc hẳn soi kính hiển vi cũng không thấy, tôi phát biểu. - Một mét so với 40 triệu mét thì nghĩa lý gì?
- Xem đó thì đủ biết cháu còn chưa biết cách suy nghĩ theo toán học, - thuyền trưởng nói. - Khoảng cách giữa đường xích đạo mới được nối dài và đường xích đạo cũ cũng vẫn thế, chừng 16 cen-ti-mét.
Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên.
- Cứ giương mắt ếch lên thì chẳng ích gì. Tốt hơn là phải nhớ lại xem tỷ số giữa chiều dài của đường tròn so với đường kính hay bán kính của nó là bao nhiêu, - thuyền trưởng khuyên.
Chúng tôi đề nghị thuyền trưởng giảng tỉ mỉ hơn chúng tôi mới hiểu, nhưng ông một mực chối từ, bắt chúng tôi phải tự giải lấy. Và để chúng tôi khỏi lúng túng, nhầm lẫn với những số lớn hàng triệu, ông khuyên chúng tôi nên thử lại bài toán trên một quả cầu có đường kính 100 cen-ti-mét. May thay, Pi (bao giờ anh ta cũng tìm ra được lối thoát khỏi thế bí) đề nghị hãy gác bài toán khó lại đến khi về nhà. Dĩ nhiên tôi ủng hộ ngay đề nghị của Pi. Và vì chúng tôi có hai người nên thuyền trưởng bị thuộc về thiểu số và ông đành chịu thua.