VỐN CỔ PHẦN, THANH KHOẢN VÀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ 1 Dự trữ và thanh khoản

Một phần của tài liệu Tài liệu Tiền và hoạt động ngân hàng Phần II- Chương 7 ppt (Trang 54 - 55)

7.5.1. Dự trữ và thanh khoản

Với một lượng tài sản nợ như trước, một ngân hàng có thể tăng lượng cho vay và nhờ thế tăng được lợi nhuận Pr bằng cách hạ dự trữ tiền mặt. Khi ngân hàng cho vay thêm bằng cách xuất tiền mặt, dự trữ của nó trực tiếp giảm đúng bằng lượng tăng lên của những khoản vay còn lại. Bảng chữ T số 8 ở phần trên chỉ ra điều đó. Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay bằng cách cấp séc, đầu tiên, cả tài sản có và tài sản nợ đều tăng lên một số đúng bằng khoản đã cho vay thêm. Sau đó, khi người vay mới bắt đầu viết Séc để thanh toán, tài sản nợ giảm đi dần dần, đồng thời khi Séc đó được chuyển về NHTW để bù trừ, dự trữ của ngân hàng tại NHTW cũng giảm đi một lượng tương ứng.

Như vậy, dù với hình thức nào, mỗi sự tăng thêm cho vay của ngân hàng đều dẫn tới sự giảm đi của dự trữ tiền mặt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã biết rằng, mặc dù việc có thêm lợi tức là hấp dẫn thật nhưng việc giảm dự trữ cũng là điều đồng nghĩa với sự tăng lên của rủi ro. Giả sử, vào một ngày đẹp trời nào đó, những người gửi bỗng nhiên viết séc để chi tiêu hoặc đến ngân hàng để rút tiền mặt nhiều hơn bình thường và nhiều hơn mức những người khác gửi vào. Những lúc đó, nếu dự trữ quá thấp và tổng cộng dự trữ với tài sản mới gửi vào không đủ để chi trả cho dân trong khi ngân hàng không thể xoay đâu ra tiền mặt kịp, tai họa sẽ xảy ra.

Để lại những lượng tiền mặt tối thiểu, đề phòng những biến cố như vậy là điều phải làm đối với ngân hàng. Dự trữ tiền mặt (hoặc những loại tài sản có chuyển dễ dàng thành tiền mặt mà không tốn hay tốn rất ít chi phí) để sẵn sàng đáp ứng cho những nhu cầu rút tiền bất ngờ của nhân dân được gọi là thanh khoản (Liquidity).

Thanh khoản còn chỉ ra những khái niệm rộng hơn. Vào một lúc bất kỳ nào đó, giả như ngân hàng có một khách hàng tốt và an toàn đến xin vay, nếu ngân hàng không thể cho vay được vì dự trữ chỉ còn quá ít, người ta sẽ gọi đây là tình trạng kẹt thanh khoản. Ngược lại, trường hợp ngân hàng có đủ điều kiện để đáp ứng ngay nhu cầu xin vay này, thuật ngữ chuyên môn gọi là điều kiện đủ thanh khoản. Từ những thí dụ trên, có thể khái quát rằng thanh khoản - đứng về phía ngân hàng - “là tình trạng tiền mặt sẵn sàng để chi trả hay gia tăng tài sản có”.

“Tình trạng tiền mặt sẵn sàng” (Access to Ready Cash) liên quan rất chặt chẽ đến dự trữ. Nhưng nó liên quan đến dự trữ dư thừa (ER) và tổng dự trữ (TR), chứ không tác động đến RR được, vì đây là dự trữ pháp định. Rõ ràng là ngân hàng cần phải có ER. ER càng cao, thanh khoản càng lớn. Nhưng điều ngược lại là, lượng cho vay và lợi nhuận thu được từ cho vay, lần lượt sẽ thấp theo.

Trong những nước đã phát triển, ngân hàng giải quyết bằng cách không để lại ER hoặc chỉ để lại rất ít vào một số ngày nào đó. Trong những ngày khác, khi cần, nó cho vay đến hết ER hoặc dưới mức RR rồi giải quyết tình trạng kẹt thanh khoản bằng cách vay ngắn hạn trên thị trường tiền tệ - tài chính như vay liên ngân hàng, vay bằng cách phát hành RPs, hoặc thậm chí vay của NHTW. Bảng 7.14 cho thấy rằng trong 10 năm (1986-1996), tổng ER của hệ thống NHTG Hoa Kỳ lúc cao nhất lên 1.664 tỷ USD. Nhưng cũng có lúc chỉ vào khoảng 776 tỷ USD. Điều quan trọng là ER này hầu hết đều là các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp từ thị trường tiền tệ và tài chính. So sánh dòng 3 và 4 ta có thể thấy điều đó, có nghĩa các ngân hàng đã cho vay dưới RR một cách khá thường xuyên.

Sự cứng nhắc của dự trữ bắt buộc đã buộc các ngân hàng phải xé rào cho vay dài hạn, rồi bù đắp lại khả năng thanh toán bằng cách vay ngắn hạn lãi suất thấp trên thị trường để bù vào RR và tăng ER. Tuy nhiên, ở các nước phát triển với thị trường tài chính - tiền tệ chưa hoàn chỉnh, hoạt động trên rất khó thực hiện. Không những thế, ở một vài nước, các ngân hàng phải dự trữ bắt buộc một cách nghiêm ngặt vào mọi lúc và ngoài cách khó vay ngắn hạn được ở đâu khác. Hai tình hình trên tạo ra những gánh nặng vô cùng lớn lên hiệu quả hoạt động, tước đi nhiều lợi nhuận của ngân hàng.

Bảng 7.14: Các loại dự trữ và vay mượn dự trữ của hệ thống NHTG Hoa Kỳ (1986 - 1996) Năm Các loại dự trữ 1986 1987 1988 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1/1996 Tháng 1) Tổng dự trữ 59560 62123 63739 61288 59120 55532 56540 62858 61340 57900 56937 2) Dự trữ bắt buộc 58191 61094 62699 60511 57456 54553 55385 61795 60172 56622 55451 3) Dự trữ dư thừa 1369 1029 1040 776 1664 979 1155 1063 1168 1278 1486 4) Vay mượn ngắn hạn 827 777 1716 2289 326 192 124 82 209 257 38

Nguồn: Federal Reserve Bulletin From 1986 to May 1996, P.A5 & A6

Người ta đã từng ví cách áp đặt RR cứng nhắc vào mọi lúc bằng một câu chuyện: “Có một chiếc tàu thủy chở 3000 hành khách vượt Thái Bình Dương. Trên tàu có 1000 phao cứu hộ để dự trữ cho tình trạng khẩn cấp. Thuyền trưởng được chỉ thị của công ty hàng hải là vào bất cứ lúc nào, cũng phải có đủ 1.000 phao cho 3.000 hành khách hay 1 phao cho 3 người. Tỷ lệ dự trữ này là bất di bất dịch và không được vi phạm. Nếu không, thuyền trưởng sẽ bị mất chức.

Trong một buổi tiệc vui, một hành khách vô ý ngã từ trên boong xuống biển. Ông ta kêu cứu. Thuyền truởng lâm vào tình trạng khó xử. Nếu không thả phao cứu hộ xuống, hành khách ấy có thể chết và công ty hàng hải cấp trên của ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu thả xuống một phao, hành khách sẽ sống. Có điều, trong thời gian ấy, trên tàu có 2.999 hành khách mà chỉ còn vỏn vẹn 999 phao. Như vậy, thuyền trưởng đã không tuân theo quy dịnh đảm bảo dự trữ 1 phao cho 3 người vào bất cứ lúc nào. Ông ta sẽ mất chức”.

Nếu bạn là thuyền trưởng trong hoàn cảnh ấy với những quy định cứng nhắc như thế, bạn sẽ làm gì? Đã có người đề nghị vui rằng với những kiểu quy định như vậy, để vẫn đảm bảo dự trữ mà vẫn cứu được nạn nhân, thuyền trưởng chỉ còn một cách duy nhất là liệng nốt thêm 2 hành khách nữa xuống biển và quẳng cho 3 người ấy một phao cứu hộ. Giải pháp này vui, nhưng không hoàn toàn vô lý.

Thuyền trưởng là chủ ngân hàng, công ty hàng hải là NHTW và nạn nhân kêu cứu là những công ty sản xuất và kinh doanh đói vốn. Các chủ ngân hàng để tăng thanh khoản, chỉ còn cách là mua thêm phao cứu hộ hay nói khác đi, để lại thêm tiền mặt vào ER khi mà không thể vay ngắn hạn đâu được. Nhưng dĩ nhiên, NHTG không thể để lại quá nhiều ER. Điều đó sẽ làm giảm các khoản cho vay, giảm lợi nhuận và nó có thể sẽ sạt nghiệp. Vậy để lại ER thích hợp nhất là bao nhiêu trong trường hợp các nước đang phát triển?

Một phần của tài liệu Tài liệu Tiền và hoạt động ngân hàng Phần II- Chương 7 ppt (Trang 54 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)