Cập nhật ngày 3/6/2009 lúc 6:24:00 PM. Số lượt đọc: 162.
Để chữa ho nhiều đờm, hãy nhai cùi (liền cả vỏ) phật thủ tươi, nuốt dần nước. Đờm sẽ tan dần và khí đỡ xông ngược lên, nhờ vậy mà hết ho. Cũng có thể lấy phật thủ tươi 30 g (khô 10 g), đường phèn 15 g, hấp cách thủy khoảng nửa giờ rồi chia 2-3 lần ăn trong ngày.
Thông tin chung
Tên thường gọi: Phật thủ
Tên tiếng An: Digitate citrus fruits
Tên khoa học: Citrus medica L. var. sarcodactylis (Noot.) Swingle
Thuộc họ Cam - Rutaceae
Mô tả
Cây bụi hay cây gỗ nhỏ, cao 3-4m, có gai. Lá hình trứng, chóp hơi tròn, có khi lõm, gốc thuôn, cuống ngắn. Hoa trắng. Quả dài, vỏ màu vàng sẫm, có nhiều múi chạy dài theo quả, phía ngọn tách ra trông như những ngón tay chụm lại; cùi dày đặc, giòn và có mùi thơm phức.
Cây ra hoa đầu mùa hạ, quả chín vào mùa đông.
Bộ phận dùng
Quả - Fructus Citri Sarcodactylis, thường là Phật thủ (Tay Phật). Hoa, lá và rễ cũng được dùng. Cũng như Thanh yên, ta có thể dùng hoa, lá và rễ thay thế khi không có quả.
Nơi sống và thu hái
Là cây trồng lấy quả dùng trang trí mâm quả ngày tết. Thu hái quả vào mùa thu đông khi quả chuyển sang màu vàng. Thái dọc thành từng miếng một rồi phơi hay sấy khô. Thu hái rễ vào mùa thu. Lá thu hái quanh năm.
Phật thủ - Citrus medica L. var.
sarcodactylis
ảnh theo farm1.static.flickr.com
Quả khi còn ở trên cây, ảnh theo ubcbotanicalgarden.org
Để sử dụng làm thuốc, khi hái quả về nên thái dọc thành từng miếng mỏng, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô ráo, dùng dần.
Thành phần hoá học
Trong Phật thủ có tinh dầu và một flavonoid, gọi là hesperidin. Vỏ quả chứa tinh dầu. Vỏ quả trong chứa limettin, ngoài ra còn diosmin và hesperidin.
Tính vị, tác dụng
Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau... Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Quả có vị cay, chua và đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí chỉ thống, kiện vị, hoá đàm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Dùng trị: 1. Trướng đầy bụng, đau dạ dày. Chán ăn, nôn mửa; 3. Ho dai dẳng có nhiều đờm. Cách dùng: Cũng sử dụng như Thanh yên.
Liều dùng 3-10g cùi quả khô, dạng thuốc sắc hoặc dùng quả ngâm rượu uống.
Đơn thuốc
Viêm dạy dày mạn tính, đau dây thần kinh bụng: Dùng quả tươi 10-15g (hoặc 6g khô) ngâm trong nước sôi uống thay trà.
Ho có đờm, viêm khí quản mạn tính: Nhai cùi cả vỏ với nước; hoặc phối hợp với Bán hạ (đã xử lý với gừng), mỗi vị 6g, sắc uống, pha thêm đường kính uống.
Chữa nấc, ăn vào nôn ngược trở ra: Lấy vỏ quả phật thủ tươi cắt nhỏ, trộn đều với đường, ăn ngày 3-4 lần, mỗi lần vài miếng, nhai rồi nuốt dần.
Viêm khí quản mạn tính: Phật thủ khô 6 g, bán hạ chế gừng (tẩm nước gừng sao vàng) 6 g, sắc với nước, pha thêm chút đường để uống.
Ăn không tiêu, gan và dạ dày đau tức: Có thể dùng một trong những phương thuốc sau: + Phật thủ tươi 12-15 g (khô 6 g), hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
+ Phật thủ khô, huyền hồ sách mỗi thứ 6 g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa đau dạ dày do lạnh: Phật thủ khô 15 g, gạo tẻ sao vàng 30 g, sắc nước uống ngày 3 lần.
Chữa đau bụng do tỳ vị hư hàn: Phật thủ tươi 100 g (khô 40 g), rượu trắng 1 lít. Phật thủ thái nhỏ, ngâm với rượu ít nhất 15 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 ml.
Viêm gan truyền nhiễm: Phật thủ khô 9 g; bại tương thảo (cỏ bồng) mỗi tuổi 1 g, từ trên 10 tuổi thì cứ tăng 2 tuổi thêm 1 g. Sắc với nước, pha đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình 10 ngày. Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm phương thuốc này trên 64 bệnh nhân và tất cả đều khỏi bệnh, các triệu chứng bệnh lý giảm rõ rệt trong vòng 4-6 ngày.
Đau bụng kinh: Phật thủ tươi 30 g, đương quy 8 g, gừng tươi 6 g, rượu trắng 30 g, thêm chút nước sắc lên, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa huyết trắng ra nhiều: Phật thủ tươi 30 g, ruột non lợn 30 cm (làm sạch), sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Giải say rượu: Phật thủ tươi 30 g, sắc với nước để uống.
Lưu ý
Đối với các chứng bệnh kể trên, nếu không có quả phật thủ thì thay bằng lá cũng có tác dụng tốt.
Nguồn tổng hợp: Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Những cây thuốc và bài thuốc Việt Nam, Ykhonet.com