Cập nhật ngày 6/8/2009 lúc 11:44:00 AM. Số lượt đọc: 352.
Súc miệng lúc sáng sớm bằng một muỗng dầu hướng dương, bạn sẽ giảm được chứng khó tiêu, cải thiện nhức đầu vì viêm xoang, viêm mũi. Cách này còn giúp giải độc cho người hút thuốc, nghiện rượu.
Thông tin chung
Tên thường gọi: Hoa hướng dương
Tên khác: quỳ tử, thiên quỳ tử, quỳ tử, quỳ hoa tử, Hoa mặt trời
Tên tiếng Anh: sunflower, Common sunflower, Tounwesol.
Tên khoa học: Helianthus annuus L. Thuộc họ Cúc - Asteraceae (Compositae)
Mô tả
Cây thảo sống một năm, có thân to thẳng, cao 1-3m, thân thường có đốm, có lông cứng. Lá to, thường mọc so le, có cuống dài; phiến hình trứng; lá ở phía dưới hình tim, nhọn đầu, mép lá có răng, hai mặt lá đều có lông trắng. Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7- 20cm. Bao chung hình trứng. Hoa hình lưỡi ở ngoài màu vàng, các hoa lưỡng tính ở giữa màu tím hồng. Cây ra hoa vào mùa đông, mùa xuân (12-2), có quả tháng 1-2.
Bộ phận dùng
Hoa lá, và toàn cây - Flos, Folium et Herba Helianthi.
Nơi sống và thu hái
Nguyên sản ở Mêhicô, hiện nay được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Khi quả chín, nhổ toàn cây và tách riêng các phần, đem sấy khô để dùng.
Thành phần hóa học
Toàn cây hoa Hướng dương
Hoa Hướng dương chứa một glucoside flavonic màu vàng (0,266% trọng lượng khô của các cánh hoa), các thành phần basic (cholin, betain), acid solanthic, thường kết hợp với calcium và cũng tìm thấy cả ở thân. Trong các lá bắc, có một chất nhựa trong suốt như nhựa thông. Gần đây, người ta đã xác định được là trong hoa chứa chất cryptoxanthin, lutein, taraxanthin và một ít caroten. Lá chứa caroten (0,111% trọng lượng khô), còn có một glucosid. Thân cây chứa glucosid, acid solanthic và phần lõi thân là một phức hợp galacturonic, rất giàu calcium. Trong quả, nếu tính theo phần trăm trọng lượng khô có: chất có albumin 13,50; nuclein 0,51; lecithin 0,23; dầu 30,19; đường 2,13; pentosan 2,74; cellulose 31,14; tro 2,86. Tinh dầu hướng dương gồm 1,2% chất không xà phòng hoá và các glycerid của acid linoleic (57,5%), oleic (33,4%), palmitic (3,5%), stearic (2,9%). arachic (0,6%, lignoceric (0,4%).
Tính vị, tác dụng
Hướng dương có vị ngọt dịu, tính bình. Cụm hoa có tác dụng hạ huyết áp và giảm đau. Rễ và lõi thân tiêu viêm, lợi tiểu, chống ho và giảm đau. Lá tiêu viêm, giảm đau, trị sốt rét. Hạt trị lỵ, bổ cho dịch thể, xúc tiến bệnh sởi chóng phát ban.
Hướng dương có tác dụng kháng sinh đối với
Staphylococus aureus, Escherichia coli và các bào tử của Neurospora, là một loại thuốc giảm sốt, có thể dùng trị sốt rét của trẻ em (cồn chiết hoa và lá) và là thuốc hạ nhiệt không gây phản ứng bảo vệ của cơ thể. Dầu Hướng dương là một loài dầu ăn tốt vì nó giàu acid béo.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Cụm hoa đầu dùng trị:
1. Huyết áp cao, đau đầu, choáng váng 2. ù tai, đau răng
3. Đau gan, đau bụng, đau kinh 4 Viêm vú, tạng khớp.
Rễ và lõi thân dùng trị:
1. Đau đường tiết niệu và sỏi, dưỡng trấp niệu 2. Viêm phế quản, ho gà
3. Khí hư.
Hạt hướng dương có nhiều tinh dầu và chất dinh dưỡng, ảnh theo
Hạt dùng trị:
1. Chán ăn; mệt mỏi và đau răng 2. Kiết lỵ ra máu
3. Sởi phát ban không đều.
Lá dùng trị sốt rét. Dùng ngoài trị bỏng, bỏng do nước nóng hay nắng nóng. Dùng cụm hoa đầu 30-90g, rễ và lõi thân 15-30g, dạng thuốc sắc. Nếu dùng nước chiết của hoa (1/10) ngâm trong 2- 3 giờ, ngày uống 2-3 lần.
Đơn thuốc Trị huyết áp cao
Dùng cụm hoa Hướng dương 60g, Râu ngô 30g sắc nước uống pha thêm đường.
Để chữa cao huyết áp, có thể dùng lá hướng dương khô 30 g (hoặc 60 g lá tươi), thổ ngưu tất 30 g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Còn với chứng ù tai, mỗi ngày nên dùng vỏ hạt hướng dương 15 g, sắc lấy nước uống.
Các thí nghiệm trên động vật cho thấy, chất phosphatide trong hạt hướng dương có tác dụng dự phòng các chứng cao mỡ máu cấp và tăng cholesterol máu mạn tính. Chất axit Linolenic trong hạt hướng dương có tác dụng chống hình thành huyết khối đối với chuột thí nghiệm.
Ho gà
Dùng lõi thân và cành cây hướng dương 15-30 g, giã nát, hãm nước sôi, thêm đường trắng và uống trong ngày.
Thượng vị đau tức do ăn không tiêu
Dùng rễ cây hoa hướng dương, hạt mùi, tiểu hồi hương mỗi vị 6-10 g, sắc nước uống.
Kiết lỵ đại tiện xuất huyết
Dùng hạt hướng dương (đã bóc vỏ) 30 g, hãm với nước sôi trong 1 tiếng, pha thêm chút đường phèn uống trong ngày.
Đại tiện không thông
Dùng rễ cây hoa hướng dương giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút mật ong uống. Mỗi lần uống 15-30 g, ngày uống 2-3 lần.
Dùng rễ cây hoa hướng dương tươi 30 g sắc với nước uống (chỉ đun sôi một vài phút, không nấu quá lâu sẽ mất tác dụng). Hoặc dùng lõi thân và cành cây hướng dương 15 g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong nhiều ngày.
Tinh hoàn sưng đau
Dùng rễ cây hoa hướng dương 30 g, sắc với đường đỏ uống.
Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu
Dùng lõi thân cành cây hướng dương một đoạn dài 1 mét, cắt ngắn, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong một tuần.
Đau bụng kinh
Dùng khay hạt hướng dương 30-60 g, sắc lấy nước, hòa thêm đường đỏ uống trong ngày.
Viêm tuyến vú
Dùng khay hạt hướng dương bỏ hết hạt, thái nhỏ, sao vàng, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 9-15 g, hòa với rượu hoặc nước sôi, sau khi uống lần thứ nhất nếu ra mồ hôi thì mới có kết quả (Trung dược đại từ điển).
Ung nhọt sưng tấy, lở loét
Dùng khay hạt thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, hòa với dầu vừng bôi vào chỗ bị bệnh.
Ngoại thương xuất huyết
Dùng lõi thân và cành cây hướng dương giã nát, đắp vào chỗ chảy máu.
Đau răng
Hoa hướng dương phơi hoặc sấy khô, nhồi vào tẩu thuốc lá hoặc nõ điếu cày, hút như thuốc lá hoặc thuốc lào. Hoặc: Dùng khay hạt hướng dương, rễ câu kỷ tử mỗi thứ 10-15 g, luộc với trứng gà, ăn trứng gà và uống nước thuốc.
Ngậm dầu hướng dương, liệu pháp trị nhiều bệnh
Súc miệng lúc sáng sớm bằng một muỗng dầu hướng dương, bạn sẽ giảm được chứng khó tiêu, cải thiện nhức đầu vì viêm xoang, viêm mũi. Cách này còn giúp giải độc cho người hút thuốc, nghiện rượu.
Cách súc miệng với dầu hoa hướng dương để phòng và trị bệnh đã được áp dụng từ hàng nghìn năm ở Ấn Độ và hàng trăm năm ở Nga. Hiện nó được y học châu Âu chấp nhận sau khi các kết
quả nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực bệnh ung bướu và bội nhiễm, đã chứng minh tính hữu dụng của dầu hoa hướng dương.
Phương pháp này được thực hiện như sau: Ngậm một muỗng dầu hoa hướng dương vào buổi sáng sớm lúc chưa ăn điểm tâm. Súc miệng cho dầu tráng đều ở lợi và kẽ răng trong 10-15 phút cho đến khi dầu loãng dần trong miệng và có màu trắng đục.
Sau khi nhổ hết dầu, cần chải răng cho thật sạch vì dầu hoa hướng dương khi đó đã kéo theo vi khuẩn cũng như tạp chất trong vòm miệng.
Nếu nhằm mục đích chữa bệnh, có thể súc miệng như thế đến ba lần trong ngày trước mỗi bữa ăn, làm trong 7-10 ngày liên tục.
Theo y học cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ, phương pháp súc miệng bằng dầu hoa hướng dương có tác dụng:
- Giải độc toàn diện cho người hút thuốc, nghiện rượu, lạm dụng thịt mỡ, dược phẩm... hay người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
- An thần cho người mất ngủ vì lo lắng.
- Hưng phấn chức năng tiêu hoá cho người biếng ăn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón.
- Cải thiện chức năng tư duy cho người mệt mỏi, đãng trí, mau quên vì hậu quả của stress. - Giảm nhức đầu vì viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, tăng áp lực nội nhãn.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, phương pháp súc miệng bằng dầu hoa hướng dương làm hưng phấn hệ miễn dịch nhờ loại trừ vi sinh vật độc hại trong vòm miệng.
Theo các thày thuốc ở Nga, phương pháp này có thể giảm thiểu lượng kháng sinh và rút ngắn liệu trình điều trị bệnh bội nhiễm. Nhiều nhà điều trị ở Nga đã áp dụng nó để phòng chống hội chứng mệt mỏi kinh niên, và hỗ trợ điều trị bệnh máu mãn tính (thiếu máu, thiếu tiểu cầu), viêm gan mãn, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng mãn, thấp khớp, viêm nha chu, mụn nhọt.
Nguồn: Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Từ điển cây thuốc Việt Nam