Giới thiệu cây thuốc dân tộc: Chàm mèo

Một phần của tài liệu Giới thiệu tác dụng làm thuốc của các cây thuốc nam docx (Trang 67 - 71)

Ở vùng rừng núi phía Bắc nước ta có một loại cây nhỏ thường mọc nơi ẩm ướt hoặc được người dân trồng để nhuộm vải màu xanh chàm gọi là cây Chàm mèo. Ngoài công dụng nhuộm vải, Chàm mèo còn được biết đến như một cây thuốc quý

Thông tin chung

Tên thường gọi: Chàm mèo Tên khác: Chàm lá to

Tên tiếng Anh: The Rum, Assam Indigo Tên khoa học: Strobilanthes cusia (Nees) Kuntze.

Tên đồng nghĩa: Strobilanthes flaccidifolius Nees

Thuộc họ Ô rô - Acanthaceae

Mô tả

Cây nhỏ lưu niên, cao 40-80cm (có khi đến 2m); thân nhẵn, phân nhánh nhiều, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, thường mềm ỉu, hình trái xoan hay bầu dục thon, dài 10-13cm, gân phụ 6-7 cặp, mép có răng hay khía tai bèo, các lá cùng một đôi thường không bằng nhau. Hoa mọc so le hay mọc đối, xếp thành bông ít hoa; các bông này lại xếp thành chuỳ; lá bắc hình lá, nhẵn, lá bắc con hình sợi; đài cao 1cm, các lá đài nhọn; tràng hoa màu lam đến tím, cuống dài 3-3,5cm, phía trên loe ra, có 5 thuỳ bằng nhau, nhị 4; bầu không lông. Quả nang dài, không lông.

Mùa hoa quả tháng 11-2.

Bộ phận dùng

Lá - Folium Strobilanthis Cusiae, thường gọi là Mã lam; Bột chàm - Indigo naluralis, thường gọi là Thanh đại.

Lá được chế biến khô gọi là Thanh đại, thân rễ và rễ gọi là Bản lam căn.

Nơi sống và thu hái

Hoa Chàm mèo - Strobilanthes cusia

ảnh theo hktree.com

Cây mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, các núi đá và được trồng lấy cành lá để nhuộm màu xanh chàm. Ở hầu hết các tỉnh vùng cao ở miền Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc đều có trồng chàm mèo trong các vườn gia đình hay trên nương rẫy gần nguồn nước, ở miền Nam cũng có trồng ở Bình Định. Người ta trồng chàm mèo bằng cách vào tháng 3-4. Sau khi trồng được 6 tháng đã có thể thu hái lá. Dùng lá tươi để chế bột chàm; lá tươi ngâm nước ở 30oC trong 12 giờ cho lên men. Lọc men, lọc, kiềm hoá bằng vôi và khuấy liên tục 4-5 giờ. Lọc gạn lấy bột Chàm, ép kiệt nước, thái thành miếng, phơi trong mát đến khô. Bột Chàm tốt phải chứa 60-70% indigotin.

Có thể chế Thanh đại thành dạng bột bằng cách ngâm lá chàm mèo vào vại nước cho đến khi nẫu nát, vớt bỏ bã lá, kiềm hóa bằng một ít vôi cục, quấy đều, vớt lấy bọt chàm nổi lên trên mặt, phơi khô trong bóng râm, nghiền nhỏ để dùng. Rễ thu hoạch sau khi hái lá một thời gian, rễ được đào lên, rửa sạch, phơi khô.

Thành phần hoá học

Lá Chàm mèo chứa 0,4-1% indican. Khi thuỷ phân, indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hoá, indoxyl cho indigotin. Indigotin có màu xanh lam sẫm. Còn có indirubin.

Tính vị, tác dụng

Chàm mèo và Thanh đại có vị đắng nhạt. tính lạnh, , quy vào 2 kinh can, vị, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, tiêu ban mẩn, lương huyết dùng chữa các chứng bệnh cấp tính: sốt cao, nhức đầu, miệng khát, phát ban, chảy máu cam, lỵ, mụn nhọt độc, mẩn ngứa, viêm họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm amidan, viêm đường hô hấp, sưng viêm và cầm máu. Thanh đại tính hàn, như là chàm và cũng tác dụng thanh nhiệt, tán uất, lương huyết, giải độc. Người ta đã nghiên cứu tác dụng kháng nội tiết sinh dục nữ, gây sẩy thai, gây tăng co bóp tử cung một cách nhịp nhàng. Nghiên cứu gần đây cho thấy Thanh đại có tác dụng tốt trong việc chữa trị ung thư bạch cầu do có chứa indirubin. Rễ chàm mèo (Bản lam căn) còn dùng chữa viêm não truyền nhiễm, viêm não B, thương hàn, quai bị.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Chàm mèo được dùng chữa trẻ em kinh sợ, cam nhiệt, sốt, sốt phát cuồng, sưng amydgal, nôn mửa, thổ huyết, phụ nữ rong kinh, rong huyết. Ngày dùng 4-6g cao lá trộn thêm đường, hoặc dùng 1-4g bột Thanh đại với nước. Dùng ngoài lấy cả cây Chàm mèo nấu cao đặc bôi chữa chàm chốc viêm lợi chảy máu mồm miệng lở loét, rắn độc và sâu bọ cắn.

Đơn thuốc

Tuệ Tĩnh đã dùng lá Chàm và Thanh đại để chữa một số bệnh sau:

1. Chữa uống thuốc quá liều lượng mà ngộ độc, buồn bực nguy cấp. Lá Chàm giã nhỏ, chế nước nguội, vắt lấy nước cốt uống vài bát.

2. Chữa đơn lở nổi bọng nước, đau nhức: Lá chàm giã nát đắp.

3. Chữa chảy máu mũi: bột Chàm, bồ hóng sao, tán bột lượng bằng nhau, uống mỗi lần 4g. 4. Chữa trẻ em cam răng, thối loét; dùng Thanh đại bôi khắp chân răng, mỗi giờ bôi một lần. 5. Chữa trẻ em sốt cao co giật, trợn mắt, hôn mê: Thanh đại hoà với nước cho uống, mỗi ngày 2- 8g chia uống làm nhiều lần.

Viện Dược liệu đã bào chế viên Thanh đại từ cao khô lá Chàm sao để chữa cho phụ nữ bị rong kinh. Dùng viên thanh đại chứa 0,25g cao khô lá Chàm mèo, mỗi ngày uống 10 viên chia làm 2 lần. Uống từ thời điểm 5 ngày trước lúc bắt đầu có kinh nguyệt và uống liên tục 10 ngày. Uống nhắc lại như vậy vào tháng 2, thứ 3 hoặc lâu hơn, cho đến khi kinh nguyệt trở lại bình thường thì ngừng uống thuốc. Nếu lại tiếp tục uống kéo dài, kinh nguyệt có thể bị chậm lại quá mức bình thường.

Người ta cũng dùng cao Chàm mèo phối hợp với cao Ích mẫu để gây sẩy thai ở giai đoạn sớm (thời kỳ đầu thai nghén) đạt kết quả 63%.

Một số bài thuốc dân gian thường dùng với Chàm mèo

Chữa cảm nhiễm độc tà, sốt cao, sợ lạnh, đầu mình đau nhức khát nước, kém ăn, rêu lưỡi vàng nhợt

Rễ chàm mèo 30g, Hoàng cầm 15g, Huyền sâm 10g, Cát cánh 10g, Liên kiều 10g, Sài hồ 10g, Ngưu bàng 10g, Thăng ma 3g, Mã bột 5g, Cam thảo 5g, Trần bì 5g, Cương tàm 5g, Bạc hà 5g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm não, sốt cao, khát nước

Lá Chàm mèo khô 15g (tươi 30g) Kim ngân hoa 30g, Thạch cao sống 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.

Chữa cảm mạo phong nhiệt

Rễ chàm mèo 15g, Đại thanh diệp 10g, Cát cánh 10g, Bạc hà 9g, Sinh cam thảo 3g. Sắc lấy 200ml uống một lần ngày một thang, uống 2 - 3 thang.

Chữa trẻ em bị cảm mạo dẫn đến các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm amidan, người khó chịu, sốt cao, miệng khát

Dùng Lá chàm mèo khô 10g. Sắc uống, chia 2 lần trong ngày. Trường hợp bệnh nặng: Rễ chàm mèo 30g, Hoàng cầm 15g, Áp chích thảo 30g, Xạ can 9g, Quán chúng 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.

Lá chàm mèo khô 15g, Bồ công anh 15g; Huyền sâm 12g. Sắc uống.

Chữa viêm họng, ban sởi, loét miệng, mẩn ngứa

Rễ chàm mèo 12g, Hoàng bá 8g, Kim ngân hoa 10g, Đại hoàng 9g, Cam thảo 5g. Sắc uống.

Chữa bệnh sởi kết hợp với viêm phổi

Rễ chàm mèo 9g, Kim ngân hoa 9g, Thiên hoa phấn 3g, Hạnh nhân 3g, Huyền sâm 6g, Mạch môn đông 3g, Tang diệp 3g, Tiền hồ 3g, Cam thảo 1,5g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần, uống 3 - 4 thang.

Chữa ban đỏ kết vảy thể huyết nhiệt

Rễ chàm mèo 15g, Hạt ích mẫu 15g, Tử thảo bì 15g, Đan bì 15g, Bạch truật 15g, Ngân hoa 15g, Sinh địa 15g, Phục linh 10g, Bạch tiên bì 15g, Kinh giới 10g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang chia 3 - 4 lần, liên tục 3 - 4 thang.

Chữa viêm da do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc sâu bọ đốt

Lá chàm mèo 30g, Xích thược 20g, Hồng hoa 10g, Đào nhân 15g, Tạo thích 30g, Sơn giáp sao 10g. Sắc uống ngày một thang, bã thuốc đem đun lại 2 lần, lấy nước rửa nơi bị bệnh.

Chữa viêm gan truyền nhiễm thể hoàng đản cấp tính

Rễ chàm mèo 50g, Kim tiền thảo 50g, Sa tiền 20g, Chỉ xác 20g, Nhân trần 50g, Hoàng cầm 25g, Mộc hương 15g, Mang tiêu (hòa sống) 15g. Sắc uống ngày một thang, liên tục 15 - 30 thang.

Chữa quai bị

Dùng rễ Chàm mèo 18g, Xích tiểu đậu 15g, Thanh bì 6g, Kim ngân hoa 6g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang chia 2 lần, dùng 2 - 4 thang. Hoặc rễ Chàm mèo 18g, Kim ngân hoa 9g, Hạ khô thảo 9g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống 3 - 4 thang.

Chữa viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, kết mạc sung huyết, mí mắt sưng to, chảy nước mắt

Rễ Chàm mèo 20g, Bồ công anh 18g, Hoàng liên 10g, Từ hoa địa đĩnh 15g, Liên kiều 15g, Hoàng cầm 12g, Đại hoàng 10g. Sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.

Nguồn tổng hợp: Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Sức khỏe & Đời sống

Một phần của tài liệu Giới thiệu tác dụng làm thuốc của các cây thuốc nam docx (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w