Giá cả vẫn được coi là một nhân tố cạnh tranh rất lợi hại, đặc biệt trong thị trường nhu cầu của dân cư thấp. Khá nhiều khách hàng khi mua hàng điều đầu tiên họ quan tâm đó là giá cả.
Đặc biệt việc tiêu thụ sản phẩm chịu tác động rất lớn của nhân tố giá cả sản phẩm về nguyên tắc, giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa và giá cả xoay quanh giá trị hàng hóa, theo cơ chế thị trường giá cả được hình thành tự phát trên thị trường theo sự thoả thuận giữa người mua và người bán. Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng giá cả như một công cụ hết sức sắc bén để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nếu doanh nghiệp đưa ra một mức giá phù hợp với chất lượng sản phẩm được đa số người tiêu dùng chấp nhận, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Và ngược lại, nếu định giá quá cao, người tiêu dùng không chấp nhận thì doanh nghiệp chỉ có thể ngồi nhìn sản phẩm chất đống trong kho mà không tiêu thụ được. Mặt khác, nếu doanh nghiệp quản lý kinh doanh tốt làm cho giá thành sản phẩm thấp doanh nghiệp có thể bán hàng với giá thấp hơn so với mặt bằng giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây chính là một lợi thế trong cạnh tranh giúp cho doanh nghiệp có thể thu hút được cả khách hàng của các đối thủ cạnh tranh. Từ đó dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Đối với thị trường có sức mua có hạn, trình độ tiêu thụ ở mức độ thấp thì giá cả sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm. Với mức giá chỉ thấp hơn một chút là đã có thể tạo ra một sức tiêu thụ lớn nhưng với mức giá chỉ nhỉnh hơn đã có thể làm sức tiêu thụ giảm đi rất nhiều.
Hiện nay trên thị trường, ngoài cạnh tranh bằng giá cả, còn có các loại hình cạnh tranh khác tiên tiến hơn như cạnh tranh bằng chất lượng, bằng dịch
vụ nhưng giá cả vẫn có một vai trò khá quan trọng. Hàng hoá của doanh nghiệp sẽ không tiêu thụ được nếu giá cả hàng hoá không được người tiêu dùng chấp nhận. Người tiêu dùng luôn quan tâm đến giá cả và coi đó như một chỉ dẫn về chất lượng hàng hoá và các chỉ tiêu khác của hàng hoá, do vậy việc xác định một chính sách giá đúng có vai trò sống còn đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Đối với thị trường Việt Nam hiện nay, thu nhập của dân cư chưa cao, yêu cầu về chất lượng và chủng loại chưa cao nên cạnh tranh bằng chiến lược giá vẫn được coi là vũ khí lợi hại.
Khi định giá doanh nghiệp cần ý thức chính sách giá cả của mình phụ thuộc vào hình thái thị trường. Theo các nhà kinh doanh có bốn kiểu hình thái thị trường đó là (cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh độc quyền, cạnh tranh độc quyền tập đoàn, độc quyền tuyệt đối), và mỗi kiểu có những vấn đề riêng về lĩnh vực hình thành giá cả.
Quy trình định giá tổng thể: - Chọn mục tiêu định giá. - Phân định cầu thị trường. - Lượng giá chi phí.
- Phân tích giá đối thủ cạnh tranh. - Chọn kỹ thuật định giá thích hợp. - Chọn giá cuối cùng của mặt hàng.
Cũng như các công ty xi măng khác trực thuộc tổng công ty xi măng Việt Nam, công ty xi măng Hải Phòng đang thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao cho là "bình ổn" giá cả xi măng trên thị trường cả nước. Khoảng 10 năm trở lại đây hầu hết giá cả các yếu tố đầu vào của sản xuất xi măng đều đã tăng từ 40% đến 80% như giá điện, than, xăng dầu các loại... chỉ số giá hàng tiêu dùng hàng năm đều tăng từ 8% đến 14%. Trong khi đó Nhà nước vẫn không cho phép nâng giá xi măng, nghĩa là 10 năm nay giá bán xi măng của công ty
vẫn cố định. Thực chất giá bán xi măng của công ty đến nay đã giảm tới 30% so với 10 năm trước đây.
Trong khi giá xi măng của các nước trong khu vực đều ở mức 60 đến 62 USD một tấn xi măng. Như vậy, nếu xét về khả năng cạnh tranh bằng giá cả thì giá bán xi măng của công ty đang có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế việc kìm hãm giá cả lâu nay của Nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, đến khả năng tích lũy tái đầu tư của công ty, không khuyến khích đầu tư từ bên ngoài, không có động cơ kích thích người lao động.