II. Thực trạng phát triển của một số sản phẩm chủ yếu
2. Côngnghiệp chế biến thủy hải sản
Năm 2007 là năm thứ hai ngành thủy sản các tỉnh duyên hải Bắc Bộ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn (2006-2010), định hướng đến 2020, trong đó nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương này hướng đến là phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững.Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng của 3 lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến mà ngành thủy sản của từng địa phương đang phải đối mặt hiện nay, thì mới thấy rằng để đến được cái đích bền vững quả không dễ dàng. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó cơ bản là diện tích nuôi trồng, chất lượng con giống và chất lượng nguồn thức ăn.
Năm 2006 vừa qua, mặc dù vùng duyên hải Bắc Bộ không bị ảnh hưởng lớn của thiên tai, nhưng theo thống kê của ngành thuỷ sản các địa phương, thì sản lượng thủy sản nuôi trồng đều tăng rất thấp. Chất lượng con giống không đảm bảo là một vấn đề. Tại tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, việc sản xuất và cung cấp con giống có chất lượng cho toàn tỉnh chỉ đáp ứng được 30%, dẫn đến tình trạng người nuôi mặc sức mua con giống trôi nổi trên thị trường không qua kiểm dịch, trong đó có 70% lượng là tôm nhập lậu. Do đó, chỉ tính riêng năm 2006 vừa qua, toàn tỉnh có đến 200 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, vàng mang và bệnh Vibrio, trong đó tôm chết nhiều nhất là ở giai đoạn từ 1,5-2 tháng tuổi. Một vấn đề nữa là nguồn thức ăn, thuốc thú y chế phẩm sinh học, các chất xử lý môi trường nuôi không đảm bảo chất lượng. Mặc dù nước ta đã gia nhập WTO, thế nhưng cho đến nay, việc nuôi thủy sản của người dân Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước vẫn theo tư duy cũ là dựa vào kinh nghiệm và tùy tiện, dễ dãi trong khâu lựa chọn thức ăn trong nuôi trồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng một số sản phẩm thủy sản chưa đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng ngoài vòng kiểm soát, không theo quy hoạch cụ thể, cũng là lý do làm cho sản lượng thủy sản nuôi trồng của các địa phương trong vùng duyên hải Bắc Bộ luôn trong tình trạng bấp bênh.
Cùng với những hạn chế tương tự như Hải Phòng, Quảng Ninh, thì hiện nay, cơ cấu nuôi trồng thủy sản của các địa phương vùng duyên hải Bắc Bộ chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến. Chương trình phát triển những vùng nuôi thủy sản công nghiệp và cơ sở hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản triển khai chậm, đầu tư vốn còn dàn trải, chậm tiến độ. Theo đó, đến 2007, phần lớn các dự án trọng điểm của cả vùng vẫn chưa hoàn thành và phát huy tác dụng. Mặt khác, chế biến xuất khẩu còn quá nhiều bất cập. Những năm gần đây, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ đều đạt tốc độ tăng khá. Trong đó, riêng năm 2006 vừa qua, nhiều địa phương trong vùng đã thu được kết quả vượt bậc. Trong đó nổi bật là Hải Phòng thu 80 triệu USD, tăng 14,3% so với 2005, Thái Bình đạt 506 tỷ đồng tăng 11,5%, Quảng Ninh đạt 16 triệu USD, tăng 12,3% so với 2005... Kết quả đó đã góp phần tích cực làm cho kinh tế thủy sản vùng duyên hải Bắc Bộ khởi sắc. Thế nhưng, có đi vào tìm hiểu thực tế hoạt động của từng công ty, nhà máy chế biến thủy sản mới hay, trong 5 năm liên tiếp gần đây, phần lớn các đơn vị chế biến thủy sản hiện có trong vùng luôn trong tình trạng hoạt động chỉ với 50% công suất.
Các sở thuỷ sản Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng... cho biết thời gian qua, các đơn vị chế biến thủy sản trên địa bàn chỉ mới thu mua được khoảng 40% số nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác, còn lại phần lớn nguyên liệu được bà con ngư dân bán trực tiếp sang Trung Quốc và cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài. Không chỉ vậy, thời gian qua, các đơn vị xuất khẩu thuỷ sản trong vùng chưa thực sự năng động đổi mới, tìm kiếm thị trường, cộng thêm nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và chế biến không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm đang được các nước áp dụng gắt gao nên các đơn vị chế biến thủy sản ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Từ những thực tế trên cho thấy đã đến lúc mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân phải tự chủ động, đổi mới cho mình về mọi phương
diện mới mong thích ứng được với thời kỳ hội nhập, cũng như tiến đến được mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững