b. Thập thiện.
2.3.3 Ảnh hưởng của tính thiện Phật giáo đối với đạo đức
Đạo đức là những giá trị văn hóa của chung loài người, chúng được sản sinh ra do yêu cầu của con người phải có lòng tốt với nhau. Rồi đạo đức theo sự phân hóa của xã hội loài người, đạo đức mang tính giai cấp, còn về mối quan hệ giữa đạo đức và tôn giáo thì không phải chỉ có tôn giáo mới có đạo đức, không phải con người không theo tôn giáo thì không có đạo đức, mà thường thì tôn giáo hướng đạo đức của một cộng đồng theo quan niệm nhân sinh của nó. Và đạo đức gắn với tôn giáo thì thường có hiệu quả hơn. Vấn đề đạo đức tôn giáo, nghị quyết Đại hội Đảng lần VII đã ghi: “tín ngưỡng tôn giáo là là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và còn tồn tại lâu dài. Đạo đức tôn giáo có những điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.
Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam, từ khi du nhập đến nay Phật giáo luôn gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, và tất nhiên ảnh hưởng của Phật giáo đối với đạo đức, đạo lý người Việt Nam là không nhỏ.
Đạo lý căn bản của Phật Giáo là đạo lý Duyên Khởi, Tứ Diệu Đế và Bát chánh Đạo. Ba đạo lý này là nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo, nguyên thủy cũng như Đại Thừa đã ăn sâu vào lòng của người dân Việt.
Đạo lý Duyên Khởi là một cái nhìn khoa học và khách quan về thế giới hiện tại. Duyên khởi nghĩa là sự nương tựa lẫn nhau mà sinh tồn và tồn tại. Không những các sự kiện thuộc thế giới con người như thành, bại, thịnh, suy, mà tất cả những hiện tượng về thế giới tự nhiên như cỏ, cây, hoa, lá, cũng điều tuân theo luật duyên khởi mà sinh thành, tồn tại và tiêu hoại. Có 4 loại duyên cần được phân biệt: Thứ nhất là Nhân Duyên. Có thể gọi là điều kiện gần gũi nhất, như hạt lúa là nhân duyên của cây lúa. Thứ hai là Tăng Thượng Duyên, tức là những điều kiện có tư liệu cho nhân duyên, ví như phân bón và nước là tăng thượng duyên cho hạt lúa. Thứ ba là Sở Duyên Duyên, tức là những điều kiện làm đối tượng nhận thức. Thứ tư là Đẳng Vô Gián Duyên, tức là sự liên tục không gián đoạn, cần thiết cho sự phát sinh trưởng thành và tồn tại.
Luật nhân quả cần được quán sát và áp dụng theo nguyên tắc duyên sinh mới có thể gọi là luật nhân quả của Đạo Phật. Theo đạo lý duyên sinh, một nhân đơn độc không bao giờ có khả năng sinh ra quả, và một nhân bao giờ cũng đóng vai trò quả, cho một nhân khác. Về giáo lý nghiệp báo hay nghiệp nhân quả báo của Đạo Phật đã được truyền vào nước ta rất sớm. Giáo lý này đương nhiên đã trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với người Việt Nam có hiểu biết, có suy nghĩ. Người ta biết lựa chọn ăn ở hiền lành, dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự nhiên âm thầm của lý nghiệp báo, nó chẳng những thích hợp với giới bình dân, mà còn ảnh huởng đến giới trí thức. Có thể nói mọi người dân Việt đều ảnh hưởng ít nhiều qua giáo lý này. Vì thế, lý nghiệp báo luân hồi đã in dấu đậm nét trong văn chương bình dân, trong văn học chữ nôm, chữ hán, từ xưa cho đến nay để dẫn dắt từng thế hệ con người biết soi sáng tâm trí mình vào lý nhân quả nghiệp báo mà hành động sao cho tốt đẹp đem lại hòa bình an vui cho con người. Thậm chí trẻ con mười tuổi cũng tự nhiên biết câu: “ác giả ác báo”. Chúng phát biểu câu rất đúng hoàn cảnh sự việc xảy ra cho đối phương, hay “chạy trời không khỏi nắng”. Mặt khác họ hiểu rằng nghiệp nhân không phải là định nghiệp mà có thể làm thay đổi, do đó họ tự biết sửa chữa, tu tập cải ác tùng thiện. Sống ở đời, đột nhiên những tai họa, biến cố xảy ra cho họ, thì họ nghĩ rằng kiếp trước mình vụng đường tu nên mới gặp khổ nạn này. Không than trời trách đất, cam chịu và tự cố gắng tu tỉnh để chuyển hóa dần ác nghiệp kia.
Nếu ta nắm vững nguyên tắc nhân quả nghiệp báo như trên, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp ngay trong hiện kiếp. Cái đích của việc chuyển nghiệp, tái tạo cá nhân là đến được trí tuệ tối hậu. Khởi đầu của việc chuyển nghiệp là bắt đầu thay đổi hành nghiệp thiện và ác từ ba nghiệp Thân, Khẩu và Y của chính mỗi cá nhân. Chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng đến những kết quả tốt đẹp sẽ đến với mìn. Từ những hành nghiệp thiện, giảm bớt điều ác, dần dần ta sẽ chuyển hóa và tạo cho ta có một cuộc sống yên vui cho hiện tại và mai sau.
Đạo lý ảnh hưởng nhất là giáo lý từ bi, tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn của người Việt. Tinh thần thương người như thể thương thân này đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ biến trong quần chúng Việt Nam như “lá lành đùm lá rách”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là những câu ca dao, tục ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng điều thấm nhuần và thuộc nằm lòng, nói lên lòng nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.
Tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo góp phần hình thành trong dân ta đạo đức “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” v.v… cũng chính từ lấy con người, cứu người làm xuất phát điểm, “con người là vốn quý” đã tạo nên sức mạnh cộng đồng mà bấy lâu được đúc kết trong dân ta. Đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ, cứu nạn cho nên phương châm của Phật giáo là:
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người” Hay : “Cứu một người phúc đẳng hà sa”
Chính việc làm từ bi sẽ làm cho tâm được an vui và được nhiều người yêu mến quý trọng, thực hành từ bi không chỉ giới hạn trong Phật giáo mà còn là hành động thực tiễn mang lại lợi ích chung cho toàn nhân loại, và đó là sự cần thiết cho một xã hội tốt đẹp. Theo tinh thần từ bi của đạo Phật đã giúp chúng ta biết sống vì người khác, không tham lam, ích kỉ, biết đồng cảm với nỗi khổ của người khác. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc thì thì quan trọng là phải biết nổ lực phát triển những mặt tích cực, hữu ích trong mỗi chúng ta và kiên quyết tiêu trừ những tiêu cực. Phát triển lòng từ bi là bí quyết cho một thế giới thành công và hạnh phúc.
Trong quan niệm nhân sinh của Phật giáo con người chết không phải là hết mà linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp khác, điều này đã hình thành quan niệm trong dân ta “Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Nhân nào quả nấy”,.. Người dân Việt Nam tin điều đó và họ ra sức làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính mong muốn những điều tốt đẹp cho cuộc sống, bởi mọi hành động đều có báo ứng, vì thế mỗi khi hành động việc gì chúng ta phải nghĩ đến hậu quả để tránh xa nghiệp ác. Kinh pháp cú thí dụ có dạy: “Muốn biết nguyên nhân ngày trước hãy xem kết quả hiện tại, muốn biết kết quả tương lai hãy nhìn hành hiện tại”
Cổ nhân có dạy:
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo Chỉ tranh lai tảo giữ lai trì”
( Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau ở chỗ đến sớm hay muộn mà thôi).
Bởi vậy chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận việc làm của mình, không những không làm điều ác chỉ làm điều lành mà còn phải làm sao cho điều ác không manh nha. Nhân dân Việt Nam tiếp thu những yếu tố tích cực đó của Phật giáo từ đó cố gắng làm điều thiện, chống lại cái ác, cái xấu mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Đức Phật thường nói: ngài thuyết pháp để cho người biết, người thấy, không phải cho người không biết, không thấy và pháp của ngài giảng giải là thiết thực và hiện tại giúp chúng ta ngay bây giờ, ở đây đoạn tận mọi khổ đau và mê lầm sống an lạc, hạnh phúc hướng tới giải thoát và giác ngộ. Đức Phật đến với chúng ta như một con người với sự phấn đáu kiên trì của bản thân. Ngài đã vạch ra con đường để mọi người noi theo, phấn đấu kiên trì và cuối cùng được giác ngộ.
Ngoài đạo lý Từ Bi, người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc một đạo lý khác của đạo Phật là đạo lý Tứ Ân, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sanh. Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với bước phát triển của tâm lý về tình cảm của dân tộc Việt. Tình thương ở mọi người bắt đầu từ thân đến xa, từ tình thương cha mẹ, họ hàng lan dần đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với thầy bạn, đồng bào quê hương đất nước và mở rộng đến quê hương cao cả đối với cuộc sống của nhân loại trên vũ trụ này. Đặc biệt trong đạo lý tứ ân, ta thấy ân cha mẹ là nổi bật và ảnh
hưởng rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt. Vì đạo Phật rất chú trọng đến hiếu hạnh, và được Đức Phật đã thuyết giảng đề tài này trong nhiều kinh khác nhau như Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, kinh Thai Cốt, kinh Hiếu Tử, kinh Đại Tập, kinh Nhẫn Nhục, kinh Vu Lan,.. nhắc đến công lao dưỡng dục của cha mẹ, Phật dạy: “Muôn việc ở thế gian, không gì hơn công ơn nuôi dưỡng lớn lao của cha mẹ”(Kinh Thai Cốt), hay Kinh Nhẫn Nhục dạy: “cùng tốt điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tốt điều ác không gì hơn bất hiếu”. Bởi Phật Giáo đặc biệt chú trọng chữ hiếu như thế nên thích hợp với nếp sống đạo lý truyền thống của dân tộc Việt.
Kinh bổn sự có ghi: “Cha mẹ đối với con, ân đức đạo đức cao nặng, sâu dày, ân đức sản sinh tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời, cha mẹ luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhãng nhớ con thương con như ảnh theo hình”[14, 196]
Kinh Tâm địa quán cũng có ghi: “Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như bể rộng, không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ lành. Ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời sáng chói, mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ, mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám”[14, 196].
Tình thương giữa cha mẹ với con cái sỡ dĩ mặn nồng và mãnh liệt cũng nhờ đạo lý đồng thể Đại Bi của đạo Phật khai sáng một phần nào. Người mẹ trong khi ôm ấp con đã nhận được máu thịt của con chính là máu thịt của mình, thân xác của con chính là thân xác của mình, vì vậy người mẹ đã khổ với nỗi khổ của con, đã vui với niềm vui của con. Lòng hi sinh vô bờ bến bắt nguồn từ tâm Đại Bi của các vị Bồ Tát đã nguyện trọn đời cứu độ cho chúng sinh, chung vui chịu khổ với chúng sinh.
Chính vì tình thương của cha mẹ cao như trời bể nên là bổn phân làm con mỗi chúng ta phải biết ơn và nhớ ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. trong Kinh Thập Nhị Chương có nói: “Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có Hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là những vị thàn linh cao nhất trong các vị thần linh”[14, 200]
Kinh Nhẫn nhục lại dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”.[14, 201]
Công đức của cha mẹ là không thể đo lường được. ”Lên non mới biết non cao. Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
Nhìn chung, đạo lý hiếu ân trong ý nghĩa mở rộng có cùng một đối tượng thực hiện là nhắm vào người thân, cha mẹ, đất nước, nhân dân, chúng sanh, vũ trụ, đó là môi trường sống của chúng sanh gồm cả mặt tâm linh nữa. Đạo lý Tứ Ân còn có chung cái động cơ thúc đẩy là Từ Bi, Hỷ Xã khiến cho ta sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên để tiến đến hạnh phúc chân thực và an lạc. Đạo lý trên đã góp phần hình thành những giá trị đạo đức tốt đẹp cho người dân ta nhất là trong cuộc sống hiện đại những giá trị đạo đức đang dần bị suy thoái thì Phật Giáo có giá trị giáo dục đạo đức là rất to lớn trong việc tu dưỡng đạo đức cho mọi người nhất là con người mới xã hội chủ nghĩa.
Ở nước ta những người lớn tuổi thường có nhu cầu về cuộc sống tâm linh nên chúng ta cũng phải khuyến khích cha mẹ lên chùa, làm phước niệm Phật để được an vui đời này và khỏi sự khổ đau về sau. Chúng ta không chỉ báo hiếu khi cha mẹ còn sống mà còn phải báo hiếu khi cha mẹ không còn. Người Việt ta rất chú trọng đến lễ nghĩa thờ cúng tổ tiên, không có nhà nào là không có bàn thờ ông bà vì dân ta cũng quan niệm ông bà cha mẹ chết không phải là mất hẳn mà vẫn sống cùng con cháu, ủng hộ và che chở cho con cháu. Những ngày kị giỗ không những là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà mà còn là dịp để nhắc nhở lại tinh thần của của gia đình của gia tộc và khuyến khích cho con cháu sống đúng tinh thần ấy.