PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Tính thiện trong triết học phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với việc giáo dục con người mới ở việt nam hiện nay (Trang 73 - 74)

b. Thập thiện.

PHẦN KẾT LUẬN

Trải qua hơn 2000 năm truyền bá và phát triển, có lúc thịnh, lúc suy, nhưng Phật giáo đã gắn bó với lịch sử dân tộc, luôn có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của người dân Việt Nam.

Mục đích cao nhất của Phật giáo là hướng thiện, đó là phương tiện để giải phóng con người khỏi vòng luân hồi bất tận. Tính thiện là cao quý nhất, nhưng con đường đi đến thiện quả là không dễ dàng mà đầy cám dỗ và luôn bị tham, sân, si ngăn chặn. Kinh nghiệm sống cho thấy, tính ác dễ mê hoặc con người hơn là tính thiện, cho nên Phật giáo đề cao tính thiện chống những cái tiêu cực. Phật giáo đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam những giá trị tinh thần cao quý và đến hôm nay đạo Phật vẫn mang đến nhiều giá trị đối với con người mới ở Việt Nam .

Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều thành phần. Mặt tích cực của cơ chế thị trường là việc đề cao trách nhiệm cá nhân với công việc, con người trở nên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và biết chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Song, tiêu cực là việc coi trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần trong đó có đạo đức, nhiều người phai nhạt lý tưởng sống, hành vi thoái hóa, suy giảm đạo đức, nhân cách. Con người dễ bị đồng tiền làm tha hóa coi đồng tiền là vô biên, từ đó con người dám làm mọi việc tán tận lương tâm vì đồng tiền mà bất chấp nhân văn, nhân đạo, đạo đức và pháp luật. Mặt khác việc mở rộng quan hệ đối ngoại và quan hệ mở cửa, quốc tế hóa đời sống xã hội, tất yếu có sự tràn lan của văn hóa độc hại phương Tây vào nước ta, làm xói mòn các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Chính vì lẽ đó mỗi người phải nâng cao ý thức xây dựng con người mới, xã hội mới. Đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Việc giáo dục đó là cả một quá trình lâu dài khó khăn, phức tạp. Trong quá trình giáo dục con người mới ở Vệt Nam hiện nay, thì triết lý tính thiện Phật giáo là một đóng góp quan trọng.

Tính thiện trong Phật giáo mang tính nhân bản sâu sắc. Đức Phật không chỉ quan tâm đến thân phận và đời sống con người, mà còn đưa ra con đường để chúng sinh thoát khỏi khổ cực của cuộc sống, để đi đến từ, bi, hỉ, xả, bác ái và sức mạnh của trí tuệ con người. Đạo Phật thường nói: “Phật tại tâm” và thường khuyên mọi người, không có chổ dựa nào vững chắc bằng chổ dựa ở chính trong tâm hồn của mỗi người, nên mỗi người phải nuôi dưỡng thiện

tâm trong sáng. Người tu theo đạo Phật một cách đúng đắn luôn trở về cái tâm sâu thẳm của mình để không bị những cảm xúc, những dục vọng, những tư tương xấu lôi kéo. Nói đến phật giáo cũng là nói đến một đời sống đạo với phương châm: “Không làm việc ác chỉ làm việc thiện, làm cho mỗi người hãy phát triển nhân đạo và từ bi quên đi những tính vị kỷ hẹp hòi.

Tính thiện trong Phật giáo thể hiện ở tinh thần từ, bi, hỉ, xả và đức bố thí. Đó là những đức hạnh cao quý mong đem lại lợi ích cho người mà quên đi những lợi ích nhỏ nhen của mình, xác định người vui cũng như mình vui, người khổ cũng như mình khổ.

Từ tính thiện của Phật giáo, nếu một xã hội muốn phát triển, công bằng dân chủ văn minh, thì ngoài nền kinh tế phát triển còn phải xây dựng một xã hội trí và thiện. Một xã hội dựa trên nền tảng “nhân tâm” mà mỗi người trong đó tìm thấy cái tốt và cái đẹp làm cho cái thiện nảy nở như mầm xuân. Xét ở góc độ phổ quát nhất của xã hội là xây dựng nền văn hóa - cái mà loài vật không có được- lương tâm, tính thiện.

Với tính nhân bản đó, đạo Phật ngày càng mang đến cho nhân dân Việt Nam những giá trị nhân văn cao cả, góp phần xây dựng con người mới xã hội mới tốt đẹp hơn. Con người càng làm nhiều điều thiện bao nhiêu, thì sẻ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp bấy nhiêu. Phật giáo đã chỉ dạy chúng sinh về thiện ác và xác định điểm xuất phát cho hành động giải thoát của mỗi chúng sinh được bắt đầu từ thiện. Giáo lý nhà Phật dễ hiểu và gần gủi, mang nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc, mong con người theo đường thiện để giải phóng mình.

Với tinh thần đó, tinh thần tất cả vì con người, vì hạnh phúc nhân loại, triết học nhân sinh đó là tinh thần nhập thế cứu đời. Cứu đời bằng con đường khuyến thiện để xây dựng xã hôi chân - thiện - mỹ. Dù đứng trên lập trường duy tâm chủ quan, nhưng tính thiện trong tư tưởng triết học Phật giáo đã đang và sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc giáo dục nhân cách và lối sống đạo đức cũng như tư tưởng hạnh phúc cho mọi người đặc biệt là con người mới – con người xã hội chủ nghĩa – hiện nay ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tính thiện trong triết học phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với việc giáo dục con người mới ở việt nam hiện nay (Trang 73 - 74)