7. Bố cục của khóa luận
2.4.1. Mâu thuẫn giữa tích lũy và tiêu dùng
Nói đến công nghiệp hoá, tức là nói đến tích luỹ. Nói đến tích luỹ tức là nói đến lao động thặng dư. Xây dựng và phát triển một hệ thống công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng, làm cái xương sống cho toàn bộ nền sản xuất xã hội, và dựa vào hệ thống mà cải tổ nền sản xuất xã hội trên cơ sở kỹ thuật hiện đại, đó là cả một quá trình “góp nhặt” và “chất đọng lại” của một khối lượng rất lớn lao động thặng dư. Là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta chỉ có thể tích luỹ bằng sự lao động sáng tạo của bản thân nhân dân nước ta, và một phần bằng sự giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tuy nhiên khả năng tích luỹ của nền sản xuất nước ta rất hạn chế.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tích luỹ và tiêu dùng tuy không có mâu thuẫn đối kháng như dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tuy có cùng một mục đích là nâng cao không ngừng mức sống của nhân dân lao động, song, hai thứ quỹ đó vẫn là hai bộ phận chế ước lẫn nhau của cùng một đại lượng: thu nhập quốc dân. Mâu thuẫn giữa hai quỹ đó là mâu thuẫn giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt của nhân dân lao động.
Để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta cần có sự tích luỹ, có vốn để thực hiện. Đối với tỉnh Quảng Bình, mà đặc biệt là huyện nghèo Minh Hoá của tỉnh, để xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc tích luỹ là rất quan trọng.
Tuy nhiên, Minh Hoá là một huyện nghèo, nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn ở mức nhỏ lẻ, tuy có định hướng thị trường nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững. Các hoạt động thương mại, dịch vụ thì chưa phát triển mạnh. Một nền sản
xuất lạc hậu, vất vả lắm mới nuôi sống nổi dân cư của mình, vất vả lắm mới bảo đảm nổi khối lượng sản phẩm tất yếu thì nền sản xuất đó không thể cho ta một tỷ lệ tích luỹ nào cả, càng không thể cho ta một tỷ lệ tích luỹ giống như một nền sản xuất đã đạt đến một năng suất lao động cao hơn.
Con người lao động sản xuất chủ yếu là nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của họ. Con người bao giờ cũng cũng hoạt động theo nhu cầu tự nhiên của mình. Bất kỳ sự hoạt động nào của con người cũng đều bắt nguồn từ những nhu cầu. Sản phẩm họ làm ra chủ yếu là để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, mặc… Nếu năng suất lao động cao, sản phẩm làm ra nhiều thì không những đủ cho tiêu dùng, mà còn có thể dùng cho tích luỹ.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, để đảm bảo tích luỹ với mức cao nhất, người ta có thể và buộc phải tạm thời hạn chế mức tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, sự hạn chế đó không phải là không có giới hạn. Giới hạn của tiêu dùng cá nhân không phải chỉ do những nhu cầu đơn thuần sinh lý – nhu cầu của sự sống đòi hỏi. Trên một mức độ rất lớn, tiêu dùng cá nhân của người lao động có ý nghĩa sản xuất trực tiếp: nó tái tạo và bồi bổ sức lao động – yếu tố quan trọng của sản xuất. Sự trì hoãn việc nâng cao mức sống của người dân nếu là cần thiết thì cũng chỉ có thể coi là hoàn toàn có tính chất tạm thời. Việc tăng tích lũy tài sản tất yếu làm giảm tiêu dùng, mà trước hết là giảm tiêu dùng cá nhân.
Quan hệ tích luỹ - tiêu dùng là một quan hệ cân đối vĩ mô, mà các nhà quản lý và điều hành ở Minh Hoá phải quan tâm, nhưng luôn là một bài toán khó, nhất là huyện đang trong tình trạng huyện nghèo, thu nhập thấp. Do đó vấn đề đặt ra là phải cân đối tích luỹ và tiêu dùng sao cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất.
Trong bước đầu của công nghiệp hoá thì nông nghiệp được coi là một ngành quan trọng cho tích luỹ của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nó là nguồn tích luỹ lớn nhất, cơ bản nhất. Trên cơ sở của nguồn tích luỹ đó, các ngành lao động khác mới nảy sinh ra được. Quỹ tiêu dùng của nhân dân hiện nay phần lớn là do lương thực và thực phẩm cấu thành.
Ở Minh Hoá đa số dân cư sinh sống bằng nông nghiệp. Nền sản xuất lạc hậu, kém phát triển, sản xuất phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên năng suất
lao động rất thấp. Tổng diện tích gieo trồng năm 2010 là 4.977ha, sản lượng lương thực đạt 7.308,5 tấn. Diện tích canh tác nông nghiệp trên nhân khẩu còn quá thấp nên việc đảm bảo lương thực của người dân vẫn chưa đảm bảo. Sản xuất nông nghiệp của huyện mới chỉ giải quyết một phần lương thực tại chỗ cho địa phương… Các ngành sản xuất khác như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… cũng đang ở mức nhỏ lẻ, sản phẩm làm ta không nhiều và chất lượng không cao.
Nhìn chung, nền sản xuất ở Minh Hoá chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân nên khả năng tích luỹ cho nền kinh tế là rất hạn chế. Vì vậy, huyện cần có những giải pháp để tăng năng suất lao động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và tăng khả năng tích luỹ, tăng khả năng tiêu dùng, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của huyện.