7. Bố cục của khóa luận
2.4.2. Mâu thuẫn giữa cung và cầu
Trong mọi phương thức sản xuất xã hội, sản xuất ra cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Suy cho cùng đều để phục vụ nhu cầu của con người. Vì vậy, nhu cầu của con người trở thành thị trường sâu rộng, tác nhân kích thích sản xuất, là “đơn đặt hàng” của xã hội đối với sản xuất và là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhu cầu của con người rất đa dạng, phức tạp gồm nhiều mức độ khác nhau phát triển từ thấp đến cao. Có nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, nhu cầu trước mắt và nhu cầu lâu dài… Các nhu cầu ấy quan hệ chặt chẽ với nhau và chi phối mạnh mẽ các hành vi của con người (trước hết là lao động) kể cả trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và bản thân con người. Kinh tế hàng hoá hơn hẳn kinh tế tự nhiên, vì nó hướng trực tiếp vào nhu cầu con người, phục vụ con người, kích thích khơi nguồn sáng tạo của con người. Thị trường là điều kiện tồn tại của nền sản xuất hàng hoá, do vậy kinh tế hàng hoá càng phát triển thì thị trường càng được mở rộng, ngược lại, thị trường càng được mở rộng thì càng thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển, đó là mối quan hệ biện chứng gắn bó hữu cơ với nhau. Và xung quanh mối quan hệ biện chứng đó là những mâu thuẫn khách quan, tồn tại trong cơ chế thị trường, như mâu thuẫn
giữa cung và cầu hàng hoá. Nếu mâu thuẫn đó được giải quyết sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
Nhìn một cách khái quát, nền kinh tế ở Minh Hoá, Quảng Bình đang chuyển dần sang nền sản xuất hàng hoá. Cơ cấu các ngành nghề kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở huyện đã nảy sinh mâu thuẫn giữa cung và cầu hàng hoá. Nhìn chung, thị trường ở Minh Hoá hiện nay phát triển còn chậm, không đều và còn nhiều mặt còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hoá. Do kinh tế chậm phát triển, nền sản xuất còn ở trình độ thấp nên các mặt hàng sản xuất ra chỉ đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu của người dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong những năm qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ, như việc chuyển đổi một số cây trồng vật nuôi có năng suất lao động cao như: lúa, ngô, lạc, bò siêu nạc, lợn siêu nạc… vào sản xuất, từng bước thay đổi các giống cây trồng vật nuôi bản địa hiệu quả thấp. Việc đẩy mạnh sản xuất các cây ngô, lạc, đẩy mạnh chăn nuôi lợn, bò… đã tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hoá, tạo ra các mối liên kết giữa cung ứng dịch vụ với sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngay tại huyện và các nơi khác.
Trong những năm gần đây, một số thành tựu của công nghệ sinh học đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), song còn hạn chế về quy mô, mức độ và do vậy, chưa thực sự nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá nông nghiệp trên thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong huyện. Huyện Minh Hoá có tiềm năng về các cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô. Vì vậy cần đẩy mạnh chú trọng tăng diện tích và năng suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tìm thị trường để tiêu thụ. Nhìn chung công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn mang tính nhỏ lẻ, theo quy mô gia đình, năng suất, chất lượng thấp, chưa khai thác được thế mạnh của địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện có 454 cơ sở sản xuất, 03 công ty trách nhiêm hữu hạn và 2 Hợp tác xã sử dụng 759 lao động. Các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu bao gồm hàng may mặc, hàng mộc dân dụng, sửa chữa cơ khí nhỏ, xay xát, đá xây dựng, bánh mì, bún, đậu phụ, kem đá, cưa
xẻ… với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở quy mô hộ kinh doanh cá thể, sản phẩm làm ra chủ yếu bằng thủ công hoặc công nghệ lạc hậu, chủ yếu cơ sở còn hạn chế nhiều về các kỹ năng thị trường, tổ chức điều hành sản xuất, do vậy sản phẩm chưa có tính cạnh tranh và chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa huyện cũng như chưa tạo được cơ hội thâm nhập thị trường bên ngoài.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, nhiều cơ sở kinh doanh mới được thành lập, hệ thống chợ được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu cho đời sống, sản xuất của nhân dân. Đặc biệt trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi vào hoạt động là đầu mối quan trọng cho việc giao lưu hàng hoá với các nước bạn Lào, Thái Lan.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay thì đời sống của người dân cũng được nâng lên, nhu cầu tiêu dùng càng phát triển. Nhất là nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc rất phát triển nhưng sức sản xuất để cung ứng cho người dân còn thấp. Sức sản xuất kinh tế của huyện còn kém, nhỏ lẻ, lạc hậu nên các mặt hàng chỉ đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu của người dân. Nền sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở huyện nói chung còn ở trình độ thấp, chưa tạo được nhu cầu bức thiết của trao đổi hàng hoá. Những điều đó đã làm giảm sức mua của người dân.
Vì vậy, huyện cần có chính sách phát triển kinh tế hợp lý, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hoá. Khi mà sản xuất càng phát triển thì sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Như vậy cung sẽ kích thích cầu và ngược lại. Sản xuất tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng, kích thích và làm nảy sinh những nhu cầu về đối tượng mới cho tiêu dùng, nhằm thoả mãn nhu cầu của con người về sản phẩm tiêu dùng. Còn tiêu dùng sẽ kích thích khả năng của người sản xuất.
Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình luôn nảy sinh mâu thuẫn giữa cung và cầu. Cung và cầu quan hệ
biện chứng với nhau, là điều kiện cho sự phát triển thị trường hàng hoá. Vì vậy cần phải có giải pháp để giải quyết mâu thuẫn đó. Vấn đề đặt ra cho huyện là phải làm thế nào để phát triển sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường để thúc đẩy cầu và ngược lại; phát triển thị trường theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.