Những điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu

Một phần của tài liệu Kết quả phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ ở trẻ em dựa trên chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ mật – tụy (Trang 141 - 142)

Đây là một nghiên cứu tiến cứu có cỡ mẫu đủ lớn để so sánh được tỷ lệ tai biến và biến chứng sớm giữa hai nhóm bệnh nhi có và không có hẹp ống gan và các biến thể giải phẫu của đường mật và động mạch gan có trong NOMC. Tất cả các trường hợp trong nghiên cứu đều được khám trước mổ, phẫu thuật và theo dõi sau mổ theo cùng một quy trình thống nhất và bởi một nhóm bác sĩ tại cùng một khoa trong một bệnh viện. Ngoài ra, hình ảnh CHTMT trước mổ đều được đối chiếu với đại thể khi mổ. Tất cả bệnh nhi sau xuất viện đều được theo dõi đúng quy trình nên đã phát hiện được những trường hợp biến chứng muộn mới xảy ra.

Nhược điểm của nghiên cứu là chụp CHTMT được thực hiện ở 2 cơ sở khác nhau, trong đó 60 trường hợp đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy và 25 trường hợp sau được chụp tại Trung tâm Y khoa Medic do tình trạng quá tải về nhu cầu chụp cộng hưởng từ tại bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù cả 2 máy cộng hưởng từ đều thuộc thế hệ mới 1,5 Tesla và đều có công nghệ dựng hình 3 chiều. Do thời gian nghiên cứu có hạn nên chưa gặp nang loại II, III và loại V nên không đánh giá được giá trị chẩn đoán của cộng hưởng từ về các loại nang này. Mặt khác, nghiên cứu không tiến hành chụp đường mật trong mổ để có thể đối chiếu KCMT. Ngoài ra, cũng do thời gian nghiên cứu có hạn nên các bệnh nhi trong nghiên cứu chưa đủ thời gian theo dõi sau mổ cần thiết để có thể đánh giá chính xác hơn hiệu quả của những trường hợp tạo hình ống gan hẹp. Tuy nhiên, những nhược điểm này không ảnh hưởng đến việc xác định giá trị của CHTMT trong chẩn đoán hẹp ống gan và

các biến thể giải phẫu đường mật kèm theo trong NOMC cũng như việc đánh giá khả năng của phẫu thuật nội soi cắt nang kèm xử trí các bất thường này.

Một phần của tài liệu Kết quả phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ ở trẻ em dựa trên chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ mật – tụy (Trang 141 - 142)