dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Có thể nói sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam, những tư tưởng truyền thống, những đạo lý của dân tộc vẫn âm thầm tuôn chảy không bao giờ cạn. Trở về với cội nguồn để tìm hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc không phải là một bước lùi, không phải là tư tưởng hoài cổ mà chính là sự tiến lên phía trước. Bởi chúng ta biết rằng, để cây trái tương lai muốn xanh tươi, tốt đẹp thì gốc rễ của nó phải được vững chắc, phải được vun xới và bồi đắp một cách thường xuyên. Điều đó cũng có nghĩa cái “bản sắc dân tộc” phải được “đậm đà” trong mỗi thành quả của tương lai thì nó mới bền lâu và có giá trị. Ca dao, tục ngữ Việt Nam chính là bộ phận kết tinh, lưu giữ những nét độc đáo, những tinh hoa văn hóa của dân tộc trong các giai đoạn lịch sử.
Sự nghiệp giáo dục của nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần đắc lực vào quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, giáo dục và đào tạo còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế đó là chưa giải quyết tốt vấn đề kết hợp
giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và công nghệ phát triển hết sức mạnh mẽ, quá trình giao lưu quốc tế trên tất cả các mặt của đời sống xã hội được tăng cường, phát triển với tốc độ nhanh. Đa số các nước đều rất chú trọng đến chính sách giáo dục và đào tạo. Để những chính sách đó không phải là sự sao chép, “lai căng”, không trở thành bóng mờ của người khác, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, ở nước ta việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa những yếu tố hợp lý trong truyền thống giáo dục của cha ông trong quá trình đổi mới nền giáo dục, đào tạo là việc làm hết sức cần thiết. Bởi trong quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo, bên cạnh những mặt tích cực thì sự nghiệp giáo dục, đào tạo vẫn còn có khuynh hướng lệch lạc, chưa khắc phục được những truyền mặt xấu, lạc hậu của nền giáo dục cũ; có khuynh hướng thương mại hóa trong giáo dục; môi trường giáo dục có chỗ chưa lành mạnh; mục đích, phương pháp, nội dung dạy và học chưa phù hợp, … không những thế, những truyền thống như truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách của con người chưa được phát huy đúng mức. Do vậy sản phẩm của giáo dục có khuynh hướng coi nhẹ hoặc phủ nhận những giá trị quý báu của truyền thống dân tộc. Hơn bao giờ hết, sự nghiệp giáo dục phải ngăn chặn những xu hướng sai lầm, lệch lạc, xác lập những xu hướng đúng đắn, phát huy năng lực nội sinh của dân tộc, đi đôi với việc tiếp thu tinh hoa giáo dục của thế giới, góp phần hình thành mẫu người hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói ca dao, tục ngữ Việt Nam đã hàm chứa những triết lý giáo dục hết sức tiến bộ, có giá trị rất lớn trong sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Nói đến giá trị quan trọng của triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ không thể không nói đến vấn đề mục đích giáo dục. Mục đích giáo dục được người xưa xác định là “Học để làm người” và để “Biết điều nhân nghĩa”. Để
có thể “làm người” theo đúng nghĩa của nó, con người cần phải chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết nhất trong học tập cũng như trong cuộc sống. Với mục đích đó, con người cần phải học cái gì? và học như thế nào? Hay nói cách khác, nội dung, phương pháp học tập được xác định phải là như thế nào.
Tuy người xưa không đề cập đến một cách cụ thể và rõ ràng vấn đề nội dung giáo dục nhưng qua những câu tục ngữ sau chúng ta có thể hiểu được rằng, xét về nội dung giáo dục đó phải là một sự giáo dục toàn diện. Trong cuộc sống con người phải học từ những điều sơ đẳng nhưng cần thiết “Học
ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều cơ bản nhất đó chính là học đạo đức và
học chữ. Bên cạnh đó, con người còn phải học nghề để lao động, vì lao động tạo nên giá trị của con người. Dù học chữ hay học nghề người học cũng phải học cho giỏi, đồng thời khuyên con người không được xem thường bất kỳ nghề nào trong xã hội: “Dốt cậy thầy, vụng tay cậy thợ”; “Cho nhau vàng
không bằng trỏ đàng đi buôn”; “Của bề bề không bằng nghề trong tay”.
Quan niệm cần phải học để có một nghề trong tay, và khi đã theo nghề nào thì phải giỏi, phải sống được với nghề của mình, đó thực sự là những lời khuyên chân thành, đúng đắn và hết sức bổ ích của cha ông ta đối với con cháu của mình. Con người phải chịu khó học chữ, học nghề, phải chăm chỉ không chủ quan thì mới có tri thức, có nghề nghiệp, mới thành người.
Bên cạnh đó phải chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức cho người học. Học không chỉ là học kiến thức, học tri thức mà còn học làm người, trau dồi đạo đức, nhân cách để trở thành con người hoàn thiện hơn. Hiện nay chúng ta thấy vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên chưa thực sự được chú trọng, bị xem là thứ yếu, thậm chí đôi lúc còn bị lãng quên. Chúng ta đang nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Nhà trường hầu như chỉ chú trọng dung nạp kiến thức cho các em theo kiểu càng nhiều càng tốt, chứ chưa chú trọng đúng mức giáo dục đạo đức, giáo dục những truyền thống đạo lý tốt đẹp
của dân tộc, những giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội, để giúp các em trở thành những con người toàn diện, biết sống và biết tôn trọng người khác. Để biết yêu nước thương nòi, có tinh thần tự hào dân tộc; để có đạo đức trong lao động, học tập cũng như tự rèn luyện tu dưỡng bản thân; để có văn hóa trong đối nhân xử thế không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội; để biết “Uống
nước nhớ nguồn”, để có tinh thần tương thân tương ái “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”,… Phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm
và lâu dài của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do đó, trong giáo dục chúng ta cần phải thực hiện giáo dục một cách toàn diện, có như thế mới chấm dứt được sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các ngành tự nhiên và xã hội, cũng như chấm dứt được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ mà xã hội đang quan tâm như hiện nay.
Một trong những ý nghĩa mang tính triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ mà chúng ta cũng phải kế thừa đó chính là quan niệm về phương pháp giáo dục hết sức tiến bộ, đó là phương pháp học đi đôi với hành. Việc học phải được gắn với thực hành, biết đem những điều mình học được áp dụng vào trong cuộc sống và trong quá trình lao động sản xuất “Học đi đôi với
hành”; “Có học phải có hành” hay “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”;“Vừa hành vừa học mới thành người khôn”… tất cả những lời răn dạy
đó có tác dụng giáo dục rất cao, giúp người học tích cực, tự giác, sáng tạo và chủ động trong học tập. Như vậy, cha ông ta đã rất đề cao việc học từ thực tiễn; học không phải là học suông, học vẹt mà học là để làm, để thực hành. Cho nên giáo dục cần phải gắn liền với thực tiễn, gắn liền với thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức, với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và nhanh chóng. Có thể nói đó chính là triết lý giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để nền giáo dục nước nhà được đi đúng hướng và có hiệu quả
chúng ta không thể không kế thừa những thành tựu giáo dục hết sức có giá trị mà người xưa đã tạo dựng nên. Những quan điểm đó đem lại cái nhìn đúng đắn cho quá trình nhận thức và học tập của con người. Mặt khác, tinh thần học tập như học suốt đời, học thường xuyên cũng là một trong những vấn đề mà chúng ta không thể bỏ qua: “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”;
“Ông bảy mươi học ông bảy mốt”; “Dốt đến đâu học lâu cũng biết”. Phải luôn khuyến khích và đề cao tinh thần tự học, do đó người học phải có tinh thần chịu khó, có ý chí, lòng kiên trì và sự nỗ lực vươn lên của bản thân. Một lần nữa chứng tỏ người Việt xưa đã có những triết lý học tập, giáo dục đúng đắn, có ích cho nhiều thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Các triết lý đó đi vào đời sống và trở thành những chân lý, những lời khuyên bổ ích, những phương pháp học tập có hiệu quả cao. Những triết lý đó cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa thiết thực cho nền giáo dục của nước nhà.
Tóm lại triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ Việt Nam chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, trong đó nỗi bật nhất là vấn đề về mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục,… Những giá trị đó có ý nghĩa to lớn và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục nước ta. Trong giai đoạn hiện nay nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì, thì những giá trị của triết lý giáo dục của cha ông trong tục ngữ, ca dao là một sự tiếp cận có ích nhằm góp phần tìm ra hướng đi cho triết lý giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Kết luận chương 2
Từ ca dao, tục ngữ Việt Nam chúng ta rút ra được những triết lý giáo dục sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt xưa về thế giới, về con người, về những vấn đề của cuộc sống, của lao động sản xuất.
Những quan niệm ấy vừa chứa đựng yếu tố duy vật, biện chứng, vừa có yếu tố duy tâm, siêu hình nhưng tất cả đều có chất liệu từ hiện thực cuộc sống của người Việt trong các xã hội trước đây. Đó là những kiến giải hết sức ngây thơ về sự hình thành vũ trụ, về các hiện tượng tự nhiên, về con người,… từ đó mà ý thức về vai trò của con người và năng lực sáng tạo của con người được thể hiện. Mặc dù thế giới quan còn hồn nhiên, chất phác nhưng đây cũng chính là cơ sở để hình thành nên nhân sinh quan độc đáo của người Việt: đó là những đạo lý làm người thể hiện trong lao động, học tập và rèn luyện bản thân; trong đối nhân xử thế với gia đình và xã hội,… mang nhiều yếu tố nhân văn sâu sắc và đậm nét tâm hồn người Việt.
Nếu như con người nhận thức hiện thực khách quan nhằm mục đích phục vụ cho cuộc sống và lao động sản xuất để nâng cao đời sống của mình, thì những triết lý giáo dục được rút ra trong ca dao, tục ngữ sẽ phục vụ cho mục đích đó. Vì vậy, nó đã trở thành kim chỉ nam cho con người trong quá trình tự rèn luyện mình và vươn lên trong cuộc sống. Ngày nay, việc tiếp thu những thành tựu giáo dục tiên tiến của thế giới và kế thừa những kinh nghiệm giáo dục truyền thống là điều có ý nghĩa cơ bản. Mặc dù triết lý giáo dục của cha ông ta trong ca dao, tục ngữ có những hạn chế nhất định do điều kiện lịch sử và lập trường giai cấp, nhưng nếu biết kế thừa một cách có chọn lọc thì sẽ tiếp thu được những giá trị tích cực cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
KẾT LUẬN
Ca dao, tục ngữ Việt Nam là kết quả lao động sáng tạo, chứa đựng những triết lý sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống lao động của cha ông ta, cho đến nay đã trở thành một kho tàng lý luận phong phú, phản ánh rõ nét thế giới quan và nhân sinh quan của nhân dân ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Về thế giới quan, do trình độ nhận thức còn thấp kém cho nên người lao động lúc bấy giờ chưa giải thích được quá trình hình thành vũ trụ, nguyên nhân của các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc của các sự vật, hiện tượng trong thế giới kể cả bản thân con người. Họ đã sùng bái tự nhiên, coi tất cả mọi hiện tượng kì bí trong tự nhiên đều do sức mạnh của trời chi phối và quyết định, đồng thời họ tin vào số mệnh. Ở đây, thế giới quan của người Việt cổ chứa đựng yếu tố duy tâm là chủ yếu.
Về nhân sinh quan, nội dung nổi bật của nó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và đạo lí làm người. Nhân sinh quan của người Việt xưa chứa đựng nhiều yếu tố duy vật, biện chứng, phản ánh tinh thần lạc quan yêu đời và tính nhân văn sâu sắc trong tâm hồn của con người Việt Nam.
Như vậy ca dao, tục ngữ Việt Nam đã cung cấp cho chúng ta một lượng khá lớn những triết lý giáo dục sâu sắc trên mọi phương diện về thế giới tự nhiên, về đời sống của con người, về xã hội và cả mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa tự nhiên, con người và xã hội. Không những thế, trong ca dao, tục ngữ, những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được thể hiện một cách sâu sắc, có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện đại. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng: trong cuộc sống của mình, người Việt Nam đã thể hiện sự sáng tạo, nét đặc trưng
riêng của tư duy dân tộc mà không cần đến hay không tìm đến với quan niệm đạo đức của Nho giáo hay triết lý nhân sinh của Phật giáo. Điều đó cũng có nghĩa là văn học dân gian Việt Nam đã phản ánh được những nét độc đáo của tư duy người Việt trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Đã hình thành nên một hệ tiêu chí để đánh giá đạo đức con người. Chỉ đáng tiếc là những tư tưởng ấy chưa được khái quát thành lý luận và có tính hệ thống. Hệ tiêu chí đó tuy được thể hiện, diễn đạt dưới hình thức bình dân, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, thậm chí có giá trị phổ biến.
Không chỉ vậy, trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam còn chứa đựng những giá trị quý báu về phương diện đào tạo và giáo dục. Trong điều kiện hiện nay, khai thác và phát huy những giá trị truyền thống sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Trên những ý nghĩa đó, tục ngữ, ca dao Việt Nam là những viên ngọc sáng lóng lánh trên mọi phương diện của văn hóa Việt Nam.