Về vai trò của người thầy và phương pháp giáo dục

Một phần của tài liệu Triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ việt nam (Trang 42 - 47)

Ca dao, tục ngữ Việt Nam phản ánh một cách có hệ thống những kinh nghiệm về học tập của người xưa từ mục đích, nội dung đến phương pháp, cách thức học tập, giúp cho chúng ta có phương pháp học tập, có nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học tập đối với sự phát triển của xã hội.

Người Việt xưa không đưa ra những học thuyết triết học, không phát biểu các luận điểm một cách có hệ thống, nhưng những triết lý sống, học tập đều được nhân dân sử dụng hết sức quen thuộc và được đúc kết lại trong tục ngữ, ca dao. Với những câu nói chứa đựng những triết lý sâu sắc mà ngày nay khi được học, được tiếp xúc với triết học Mác – Lênin và các tư tưởng triết học khác thì chúng ta thấy rõ những câu ca dao, tục ngữ dù được phát biểu một cách thô sơ, mộc mạc không cần đến lập luận sắc bén, không cần đến dẫn chứng thực tiễn làm tiền đề. Nhưng qua thực tiễn cuộc sống nó được kiểm nghiệm một cách chính xác, chúng ta thấy đó là những triết lý được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, lao động của người dân lao động Việt Nam. Do đó, nó có tính chân lý rất cao, nó giúp ích rất lớn cho việc học tập, rèn luyện của mỗi con người.

Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam vấn đề vai trò của người thầy được thể hiện ở việc đề cao vai trò của người thầy và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Điều đó có cơ sở tư tưởng trọng hiền tài, trọng người có học, trọng người truyền bá đạo lí làm người cho nhân dân. Truyền thống đó không

chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của một xã hội. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy giáo vẫn được tôn vinh. Do đó “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lý quý báu mà cha ông ta đã đúc kết và giữ gìn cho đến ngày nay. Nó cho ta thấy công lao giáo dục to lớn của người thầy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”;

“Không thầy đố mày làm nên”.

Mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trên con đường tiếp cận kho tri thức khổng lồ của dân gian, của nhân loại, dù là đạt nhiều mục đích khác nhau, song đều gặp nhau ở chỗ là họ luôn cần đến sự định hướng, dìu dắt của người thầy trong quá trình tiến gần đến chân lý. Khi còn nhỏ, ta chịu ơn nuôi dưỡng “như núi Thái Sơn” của cha, chịu cái nghĩa sinh thành “như nước trong nguồn” của mẹ. Rồi khi lớn lên, cắp sách đến trường lại chịu ơn dạy bảo của thầy cô. Công sức của người thầy dạy dỗ được cha ông ta đặt ngang hàng với công sức của mẹ cha, sánh với công sức mẹ cha. Người thầy không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy ta những bài học làm người sâu sắc giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn: “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng

công mà học có ngày thành danh”; “Mẹ cha công sức sinh thành/ Ra trường thầy dạy học hành cho hay”.

Như vậy, từ xa xưa cha ông ta đã rất coi trọng nghề thầy giáo – đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức. Điều đó được họ đúc kết lại trong những câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn nhưng hết sức sâu sắc. Từ đó muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn ghi nhớ, biết ơn và kính trọng người đã dạy dỗ mình: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu

kính thầy”.

Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và

khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người thầy mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trong đó cần coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học và đề cao truyền thống ham học hỏi.

Trong tục ngữ, ca dao, học tập là một mảng hoạt động thực tiễn có giá trị rất cao đối với đời sống xã hội. Nó cung cấp những triết lý cho quá trình tích lũy tri thức của dân tộc, tích lũy phương pháp học tập, giáo dục nhân cách, đạo đức của con người Việt Nam theo đúng mục đích ra đời và tồn tại của nó. Người xưa khẳng định: “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, cho nên mục đích học được xác định là “Học để làm người”, học để “Biết

điều nhân nghĩa”; “Biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi”. Nội dung học tập

được thể hiện trong ca dao, tục ngữ rất phong phú. Trong cuộc sống con người phải học từ những điều sơ đẳng nhưng cần thiết “Học ăn, học nói, học

gói, học mở”. Điều cơ bản nhất đó chính là học đạo đức và học chữ. Bên cạnh

đó, con người còn phải học nghề để lao động vì lao động tạo nên giá trị của con người. Với một đất nước lấy nền nông nghiệp trồng lúa nước làm ngành sản xuất chính, họ ý thức được cần phải “Học hay, cày giỏi”, tuy nhiên cũng khuyên con người không được xem thường các nghề khác: “Dốt cậy thầy,

vụng tay cậy thợ”; “Học khôn đi lính, học tính đi buôn”.

Theo cha ông ta, mỗi người cần phải học để có một nghề trong tay, và khi đã theo nghề nào thì phải giỏi, phải sống được với nghề của mình: “Của

bề bề không bằng nghề trong tay”; “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”; “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”.

Đó đều là những lời khuyên chân thành và đúng đắn của cha ông ta đối với con cháu của mình, đó là con người phải chịu khó học chữ, học nghề, phải

chăm chỉ không chủ quan thì mới có tri thức, có nghề nghiệp, mới thành người.

Về phương pháp học tập, người xưa khẳng định việc học phải được gắn với thực hành, biết đem những điều mình học được áp dụng vào trong cuộc sống và trong quá trình lao động sản xuất “Học đi đôi với hành”, “Có học

phải có hành”, hay “Vừa hành vừa học mới thành người khôn”. Dù lý luận

này được phát biểu một cách mộc mạc, nhưng chắc chắn trong nhận thức của người Việt luôn đề cao việc học, đặc biệt là học từ thực tiễn; học không phải là học suông, học vẹt mà học là để làm, để làm tốt công việc mình muốn làm và tiếp thu những điều mình chưa biết đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Quan điểm đó chính là phương pháp học tập mà chúng ta phải biết kế thừa từ cha ông, đó là một quan điểm vừa đúng đắn, vừa tiến bộ đem lại cái nhìn đúng đắn cho quá trình nhận thức và học tập của con người. Bên cạnh đó, cha ông ta đã phê phán những quan điểm thiển cận, chủ quan, những cách học chưa biết kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Điều đó chứng tỏ người xưa đã có tầm nhìn xa để ngăn ngừa những nhận thức sai trái, không phù hợp: “Học chẳng hay, cày chẳng biết”; “Học mà không nghĩ là lầm/ Nghĩ mà không học là nguy”; “Chưa học bò đã lo học chạy”.

Điều đáng nói là ngay từ xa xưa, cha ông ta đã có được tinh thần học tập rất tiến bộ như học suốt đời, học thường xuyên. Điều đó đã được tổng kết qua những câu tục ngữ sau: “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”;

“Ông bảy mươi học ông bảy mốt”; “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Như vậy, theo cha ông ta phải có cách nhìn toàn diện trong học tập. Không nên nhận thức phiến diện, có cách nhìn một chiều mà phải học tất cả mọi điều, không chỉ là học kiến thức, học tri thức mà còn học làm người, trau dồi đạo đức nhân cách để trở thành con người hoàn thiện hơn. Đã học thì học

cho đến nơi đến chốn, không nên được chăng hay chớ, học gạo, học vẹt: “Ăn

cho đến nơi, làm cho đến chốn”.

Ngày nay cách học, phương pháp học, phương thức học có thể khai thác được nhiều kinh nghiệm trong ca dao, tục ngữ về học tập và đạo đức. Mặt khác trong học tập, cha ông ta luôn khuyến khích và đề cao tinh thần tự học, cho nên yêu cầu người học phải chịu khó, phải có ý chí và lòng kiên trì: “Dốt đến đâu học lâu cũng biết”; “Học mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”; “Rủ

nhau đi học i o/ Mỗi ngày một chữ, con bò cũng thông”. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nói đến tinh thần tự học, người Thái có câu: “Thầy dạy không bằng

mình suy nghĩ”. Điều đó cho thấy, cha ông ta rất đề cao sự nỗ lực vươn lên, sự

sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ của bản thân người học. Trong cuộc sống, mỗi người có thể học ở bạn, học ở thầy, học ở tất cả mọi người và học mọi nơi, mọi lúc: “Học thầy không tày học bạn” và “Không thầy đố mày làm

nên”. Lôghíc của tinh thần tự học trên cho chúng ta thấy tính dân chủ hợp tác

trong học bạn, nhưng cũng khẳng định sự phát huy nội lực của người học, vị trí chức năng của người thầy. Bên cạnh đó, ông cha ta còn nhắc nhở chúng ta mọi sự vật, hiện tượng đều vận động biến đổi không ngừng, nên học ở hiện tại là không đủ mà phải học ở cả quá khứ và tương lai, phải học lâu dài mới đạt kết quả tốt: “Ôn cố tri tân – phi cố bất thành kim”. Qua đó nói lên vai trò của những người đi trước trong việc truyền đạt những tri thức, những kinh nghiệm cho thế hệ sau. Phải biết ơn những công lao to lớn của họ và tiếp thu những tinh hoa ấy, lấy đó làm gốc rễ để phát triển nhân cách, tri thức của mình. Và kết quả tất yếu của việc học phải từ siêng năng, chăm chỉ “Học hành vất vả,

kết quả ngọt bùi”, phải chống thói lười biếng “Học như gà bới vách”, hoặc

học nhưng chẳng hiểu nghĩa lý gì “Học như cuốc kêu mùa hè”.

Đó là những điều có tính triết lý giáo dục sâu sắc mà cha ông ta đã để lại cho con cháu đời sau. Điều đó chứng tỏ đầu óc triết học của người Việt

xưa tuy chưa thành học thuyết, quan điểm triết học nhưng nó đã trở thành những triết lý học tập, giáo dục có ích cho nhiều thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Các triết lý đó đi vào đời sống và trở thành những chân lý, những lời khuyên bổ ích, những phương pháp học tập có hiệu quả cao.

Tuy nhiên trong kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, với trình độ của một nền sản xuất nông nghiệp cho nên vấn đề về vai trò của người thầy và phương pháp giáo dục trong ca dao, tục ngữ được thể hiện chủ yếu bằng những cảm nhận trực quan, là những kinh nghiệm mà người xưa đã đúc kết lại. Về sau, đặc biệt là thời kỳ Bắc thuộc trong ca dao, tục ngữ vai trò của người thầy và phương pháp giáo dục đã chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa cổ đại đặc biệt là tư tưởng giáo dục của Nho giáo.

Có thể nói, trong nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam, đạo học như một ngôi sao sáng mà năng lượng phát quang của nó bắt nguồn từ tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo vốn có từ lâu trong truyền thống của dân tộc, được biểu hiện đầy đủ trong văn học dân gian, văn hóa dân tộc nói chung và trong ca dao, tục ngữ nói riêng.

Một phần của tài liệu Triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ việt nam (Trang 42 - 47)