của người dân lao động
Bất cứ một sản phẩm tinh thần của một dân tộc nào cũng có hai mặt của nó, đó là mặt tích cực và hạn chế. Tìm hiểu triết lý giáo dục của người Việt xưa trong kho tàng ca dao, tục ngư Việt Nam chúng ta thấy bên cạnh mặt tích cực thể hiện những tư tưởng duy vật và tư tư tưởng biện chứng có tính chất trực quan, tự phát như đã trình bày ở trên, nhân dân lao động ngày xưa, do thế giới quan không thuần nhất, do trình độ nhận thức còn thấp kém và do bị áp bức nặng nề trong xã hội có giai cấp đối kháng nên không tránh khỏi những
tư tưởng duy tâm, siêu hình và mê tín dị đoan. Yếu tố duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình đan xen lẫn nhau; ở phương diện này nó là duy vật biện chứng nhưng ở phương diện khác nó lại là duy tâm, siêu hình.
Người Việt xưa thể hiện sự nghi ngờ, không tin vào sự mê tín và các loại “thầy” cụ thể làm nghề này khi khẳng định “Bói ra ma, quét nhà ra rác”,
thế nhưng họ lại tin vào thần thánh, vào vận hạn, vào tướng mạo và những dấu vết trên cơ thể con người, và đặc biệt họ rất tin vào số mệnh. Theo họ, mỗi người có một số phận riêng do trời ban, do đó mọi sự giàu nghèo, sang hèn, phú quý kể cả sự sống chết của con người cũng do trời quyết định, sắp đặt từ trước. Hay nói cách khác, theo họ tất cả mọi thứ trên thế gian đều là của trời, đều do trời ban cho, con người không thể thay đổi số phận của mình:
“Giàu có mạng, sang có số”; “Trăm đường tránh chẳng khỏi số”; “Một khoáy sống lâu/ Hai khoáy trọc đầu/ Ba khoáy chóng chết”; “Số chết rúc trong ống cũng chết”. Cho nên họ khuyên con người phải biết cam chịu số phận, ăn
ở lương thiện sẽ được trời thương, nếu làm điều xấu sẽ bị trời trừng phạt. Đây là một quan điểm duy tâm, gần với quan điểm Nho giáo của Khổng Tử. Quan điểm đó đã mang lại cho con người tư tưởng bi quan, làm thui chột ý chí đấu tranh vươn lên của con người.
Đối với người nông dân lúc bấy giờ, vũ trụ lớn lao và rất bí hiểm, mà con người thì hết sức nhỏ bé, cho nên họ không thể tạo ra sức mạnh và khả năng để thông hiểu và chi phối nó. Chính vì thế, người ta mơ hồ có sự tồn tại của một lực lượng siêu nhiên đã sinh ra và chi phối các sự vật, hiện tượng kể cả con người. Cho nên, khi càng đi sâu tìm hiểu và giải thích thế giới người ta đã bất lực và phải cầu viện đến thần, đến trời. Bên cạnh đó trong đời sống xã hội, do sự thống trị hà khắc của giai cấp phong kiến, đã làm cho cuộc sống của họ bí bách và cùng đường hơn, họ không có lối thoát nào khác ngoài việc phải tìm đến thần linh, cầu viện đến trời như là một sự an ủi về mặt tinh thần.
Dần dần trong cuộc sống con người tin rằng, bên cạnh thế giới trần gian còn có thế giới thần linh và niềm tin này ngày càng được củng cố khi giai cấp thống trị lợi dụng để làm chính sách mị dân. Họ cho rằng, vua chính là người thay thế trời để trị vì thiên hạ, do đó ý thức hệ của giai cấp thống trị đã chi phối ý thức hệ của của quần chúng nhân dân lao động. Đây chính là mãnh đất tốt để tư tưởng duy tâm phát triển.
Tư tưởng duy tâm thường đi liền với tư duy siêu hình. Do trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa nắm bắt được quy luật chi phối sự phát sinh, phát triển của sự vật, hiện tượng nên người lao động đã giải thích chúng một cách siêu hình. Người ta mơ hồ khi nhìn nhận thế giới và cho rằng hình như thế giới không thống nhất mà có sự phân chia thành những thế giới khác nhau như: thế giới trần gian, thế giới bên kia, thế giới thiên đình,… cho nên sau khi chết đi, linh hồn con người vẫn có thể có cuộc sống vĩnh viễn và sinh hoạt ở một thế giới khác đó là thế giới bên kia. Cuộc sống trên trần gian chỉ là sự chuẩn bị cho một cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia, do đó con người không được làm điều ác. Chính những tư tưởng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động lúc bấy giờ, nó đã thủ tiêu ý chí đấu tranh của người lao động. Họ nhìn mọi sự vật, sự việc trở nên khô cứng, không có sự vận động và biến đổi gì bởi tất cả đã được trời an bài và sắp đặt từ trước rồi. Cho nên họ không thể làm gì khác được để thay đổi số phận của mình: “Cây khô
thì lá cũng khô/ Phận nghèo thì đi đến nơi mô cũng nghèo”; “Cha mẹ giàu thì con có/ Cha mẹ khó thì con không”; “Số phận lao đao, phải sao chịu vậy”.
Tất cả đều nói lên sự bế tắc, không lối thoát và tư tưởng an phận của người dân lao động. Không những thế họ còn ngại đấu tranh, chấp nhận cuộc sống “Ở hiền gặp lành”, ăn ở nhân đức để được trời thương. Tư tưởng an phận thủ thường, tự ti và bảo thủ chính là chỗ dựa cho giai cấp phong kiến củng cố địa vị thống trị của mình và truyền bá tư tưởng duy tâm vào trong đời
sống nhân dân dể dàng hơn.
Những tư tưởng duy tâm, siêu hình nói trên không những chi phối nặng nề đời sống của nhân dân lao động nước ta trong các xã hội trước đây, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận nhân dân trong xã hội ngày nay, đặc biệt là những người làm nghề buôn bán và những người gặp nhiều khó khăn, tầng lớp thanh niên gặp trắc trở trong tình yêu,… đó cũng là điều khó tránh khỏi. Chỉ có sự phát triển của đời sống xã hội và kinh nghiệm thực tế của mỗi người mới có thể dần dần khắc phục, loại trừ những quan niệm sai lầm trong thế giới quan và nhân sinh quan của con người. Do đó, yếu tố đóng vai trò quan trọng để xóa bỏ những sai lầm, hạn chế nói trên là phải nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nâng cao trình độ dân trí và ưu tiên cho giáo dục.