XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Một phần của tài liệu Tài liệu Chương 1: CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG XÉT TRÊN KHÍA CẠNH KINH TẾ pptx (Trang 49 - 52)

Ở Việt Nam, đói nghèo vẫn đang là vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong gần 20 năm đổi mới, nhờ thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc tăng thu nhập và giảm đói nghèo. Tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm một nửa từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004 theo chuẩn nghèo quốc gia. Trong khoảng thời gian 5 năm (2001 - 2005), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,2% năm 2001 với 2,8 triệu hộ, xuống còn 8,3% năm 2004 với 1,44 triệu hộ, bình quân mỗi năm giảm 34 vạn hộ, đến cuối năm 2005 còn khoảng dưới 7% với 1,1 triệu hộ. Cuối năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc đã giảm xuống dưới 10%, báo hiệu sự “về đích” sớm hơn 2 năm so với mục tiêu giảm hộ nghèo đến cuối 2005 của Chính phủ. Năm 2004, hộ nghèo tiếp tục giảm trên 300 ngàn hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 8,3%. Năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống mức chỉ còn 7%. Như vậy, trung bình mỗi năm giảm 375 ngàn hộ và tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%. Việt Nam còn đứng thứ 47 trong tổng số 103 nước đang phát triển được xếp hạng về chỉ số nghèo tổng hợp (HPI). "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế", đó là đánh giá trong "Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004" của Ngân hàng Thế giới.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng, song khoảng cách các nhóm dân cư nghèo nhất ở từng vùng của Việt Nam như vùng nông thôn, dân tộc thiểu số miền núi,... đang rất lớn và vẫn còn xu hướng gia tăng.

Về tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm, tỷ lệ này được xác định bằng mức thu nhập tính theo thời gian đủ để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu bảo đảm khẩu phần ăn duy trì với nhiệt lượng tiêu dùng bình quân 1 người 1 ngày là 2.100 kcal.

Bảng 19: Chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm tính theo thu nhập bình quân 1 người tháng

Đơn vị: Ngàn đồng

Năm 1999 2002 2004

Thành thị 146 150 163

Nông thôn 112 115 124

Những hộ có mức thu nhập bình quân nhân khẩu dưới chuẩn trên thuộc diện hộ nghèo. Theo cách tính này, tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm năm 1999, 2002 và 2004 đã giảm trên phạm vi cả nước, ở cả 2 khu vực thành thị, nông thôn cũng như ở tất cả các vùng. Tuy nhiên ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc và khu vực nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.Bên cạnh tỷ lệ nghèo còn 6,1% của vùng Đông Nam Bộ và tỷ lệ nghèo còn 12,9% của vùng đồng bằng sông Hồng, thì vùng Tây Bắc vẫn còn tới 46,1%, tức là còn gần một nửa; vùng Bắc Trung Bộ và vùng Tây Nguyên tuy giảm nhanh nhưng vẫn còn gần một phần ba; vùng Đông Bắc vẫn còn 23,2%; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn 21,3%; ngay cả vùng cũng vẫn còn 15,3%.

Do đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, cùng với định hướng chung là từng bước tiếp cận với trình độ của các nước đang phát triển trong khu vực, nên chuẩn nghèo đã được điều chỉnh lại, trong đó có tính đến các nhân tố ảnh hưởng. Chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 quy định: Hộ nghèo là những hộ ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng trở xuống, đối với những hộ ở khu vực thành thị có thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống. Theo quy định này, ước tính năm 2005 cả nước ta có khoảng 3,9 triệu hộ nghèo, chiếm 22% số hộ trong toàn quốc; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là vùng Tây Bắc (44%) và Tây Nguyên (40%); vùng có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ (9%).

Dự báo về tình trạng nghèo năm 2006, khi áp chuẩn nghèo mới, cả nước sẽ có 4,6 triệu hộ nghèo, chiếm 26,3% tổng số hộ cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị sẽ khoảng 10%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 31%. Cơ cấu hộ nghèo giữa các khu vực thành thị - nông thôn đồng bằng - nông thôn miền núi là: 10% - 42% - 48%, tương ứng. Tỷ lệ hộ nghèo của nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi là 75%. Để để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo được tốt hơn và sát với chuẩn nghèo quốc tế, Nhà nước đề ra tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3% mỗi năm theo chuẩn nghèo mới.

Để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vừng miền, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, tuy đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn và thách thức:

- Thứ nhất, tình trạng thu nhập của khu vực sản xuất nông nghiệp thấp và tăng chậm, trong khi người nghèo lại tập trung chủ yếu ở khu vực này. Mấy năm gần đây, tình trạng sản xuất nông nghiệp không có lãi đã xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những địa bàn độc canh cây lúa, đất xấu, thiếu nước. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Do đó để tăng được thu nhập (lên trên mức 200.000 đồng/người/tháng), giảm được nghèo cho hơn 90% người nghèo, tương đương hơn 4 triệu hộ gia đình với khoảng gần 20 triệu người hiện đang sống trong khu vực nông thôn sẽ là một thách thức rất lớn trong giai đoạn mới.

Một điều bất cập còn tồn tại ngay chính trong bản thân nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo và địa phương nghèo là vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa chủ động vượt lên để thoát nghèo. Bên cạnh đó, sự đánh giá tỷ lệ nghèo còn thấp hơn thực tế ở một vài địa phương, nên một bộ phận người thực sự nghèo chưa được tiếp cận với các chương trình xóa đói, giảm nghèo.

- Thứ hai, nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói, giảm nghèo còn khiêm tốn. Hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chương trình xóa đói, giảm nghèo mới chỉ được bình quân khoảng 60.000 đồng/người. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động huy động hoặc huy động chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn lực tại chỗ; chưa lồng ghép hài hòa các loại nguồn lực trên cùng địa bàn và chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các tổ chức, các cộng đồng và các cá nhân có điều kiện vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của người nghèo để đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, dẫn đến mục tiêu thoát nghèo khó thực hiện được.

- Thứ ba, một số cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo chưa thật phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn bất cập, còn mang tính bao cấp, nên không tạo được động lực để người nghèo chủ động vượt nghèo. Biện pháp hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào nghèo chưa thật phù hợp với nhu cầu và tập quán của từng dân tộc, từng địa phương; có địa phương chưa chú ý đầy đủ đến quy hoạch sản xuất lâu dài và môi trường sống của nhân dân trong khi xây dựng các khu dân cư vượt lũ; mức chi phí cho khám, chữa bệnh còn thấp; chính sách trợ cước, trợ giá cũng còn bất hợp lý; mức vốn vay tín dụng ưu đãi còn thấp và chưa thật phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh; cơ chế phân bổ vốn còn mang tính bình quân, v.v… Ở một số nơi, nhất là vùng cao, vùng sâu thông tin đến với người dân chưa đầy đủ nên nhận thức về các chính sách của Nhà nước đối với người nghèo còn hạn chế. Những khiếm khuyết nói trên đã làm cho hiệu quả của chương trình xóa đói, giảm nghèo bị giảm bớt một phần.

- Thứ tư, việc tổ chức thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo không đồng đều ở một số địa phương. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực. Phần lớn cán bộ thực thi chương trình ở cấp xã đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Việc theo dõi, giám sát chương trình chưa có hệ thống và đồng bộ. Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá chương trình chủ yếu dựa trên các báo cáo với lượng thông tin chưa đầy đủ.

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được thành tựu có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh - quốc phòng, phát huy được bản chất tốt đẹp của dân tộc ta và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước bền vững. Tuy nhiên, thực tế công cuộc xóa đói, giảm nghèo vẫn còn vô cùng gian nan, nguy cơ tái nghèo vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt với số hộ nghèo vừa vượt khỏi ngưỡng nghèo. Có rất nhiều nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng như do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; do đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng chưa đồng đều; cơ hội về việc làm của người nghèo ngày càng khó khăn hơn do đổi mới công nghệ trong sản xuất, yêu cầu trình độ của người lao động ngày càng cao. Như vậy, làm sao để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và vẫn đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm nghèo cũng sẽ là những thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần phải vượt qua.

Một phần của tài liệu Tài liệu Chương 1: CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG XÉT TRÊN KHÍA CẠNH KINH TẾ pptx (Trang 49 - 52)