III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Chương 3: HIỆU LỰC QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC I CÁC CHÍNH SÁCH VĨ MÔ
I. CÁC CHÍNH SÁCH VĨ MÔ
Thực tiễn kinh nghiệm phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới đều thừa nhận tầm quan trọng của vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và hợp lý để khuyến khích tích luỹ và đầu tư. Những kinh nghiệm thành công nhất về phát triển ở Đông Á có được gần đây là nhờ các yếu tố như mức độ thâm hụt ngân sách thấp; tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng hợp lý; tỷ lệ lạm phát tương đối thấp; các khoản nợ của khu vực công cộng tăng ở mức độ hạn chế; lãi xuất thực được duy trì ở mức độ dương để khuyến khích tích luỹ trong nước; tỷ giá hối đoái được quản lý để tránh tình trạng giá trị đồng tiền quá cao, khuyến khích xuất khẩu và góp phần duy trì cán cân thanh toán và sự ổn định về tài chính… Nhờ có tính ổn định và khả năng dự đoán tương đối của môi trường kinh tế vĩ mô, người dân yên tâm đầu tư tiết kiệm dài hạn vào thị trường tài chính và các nhà doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư cho các dự án, kể cả các dự án có thời gian thu hồi vốn dài. Chính vì vậy, tỷ lệ tích luỹ (tiết kiệm nội địa) và đầu tư tăng mạnh, đẩy nhanh tốc độ tích luỹ các nguồn vốn, cả vật chất và con người, tạo tiềm lực cho tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao sự phồn thịnh bền vững về kinh tế và nhanh chóng thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo. Chính vì vậy, trong nội dung nghiên cứu về hiệu quả các chính sách vĩ mô của Nhà nước, chuyên đề sẽ tập trung đi sâu vào nghiên cứu vào các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá - những công cụ chính để nhà nước điều tiết vĩ mô toàn nền kinh tế.