CÔNG BẰNG XÃ HỘ

Một phần của tài liệu Tài liệu Chương 1: CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG XÉT TRÊN KHÍA CẠNH KINH TẾ pptx (Trang 46 - 49)

Việc có đạt được những thành tựu trong tương lai hay không phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng tăng trưởng và bất bình đẳng. Mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện chỉ có thể được thực hiện nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức cao như trong quá khứ và sự gia tăng về bất bình đẳng có thể được hạn chế.

1. Bất bình đẳng trong thu nhập

Sau 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao và ổn định, mỗi năm trên 8%. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, tuy nhiên hố sâu ngăn cách giàu nghèo lại càng bị nới rộng ra.

Đánh giá về chênh lệch giàu nghèo theo phương pháp tính hệ số chênh lệch về thu nhập giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo các chỉ số thống kê cho thấy, hệ số chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo qua các năm ở nước ta như sau: Năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 là 8,4 lần. Hệ số chênh lệch ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn (năm 2004 là 8,1 lần so với 6,4 lần). Theo vùng lãnh thổ chênh lệch cao nhất là ở Đông Nam bộ (8,7 lần), tiếp đến là Tây Nguyên (7,6 lần), Đông Bắc (7 lần)...So sánh với hệ số chênh lệch tương ứng của 126 nước và vùng lãnh thổ, thì hệ số chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam cao đứng thứ 50, cao hơn 73 nước.

Theo phương pháp tính tỷ trọng tổng thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất, nếu tỷ trọng thấp hơn 12% là có sự bất bình đẳng cao, nếu nằm trong khoảng 12 - 17% là có sự bất bình đẳng vừa; nếu lớn hơn 17% là có sự tương đối bình đẳng. Các chỉ số thống kê của Việt Nam từ cuộc khảo sát mức sống qua các năm cho thấy, tỷ trọng này của nước ta năm 1995 là 21,1%, năm 1996 là 21%, năm 1999 là 18,7%, năm 2002 là 18%, năm 2004 là 17,4%. Như vậy, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm hộ có thu nhập thấp nhất so với các nhóm còn lại tuy giảm, nhưng hiện nay ở mức tương đối bình đẳng.

Nếu đo lường bất bình đẳng thu nhập theo hệ số GINI, các chỉ số thống kê của Việt Nam về hệ số GINI năm 1994 là 0,350, năm 1995 là 0,357, năm 1996 là 0,362, năm 1999 là 0,390, năm 2002 là 0,420, năm 2004 là 0,423. Những con số này chứng tỏ

sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư có xu hướng tăng lên. Cách biệt về thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng mở rộng. Năm 1990, thu nhập bình quân của người dân nông thôn bằng 25% thu nhập người thành phố, nhưng vào năm 1994, tỉ lệ đó giảm còn 18%. Từ năm 1993 đến năm 1998, thu nhập của người dân nông thôn chỉ tăng 30% trong khi ở thành thị là 61%. Vào năm 1993, chi tiêu trung bình của nguời thành phố bằng 1,8 lần người dân nông thôn nhưng đến năm 1998 tăng lên 2,2 lần. Xét quá trình biến đổi, trong giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, hệ số GINI của Việt Nam còn tương đối thấp, nhưng đây là kết quả mang tính tiêu cực một thời kỳ bao cấp khá dài, khoảng cách bất bình đẳng thấp trên một nền kinh tế còn khó khăn, thu nhập bình quân chung còn ít ỏi, kinh tế còn nghèo nàn. Hệ số GINI đã tăng đáng kể đặc biệt là từ năm 1998 đến nay, đây là kết quả tất yếu đi theo cùng với quá trình phát triển kinh tế. Nền kinh tế của ta đang chuyển sang cơ chế thị trường thì sự mất cân đối trong phân phối, việc chênh lệch mức sống và khoảng cách giàu nghèo là khó tránh khỏi, tuy nhiên khoảng cách này không có nghĩa là thu nhập của người nghèo thấp. Thực tế trong những năm qua, mặt bằng chung thu nhập của Việt Nam đã được cải thiện, tỷ lệ người nghèo đã giảm đáng kể.

Trong thời gian qua, chênh lệch tăng tương đối nhanh (bình quân mỗi năm tăng thêm gần 0,4 lần) và còn có xu hướng còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Để vừa đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, đồng thời khắc phục chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về kinh tế - xã hội, nước ta cần có những chính sách thích hợp đẩy mạnh cải cách kinh tế và cải cách hành chính, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế, kiểm soát và tái phân phối thu nhập một cách hợp lý, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia làm giàu chính đáng, đồng thời hỗ trợ hơn nữa người nghèo về các mặt để tăng thu nhập nhằm thoát nghèo, mặt khác có chính sách, có phong trào vận động để người giàu đóng góp về thuế thu nhập, làm từ thiện...

2. Bất bình đẳng giới

Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho người phụ nữ. Chính phủ Việt Nam cũng đã rất chú trọng và dành ưu tiên cho công tác này như xây dựng dự thảo Luật Bất bình đẳng giới, đưa nội dung bình đẳng giới vào Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng tỷ lệ nữ trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao, trong đại biểu Quốc hội,... Nhờ đó bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục tiểu học và sự tham gia của phụ nữ về mặt chính trị ở cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh nữ ở bậc trung học đã tăng từ 86% năm 1993 lên 94,5% năm 2003, trong các trường đại học, tỷ lệ nữ cũng tăng lên đáng kể, số đại biểu nữ tham gia trong Quốc hội đạt khoảng 27,3%; ở HĐND cấp tỉnh, thành phố là 23,8% (trong khi Kế hoạch hành động (KHHĐ) đề ra 28%); cấp quận, huyện là 23,22% (KHHĐ đề ra 23%) và cấp xã, phường là 20,3% (KHHĐ đề ra 18%) (Số liệu tổng hợp sơ bộ của Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009). Việt Nam xếp thứ 87 trên 144 nước được xếp loại theo Chỉ số Phát triển giới của UNDP.Công tác

chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em đã được chú trọng, hầu hết trẻ em đều được hưởng thu các quyền cơ bản của mình như: khai sinh, y tế, giáo dục, các chính sách trợ cấp xã hội. Nam giới và phụ nữ chiếm tỷ lệ tương đương trong lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm cũng xấp xỉ tương đương, năm 2002, 85% đối với nam và 83% đối với nữ.

Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng về giới vẫn còn tồn tại trong bất bình đẳng về các cơ hội kinh tế, thu nhập và phân bổ lao động và thời gian. Số liệu thống kê mà Ngân hàng Thế giới đưa ra cho thấy một thực trạng đáng lo ngại có thể cản trở việc thực hiện các quyền bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, điển hình là tỷ lệ mù chữ và tái mù với nữ giới trong độ tuổi 15 - 40 còn cao; công tác xoá mù còn gặp nhiều khó khăn, và đặc biệt, vẫn còn tới 20% cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ chưa xoá hết mù chữ. Bên cạnh đó, sự khác nhau về thu nhập giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại, phụ nữ có thu nhập ít hơn nam giới trong mọi ngành nghề, thu nhập bình quân hàng tháng của phụ nữ chiếm 85% thu nhập của nam, tỷ lệ này ở khu vực nông nghiệp chỉ là 66% và ở khu vực công nghiệp là 78% (năm 2002). Có thể thấy rõ thực trạng này qua mức tiền công các chủ lao động trả cho các nữ công nhân ít hơn 1/3 so với nam giới, tuy cùng một công việc như nhau. Sự bất bình đẳng về thu nhập trong lao động có thể từ nhiều nguyên nhân trong đó có sự khác nhau về trình độ văn hóa, chuyên môn, kinh nghiệm công tác và những nguyên nhân khác cộng với sự phân biệt đối xử, những định kiến đã tồn tại từ lâu đời. Do vậy, để lấy lại sự bình đẳng giới ở mọi mặt thì cần phải giải quyết từng phương diện thể hiện sự bất bình đẳng giới, quá trình này diễn ra hết sức lâu dài và cần sự thay đổi của toàn xã hội.

Theo bảng phân loại công việc theo giới, nam giới chiếm số đông trong công việc giữ vị trí lãnh đạo, chuyên viên cao cấp, có thu nhập và cơ hội thăng tiến cao. Nữ giới chiếm số đông ở những công việc có thu nhập ít, khả năng thăng tiến hạn chế.

Bảng 18: Loại công việc theo giới (%)

Bản chất công việc Phụ nữ Nam giới

Lãnh đạo 19 81

Chuyên viên cao cấp 41,5 58,5

Chuyên viên 58,5 41,5

Nhân viên 53,1 46,9

Nghề tự do, bảo vệ, bán hàng 68,7 31,3

Nông lâm, thủy sản, đồng ruộng 37,6 62,4

Thợ thủ công và người làm công 34,7 65,3

Lắp máy/ vận hành 26,9 73,1

Tổng 48,4 51,6

Nguồn: “Thực hiện các Mục tiêu MDG. Báo cáo của Việt Nam” Nước CHXHCNVN, Hà Nội, 2005.

Xét về mặt thời gian làm việc, trong khi phụ nữ và nam giới làm việc với số giờ tương đương trong sản xuất và kinh doanh, thì phụ nữ sử dụng thời gian hàng ngày cho công việc nhà nhiều hơn 2,5 lần so với nam giới ở vùng thành thị và 2,3 lần ở vùng nông thôn. Theo thống kế, đa số phụ nữ làm việc từ 51 - 60 giờ mỗi tuần và thậm chí còn những người làm việc trên 61 giờ mỗi tuần (năm 2002), đối với phụ nữ nông thôn thường làm việc từ 16 - 18 giờ một ngày, nhiều hơn nam giới khoảng từ 6 - 8 giờ.

Mặc dù tình trạng bất bình đẳng giới đã được cải thiện một cách rõ rệt nhưng vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng về lao động giữa nữ giới và nam giới. Như vậy, giảm bớt bất bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết mà Việt Nam cần thực hiện được trong những năm tới.

Một phần của tài liệu Tài liệu Chương 1: CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG XÉT TRÊN KHÍA CẠNH KINH TẾ pptx (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(52 trang)
w