Các giáo sĩ Do-thái bắt Spinoza trả lời những câu hỏi sau: phải chăng ông tin và chủ trương rằng Thiên chúa có một hình hài, phải chăng ông chủ trương rằng thiên thần chỉ có trong tình trạng mê sảng, linh hồn chỉ là đời sống và cựu ước không nói gì đến sự bất tử của linh hồn ?
bằng lòng trả cho ông một số tiền nếu chịu phủ nhận những chủ trương có hại cho chủ trương của giáo hội. Ông từ chối. Đến ngày 27.7.1656, ông bị khai trừ khỏi giáo hội Do-thái. Buổi lễ khai trừ thật ảm đạm, vị giáo chủ xướng lên những lời tố cáo nguyền rủa, tiếng kêu rên siết của cái tù và vang lên từng hồi, ánh sáng trong giáo đường dần tắt và khi buổi lễ chấm dứt, toàn thể giáo đường chìm trong bóng tối tượng trưng cho sự ra đi của lý trí trong tâm hồn người phản đạo.
Sau đây là nguyên văn của những lời tố cáo và nguyền rủa do vị giáo chủ đọc trong buổi lễ khai trừ:
"Các giáo phẩm long trọng tuyên bố các ngài đã làm đủ mọi cách để lôi kéo Spinoza về chánh đạo, song tất cả đều vô hiệu. Càng ngày các ngài càng nhận thấy rằng đương sự đã phổ biến luận điệu sai lại một cách ngạo nghễ và nhiều nhân chứng đã quả quyết biết rõ những việc làm này. Do đó hội đồng giáo phẩm quyết định khai trừ Baruch Spinoza khỏi tập thể của những người Do-thái.
Với sự phán xét của các thiên thần và các Thánh, trước những Thánh kinh ghi chú 613 điều răn dạy, chúng tôi nguyền rủa đương sự với tất cả điều nguyền rủa ghi trong kinh luật. Đương sự sẽ bị nguyền rủa ban ngày cũng như ban đêm, khi ngồi khi đứng cũng như khi nằm, khi đi cũng như khi lại. Xin Thượng đế đừng bao giờ tha thứ và chấp nhận đương sự. Xin Thượng đế ra uy với đương sự, bắt buộc đương sự phải chịu tất cả những nguyền rủa ghi trong kinh luật và bôi tên đương sự dưới vòm trời. Xin Thượng đế loại trừ đương sự khỏi sự che chở của ngài và bắt đương sự phải gánh chịu tất cả những lời nguyền rủa trong vũ trụ.
Kể từ hôm nay chúng tôi cấm những người Do-thái ngoan đạo nói chuyện với y, giao dịch thư từ với y, giúp y và sống chung với y. Không ai được đến gần y và không ai được đọc những tác phẩm hoặc chữ do y viết ra". Chúng ta không nên kết luận một cách vội vã về thái độ của hàng giáo phẩm Do thái đối với trường hợp Spinoza vì chính họ cũng gặp một tình thế nan giải. Lẽ cố nhiên ai cũng cho rằng hàng giáo phẩm Do-thái cũng hẹp hòi không khác gì những kẻ đã trục xuất họ khỏi xứ Y-pha-nho. Tuy nhiên chính hàng giáo phẩm này bắt buộc phải khai trừ Spinoza vì những tư tưởng ông có hại đến tín ngưỡng của nhà cầm quyền xứ Hoà-lan, một xứ đã cho dân Do-thái trú ngụ. Xứ Hoà-lan là một xứ theo giáo phái Tin lành. Vì sự xung đột ý thức hệ, mỗi phái khư khư giữ chặt những giáo điều của mình vì họ quan niệm rằng quá nhiều máu đã chảy ra để bênh vực cho các giáo điều ấy. Chính quyền Hoà-lan sẽ nghĩ thế nào khi họ nhận thấy rằng những kẻ ăn gởi nằm nhờ trên đất họ đã truyền bá những tư tưởng có hại cho tín ngưỡng họ ? Mặt khác, sở dĩ nhóm người Do-thái có thể tồn tại là nhờ họ đã bảo tồn được sự thống nhất của tập thể, nếu người Do-thái có một lãnh thổ riêng, một bộ luật riêng, một lực lượng riêng, thì có lẽ họ sẽ phóng khoáng hơn trong tư tưởng. Trên thực tế, người Do-thái xem sự trung thành với giáo lý tương đương với sự trung thành với tổ quốc, và các giáo đường là trung tâm của mọi hoạt động xã hội chính trị và tôn giáo của người Do-thái. Những cuốn thánh kinh đối với người Do-thái là cả một tổ quốc mà họ mang theo trên khắp cả nẻo đường lang thang, do đó mọi việc phản kháng lại thánh kinh được xem là một sự tự sát của dân tộc Do-thái. Chúng ta có thể nghĩ rằng giáo hội Do-thái nên xét xử Spinoza một cách khoan hồng hơn, họ có thể kết tội Spinoza với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn để cho ông một hy vọng trở lại hoặc một hy vọng sống chung trong cộng đồng Do-thái. Tuy nhiên, giáo chủ Do-thái vắng mặt trong lúc giáo hội kết án Spinoza và định mệnh đã đẩy Spinoza khỏi cộng đồng Do-thái-giáo.