Chúng tôi sẽ trình bày những ý chính trong các tác phẩm của Spinoza theo thứ tự thời gian soạn thảo. Cuốn Luận về tôn giáo và chính trị đối với chúng ta ngày nay có vẻ không có gì đặc sắc chính vì những ý kiến táo bạo mà Spinoza đưa ra đã được đáp ứng trên toàn thế giới. Và cho đến ngày nay chúng đã thành sự thật hiển nhiên. Dây cũng là một nhận xét chung cho tất cả các triết gia đã trình bày một lập trường quá dứt khoát và quá rõ ràng minh bạch. Chẳng bao lâu, những lập trường ấy trở thành tài sản chung của nhân loại và trở nên gần như những sự thật hiển nhiên. Đây cũng là trường hợp của Voltaire.
Trong tác phẩm kể trên, Spinoza viết rằng các thánh tông đồ đã dùng một lối văn gồm có nhiều điển tích, một là để có cơ hội trình bày các chân lý một cách hoa mỹ, hai là để khỏi động trí tưởng tượng. Họ phải điều chỉnh tư tưởng cho đúng với trình độ và căn cơ của dân chúng. Thánh kinh được soạn thảo cho toàn thể nhân loại, do đó phải thích hợp với trình độ của quảng đại quần chúng. Các tác giả không đưa ra những lý thuyết mà chỉ kể lại những câu chuyện khả dĩ ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của những người ít học. Ít khi người ta kêu gọi đến lý trí, người ta chỉ kêu gọi đến trí tưởng tượng. Vì những lẽ trên, có rất nhiều phép lạ và rất nhiều lần Thiên chúa xuất hiện trong thánh kinh. Quần chúng tưởng rằng quyền lực của Thiên chúa và lòng quảng đại của ngài được thể hiện một cách hùng hồn nhất trong những biến cố phi thường hoàn toàn khác với những điều tai nghe mắt thấy hàng ngày. Quần chúng tưởng rằng Thiên chúa không hoạt động khi mọi việc xảy ra một cách bình thường. Họ quan niệm hai quyền lực hoàn toàn khác nhau: quyền lực của Thiên chúa và quyền lực của thiên nhiên. Sự thật thì hai quyền lực ấy chỉ là một. Người ta thích tưởng tượng rằng Thiên chúa phá vỡ những định luật thiên nhiên để giúp đỡ họ, người Do-thái tin rằng Thiên chúa đã làm
cho ngày dài hơn để nâng đỡ dân Do-thái. Tất cả những dân tộc khác đều có những tín ngưỡng như vậy. Những lời nói giản dị không lôi kéo tâm hồn. Nếu người ta nói rằng ngọn gió phía tây đã làm cho nước biển Hồng hải rút lui và cho phép đoàn quân của Moise đi qua, dân chúng sẽ không mấy cảm động. Họ sẽ cảm động hơn khi nói rằng chính Thiên chúa đã làm khô nước biển và giúp cho Moise và đoàn quân của ông đi qua. Do đó những phép mầu rất cần thiết để ảnh hưởng đến sự hiểu biết của dân chúng. Những người sáng lập tôn giáo dùng những lối hành văn bóng bẩy có thể làm cho dân chúng tin tưởng hơn tin tưởng những triết gia hoặc những nhà khoa học.
Nếu hiểu như vậy thì Thánh kinh không đi ngược với lẽ phải. Nếu hiểu một cách chặt chẽ hơn thì Thánh kinh đầy rẫy những sự mâu thuẫn, mê tín, dị đoan. Sau này, khi tìm cách diễn giảng những điển tích trong Thánh kinh người ta mới đoán được một phần nào những chân lý. Chính nhờ những sự diễn giảng ấy mà các chân lý trong Thánh kinh càng ngày càng phong phú. Dân chúng luôn luôn đòi hỏi một giáo lý được trình bày trong một văn thể hoa mỹ đầy rẫy những phép lạ. Họ sẽ tạo nên những huyền thoại nếu trong giáo lý chưa có những huyền thoại ấy. Đối với triết gia thì Thiên chúa và Thiên nhiên chỉ là một, tất cả những định luật bất di bất dịch của thiên nhiên đều là những định luật của Thiên chúa. Nếu trong Thánh kinh, người ta hình dung Thiên chúa như một đấng Toàn năng đầy vị tha bác ái, đó là vì người ta muốn khêu gợi tưởng tượng của dân chúng; sự thật thì tất cả những chân lý, tất cả những định luật thiên nhiên, đều là những định luật của Thiên chúa.
Spinoza không phân biệt Tân ước và Cựu ước. Ông xem Thiên chúa giáo và Do thái giáo là một. Khi người ta gạt ra ngoài những sự hiềm khích, những sự hiểu lầm để tìm căn bản của hai tín ngưỡng đối lập ấy, người ta sẽ thấy rằng trong căn bản, hai tín ngưỡng ấy không khác nhau là bao. Những kẻ tự cho mình là những người theo Thiên chúa giáo, một tôn giáo đã đề cao tình thương, lòng nhân từ, sự hoà bình, tính tiết độ mà lại tỏ ra hiềm khích, ganh ghét, hiếu chiến đối với những tôn giáo khác là một sự mâu thuẫn. Tập thể Do thái đã tồn tại vì những người Thiên chúa giáo thù ghét họ. Càng bị kỳ thị, họ càng đoàn kết. Nếu không có sự kỳ thị, có lẽ họ đã kết hôn với những dân tộc khác và dân dần hoà mình trong cộng đồng xã hội. Trên bình diện triết lý, không có gì ngăn trở những người Do thái và những người theo Thiên chúa giáo sống chung hoà bình với nhau.
Bước đầu tiên để đi đến sự hoà giải ấy là tìm hiểu Chúa cứu thế một cách rõ ràng hơn. Nếu loại bỏ những lý do hiềm khích, người Do thái sẽ nhận thấy rằng Chúa cứu thế là một đấng tiên tri cao cả nhất. Spinoza không công nhận nguồn gốc thiêng liêng của Chúa cứu thế. Ông công nhận rằng Chúa cứu thế chỉ là một người, nhưng là một người cao cả nhất trong những người khác. Sự toàn thiện toàn mỹ của Thiên chúa được thể hiện trong tất cả mọi vật, trong tất cả mọi người và nhất là trong Chúa cứu thế Giê-su chẳng những dạy cho người Do thái mà còn dạy cho toàn thể nhân loại. Do đó ông dùng những lời lẽ giản dị, bóng bẩy để tất cả mọi người đều hiểu. Ông dùng nhiều nhất là các điển tích. Spinoza cho rằng đạo giáo của chúa Giê-su phù hợp với những khôn ngoan thông thường. Khi suy tôn Chúa Giê-su tức là người ta đã suy tôn Thiên chúa. Nếu không có những giáo điều chật hẹp, thiển cận gây nên những sự hiềm khích thì toàn thể nhân loại có lẽ đã theo về với Giê-su và chấm dứt những cuộc chiến tranh trên bình diện ý thức cũng như trên bình diện vũ khí. Có lẽ nhân loại đã tìm lại sự thống nhất trong tín ngưỡng và trong tình huynh đệ.