Ông sinh ở Derby năm 1820. Về cả hai bên nội ngoại tổ tiên ông là những người ly khai với tôn giáo chính thống. Ông ngoại Spencer là một đồ đệ trung thành của John Wesley; bác ông, Thomas, mặc dù là một linh mục thuộc giáo đường Anh-cát-lợi, đã lãnh đạo một phong trào theo Wesley ngay trong khuôn khổ giáo đường, không bao giờ dự một buổi hoà nhạc hay kịch nghệ, và đóng vai trò tích cực trong những phong trào yêu sách cải tổ nền chính trị. Khuynh hướng phản động này càng mạnh hơn đến đời thân phụ ông, và đạt đến tột đỉnh nơi Spencer với một cá nhân chủ nghĩa hầu như ương ngạnh. Thân phụ ông không bao giờ dùng tiếng siêu nhiên để giải thích sự việc gì; một người quen đã mô tả ông ta là một người "không có một đức tin, một tôn giáo nào cả, như chỗ người ta có thể thấy" (Spencer, Tự truyện, N.Y., 1904; vol. 1, tr. 51) (mặc dù điều này Herbert cho là quá đáng). Ông thiên về khoa học và viết một cuốn Hình học phát minh. Về chính trị ông là một người theo chủ nghĩa cá nhân như con trai ông, và "không bao giờ cất nón mũ chào người nào bất luận địa vị cao đến đâu" (tr. 53). "Nếu ông không hiểu một câu hỏi nào của mẹ tôi, ông sẽ im lặng, không hỏi bà hỏi gì, và cứ để mặc không trả lời. Ông cứ tiếp tục kiểu ấy suốt đời, mặc dù nó không đưa đến đâu" (tr. 61). Ngoài tính im lặng ấy người ta còn nhớ đến sự phản kháng của Herbert Spencer, vào những năm ông về già, trước sự bành trướng những vai trò của quốc gia.
Thân phụ ông, cũng như một người chú và tổ phụ của ông, đều là những giáo chức trường tư thục; tuy nhiên người con trai mà sau này sẽ là triết gia Anh nổi tiếng nhất của thế kỷ, lại vẫn bị thất học cho đến năm 40 tuổi. Herbert vốn lười biếng, thân phụ ông thì lại nhu nhược dễ tánh. Cuối cùng, năm ông 13 tuổi, Herbert được gởi đến Hinton để theo học với người chú nổi tiếng là nghiêm khắc. Nhưng Herbert trốn thoát người chú ngay sau đó, và bôn tẩu một mình trở về nhà cha ở Derby - đi 48 dặm Anh ngày đầu, 47 dặm ngày hôm sau, 20 dặm ngày thứ ba, chỉ ăn một ít bánh mì và uống bia. Dù sao sau đó vài tuần, ông cũng trở lại Hinton và ở đấy 3 năm. Đó là khoảng thời gian độc nhất ông được hấp thụ một lối học tập có hệ thống đàng hoàng. Về sau nội một điều ông đã học những gì ở đấy ông cũng không thể nhớ; không có sử ký, vạn vật, văn chương tổng quát. Ông nói với niềm kiêu hãnh điển hình: "Điều cần nhớ là tôi đã không hấp thụ một bài học nào về Anh ngữ, trong thuở ấu thời cũng như thiếu thời, và tôi hoàn toàn không có một kiến thức chỉnh đốn nào về ngữ pháp cho đến bây giờ. Người ta cần biết như vậy, vì những sự kiện này thật tương phản với những giả thuyết mọi người đều chấp nhận". Năm 40 tuổi, ông cố đọc Illias, nhưng "sau khi đọc chừng sáu cuốn, tôi có cảm tưởng thật là một công việc khổ nhọc nếu phải tiếp tục - tôi cảm thấy chẳng thà phải trả một số tiền lớn còn hơn là phải đọc cho đến hết" (tr. 300). Collier, một trong những viên thư ký của Spencer, cho chúng ta biết rằng Spencer không bao giờ đọc hết một cuốn sách nào về khoa học (Phần phụ trương trong cuốn Herbert Spencer của Royce). Ngay cả trong những địa hạt mà ông ưa thích, ông cũng không được hấp thụ một sự học hỏi có hệ thống nào cả. Ông bị phỏng tay và nhân đó tìm ra một vài chất nổ trong hoá học; ông nhai gặm lá non như những côn trùng ở quanh nhà và trường, và biết được một vài điều về hoá thạch và kim khoáng trong công việc của ông về sau khi làm kỹ sư kiều lộ; ông lượm lặt kiến thức của mình dọc đường một cách tình cờ. Cho đến năm 30 tuổi, ông vẫn không có một ý tưởng nào về triết học (Tự truyện, tr.438). Rồi ông đọc Lewes, và cố gắng đọc qua Kant; nhưng khi thấy Kant xem không gian và thời gian là những hình thái của nhận thức giác quan hơn là những sự vật khách quan có thật; ông quyết ngay rằng Kant là một lão ngốc, và ném cuốn sách ra cửa sổ (tr. 289 - 291). Viên thư ký kể lại rằng Spencer đã viết tác phẩm đầu tiên của ông, Social Statics mà không đọc một khảo luận về đạo đức học nào ngoài ra một cuốn sách cũ giờ đã bị bỏ quên là cuốn của Jonathan Dymond". Ông viết cuốn Tâm lý học sau khi chỉ đọc Hume, Mansel và Reid; cuốn Sinh vật học sau khi đọc Sinh lý học tỉ giảo của Carpenter (chứ không phải tác phẩm Nguồn gốc các loài giống);
viết cuốn Xã hội học mà không đọc Comte hay Taylor; Đạo đức học mà không đọc Kant hay Mill hay bất cứ nhà đạo đức học nào trừ Sedgwick (Collier, trong Royce, 210). Thật là tương phản với nền học vấn dồi dào say sưa của John Stuart Mill !
Thế thì Spencer tìm ở đâu ra những sự kiện hằng hà sa số kia để bênh vực cho hàng nghìn luận cứ của ông ? Phần lớn ông "lượm lặt" chúng nhờ quan sát trực tiếp hơn là qua sách vở. "Tính tò mò của ông luôn thức tỉnh, ông luôn luôn làm cho người bạn của ông phải chú ý đến một hiện tượng đặc biết nào đó ... mà cho đến bây giờ chỉ có mắt ông trông thấy". Ở hội Athenaeum ông bơm cạn túi tri thức quảng bá của Huxley và các bạn khác, ông đọc lướt qua những tạp chí ở Hội cũng như đã đọc lướt qua những tạp chí qua tay thân phụ ông để đến hội Triết học ở Derby, "có đôi mắt của con chồn đèn đối với mọi sự kiện mà ông có thể sử dụng" (Ibid.). Sau khi đã quyết định những gì ông muốn làm, và tìm ra quan niệm tiến hoá, ý tưởng nòng cốt cho toàn bộ tác phẩm ông, thì mọi tài liệu liên hệ, và tính ngăn nắp không tiền khoáng hậu của tư tưởng ông xếp loại ngay tài liệu hầu như một cách máy móc khi nó đến. Thảo nào người vô sản và thương gia nghe ông một cách hoan hỉ; đây chính thật là một khối óc như khối óc của họ - một kẻ xa lạ đối với cái học sách vở, không biết gì về "văn hoá" nhưng lại có sẵn một tri thức tự nhiên, thực tế của con người biết học trong khi làm lụng và sống.
Bởi vì Spencer phải làm việc để sống: và nghề nghiệp ông làm tăng cường khuynh hướng thực tiễn của tư tưởng ông. Ông làm giám thị, cai quản và vẽ kiểu cho những đường hoả xa và cầu cống, nói chung ông là một kỹ sư kiều lộ. Ông phát minh luôn luôn, những cuộc phát minh của ông đều thất bại, nhưng ngoái nhìn lại chúng trong cuốn Tự thuật, ông có niềm thích thú của một người cha đối với đứa con ương ngạnh. Những trang hồi ký của ông nhan nhản những sáng chế hầm chứa muối, chum, độ tắt nến, xe cho người què, và những thứ tương tự. cũng như phần đông chúng ta hồi niên thiếu, ông đã đặt ra những cách ăn kiêng; ông ăn chay một thời gian; nhưng liền bỏ ăn khi thấy một người bạn ăn chay bị thiếu máu, và chính ông cũng mất sức: "Tôi thấy mình phải viết lại những gì đã viết trong thời gian ăn chay, vì chúng thiếu hẳn dũng lực" (Tự thuật). Vào thời kỳ ấy ông sẵn sàng làm thử bất cứ điều gì, ông lại còn nghĩ đến việc di cư sang Tân-tây-lan, quên bẵng rằng một xứ còn trẻ không cần đến triết gia. Một việc làm điển hình của Spencer là ông đã lập thành một bản kê đối chiếu những lý do nên và không nên đi, cho điểm đánh giá một lý do. Tổng kết có 110 điểm nên ở lại Anh quốc và 301 điểm nên đi. Ông đã ở lại !
Cá tính của ông có những khuyết điềm trong những đức tính. Ông phải trả giá tính thực tế cả quyết và óc thực tiễn bằng sự thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Ông có một tính cả quyết rất tốt nhưng mặt trái của nó lại là sự ngoan cố độc đoán; ông có thể càn quét cả vũ trụ để kiếm những bằng chứng cho giả thuyết của mình, nhưng không thể nhìn thấy một cách sâu sắc quan điểm của người khác; ông có tính duy ngã gây phấn khởi cho những kể không theo quy củ, nhưng ông không thể mang sự vĩ đại của mình mà không xen lẫn một ít tự phụ. Ông có những giới hạn của một nhà tiền phong: một sự hẹp hòi giáo điều với một tính hồn nhiên can đảm và tính cách độc đoán mãnh liệt; cương quyết phản đối mọi sự nịnh hót, từ chối những vinh dự mà chính quyền đề nghị tặng cho ông, theo đuổi một công trình khó nhọc trải qua bốn mươi năm trong bệnh hoạn kinh niên và ẩn dật, tuy thế ông vẫn bị một nhà nghiên cứu não tướng học (phrenologe) cho là "quá nhiều tự cao" (tr, 228). Vốn là con và cháu của những nhà giáo, ông cũng múa một con roi gõ đầu trẻ trong sách ông viết, và nện một giọng điệu rât mô phạm thầy đời. "Tôi không bao giờ bối rối", ông bảo chúng ta (tr. 464). Cuộc sống cô quạnh độc thân làm ông thiếu những đức tính nồng nàn của tình người, mặc dù ông có thể nhân đạo trong phẫn nộ. Ông đã từng dây dưa với con người Anh quốc vĩ đại là George Elliot, nhưng bà ấy trí thức quá, không làm ông hài lòng. Ông thiếu óc khôi hài, và không có sự tế nhị trong lời văn. Khi ông đánh thua một ván bi-da, trò chơi ông rất khoái, ông chỉ trích đối thủ của mình đã bỏ quá nhiều thì giờ vào một trò chơi cho đến nỗi trở thành một người chơi giỏi. Trong cuốn Tự thuật ông viết những bài điểm sách về những tác phẩm đầu tiên của chính ông, để chỉ cho ta thấy phải nên viết như thế nào.
Sự vĩ đại của công việc ông quả đã khiến ông nhìn đời với sự nghiêm trọng quá mức. Ở Paris ông viết: "Tôi đi dự lễ St. Cloud hôm chủ nhật, và rất đỗi thích thú trước tính cách trẻ trung của những người lớn. Người nước Pháp không bao giờ chấm dứt hẳn giai đoạn con trai; tôi thấy những người tóc đã hoa râm cưỡi trên những con ngựa gỗ giống như chúng ta có ở những hội chợ ở nhà" (I,533). Ông quá bận phân tích và mô tả cuộc đời đến nỗi không có thì giờ để sống. Sau khi nhìn thác Niagara ông đã nguệch ngoạc vào nhật ký: "Cũng gần như những gì tôi đã chờ đợi". Ông mô tả những sự việc thông thường nhất với vẻ mô phạm thầy đời -như khi ông cho chúng ta biết về cái lần độc đáo nhất trong đời khiến ông chửi thề (Tyndall đã có lần nói về Spencer rằng ông ta đã khá hơn nếu thỉnh thoảng chịu văng tục một lần - Eliot, H. Spencer, tr. 61). Ông không bị những cuộc khủng hoảng, không thích phiêu lưu lãng mạn (nếu hồi ký của ông nhớ đúng), ông có vướng vào một vài vụ yêu đương, nhưng ông viết về chúng hầu như một cách máy móc; ông phác họa những khúc quanh của những tình bạn nhạt nhẽo trong đời mà không thêm một chút đam mê nào để nâng cao chúng. Một người bạn bảo ông rằng y không thể sáng tác được gì đặc sắc khi đọc cho một người đàn bà
trẻ tốc ký; Spencer nói rằng điều đó không trở ngại cho ông chút nào cả. Thư ký của Spencer nói về ông như sau: "Đôi môi mỏng vô dục nói lên sự hoàn toàn thiếu vắng dục tình, và đôi mắt sáng biểu lộ sự thiếu chiều sâu cảm xúc" (Royce, 188). Do đó mà văn ông có tính chất bằng phẳng đều đặn: ông không bao giờ bay bổng khơi vơi, không cần đến những dấu chấm than; giữa một thế kỷ lãng mạn ông đứng riêng rẽ như một bức tượng thể hiện gương mẫu của tư cách và tính dè dặt.
Ông có một bộ óc luận lý phi thường; ông sắp đặt những tiên nghiệm và hậu nghiệm của ông một cách khúc triết, minh bạch như người chơi cờ. Ông là người bình giải sáng sủa nhất về những đề tài phức tạp mà lịch sử có thể nêu lên. Ông viết về những vấn đề khó khăn bằng những từ ngữ sáng sủa đến nỗi suốt một thời, cả thế giới đều thích triết học. Ông nói: "Người ta đã nhận xét rằng tôi có một khả năng trình bày hiếm có - đưa ra những dữ kiện và lý luận cùng kết luận một cách rõ ràng mạch lạc ít thấy" (Tự thuật, tr. 511). Ông thích tổng quát hoá một cách dài dòng, làm cho tác phẩm của ông thú vị nhờ những giả thuyết ông đặt ra hơn là những bằng cớ dẫn giải. Huxley nói rằng Spencer quan niệm bi kịch là khi một lý thuyết bị một sự kiện giết chết; và có quá nhiều lý thuyết trong đầu óc Spencer đến nỗi ông ta buộc lòng phải gặp mỗi ngày một bi kịch. Huxley, ngạc nhiên trước dáng đi yếu đuối không vững của Buckle, đã bảo Spencer "A, tôi thấy anh chàng thuộc loại người nào rồi, anh ta bị đầu nặng đuôi nhẹ". Spencer thêm "Buckle đã thu vào một số lượng vật chất quá nhiều hơn ông có thể tổ chức". Với Spencer thì trái lại: ông ta tổ chức quá nhiều hơn ông đã thu vào. Cái gì ông ta cũng phối trí và tổng hợp; ông chê bai Carlyle vì thiếu lối làm việc như thế. Nơi ông, tính yêu thích trật tự đã trở thành một đam mê trói buộc, tính quy nạp xuất sắc đã chế ngự ông. Nhưng thế giới đang cần một bộ óc như ông, một khối óc có thể biến đổi những sự kiện trong tình trạng hoang dã trở thành ý nghĩa được khai hoá một cách sáng sủa. Những gì Spencer đã hoàn tất được cho thế hệ ông cũng khiến ông có quyền có những khuyết điểm làm cho ông rất "Người". Nếu ở đây chúng ta đã mô tả hình ảnh ông một cách khá chân thực, ấy chính bởi vì thường chúng ta yêu một vĩ nhân nhiều hơn nếu chúng ta biết rõ những chỗ yếu của họ, và ta không ưa gì một vĩ nhân -còn hơi ngờ vực họ nữa là khác- khi họ quá sáng chói trong sự toàn thiện toàn mỹ không có chỗ chê.
Năm 40 tuổi, Spencer viết: "Cho đến ngày nay cuộc đời tôi có thể được gọi rất đúng là một cuộc đời tạp lục" (II,67). Hiếm khi ta thấy một triết gia có nhiều do dự rời rạc như thế trong sự nghiệp. "Vào khoảng thời gian này (năm 23 tuổi) tôi xoay sang chú ý đến việc ráp đồng hồ". Nhưng dần dà, ông tìm ra địa hạt ông và cẩn thận chăm bón nó. Vào năm 1842 ông đã viết cho tờ Non-Conformist (hãy để ý môi trường trung gian ông chọn lựa), vài bức thư về "Địa hạt đúng chổ cho chánh quyền" trong ấy chứa đựng mầm móng triết lý tự do mậu dịch của ông sau này. Sáu năm sau ông bỏ ngành kiều lộ để làm chủ bút tờ The Economist. Vào năm 30 tuổi, khi ông mạt sát tập Tiểu luận về những nguyên tắc đạo đức của J. Dymond, và thân phụ ông thách ông viết cho được như thế về đề tài ấy, ông đã nhân sự thách đố và viết cuốn Social Statics. Sách chỉ bán được một ít, nhưng cũng khiến ông được các tạp chí để ý. Năm 1852 tiểu luận của ông về "Lý thuyết về dân cư" (một trong nhiều tỉ dụ về ảnh hưởng của Malthus trên tư tưởng thế kỷ 19) cho rằng sự tranh đấu sống còn đưa đến sự sống sót của con vật thích nghi nhất, và đặt ra những giai đoạn lịch sử ấy. Cũng trong năm đó tiểu luận ông về "Giả thuyết tiến triển" chống lại bác luận thông thường - cho rằng người ta chưa hề thấy những loài mới nào được sinh ra do sự biến đổi dần dần của những loài cũ- bằng cách nêu rõ rằng chính lập luận ấy càng dễ bác bỏ một cách hùng hồn lý thuyết cho rằng Thượng đế sinh ra loài mới do sự "sáng tạo đặc biệt"; bài tiểu luận tiếp tục chứng minh rằng sự phát triển những loài mới không kỳ diệu hay khó tin gì hơn