Zarathustra đã trở nên một Thánh kinh đối với Nietzsche mà những sách sau này của chàng đều chỉ là phần luận giải cho nó. Nếu Âu châu không chịu thưởng thức thơ Nietzsche , thì có lẽ sẽ hiểu tản văn của chàng.
Sau bài ca của nhà tiên tri, ta thưởng thức đến luận lý của nhà triết học; và có hề gì nếu chính triết gia ấy lại không tin vào luận lý ? Vì đấy ít ra cũng là dụng cụ của sự sáng sủa, nếu không phải là con dấu của chứng cứ.
Bấy giờ chàng cô độc hơn lúc nào hết, vì Zarathustra có vẻ quái lạ ngay cả đối với bạn bè chàng. Những học giả như Overbeck và Burckhardt, những người từng cộng sự với chàng ở Basel và đã hâm mộ cuốn Khai sinh của Bi kịch, bây giờ tiếc thương một nhà ngữ học xuất sắc đã mất, và không thể vui mừng đón một nhà thơ ra đời. Em gái chàng bỗng nhiên bỏ chàng đi kết hôn với một người trong bọn chống Do Thái mà Nietzsche khinh bỉ, và bỏ đi đến tận Paraguay. Nàng mời ông anh xanh xao yếu ớt đi theo, để tốt cho sức khoẻ chàng ; nhưng Nietzsche coi trọng đời sống của tâm thức hơn sức khoẻ thể xác; chàng muốn ở lại nơi có trận chiến; Âu châu đối với chàng cần thiết "như một bảo tàng viện văn hoá" (Figgis, The Will to Freedom). Chàng sống bất thường về chỗ ở và thời gian; Chàng thử ở Thuỵ sĩ, Áo, Genoa, Nice và Turin, chàng thích viết giữa những bầy bồ câu tụ xung quanh những con sư tử ở St. Mark. "Piazza San Marco nầy là phòng làm việc tốt nhất của tôi". Nhưng chàng đã theo lời khuyên của Hamlet ở ngoài nắng, làm hại đôi mắt đau của chàng, chàng tự giam mình trong những căn gác dơ bẩn không lò sưởi và làm việc sau những tấm màn cửa che kín. Vì mắt kém, từ đấy chàng không viết sách nữa, mà chỉ viết đoản văn.
Nietzsche thâu thập một vài đoạn trong số này với những nhan đề Bên kia Thiện Ác (BKTA - 1886 - Jenseits von Gut und Boese) và Uyên nguyên đạo đức (1887- Zur Genealogie); trong những cuốn này, Nietzsche hy vọng phá tan nền đạo đức cũ, dọn đường cho một nền đạo đức của siêu nhân. Trong một thời gian ngắn, chàng đã thành một nhà ngữ-học trở lại và cố nhấn mạnh nền đạo đức mới của mình bằng những từ ngữ không hẳn là không thể chê trách.
Chàng nhận xét rằng ngôn ngữ Đức có hai tiếng chỉ nghĩa "xấu" - schlecht và boese -. Schlecht được hạng người thượng lưu dùng để nói người dưới và có nghĩa "thường", "thông tục", về sau nó trở nên có nghĩa tầm thường, vô giá trị, xấu. Boese được người dưới dùng nói đến hạng người trên, có nghĩa không quen thuộc, bất thường, không tính được, nguy hiểm, tai hại, tàn bạo: Napoléon là boese. Nhiều người mộc mạc sợ cá nhân phi thường như một sức phân hoá; Trung hoa có một ngạn ngữ rằng : "Vĩ nhân là một mối hoạ công cộng. "Cũng thế, gut có 2 nghĩa, tương phản với schlecht và boese: Do quí tộc dùng, nó có nghĩa mạnh, can đảm, hùng, thiện chiến, thánh thiện (gut từ chữ Gott -thượng đế, thần thánh-); do người thường dùng, nó có nghĩa quen thuộc, thanh bình, vô hại, tử tế. Thế là ở đây có hai cách tương phản để định giá trị hành vi con người, hai lập trường và tiêu chuẩn đạo đức, một nền đạo đức của ông lớn (Herren-moral) và một nền đạo đức của bầy lũ (Herden-moral), nền đạo đức của chủ nhân và đạo đức của nô-lệ; Nền đạo đức trước là tiêu chuẩn được công nhận thời cổ điển, nhất là giữa những người La-Mã; ngay cả đối với người La Mã tầm thường, đức hạnh là virtus -hùng tính, can đảm, liều lĩnh, bạo dạn. Nhưng từ Á châu, và nhất là từ những người Do Thái vào thời họ bị lệ thuộc chính trị, nẩy sinh rằng tiêu chuẩn thứ hai; Sự lệ thuộc đẻ ra tính khiêm nhường. Sự vô vọng đẻ ra lòng vị tha - vốn là một lời kêu gọi giúp đỡ.
Dưới nền đạo đức bầy cừu này, lòng yêu chuộng hiểm nguy và quyền lực nhường chỗ cho sự yêu thích bình an, bảo đảm; sức mạnh bị thay bằng lanh khôn, sự phục thù công khai thay bằng lén lút, sự cứng rắn bằng lòng trắc ẩn, sáng tạo bằng lằn roi của lương tâm. Danh dự là vô thần, phong kiến quý tộc; lương tâm là Ki-tô, trưởng giả, dân chủ. Chính tài hùng biện của những tiên tri, từ Amos đến Jesus, đã làm cho quan niệm về một giai cấp lệ thuộc trở thành hầu như một nền đạo đức phổ quát: "thế tục" và "xác thịt" trở thành đồng nghĩa với xấu xa, và sự nghèo kém thành ra một chứng từ của đức hạnh.
Lối đánh giá này đã được Jesus đem đến tột đỉnh: với ông, mọi con người có giá trị ngang nhau, và có những quyền ngang nhau; từ lý thuyết ông, nảy sinh ra dân chủ, thực dụng lý thuyết, xã hội chủ nghĩa; tiến bộ bây giờ được định nghĩa theo những thứ triết lý của hạng bình dân, theo sự bình đẳng hoá và tầm thường hoá, theo sự suy đồi và sinh hoạt đi xuống. Giai đoạn cuối cùng trong vận suy vi là sự tán dương lòng trắc ẩn và đức hy sinh, sự an ủi những tội nhân một cách đầy tình cảm, "sự vô năng của một xã hội trong việc bài tiết". Cảm tình chỉ chính đáng khi nó tích cực; nhưng lòng trắc ẩn là một xa xỉ phẩm tinh thần có tính cách làm tê liệt, một sự phung phí tình cảm đối với hạng người bất tài, hạng khiếm khuyết, hạng xấu xa, hạng người đau ốm một cách tội lỗi và hạng tội nhân không thể cứu vãn. Có một cái gì thiếu tế nhị và có tính cách xâm phạm trong lòng trắc ẩn; sự "đi thăm kẻ ốm" là một kích thích của lòng tự tôn trong việc thưởng ngoạn cảnh vô vọng của kẻ láng giềng mình.
Đằng sau tất cả nền "Đạo đức" ấy là một ước muốn thầm kín đối với quyền lực. Tình yêu chính nó chỉ là một ham muốn chiếm hữu. Sự tán tỉnh là trận chiến và kết đôi bạn là làm chủ: Don José giết Carmen để nàng khỏi trở thành sở hữu của một kẻ khác. "Người ta tưởng tượng rằng họ không ích kỷ trong tình yêu bởi vì họ đi tìm lợi ích cho một người khác, thường xung nghịch với lợi ích của riêng họ. Nhưng khi làm thế họ muốn chiếm hữu người kia.. Tình yêu, trong tất cả loại tình cảm là thứ tình vị kỷ nhất và bởi thế, khi tình yêu bị thương tổn, nó trở thành ít độ lượng nhất". Ngay cả trong tình yêu chân lý cũng có cái ham muốn chiếm hữu,
có lẽ ham muốn làm người sở hữu chủ đầu tiên của chân lý, người đầu tiên tìm thấy nó còn nguyên vẹn. Khiêm cung là cách tô màu để che chở cho ý chí quyền lực.
Đối với lòng ham mê quyền lực này, lý trí và đạo đức trở thành vô vọng; chúng chỉ là khí giới trong tay nó, làm mồi cho trò chơi của nó. "Các hệ thống triết học là những ảo ảnh chói loà, cái gì ta thấy được không phải là chân lý bấy lâu tìm tòi, mà chỉ là phản ảnh của những dục vọng của chính chúng ta". Những triết gia đều làm như thể quan điểm đích thực của họ đã được tìm qua quá trình diễn tiến của một biện chứng lạnh lùng, thuần khiết khách quan một cách thánh thần; ... trong khi đó kỳ thực nó là một mệnh đề thiên kiến, một ý nghĩ hay "sự gợi ý", thường thường là dục vọng của thâm tâm họ được trừu tượng hoá và tinh xảo hoá, và được họ bảo vệ bằng những luận chứng tìm kiếm sau.
Chính những dục vọng hạ tầng này, những nhịp thở của ý chí quyền lực này, đã định đoạt tư tưởng chúng ta. "Phần lớn hành động tri thức của chúng ta diễn tiến một cách vô thức, chúng ta không cảm nhận được ... Suy tưởng hữu thức ... là phần yếu kém nhất". Bởi vì bản năng là vận hành trực tiếp của ý chí quyền lực, không bị ý thức quấy rầy, "bản năng là trí thông minh nhất trong tất cả loại trí thông minh đã được tìm ra từ trước đến nay". Quả vậy, vai trò của ý thức đã được đánh giá quá đáng một cách ngu ngốc. "Có thể xem ý thức là phụ thuộc, hầu như không đáng quan tâm, thừa thãi; có lẽ phải biến mất để thay thế bằng sự tự động hoàn toàn". Nơi người mạnh, có rất ít cố gắng để che dấu dục vọng dưới lớp áo của lý trí; luận cứ giản dị của họ là "tôi muốn". Trong hùng tính chưa bị hư hỏng của tâm hồn chủ-nhân-ông, ước muốn biện minh cho chính nó; và lương tâm, trắc ẩn hay hối hận không thể lọt vào. Nhưng từ trước tới nay quan điểm Do-thái-Ki-tô-dân-chủ vẫn thịnh hành đến nỗi những người hùng mạnh bây giờ lại hổ thẹn vì sự hùng mạnh và sức khoẻ của mình, và bắt đầu tìm "lý do". Những đức hạnh và giá trị quý tộc đang chết dần chết mòn. "Âu châu đang bị đe doạ bởi một nền Phật giáo mới"; ngay cả Schopenhauer và Wagner cũng trở thành những Phật tử đầy lòng trắc ẩn. "Toàn thể đạo đức của Âu châu đều dựa trên những giá trị chỉ có ích cho bầy lũ ". Những người mạnh không còn được phép thi thố sức mạnh của mình, họ sẽ trở thành càng giống với những người yếu càng tốt; "thiện là không làm cái gì mà ta không đủ mạnh để làm". Há Kant, "chú Chệt vĩ đại của thành Koenigsberg" kia đã không chứng minh rằng không bao giờ được sử dụng con người như những phương tiện ? Kết quả là những bản năng của người mạnh: săn bắn, chiến đấu, chiếm đọat và thống trị đều bị lật lộn vào bên trong, trở thành sự tự dằn xé vì không có lối thoát; những bản năng ấy sinh ra tánh khổ hạnh và ép xác và "lương tâm cắn rứt", "tất cả mọi bản năng không tìm được một lối thoát tràn ra ngoài thì đều quay trở vào trong - đấy là ý nghĩa tôi muốn nói về tình trạng tự xoay về bên trong của con người: ở đây chúng ta có hình thức đầu tiên của cái sẽ được gọi là linh hồn" (Bi Kịch, 128, 14, 177).
Công thức của sự đồi truỵ là: những đức hạnh thuộc riêng của bầy nhóm bị nhiễm sang người lãnh tụ, và nhào nặn họ thành ra thứ đất sét thông thường "Những hệ thống đạo đức phải bị bắt buộc trước hết là cúi mình trước những cấp bực, lòng kiêu căng của họ phải bị tội về lương tâm họ - cho đến khi cuối cùng họ hoàn toàn hiểu rằng cái quan niệm theo đó", cái gì đúng cho một người thì cũng đúng cho một người khác "là một quan niệm vô luân". Những vai trò khác nhau đòi hỏi những đức tính khác nhau; và những tính " ác " của người mạnh cũng cần thiết trong xã hội như những tính " thiện " của kẻ yếu. Sự khắc nghiệt, bạo động, nguy hiểm, chiến tranh, đều giá trị ngang với tử tế; hoà bình; những cá nhân vĩ đại chỉ xuất hiện vào những thời nguy hiểm bạo động và tất yếu phũ phàng. Điều tốt nhất trong con người là sức mạnh của ý chí, quyền lực và sự trường cửu của đam mê, không đam mê con người chỉ là cục bơ, không thể hành động. Thèm muốn, ganh ty., ngay cả thù ghét nữa, đều là những yếu tố cần thiết trong quá trình tranh đấu đào thải và sống còn. Ác đối với thiện cũng như sự canh tân đối với cổ tục; không có sự phát triển nếu không có một vi phạm gần như tội lỗi đối với những tiền lệ và "trật tự". Nếu sự ác độc mà không tốt thì nó đã bị đào thải rồi. Chúng ta phải coi chừng đừng quá tốt; "con người phải trở nên tốt hơn và độc ác hơn".
Nietzsche rất được an lòng để thấy nhiều độc ác và tàn nhẫn trên thế giới, chàng cảm thấy một khoái lạc tàn bạo khi suy nghiệm về cái mức độ mà, theo Nietzsche "sự tàn bạo đã làm nên niềm hân hoan và lạc thú lớn lao nơi người cổ đại" và chàng tin rằng lạc thú của chúng ta trong bi kịch, hay trong bất cứ gì cao cả; là một sự tàn bạo tinh vi. "Người ta là con vật tàn bạo nhất" Zarathustra nói. "Khi xem những bi kịch, cảnh đấu bò mộng và đóng đinh, nó cảm thấy hạnh phúc hơn lúc nào cả từ trước tới nay ở trần thế. Và khi nó đặt bày (bày đặt ?) ra địa-ngục ...thì kia, địa ngục là thiên đàng của nó trên trần gian"; bây giờ nó có thể chịu đựng khổ đau, bằng cách thưởng ngoạn hình phạt vĩnh viễn của những kẻ đàn áp nó ở bên kia thế giới.
Nền đạo đức tối hậu là sinh vật học; chúng ta phải phân đoán sự vật tuỳ theo giá trị sống của chúng; chúng ta cần "định lại tất cả các giá trị" theo sinh lý học. Trắc nghiệm thực sự về một người, hay một nhóm, hay một loài, chính là năng lượng, khả năng, quyền lực. Chúng ta có thể dung hoà phần nào với thế kỷ XIX ở chỗ nó nhấn mạnh trên yếu tố vật lý. Linh hồn là một nhiệm vụ của cơ thể. Chỉ một gịot máu thừa hay thiếu trong não đều có thể làm cho con người đau đớn hơn cả Prométhée đau vì con kên-kên. Những thức ăn khác nhau có những tác dụng tinh thần khác nhau: gạo dành cho Phật giáo; và siêu hình học Đức là hậu quả của bia. Bởi
thế một nền triết học đúng hay sai tuỳ thuộc ở chỗ nó biểu trưng, tán dương cuộc sống thăng tiến hay lụn bại. Người lụn bại nói: "Cuộc đời không có giá trị gì cả" đáng lẽ nó nên nói :"Tôi không có giá trị gì cả". Tại sao cuộc đời lại đáng sống khi tất cả những giá trị bi hùng trong đó đã được để cho tàn lụn và thuyết dân chủ -nghĩa là không tin vào tất cả những con người vĩ đại - dần dần cứ mỗi mười năm lại phá hoại một dân tộc ? Con người Âu châu ưa hợp quần ngày nay có thể làm bộ như y là loại người chánh đáng độc nhất : y tán dương những đức tính của mình như tinh thần công cộng, lòng tử tế, kính nhường, siêng năng cần mẫn, điều độ, khiêm tốn, khoan hồng, thiện cảm - do những đức tính ấy, y là người lịch sự, chịu đựng, và ích lợi cho bầy nhóm - xem như những đức hạnh đặc biệt người. Tuy nhiên, khi người ta tin tưởng rằng người lãnh đạo và đầu đàn không thể thiếu, người ta đã làm hết thử thách này đến thử thách khác để thay thế những người điều khiển bằng sự triệu tập những người ưa hợp quần khôn khéo: Tất cả những hiến pháp đại nghị, chẳng hạn, đều có nguồn gốc này. Dù sao, thật là một điều đại hạnh, một sự giải thoát khỏi một gánh nặng đã trở thành không thể chịu đựng, khi có một người xuất hiện để thống trị những người Âu châu hợp quần này. Tác dụng của việc Napoléon xuất hiện là bằng chứng lớn lao cuối cùng cho sự kiện này: lịch sử của ảnh hưởng Napoléon hầu như là lịch sử của niềm hạnh phúc cao vượt mà toàn thế kỷ này đã đạt được trong số những cá nhân và những giai đoạn giá trị nhất của nó.
VI. SIÊU NHÂN
Cũng như đạo đức không phải ở nơi lòng tử tế mà ở sức mạnh, mục đích của nỗ lực con người không phải là nâng cao tất cả phát triển những cá nhân mạnh và tinh tuý. "Không phải nhân loại, mà siêu nhân mới là cùng đích". "Cải thiện nhân loại" sẽ là việc cuối cùng cho một người có lương tri làm: nhân loại không cải thiện được, lại cũng không có nhân loại nữa - đấy là một khái niệm trừu tượng; tất cả những gì tồn tại chỉ là một tổ kiến người bao la. Cảnh diện toàn thể rất giống cảnh một cơ xưởng thí nghiệm khổng lồ nơi đó một vài đồ vật thành công trong mọi thời đại, trong khi phần lớn đều thất bại: và mục đích của mọi cuộc thí nghiệm không