UNESCO không phải là tổ chức tài trợ trong hệ thống Liên Hợp Quốc, tài trợ của UNESCO chỉ mang tính xúc tác và chủ yếu là hợp tác về chất xám, tri thức. Hàng năm, UNESCO hỗ trợ cho Việt Nam thông qua các chương trình, các kênh hoạt động khác nhau như: Chương trình tham gia, Chương trình thường xuyên hoặc các dự án từ Quỹ uỷ thác chỉ vài trăm nghìn đô la.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động vào UNESCO đã đem lại những thành quả to lớn, góp phần phục vụ vào sự phát triển của đất nước. Đó là hàng loạt các dự án ở mức độ lớn nhỏ khác nhau: Cấp quốc gia, cấp ngành, cấp địa phương đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các ngành nghề kinh tế, du lịch, mục đích nâng cao dân trí, quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam.
Có thể nêu ra một số dự án đã được triển khai trong những năm qua, thông qua UNESCO cũng như các dự án tương lai: Tài trợ cho trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn - Hạ long (Quỹ uỷ thác Nauy) với số tiền 519 000 USD; Dự án UNESCO hỗ trợ bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn, dự án được Quỹ uỷ thác của chính phủ Italia tài trợ thông qua tổ chức UNESCO với tổng kinh phí 435 000 USD, phía Việt Nam đóng góp 19 000 USD giai đoạn 2 (2008); Dự án “phát triển chiến lược hệ thống nguồn lực hỗ trợ sáng kiến nâng cao năng lực xoá mù chữ tại Việt Nam” giai đoạn 2006 - 2008 với tổng số tiền 880 000 USD nhằm xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ nguồn lực cho sự phát triển rộng rãi và bền vững của hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trên cả nước; Dự án tăng cường đầu tư dịch vụ giáo dục mầm non tại các vùng nông thôn hỗ trợ xây dựng một số nhà trẻ và lớp mẫu giáo và đào tạo cho khu vực phía Bắc, miền Trung trị giá 176 000 USD, đặc biệt gần đây UNESCO cùng uỷ ban mặt trận thành phố Hà Nội đã ký kết dự án bảo tồn khu di sản văn hoá Hoàng thành - Thăng Long - Hà Nội. Đây là một dự án lớn mang tầm vóc quốc gia do chính phủ Việt Nam hợp tác với chính phủ Nhật Bản và tổ chức UNESCO thực hiện, tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 1,2 triệu USD…..
Việc UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên của Việt Nam đã góp phần không nhỏ thúc đẩy du lịch, phát triển quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Đồng thời, nguồn thu khá lớn từ các di sản này đóng góp vào việc phát triển kinh tế đất nước, cải thiện đời sống cho những người dân xung quanh khu di tích. Thực tế đã chứng minh rằng, sau khi được UNESCO công nhận,
các khu di sản của Việt Nam đã trở thành nơi đến hấp dẫn của du khách trong nước cũng như quốc tế như: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, khu di tích Mỹ Sơn, khu Hoàng thành Thăng Long…. Số lượng du khách đến những địa điểm này hàng năm tăng vọt.
Ví dụ như: “Hạ Long trước khi công nhận (1994) chỉ khoảng 50 000
lượt khách thì ngay sau khi công nhận năm 1995 đã vọt lên gấp 10 lần 502 768 lượt và đến năm 2005 lên tới 2 458 500 lượt đạt bình quân mỗi năm tăng 31,25%” [19,3].
Không chỉ riêng Vịnh Hạ Long ở tất cả các di sản khác của Việt Nam được UNESCO công nhận cũng đã có những chuyển biến đáng mừng. Hoàng thành Thăng Long từ ngày mở cửa 2/10/2010 đến nay đã đón hơn 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới thăm quan tìm hiểu giá trị khu di sản văn hoá thế giới vừa được UNESCO trao bằng công nhận…“Theo số liệu của Tổng cục thống kê trong tháng 9 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 380 nghìn lượt (tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2009). Như vậy trong 9 tháng đầu năm 2010 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,7 triệu lượt tăng 34,25 so với cùng kỳ” [67]. Có thể thấy thu nhập từ nguồn khách du lịch
này đã là nguồn chính phục vụ cho công cuộc bảo tồn các di sản này.
Việc UNESCO công nhận các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Việt Nam là các di sản thế giới đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành du lịch quốc gia và địa phương. Hiện nay, ngành du lịch đã và đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trong đó doanh thu chủ yếu tập trung vào các khu di tích thiên nhiên, văn hoá lịch sử do UNESCO công nhận như: Quần thể cố đô Huế, năm 1993 Huế đón 200.000 lượt khách tham quan thì năm 2005 đã đón 2 triệu lượt khách. Từ năm 1996 đến năm 2005 trung bình mỗi năm các di tích ở Huế đón hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan tạo được nguồn thu trên 270 tỷ đồng. Riêng tháng 10 năm 2006 đã đạt doanh thu 50 tỷ
đồng. Hay ngành du lịch Quảng Ninh đã đón 5,7 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới trong 9 tháng qua tăng 42% so với cùng kỳ năm 2009, tổng doanh thu đạt 2.578 tỷ đồng. Năm 2010, ngành du lịch Quảng Ninh đã có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long đến với du khách trong nước và quốc tế thông qua việc đăng cai tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hoá mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế….
Ngoài ra việc công nhận các di sản thế giới, các khu Dự trữ Sinh quyển của UNESCO cho các nguồn tài nguyên tại Việt Nam đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Tỷ lệ các ngành nghề dịch vụ ngày càng gia tăng, không ngừng nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân các vùng miền. Di sản càng được tu bổ, tôn tạo các hoạt động phát huy giá trị di sản sẽ được mở rộng sáng tạo thêm như những năm Du lịch (Hạ Long, Quảng Nam, Hà Nội) Festival Huế, Đêm rằm phố cổ Hội An…Du khách đến đây không chỉ thăm các công trình kiến trúc, mĩ thuật tại di sản mà còn được thưởng thức thêm các giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cũng được phục hồi phát triển. Nhiều ngành nghề mới ra đời làm giàu thêm cho đất nước, góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống: nhà hàng, khách sạn, các trung tâm dịch vụ, cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, các phương tiện giao thông được tân trang tạo cho bộ mặt địa phương thay đổi hẳn so với trước đây. Việc UNESCO công nhận các di sản văn hoá phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá Cồng Chiêng, Quan họ Bắc Ninh, hát Ca Trù…đã góp phần khôi phục lại các làng nghề truyền thống, các làng văn hoá dân gian, lấy lại cho xã hội Việt Nam những hương vị xưa.