Hoà bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới, vì thế mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các quốc gia trong những năm tới là đảm bảo hoà bình, ổn định, độc lập, hợp tác để phát triển, bảo vệ lợi ích dân tộc và khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội. Trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế, các nước lớn đang tranh thủ thời cơ vươn lên mạnh mẽ, lợi ích giữa các quốc gia dân tộc đan xen lẫn nhau tạo cục diện vừa đấu tranh vừa hợp tác. Các nước đều tranh thủ hoà bình, hợp tác, lựa chọn con đường phát triển để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc, chống lại sự áp đặt về chính trị. Trên thế giới, tuy vẫn xảy ra những “điểm nóng”, xung đột nhưng nhìn chung hoà bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn.
Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vừa là quá trình hợp tác để phát triển vừa là quá trình đấu tranh của các nước đang phát triển để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia ngày càng trở nên quyết liệt,
đòi hỏi các nước phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, đặt ra vị trí mới của giáo dục. Các nước đều xem phát triển giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội dành cho giáo dục những ưu tiên đầu tiên, đẩy mạnh cải cách giáo dục nhằm giành ưu thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Quá trình toàn cầu hoá cũng chứa đựng nguy cơ chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển khi mà các nhân lực ưu tú có nhiều khả năng bị thu hút sang các nước giàu có. Giáo dục trong thế kỷ XXI, phải thực hiện được sứ mệnh nhân văn trong tiến trình toàn cầu hoá, biến toàn cầu hoá thành điều có ý nghĩa đối với từng con người, với tất cả các quốc gia. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng của mỗi đất nước và tạo cơ hội học tập cho mỗi người dân. Giáo dục suốt đời trở thành đòi hỏi và cam kết của mỗi quốc gia. Hệ thống giáo dục, chương trình và phương pháp của các quốc gia tiếp tục được thay đổi nhằm xoá bỏ mọi ngăn cách trong nhà trường, cung cấp các tri thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh của nền kinh tế.
Thời đại cũng đang chứng kiến vị thế nổi bật của giáo dục Đại học, hầu hết các trường Đại học trên thế giới đang tiến hành những cải cách toàn diện để trở thành những trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học, sản xuất, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu tri thức.
Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức. Thế giới đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp, lấy tri thức làm động lực phát triển. Trình độ mới và ứng dụng tri thức quyết định phát triển của mỗi quốc gia. Khoa học công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục trong các nhà trường, đồng thời đòi hỏi giáo dục phải cung cấp được nguồn nhân lực có trình độ cao.
Công nghệ thông tin và truyền thông đựơc ứng dụng trên quy mô rộng lớn ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong giáo dục. Với việc kết nối mạng, các công nghệ tri thức không chỉ tồn tại ở các thành phố, nơi đông dân cư mà còn lan toả đến các địa điểm xa xôi, cách trở và khó tiếp cận, không còn chỉ giới hạn với một số ít người. Giáo dục từ xa đã trở thành một thế mạnh của thời đại, tạo nên một nền giáo dục mở phi khoảng cách, thích ứng với nhu cầu của từng người học. Đây là hình thức giáo dục ở mọi lúc mọi nơi và cho mọi người trở thành giải pháp hiệu quả nhất để đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển về giáo dục. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng viễn thông, công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho giao lưu và hội nhập văn hoá nhưng cũng tạo điều kiện cho sự du nhập những giá trị xa lạ ở mỗi quốc gia đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, ngăn chặn những yếu tố ảnh hưởng đến an ninh của mỗi nước.
Bên cạnh những thuận lợi trên thế giới và khu vực còn diễn ra nhiều khó khăn thử thách:
Một là, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, các mâu thuẫn lớn của
thời đại vẫn rất gay gắt, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ liên quan đến nhiều vấn đề về lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo còn xảy ra ở nhiều nơi, chạy đua vũ trang giữa các nước vẫn diễn ra mạnh mẽ. Hoạt động khủng bố vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng lan rộng. Các thế lực hiếu chiến phản động lợi dụng khủng bố và “chống khủng bố” để thực hiện ý đồ chính trị của mình tạo ra bất ổn ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.
Hai là, quá trình toàn cầu hoá kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng
cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia dân tộc, nhất là các nước đang phát triển. Cạnh tranh kinh tế,
thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ…giữa các nước ngày càng gay gắt.
Ba là, có nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ
chức quốc tế phải phối hợp giải quyết. Khoảng cách chênh lệch giữa các nước giàu nghèo ngày càng lớn. Sự gia tăng dân số cùng với các luồng dân di cư vẫn là thách thức lớn đối với nhiều nước. Tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị huỷ hoại ở nhiều nơi, khí hậu trái đất diễn biến ngày càng xấu, kèm theo nhiều thiên tại khủng khiếp các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng.
Trên cơ sở những đặc điểm, tình hình và xu thế chủ yếu của quan hệ quốc tế hiện nay, đồng thời xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định những quan điểm cơ bản chỉ đạo hoạt động đối ngoại trong giai đoạn cách mạng mới. Tại Đại hội IX, Đảng khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước
trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”
[10,119]. Đại hội IX xác định chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, chủ yếu và trước hết là về kinh tế - chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác. Trên tinh thần đó, trong quan hệ đối ngoại Việt Nam đã tích cực chủ động rộng mở theo xu thế hoà bình hợp tác và phát triển của cộng đồng quốc tế nhằm “thêm bạn bớt thù” tận dụng tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Và mối quan hệ hợp tác với UNESCO đã đem lại những thành công rực rỡ, phù hợp với quan điểm đối ngoại của Việt Nam, nâng cao tầm quan trọng, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, nhằm quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra các bạn bè thế giới để cho bạn bè thế giới thấy đất nước Việt Nam không những
hùng mạnh trong chiến tranh mà còn hùng mạnh trong mặt trận ngoại giao văn hoá.