An năm 2011
Trong các loại cây trồng nông nghiệp có tới 90% các loại cây lương thực thực phẩm nhân giống bằng hạt, và chính việc gieo trồng bằng hạt này đã khiến chúng đều chịu ảnh hưởng các bệnh truyền qua hạt giống. Hiện nay bệnh truyền qua hạt giống là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm năng suất và phẩm chất nông sản của nhiều nước trên thế giới. Mà cây lạc là loại cây trồng không nằm ngoài quy luật chung đó, do vậy nó cũng chịu nhiều tác động của các loại bệnh hại truyền qua hạt giống. Do đó, quá trình kiểm tra, xác định thành phần bệnh hại hạt giống trước khi được đem vào gieo trồng và sử dung là rất quan trọng và cần thiết.
Qua quá trình kiểm tra và giám định bệnh nấm hại hạt giống lạc, chúng tôi đã xác định được 6 loài nấm gây hại chính trên 30 mẫu hạt giống lạc được thu thập tại 5 xã thuộc huyện Nam Đàn - Nghệ An. Đó là 5 xã có diện tích trồng lạc lớn như Xuân Hòa, Xuân Lâm, Nam Tân, Nam Trung, Nam Lộc. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.1.
Bảng 3.1. Thành phần bệnh nấm hại trên hạt giống lạc thu thập ở vùng Nam Đàn - Nghệ An năm 2011
TT Tên nấm Bộ Mức độ
nhiễm bệnh
1 Aspergillus niger Van Tiegh Plectascales +++
2 Aspergillus flavus Link Plectascales +++
3 Aspergillus parasiticus Speare Plectascales ++
4 Penicillium sp. Plectascales +
5 Sclerotium rolfsii Sacc Sterilales +
6 Fusarium sp. Moniliales ++
Ghi chú: +: Tỷ lệ hạt nhiễm nấm dưới 5% ++: Tỷ lệ hạt nhiễm nấm 5 đến 15% +++: Tỷ lệ hạt nhiễm nấm trên 15%
Qua bảng 3.1 cho thấy, có 6 loại nấm gây hại chính trên hạt giống lạc với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó, xuất hiện phổ biến nhất là các loại nấm
Aspergillus niger, Aspergillus flavus. Một số loài nấm ít phổ biến hơn là
Aspergillus parasiticus và Fusarium sp. Ít phổ biến nhất là nấm Sclerotium rolfsii,
Penicillium sp.
Trước khi đặt ẩm hạt thì không nhận thấy sự khác biệt giữa hạt khoẻ và hạt bị nhiễm nấm bệnh. Do vậy, chúng tôi đặt ẩm hạt bằng phương pháp giấy thấm sau đó kiểm tra, giám định từng loại nấm bệnh.
Triệu chứng và mức độ gây hại trên hạt của một số loài nấm hại chính như sau:
a. Nấm Aspergillus niger
A.niger gây hại trên hạt tạo ra lớp nấm màu đen hoặc nâu đen bao phủ một phần hoặc toàn bộ hạt. Cành bào tử phân sinh không màu, cuống dài. Đỉnh cành hình cầu, màu nâu đen, hơi sần sùi. Nấm sinh ra độc tố: Malformin C, Naphthoquinnone...
b. Nấm Aspergillus parasiticus
Tản nấm của A.parasiticus có màu xanh đến xanh tối. Đầu cành toả xoè hình quạt. Cành bào tử phân sinh dài, trên đầu đính quả cành hình cầu, hơi thon, gợn gai. Nấm sinh độc tố: Aflatoxin B2 gây bệnh cho người và gia súc.
c. Nấm Aspergillusflavus
A.flavus bị bao phủ bởi lớp nấm màu vàng xanh, khi còn non nấm có màu trắng. Cành bào tử phân sinh mọc thành cụm, đỉnh cành phình to, bào tử phân sinh hình cầu, đơn bào, màu vàng xanh mọc thành chuỗi.
d. Nấm Fusarium sp.
Qua quá trình đặt ẩm cho thấy trên hạt tản nấm xốp giống tuyết, màu trắng đến trắng kem. Nấm tạo hai loại bào tử phân sinh. Bào tử phân sinh lớn hình lưỡi liềm, trong 3 - 5 ngăn. Bào tử phân sinh nhỏ hình trứng hoặc thận đơn hoặc 2 tế bào hình thành dưới dạng bọc giả trên cành bào tử phân sinh không phân nhánh mọc trực tiếp từ sợi nấm.
e. Nấm Penicillium sp.
Tản nấm có màu từ xanh lá cây đến xanh vàng, xanh xám, xanh tối,v.v... Cành bào tử phân sinh phân nhánh 2 - 4 lần theo nhiều kiểu khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại. Đỉnh cành hình cầu, nhẵn hoặc gợn gai.
f. Nấm Sclerotium rolfsii
Tản nấm Sclerotium rolfsii màu trắng mịn mượt mọc toả xoè ra xung quanh, đầu sợi có dạng đâm tia. Sợi nấm kết lại như bện, mọc lan toả rất nhanh, bao phủ toàn bộ hạt nhiễm và lan sang các hạt khác. Nấm có khả năng hình thành nhiều hạch, hạch còn non có màu trắng hơi vàng, sau chuyển sang màu cánh dán rồi màu nâu tối, hơi dẹt đều như hạt cải, kích thước từ 2 - 3 mm.
Như vậy, qua kết quả giám định trên cho thấy, tuy có sự phong phú về hình dạng nhưng mỗi loài nấm đều có đặc điểm đặc trưng riêng để chúng ta có thể nhận biết chúng.