thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”ở trường THTH- ĐHSP TP.HCM
Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành GD-ĐT được xây dựng trên cơ sở Chỉ thị 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý một cách toàn diện, thực hiện mục tiêu đổi mới GD&ĐT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.
Để cuộc vận động này thực sự có hiệu quả, mang lại lợi ích nâng cao được chất lượng đạo đức, lối sống của HS thì nhà trường phải có kế hoạch, nội dung chương trình hành động, xác định rõ mục tiêu của kế hoạch, biện pháp và phương tiện tiến hành.
Làm cho CB-GV-NV nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và ý nghĩa về “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của nhà giáo và CBQL giáo dục trong hoạt động GD-ĐT. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong CB-GV-NV về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, để mỗi người thực sự là một tấm gương, góp phần nâng cao chất lượng GDĐĐ,LS trong nhà trường.
2.1.2.2. Nội dung của giải pháp
CB-GV-NV trong nhà trường có nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và ý nghĩa về “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để thực sự là tấm gương để HS noi theo và học tập
Về đạo đức, lối sống nhà giáo, xây dựng đạo đức, lối sống nhà giáo theo các tiêu chí lớn, theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là: Phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; lối sống, tác phong; giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo; không vi phạm chính sách, pháp luật, quy định về đạo đức nhà giáo và quy chế hoạt động của cơ quan; có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; được phụ huynh và nhân dân tín ngưỡng.
Về tự học của nhà giáo: Tham gia các hoạt động bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị; tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Về sáng tạo của CB-GV: Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý, phương pháp GDĐĐ,LS, cải tiến lề lối làm việc...và đề xuất biện pháp giải quyết, có sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, công tác; Có ảnh hưởng tích cực đến việc học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống của HS.
2.1.2.3. Cách tiến hành giải pháp
Với hiệu trưởng:
Hiệu trưởng là người lãnh đạo cao nhất trong nhà trường, có trách nhiệm phối hợp với Chi bộ, Công đoàn và các tổ chức khác trong nhà trường để thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động này; Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Ban chỉ
đạo cuộc vận động do Hiệu trưởng làm trưởng ban, thành phần còn lại gồm đại diện Chi ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Tổ trưởng...Số lượng thành viên từ 5 đến 7 người; Hiệu trưởng và các cán bộ chủ chốt của trường, các thành viên ban chỉ đạo phải là người gương mẫu thực hiện, gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong quản lý và công tác chuyên môn.
Với công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường:
Xây dựng chương trình, kế hoạch của tổ chức đoàn thể gắn với mục tiêu chung của nhà trường về cuộc vận động; Công đoàn phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt tọa đàm trong cán bộ công chức và HS về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về các nhà giáo tiêu biểu; Tổ chức các hoạt động chủ điểm vào đợt học chính trị đầu năm học, vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vào dịp các ngày lễ lớn trong năm, ngày thành lập trường.
Đoàn trường phối hợp với các bộ phận tổ chức sinh hoạt và giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho HS vào dịp 20/11 hằng năm. Tổ chức các hoạt động tập thể cho HS như: sưu tầm những mẫu chuyện về Bác và thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức văn nghệ với chủ đề những bài hát ca ngợi Bác Hồ..., để qua đó GD cho HS “học tập” và đặc biệt là “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác.
Đạo đức, lối sống trang bị cho HS, SV là đạo đức được xây dựng trên cơ sở Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh HS, SV lấy mục tiêu “độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội làm lý tưởng, lẽ sống.
Nội dung của quan điểm này là:
Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, vừa là con đường cách mạng đúng đắn mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Giáo dục đạo đức, lối sống cho TN, HS, SV- thế hệ Hồ Chí Minh- tất nhiên phải hướng đến phục vụ cho mục tiêu cao cả ấy; Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là lương tâm và đạo đức của thời đại. Do đó giáo dục đạo đức, lối
sống cho HS là thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tựu trung ở mấy điểm sau đây:
Suốt đời hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu độc lập, tự do và CNXH: trung với nước, hiếu với dân. “Trung” và “hiếu” không chỉ hiểu theo nghĩa “Trung với vua, hiếu với cha mẹ”, mà còn là trung thành với tổ quốc, với đất nước, hiếu với nhân dân.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một biểu hiện sinh động của phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”. “Cần” tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. “Kiệm” là tiết kiệm vật tư, tiền bạc, của cải, thời gian, không xa xỉ, không hoang phí. “Liêm” là trong sạch, không tham lam tiền của, địa vị, danh tiếng. “Chính” là thẳng thắn, đứng đắn. “Chí công vô tư” là không nghĩ đến mình trước; thực hành “chí công vô tư” có nghĩa là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, biết sống vì mọi người, chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với người nghèo khó. Các đức tính này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm giống như một chiếc thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn chỉnh. Người có phẩm chất này họ sẽ vững vàng trước mọi sự cám dỗ vật chất và ngày càng hoàn thiện nhân cách của mình.
Ở Người, lòng yêu nước gắn bó chặt chẽ với lòng yêu thương con người, nó tạo thành một tư tưởng lớn và làm nên nhân cách Hồ Chí Minh. Người đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Truyền thống coi trọng đạo lý làm người được lưu truyền trong dân gian đó là “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; Lòng nhân ái của Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với lòng căm thù không đội trời chung với giai cấp thống trị và kẻ thù xâm lược bạo tàn, hủy diệt sự sống, chà đạp lên nhân phẩm con người. Người đã giáo dục cho HS, SV đức tính thắng không kiêu, bại không nản, bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn.
Nhà trường cần phải triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến từng giáo viên và học sinh. Mỗi giáo viên và học sinh làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng hành động cụ thể hằng ngày. Vì vậy, mỗi giáo viên và học sinh cần phải ra sức dạy tốt, học tốt, tu dưỡng
đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có ý thức công dân; ý thức pháp luật, có tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong mọi việc làm.
2.1.2.4. Điều kiện thực hiện giải pháp
Hoạt động của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục luôn gắn liền với thế hệ trẻ - thế hệ đang trong quá trình lớn lên về thể chất và hình thành nhân cách, với nhiều khát khao và hoài bão trong việc khám phá tri thức mới và xây dựng cuộc sống. Hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn nhà trường có vai trò quan trọng và trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cuộc vận động. Trên cơ sở xác định đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống của HS trong nhà trường. Nêu gương là cách giáo dục tốt nhất.
Để làm tốt những mục tiêu trên cần sự nổ lực rất lớn của toàn ngành giáo dục và việc hình thành cho học sinh có được những phẩm chất đạo đức, lối sống tích cực cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản của môn Giáo dục công dân.