Môtíp hóa thân bắt nguồn từ phong tục dân gian

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 52 - 57)

Phong tục là một trong những thành tố cấu tạo thành nền văn hóa dân tộc. Theo định nghĩa của Trần Ngọc Thêm: “phong nghĩa là gió, tục là thói quen, phong tục là thói quen lan rộng ăn sâu vào đời sống xã hội bao đời nay và được đại đa số người thừa nhận’’ [22, tr.281].

Phong tục dân gian giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Người Việt có nhiều phong tục phản ánh đời sống tinh thần phong như: tục ăn trầu, tục cúng Ông Táo, tục kiêng quét rác ngày tết, tục cúng ông bình vôi… Những phong tục này đã dần đi vào truyện cổ tích và được lí giải bằng môtíp hóa thân.

Những phong tục này có từ lâu nhưng từ bao giờ và có như thế nào thì nhân dân không ai biết. Những phong tục đó có thật nhưng được lí giải bằng những câu chuyện hư cấu. Tuy nhiên chính sự bịa đặt rất tài tình, rất phù hợp với mỗi phong tục đã góp phần làm nên ý nghĩa sâu sắc của phong tục cũng như sức hấp dẫn của truyện cổ tích.

Môtíp hóa thân trong truyện cổ tích bắt nguồn từ việc giải thích phong tục ăn trầu. Đây là phong tục phổ biến, có ý nghĩa sâu rộng trong đời sống văn hóa người Việt. Trong mọi sự gặp gỡ của người Việt, miếng trầu bao giờ cũng là “đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ cưới xin, tang ma, lễ hội, lễ tết… thì trầu cau bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và trầu cau đã trở thành biểu tượng của tình nghĩa, tình yêu thắm thiết giữa con người với con người.

Trong kho tàng ca dao dân ca cổ truyền của người Việt còn để lại biết bao lời hay đẹp mượn quả cau, lá trầu để viết về tình yêu đôi lứa thiết tha, mặn nồng:

Từ ngày ăn phải miếng trầu Miệng thơm môi đỏ, da sầu đăm chiêu.”

Trầu này trầu của em têm Trầu phú trầu quý, trầu nên vợ chồng

Trầu này bọc khăn tơ hồng Trầu này kết ngải loan phòng từ đây

Miếng trầu không chỉ đi vào trong ca dao mà còn đi vào trong truyện cổ tích. Tác giả dân gian đã mượn miếng trầu để sáng tạo ra câu chuyện Truyện trầu cau. Để giải thích phong tục ăn trầu là sự kết hợp của ba thứ trầu, cau, vôi tạo thành một thứ thơm cay nồng màu đỏ như máu, truyện cổ tích đã sáng tạo ra câu chuyện hóa thân của hai anh em, vợ chồng cùng chết bên nhau để tình nghĩa của họ hòa quyện trong miếng trầu. Câu chuyện của họ vừa lí giải phong tục, vừa tô đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho phong tục. Tục ăn trầu và miếng trầu trở thành biểu tượng cho tình nghĩa, tình yêu thắm thiết trong văn hóa Việt. Sự gặp gỡ giữa truyện cổ tích và phong tục chính là sự đề cao tình nghĩa thủy chung giữa con người với nhau trong quan niệm nhân sinh của người Việt. Mặt khác, sự phổ biến và bền vững của phong tục trong đời sống

nhân dân khiến truyện cổ tích thêm ý nghĩa và có sức sống trong đời sống tâm hồn của nhân dân.

Ngoài tục ăn trầu, người Việt còn có một phong tục cũng đặc sắc không kém đã ảnh hưởng đến sự hình thành môtip hóa thân trong truyện cổ tích. Đó là tục cúng Ông Táo (gồm bộ ba Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ). Táo Quân là thần trông coi gia cư, đất đai, bếp núc, công việc chợ búa ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho gia đình, vì “đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất, nhà bếp và người phụ nữ đồng nhất với nhau đều tối quan trọng như nhau” [23, tr.282]. Ngày 23 tháng chạp là ngày tết ông Táo, các gia đình sắm sửa hai mũ ông, một mũ bà, cộng với cá chép để ba ông bà lên chầu trời. Phong tục này được lý giải bằng câu chuyện về bi kịch của tình cảm vợ chồng giữa ba con người. Đó là cái chết trong đám lửa vì tình nghĩa vợ chồng đã hóa thân ba nhân vật thành ba vị thần- bộ ba Vua Bếp trong tín ngưỡng thờ Táo quân của người Việt. Dù bằng sự hư cấu nghệ thuật, nhưng truyện cổ tích đã lí giải đặc điểm của phong tục và qua việc gắn với phong tục, tác giả dân gian đã gửi gắm quan niệm nhân sinh về con người và xã hội qua câu chuyện thấm đẫm tình người.

Ngoài ra, người Việt còn có một số tục lệ như tục kiêng quét nhà vào ngày tết, tục cúng bình vôi. Vào những ngày tết Nguyên Đán, người Việt Nam có tục không quét rác. Có người cho rằng người ta giữ đủ rác lại như vậy trong những ngày tết tức là để giữ lại sự no đủ, phồn thịnh. Truyện cổ tích của dân gian lại lý giải phong tục này bằng một câu chuyện có tính giáo dục cao. Người đàn bà nấu bếp cho Ngọc Hoàng và lão chăn ngựa là một cặp tình nhân. Lão chăn ngựa đã lợi dụng tình yêu mù quáng của người đàn bà để làm những việc tùy tiện coi thường luật trời thỏa mãn thói tham ăn của mình. Vì tính ăn vụng và bao che cho kẻ ăn vụng, hai người bị Ngọc Hoàng biến thành cái chổi xuống trần gian làm công việc quét rác liền tay không được nghỉ, và phải tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian. “ Lâu sau thấy phạm nhân bày tỏ nỗi lòng là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào ngơi tay, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho họ được nghỉ ba ngày

trong năm. Ba ngày đó là ba ngày tết Nguyên Đán. Bởi vậy đời sau trong dịp tết Nguyên Đán người ta có tục lệ kiêng quét nhà” (Sự tích cái chổi).

Truyện Sư ông hóa thành bình vôi mang đậm màu sắc Phật giáo, nhưng lại mượn câu chuyện tu hành đậm giáo lí nhà Phật và môtíp hóa thân để giải thích tục cúng bình vôi của người Việt. Trong truyện, ông sư đã tắt lửa làm hại vị sư giữ lửa trong chùa đã tự mình chuốc họa vào thân, phải chết hóa thành các bình vôi cho người đời móc ruột. Từ quan niệm bình vôi là hóa thân của ông sư nọ mà nhân dân có tục thờ ông Bình Vôi, ngày tết ngày rằm (phổ biến là vào ngày rằm tháng giêng, tháng bảy) thường treo bình vôi ở gốc cây đa để thờ.

Tiểu kết chương 3:

Ở chương ba, chúng tôi đã chỉ ra một số cơ sở ảnh hưởng đến sự hình thành môtip hóa thân. Môtíp hóa thân ra đời bắt nguồn từ quan niệm thần thoại, chịu ảnh hưởng của Phật giáo và một số tín ngưỡng, phong tục dân gian. Điều này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa môtíp trong truyện cổ tích với cơ sở văn hóa, lịch sử, xã hội của nhân dân. Đồng thời, thấy được tư duy nhạy cảm và sáng tạo của nhân dân ta khi vận dụng các quan niệm thần thoại, quan niệm Phật giáo hay tín ngưỡng phong tục dân gian vào sáng tác dân gian. Việc chỉ ra một số cơ sở ảnh hưởng đến sự hình thành của môtíp hóa thân còn giúp chúng ta thấy được một số quan niệm văn hóa từ xa xưa được thể hiện sâu kín trong môtíp, quá trình hình thành lâu dài, tính bền vững và quan niệm trong môtíp hóa thân.

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu Môtíp hóa thân trong truyện cổ tích của người Việt, chúng tôi đi đến một số kết luận sau:

1. Môtíp hóa thân là môtíp độc đáo, xuất hiện khá phong phú trong truyện cổ tích của người Việt. Môtíp này xuất hiện ở cuối truyện, trong đó nhân vật kết thúc số phận bằng cái chết và sự hóa thân. Có các dạng hóa thân cơ bản: dạng hóa thân thành các con vật, loài vật, cây cối, vật thể; dạng hóa thân thành đá; dạng hóa thân thành thần linh.

2. Nhìn chung môtíp hóa thân trong truyện cổ tích của người Việt có kết cấu ổn định, có thể khái quát hóa thành 2 dạng mô hình kết cấu: dạng kết cấu của môtíp hóa thân có chủ thể hóa thân là nhân vật thuộc tuyến ác, dạng kết cấu môtíp hóa thân có chủ thể hóa thân là nhân vật thuộc tuyến thiện. Từ mô hình kết cấu của môtíp hóa thân chúng ta có thể thấy các yếu tố cấu thành môtíp, đặc điểm cụ thể của chúng trong truyện cổ tích và các chức năng mà môtíp thực hiện. Chức năng của môtíp hóa thân phong phú đa dạng: Chức

năng giải thích nguồn gốc, đặc điểm của một số hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội, chức năng trừng phạt, chức năng phản ánh và hóa giải bi kịch. Qua việc tìm hiểu chức năng của môtíp, đề tài đã cho thấy những quan niệm đạo đức, triết lí nhân sinh cũng như giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả dân gian dân gian đã gửi gắm trong truyện.

3. Sự hình thành của môtíp hóa thân có nguồn gốc từ cơ sở văn hóa, xã hội, lịch sử nhất định. Đó là sự ảnh hưởng của quan niệm thần thoại, Phật giáo và một số tín ngưỡng, phong tục dân gian. Chỉ ra sự ảnh hưởng này, chúng tôi đã góp phần làm sáng tỏ tính bền vững, tính quan niệm của môtíp cũng như mối quan hệ giữa môtíp với môi trường văn hóa dân gian nói riêng, mối quan hệ giữa folklore và thực tại nói chung. Nghiên cứu môtíp hóa thân là một công việc lí thú, bởi qua đó cho thấy đặc sắc của thể loại truyện cổ tích về kết cấu cũng như chức năng tư tưởng, thấy được sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng và sức sáng tạo phong phú của tác giả dân gian.

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w