Chức năng phản ánh và hoá giải bi kịch

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 40 - 43)

Không phải bất kì câu truyện cổ tích nào cũng kết thúc có hậu, nhân vật thiện luôn được sống hạnh phúc, sung sướng mà có những câu truyện kết thúc bằng những bi kịch đau lòng của cuộc đời nhân vật. Môtíp hóa thân ra đời cũng nhằm phản ánh và hóa giải bi kịch đó. Trong nhóm truyện cổ tích có môtíp hóa thân xuất hiện đến 16/37 truyện kết thúc bi kịch như: Chim Đa Đa, Năm Trâu Sáu Cột, Đôi Sam, Sự tích chim Chìa Vôi, Sự tích chim Hít Cô, Sự tích cây vú sữa, Sự tích bông sen, Sự tích sao hôm sao mai, Nàng Tô Thị, Sự tích đá Vọng Phu, Truyện trầu cau, Sự tích đá Bà Rầu…Sự hóa thân ở đây chủ yếu các dạng như hóa đá, hóa cây, hóa thành con vật, thần linh đặc biệt là hóa đá.

Các nhân vật trong truyện thường rơi vào một bi kịch cụ thể nào đó dẫn đến hóa thân. Chẳng hạn, đứa trẻ bị bố dượng bỏ vào rừng cho đến khi chết đói và hóa thành con chim Đa Đa với tiếng kêu ai oán xót xa trong truyện

Chim Đa Đa. Hay trong truyện Sự tích chim Hít cô, đứa cháu bị cô ăn hết cháo phải chịu chết đói và hóa thành con chim Hít cô, cho thấy sự nghèo đói của nhân dân lao động trong xã hội cũ. Hay con chim chìa vôi (Sự tích chim chìa vôi) là sự hoá thân của anh ngông dân hiền lành khóc thương người vợ bị tên nhà giàu hãm hại mà chết. Tiếng hót của con chim như chửi vào mặt tên nhà giàu “xe cộ kéo kéo ai kéo vợ tao”. Con chim phướng (Sự tích con chim phướng) là do cậu bé đến tìm cha đã bị cô Hạc giết chết sau đó cậu cũng bị

giết chết mà hoá thân thành với tiếng kêu “ bớ bà cô Hạc trả tía cho tao, tía tao”... đã phản ánh sự bóc lột, hà hiếp của tầng lớp địa chủ đối với những con người bé nhỏ trong xã hội của tầng lớp thống trị.

Bi kịch như càng được khắc sâu hơn ở những truyện kết thúc bằng sự hóa đá của nhân vật. Truyện Nàng Tô Thị, Sự tích đá Vọng Phu…đều xuất phát từ câu chuyện bi kịch về anh em ruột thịt lấy nhầm nhau, sau khi biết chuyện người chồng bỏ đi còn người vợ mòn mỏi ngóng trông chồng cho đến khi hóa đá. Hình ảnh người phụ nữ bồng con hóa đá đứng trơ trọi giữa trời đất qua bao ngày tháng như khắc sâu vào lòng người, một nỗi đau đớn, xót xa. Sự hóa đá đã mang ý nghĩa tượng trưng cho nỗi đau tích tụ, dồn nén không có lối thoát, sự chờ đợi vô vọng đằng đẵng qua thời gian, không gian. Không phải ngẫu nhiên những truyện có môtíp hóa đá, chủ thể hóa thân đều là những người phụ nữ ngóng trông chồng trong nỗi đau tuyệt vọng, không tin tức, không một lời giải đáp cho bi kịch mà họ đang chịu đựng (Nàng Tô Thị, Sự tích đá Vọng Phu, Sự tích đá Bà Rầu, Ngậm ngãi tìm trầm hay sự tích núi Mẫu Tử…). Hay đó là hình ảnh người em mang theo nỗi oan ức không biết giải bày cùng ai lang thang trong rừng vắng hóa thành tảng đá ( Sự tích trầu cau).

Ở những truyện này, ngoài chức năng giải thích sự ra đời hay đặc điểm của các con vật, địa danh, phong tục, chức năng chính của truyện là phản ánh hiện thực đầy bất công ngang trái và những bi kịch cuộc sống mà những người dân lương thiện phải gánh chịu. Sự hóa thân của nhân vật vừa như nhấn mạnh hiện thực đó, vừa là mong ước hóa giải bi kịch số phận của con người. Mặt khác, tiếng kêu của các loài chim, hình ảnh đá Trông Chồng vừa gợi nhắc nỗi đau, bi kịch của nhân vật, vừa thay lời nhân vật tố lên nỗi oan khuất của họ, để hóa giải bi kịch cho họ. Chức năng phản ánh và hóa giải bi kịch đã khiến những truyện này vừa kết thúc không có hậu, vì cuối truyện nhân vật thiện phải chết, vừa kết thúc có hậu, bởi nhờ môtíp hóa thân, họ lại được giải tỏa nỗi đau, được thỏa nguyện ước mong hòa hợp, đoàn kết vợ chồng, anh em, dù là ở một thế giới khác. Trong Sự tích Ông Táo, Ngọc Hoàng thương tình ba con người vì tình nghĩa mà bị chết cháy đã cho họ lên thiên đình làm

Táo Quân để đời đời được sống bên nhau. Trong Truyện trầu cau, ba anh em, vợ chồng sau khi chết lại được quấn quýt bên nhau. Hình ảnh cây cau mọc ngay bên tảng đá, cây trầu leo quanh thân cau và sự kết hợp trầu- cau- vôi tạo nên một thứ màu đỏ thắm nói lên tình nghĩa vợ chồng, anh em son sắt không bao giờ nhạt phai giữa họ. Như vậy, với chức năng phản ánh và hóa giải bi kịch, môtíp hóa thân thể hiện cái nhìn hiện thực và nhân đạo của ông cha ta. Dù rằng, màu sắc hiện thực của truyện cổ tích sinh hoạt không cho phép một kết thúc có hậu trọn vẹn như “những giấc mơ” như trong truyện cổ tích thần kì đích thực, nhưng tác giả dân gian vẫn thể hiện được niềm mong ước khôn nguôi xoa dịu nỗi đau của con người, trút bỏ những gánh nặng trong cuộc sống và mãi được hưởng hạnh phúc. Đây chính là sự kết hợp giữa giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc trong truyện cổ tích của người Việt.

Tiểu kết chương 2

Môtíp hoá thân trong truyện cổ tích người Việt có kết cấu đặc sắc, nhiều truyện có dạng kết cấu giống nhau, do đó có thể khái quát hoá mô hình kết cấu thành hai dạng chính: Kết cấu của môtíp hóa thân có chủ thể hoá thân là nhân vật tuyến ác và kết cấu môtíp hóa thân có chủ thể hoá thân là thiện. Từ đó ta có cái nhìn tổng thể về kết cấu môtíp hoá thân đồng thời thấy được ý nghĩa của môtíp trong cốt truyện của truyện cổ tích nói chung.

Từ kết cấu môtíp đó mà ta làm rõ được các chức năng của môtíp hoá thân như chức năng giải thích các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, chức năng trừng phạt, chức năng phản ánh và hoá giải bi kịch. Từ đó để thấy được nội dung tư tưởng mà tác giả dân gian gửi gắm, đồng thời thấy được quan niệm về đạo đức triết lý nhân văn của nhân dân lao động.

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w