Môtíp hoá thân bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 49 - 52)

Tín ngưỡng là niềm tin vào những điều thiêng liêng, những sức mạnh huyền bí mà con người chỉ cảm nhận được mà không thể nhận thức được. Tín ngưỡng dân gian của người Việt rất phong phú như: tín ngưỡng tôn thờ tự nhiên, tín ngương phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng vật tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên…

Môtíp hóa thân chịu sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ vật tổ. Đó là tín ngưỡng thờ các con vật, loài vật thiêng như: thờ chim, thờ rắn, thờ cây… Người xưa tin rằng, con người có nguồn gốc từ các con vật, loài vật. Vì thế họ tôn thờ các con vật, loài vật làm vật tổ của bộ tộc, dân tộc mình.

Trước hết, môtíp hoá thân trong truyện cổ tích có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ vật tổ. Tín ngưỡng này phổ biến ở các dân tộc trên thế giới và cả ở Việt Nam. Có thể nói tín ngưỡng thờ vật tổ là tín ngưỡng xuất hiện sớm trong lịch sử nhân loại. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ trình độ nhận thức ấu trĩ của người nguyên thuỷ. Do chưa phân biệt được ranh giới giữa con người và tự nhiên nên họ cho rằng mọi thành viên trong thị tộc và bộ lạc đều do một giống động vật, thực vật hay một vật thể nào đó sinh ra. Từ đó, họ tôn thờ các con vật, loài vật làm tổ tiên của thị tộc, bộ lạc mình. Ví dụ, hiện nay, người Dao ở Lạng Sơn hằng năm vẫn tổ chức lễ hội thờ Bàn Vương- là một con chó thiêng- tổ tiên con người Dao. Một số nhánh thuộc dân tộc Thái có họ là tên một số loài chim thực chất là bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ chim làm vật tổ. Có một số ý kiến cho rằng, truyện cổ tích loài vật có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ vât tổ, khi tín ngưỡng này đã mất thiêng. Trong môtíp hóa thân, con người hóa thân thành các con vật, loài vật khiến ta liên hệ đến quan niệm về mối quan hệ đắp đổi, chuyển hóa qua lại, không có sự tách biệt giữa thế giới con người và loài vật, có thể là tổ tiên sinh ra con người trong tín ngưỡng thờ vật tổ. Tuy nhiên, trong truyện cổ tích, sự hóa thân giữa con người và loài vật đẫm màu sắc tưởng tượng, hư cấu, không còn tính thiêng như ở tín ngưỡng thờ vật tổ.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ vật tổ thì ở môtíp hoá thân trong truyện cổ tích của người Việt còn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ đá. Theo Nguyễn Như Ý: “Đá là khoáng chất có thể đặc rắn, giòn thường kết thành tảng đá lớn, hợp phần của vỏ trái đất dùng lát đường, vật liệu xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc. Là chất liệu đầu tiên gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh, đá từng là nơi cư trú của con người- hang đá, vừa là dụng cụ sản xuất thô sơ nhưng thiết yếu, vừa là dụng cụ làm ra lửa của người nguyên thủy...[27; tr 570].

Đá là đặc trưng cơ bản của núi mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất cho nên đá có thể là phương tiện truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên. Đá đã trở thành một biểu tượng

trong tâm thức người Việt và tục thờ đá phổ biến trên nhiều vùng miền ở Việt Nam. Từ xưa, người Việt có tục thờ núi, thờ đá: tượng đá cụt đầu ở am thờ Mỵ Châu ở Cổ Loa, cột đá thề trong đền thượng ở đền Hùng, đá Ông Chồng, Bà Chồng ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh… Khi nói về nghĩa của biểu tượng đá, Jean Cheralier đã ghi nhận: “Ở Việt Nam các tảng đá dựng đứng được coi là nơi tọa ngự của các thần bảo vệ. Đó là những tấm chắn chống lại, ngăn lại các ảnh hưởng độc hại”[5; tr 269].

Thờ đá là một trong những tín ngưỡng phản ánh sự nhận thức mọi vật đều được kết hợp bởi hai phần: phần vật chất và phần linh hồn của người xưa. Thờ đá là một trong những cách gây thiện cảm với thần linh, để thần sẽ không dùng sức mạnh của mình gieo tai họa lên cuộc sống con người, trái lại bằng sức mạnh của mình, thần sẽ đè bẹp mọi thần lực gây hại bảo vệ sự tồn tại yên bình cho mọi người.

Trong truyện cổ tích của người Việt, hình tượng đá được khắc họa rất rõ trong môtíp hóa thân thành đá (Hòn Trống Mái, Nàng Tô Thị, Sự tích đá Vọng Phu, Sự tích núi Vàng, Ngậm ngải tìm trầm hay sự tích núi mẫu tử, sự tích đá Bà Rầu). Hình tượng đá, hóa thân của nhân vật trong truyện cổ tích có sự liên hệ trùng khớp với các hòn đá thiêng được tôn thờ ở một số địa phương. Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) hiện nay vẫn còn hai hòn đá xếp chồng lên nhau được nhân dân đặt tên là hòn Trống Mái cũng chính là hóa thân của hai vợ chồng gắn bó, thủy chung trong trí tưởng tượng của nhân dân trong truyện

Hòn Trống Mái. Đá Vọng Phu ở địa phận giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên trên Đèo Cả vốn được dân gian nơi đây cho là người vợ bồng con đứng trên núi cao nhìn ra biển chờ chồng và hóa đá, được thờ làm thần bản địa. Hay ở trong truyện Nàng Tô Thị kể về đá Trông Chồng ở Lạng Sơn cũng được người dân ở đây thờ cúng. Hình ảnh đá Bà Rầu ở Quảng Nam (Sự tích đá Bà Rầu) đã được dân gian thờ phụng và xem đó là nơi linh thiêng.

Có lẽ vì quan niệm đá có linh hồn, nên người Việt thường nhìn thấy những câu chuyện nhân sinh nơi hình dáng của núi, đá: đá trông chồng, đá Bà

Rầu, nàng Tô Thị, hòn chồng, hòn vợ, núi mẫu tử, hòn trống mái… Hình dáng núi, đá này đã đi vào truyện cổ tích với môtíp nhân vật hóa đá.

Ngoài ra, đá còn được xem là biểu tượng cho nỗi oan khuất không giải tỏa của con người. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những truyện mà kết thúc nhân vật hóa đá như: Hòn Trống Mái, Nàng Tô Thị, Truyện trầu cau, Sự tích đá Bà Rầu, Ngậm ngãi tìm trầm hay sự tích núi mẫu tử, Sự tích núi Vàng…Các nhân vật này đều rơi vào một bi kịch, một nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai, cũng không thể giải quyết được rồi hóa đá. Như nhân vật người vợ trong truyện Sự tích đá Bà Rầu bị chồng nghi ngờ lòng chung thủy mà nàng không thể nào thanh minh được đành hóa thành núi đá. Hình ảnh người phụ nữ hóa đá trở thành biểu tượng nhân văn cao cả trường tồn mãi mãi trong văn học và trong tâm thức của nhân dân.

Như vậy ta thấy được rằng sự hình thành môtíp hóa thân trong truyện cổ tích của người Việt có ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian mà cụ thể là tín ngưỡng thờ vật tổ và tín ngưỡng thờ đá.

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 49 - 52)