Ảnh hưởng của Phật giáo đến sự hình thành môtíp hoá thân

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 46 - 49)

Phật giáo là một yếu tố thuộc về tôn giáo mà “tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh hiện thực qua các khái niệm, hình ảnh mang tính ảo tưởng, ảo vọng. Đặc điểm chính của tôn giáo là đức tin vào sự tồn tại của một đấng siêu nhiên[25,tr.1202]. Khi nghiên cứu sự hình thành của môtip hoá thân

trong truyện cổ tích ta thấy rằng môtíp hoá thân có ảnh hưởng từ quan niệm Phật giáo.

Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai có nguồn gốc từ Ấn Độ, là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới có ảnh hưởng đến nhiều nước Phương Đông trong đó có Đông Nam Á. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam khá sớm, vào khoảng thế kỉ II sau Công Nguyên. Đạo Phật đã đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam một cách hoà bình, tự nguyện và đã hòa nhập với tín ngưỡng dân gian. Có lúc Đạo Phật đã trở thành quốc giáo (Lý - Trần). Trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam thì “Đạo Phật thân thiết đến nỗi dường như một người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt là theo đạo phật hoặc chí ít có cảm tình với Đạo Phật [22; tr].

Do ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc của Đạo phật như vậy mà nó cũng dần ảnh hưởng vào trong các sáng tác văn học mà trước hết là văn học dân gian, trong đó có truyện cổ tích với việc sử dụng môtip hoá thân

Sự hình thành của môtíp hóa thân chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi và quan niệm “nhân quả báo ứng” trong Phật giáo. Thuyết luân hồi có quan hệ với tín ngướng Tôtem của những cộng đồng người cổ xưa khi mới bắt đầu định cư bằng nông nghiệp. Thời nguyên thuỷ là thời kỳ mà loài người chưa thực sự ý thức được sự khác nhau giữa đời sống con người và chu kì sinh sản, phát triển của cỏ cây, muông thú. Họ cho rằng, con người và cỏ cây muông thú có sự chuyển hóa qua lại lẫn nhau, có đời sống gắn bó với nhau, có chu kỳ tồn tại như nhau. Cho nên khi quan sát sự sinh nở của cỏ cây, sự phát triển và chết đi của muông thú, con người cho rằng chu kỳ đời sống của mình cũng như vậy, sinh ra, lớn lên và chết đi rồi lại được sinh ra. Quan niệm này đã được Phật giáo kế thừa và phát triển thành một học thuyết tôn giáo đó là thuyết luân hồi. Thuyết luân hồi nói về chu kì đời người được tượng trưng là một bánh xe luân hồi hay còn gọi là bánh xe sinh tử cứ quay mãi đưa con người từ kiếp này sang kiếp khác, chết rồi tái sinh, rồi lại chết, tái sinh.

Quan niệm “nhân quả báo ứng” trong Phật giáo cho rằng, con người phải chịu hậu quả về những gì mà họ đã làm. Những hạnh phúc mà con người

được hưởng hay khổ đau mà họ phải chịu ở kiếp này là sự ban thưởng hay báo ứng cho những điều tốt hay xấu xa ở kiếp trước. Tương tự, ở kiếp này nếu làm nhiều điều ác, điều xấu thì kiếp sau phải chịu hậu quả, sẽ không được đầu thai trở lại kiếp người, bị đày xuống địa ngục hoặc nếu được làm người thì phải chịu nhiều đau khổ, và ngược lại.

Truyện cổ tích đã tiếp thu những quan niệm nói trên một cách linh hoạt, làm cho nó uyển chuyển, gần gũi với cuộc sống và hoà hợp với quan niệm dân gian. Đó là triết lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” của người Việt. Trong truyện cổ tích, nhân vật sau khi chết hóa kiếp thành các con vật, vật thể, cây cối…Người lương thiện thì kiếp sau được làm thần, hay hóa kiếp thành những con vật, vật thể được người đời tôn trọng, thờ phụng; kẻ ác thì bị trừng phạt hóa kiếp thành các loài vật, con vật bẩn thỉu, vô ích, bị người đời nguyền rủa. Ở đây, môtíp hóa thân thể hiện quan niệm luân hồi, “nhân quả báo ứng”, triết lí “ác giả ác báo” mang ý nghĩa nhân văn trong Phật giáo và trong quan niệm dân gian.

Ông Bụt, Đức Phật, Phật Bà... là những hình ảnh quen thuộc trong nhiều truyện cổ tích. Đinh Gia Khánh khẳng định: “Ông Bụt trong truyện cổ tích đúng là có nguồn gốc từ Đức Phật. Nhưng đó là Đức Phật đã được dân gian hoá” [17, tr.39]. Nguyễn Đổng Chi nhận xét: “Các nhân vật vốn là biểu tượng của Tôn giáo như Bụt, Tiên... đều được cái nhìn thực tiễn của dân gian - dân tộc nhân cách hoá” [6, tr.2492]. Cũng như nhiều yếu tố kì ảo khác, những nhân vật có nguồn gốc Phật giáo này là tác nhân bên ngoài của sự biến hóa trong môtíp hóa thân có chức năng trừng phạt. Phật biến người đàn bà thành con muỗi (Người đàn bà hóa thành con muỗi), Bồ Tát biến thiếu nữ thành con Bìm Bịp (Con Bìm Bịp), Đức Phật biến ông sư thành cái bình vôi (Sự tích cái bình vôi), Phật Bà biến ông sư chưa thoát khỏi dục vọng thành con ếch ( ông hóa thành con ếch)...

Ở nhiều truyện, ảnh hưởng của Phật giáo không chỉ thể hiện ở nhân vật thần kì nói trên mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nội dung, ý nghĩa của truyện cổ tích nói chung và môtíp hóa thân nói riêng. Nhân vật chính của truyện (cũng

là chủ thể hóa thân) là những nhân vật thuộc hệ thống tín đồ của Đạo Phật như sư (Sư ông hóa thành con ếch, Sự tích cái bình vôi), người tu hành mong đắc đạo (thiếu nữ trong truyện Con Bìm Bịp). Truyện phản ánh quá trình tìm đến với Phật, độ thành Chính Quả đầy gian nan, thử thách, đòi hỏi người tu hành phải thực sự thoát dục, thực sự quên đi những dục vọng cá nhân và thành tâm để “cứu nhân độ thế”. Chẳng hạn trong truyện Con Bìm Bịp, thiếu nữ sang Tây Phương tìm Phật nhưng trên đường nàng lại phạm vào điều cấm kị của Phật, thất tín với mẹ Chằn nên đã bị Phật Bà biến thành con Bìm Bịp, truyện Sư ông hóa thành bình vôi, ông sư chưa thoát khỏi dục vọng khi Phật Bà thử thách nên đã bị Phật Bà biến thành con ếch...

Ở đây, môtíp hóa thân có chức năng trừng phạt những tín đồ của Phật giáo nhưng đã không thực hiện đúng giáo lí và chuẩn mực đạo lí của nhà Phật. Qua đó, truyện nhằm chuyển tải giáo lí của Phật giáo và đưa ra những bài học cho những người muốn tu hành đắc đạo. Những truyện này có ảnh hưởng của cốt truyện Phật giáo. Có thể những quan niệm, triết lí của Đạo Phật có chỗ gặp gỡ với quan niệm đạo đức về lòng vị tha, lòng từ bi bác ái của con người nên những truyện này đã đi vào kho tàng truyện cổ tích và được nhân dân lưu truyền.

Một phần của tài liệu Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w