Tục thờ thần của cư dân ven biển Trung Bộ

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 25 - 28)

6. Bố cục luận văn

1.2.2.Tục thờ thần của cư dân ven biển Trung Bộ

Miền Trung có bờ biển dài 1200 km, bao gồm các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Khí hậu thời tiết của miền Trung lại khắc nghiệt, quanh năm chịu thiên tai, hết hạn hán lại đến bão lụt. Miền Trung không có được dải đồng bằng phù sa màu mỡ như Bắc Bộ và Nam Bộ, mà nhiều đồi núi, lại có khí hậu khắc nghiệt, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì thế mà cuộc sống của người dân miền Trung chịu nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, người Việt đã có cách thức lựa chọn khác: sắm thuyền lưới vươn ra ngoài biển cả đánh bắt cá để sinh tồn.

Gắn bó nhiều với biển nên nếp sống, nếp nghĩ của người miền Trung cũng khác người miền Bắc và miền Nam. Tại các tỉnh miền Trung, nhất là khu vực Nam Trung bộ, tính chất biển có thể nói là rất đậm đặc trong văn hóa của người Việt. Càng đi vào miền trong, từ Bắc Trung Bộ qua Trung Trung Bộ đến Nam Trung Bộ, chất biển càng ngấm sâu. Trong cộng đồng ngư dân sinh sống tại khu vực Trung bộ, nhất là cực Nam Trung bộ đã hình thành được một nếp sống văn hóa biển... So với thiên nhiên Bắc Bộ và Nam Bộ, Trung Bộ là vùng đệm, mang tính chất trung gian. Yếu tố biển, sông, đầm, đồng bằng, núi non đều ánh xạ vào trong các thành tố văn hóa, từ diện mạo đến các phương diện khác. Làng làm nông nghiệp tồn tại đan xen với làng của ngư dân. Bên cạnh lễ cúng đình của làng nông nghiệp là lễ cúng cá ông của làng làm nghề đánh cá.

Tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển miền Trung vì thế mang nhiều nét đặc trưng nhất, đậm chất biển nhất so với vùng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ.

Vùng ven biển Trung bộ cũng có các hình thức thờ nhân thần, tiêu biểu là thờ Mẫu, và thờ nhiên thần, thần biển, trong đó có tục thờ cá Ông.

Cũng như nhiều vùng khác trên cả nước, tín ngưỡng thờ thần của vùng ven biển Trung Bộ không thể thiếu vắng những vị thần được người Việt tôn thờ, những anh hùng dân tộc, những người có công lập làng… Mỗi làng đều có vị thành hoàng của làng mình để thờ cúng.

Dọc biển miền Trung, có hàng trăm ngôi đình, miếu thờ Mẫu, thờ “Bà”. Dạng thức thờ Mẫu ở khu vực Trung bộ mang đặc trưng cơ bản là ít có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà gần như chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu thánh mẫu, Cửu thiên huyền nữ, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Mẫu thần như thờ Thiên Y A Na, Po Ina Nagar.

Trung Bộ là vùng đất được người Việt khai phá muộn hơn, trong đó vùng Trung và Nam Trung bộ suốt một thời kì dài là địa bàn của các tiểu vương quốc Cham-pa. Trong khi ở Bắc Trung Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu cơ bản giống ở miền Bắc, chủ yếu là thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh, Tứ vị thánh nương và mẫu Thoải thì ở Nam Trung Bộ, sự cộng cư với người Chăm, thái độ ứng xử hiền hòa của người Việt đã tạo cho sự giao lưu văn hóa Việt- Chăm ở đây diễn ra thuận lợi. Người Việt tiếp nhận những di sản văn hóa của người Chăm, Việt hóa biến thành di tích văn hóa của mình. Tháp Bà ở Nha Trang (Khánh Hòa) vốn là một ngôi tháp của người Chăm, được người Việt sử dụng, coi như nơi thờ tự, linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng của người Việt. Ở vùng ven biển Quảng Ngãi, bên cạnh lăng Ông (thờ cá Voi) còn có dinh Bà “tạo ra một cặp âm dương đối đãi theo kiểu tư duy lưỡng hợp theo kiểu người Việt” [68, 285].

Tiêu biểu cho quá trình tiếp biến văn hóa ở Trung Bộ của người Việt là tiếp thu tín ngưỡng thờ bà mẹ xứ sở (Po Ina Nagar) của người Chăm. Với tín ngưỡng thờ Mẫu ẩn trong tâm thức, khi vào Trung Bộ, người Việt gặp tín ngưỡng này của người Chăm, họ đã tiếp thu các nữ thần Chăm và chuyển hóa thành các nữ thần Việt. Nữ thần Mưjưk của người Chăm được biến thành bà Chúa Ngọc. Thánh mẫu Vân Hương (tức thánh Mẫu Liễu Hạnh) được đưa vào điện thần cùng với bà Chúa Ngọc. Nói cách khác đi là, sự tiếp biến văn hóa đã khiến diện mạo tín ngưỡng của người Việt ở Trung Bộ thay đổi, so với người Việt Bắc Bộ.

Với đặc điểm cuộc sống gắn với biển khơi, sông nước, cư dân ven biển Trung Bộ đặc biệt coi trọng tín ngưỡng thờ thần biển.

Hình thức thờ Long Vương, Hà Bá xuất hiện nhiều ở vùng Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Vùng Nam Trung Bộ có thờ các vị thần biển như Hà bá, Ngũ vị Long Vương, Bà chúa Đảo, Bà chúa Xứ, Bát Bửu công chúa, Ông Sứa, Rái Cá, ông Nược (cá heo), bà Tám (rùa biển), Mộc Trụ thần xà, bà Lạch (rắn biển)…

Tuy nhiên, nét tiêu biểu của tín ngưỡng thờ thần biển vùng Trung Bộ, nhất là Nam Trung Bộ là hình thức thờ thần cá Voi (cá Ông, cá Ông Voi).

“Thờ cúng cá Ông là loại hình tín ngưỡng- phong tục tiêu biểu, có sự tích hợp giữa tín ngưỡng thờ cá của cư dân Việt di cư với tín ngưỡng thờ cá của cư dân Chàm bản địa. Lăng Ông là một thiết chế tín ngưỡng tích hợp từ tín ngưỡng thờ thành hoàng và tín ngưỡng thờ cá, và để từ đó, dường như cá Ông đã trở thành thành hoàng làng của làng chài ở vùng ven biển từ Bình Trị Thiên vào Nam” [68, 286]

Ở dọc bờ biển Trung Bộ, hầu hết các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế rất trang trọng.

Trong tín ngưỡng của người dân Chăm-pa, cá Voi được coi là hóa thân của vị thần Cha-Aih-Va, tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển). Còn trong

tâm thức người Việt, ngư dân các làng ven biển đặt niềm tin vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là loài cá voi, bởi chúng luôn có mặt giúp đỡ, bảo vệ họ khi họ phải đương đầu với biển cả, và họ gọi một cách kính trọng là cá Ông, hoặc nhiều danh từ cung kính khác như Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu hay ông Lộng, Ông Khơi… Trong các sắc thần của triều Nguyễn thì cá Voi được gọi là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn thần.

Nơi thờ cúng cá Ông được gọi là miếu Ông, nhưng thông dụng nhất là lăng Ông. Việc thờ cá Ông được quan niệm như là một cách để đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của đạo Phật, coi cá Ông như một thứ thần hộ mệnh giữa biển khơi đầy sóng gió.

Sự thờ cúng cá Ông tạo ra một lễ hội lớn trong đời sống văn hóa các làng xã vùng biển, đó là lễ hội Nghinh Ông. Lễ Nghinh Ông có thể diễn ra các thời điểm khác nhau tùy từng địa phương, nhưng đa số là vào thời điểm kết thúc vụ cá, thường kết hợp với lễ cầu ngư, xuống thuyền hàng năm, mang tính chất tạ ơn thần thánh và cầu mong cho mùa màng bội thu.

Ở một số vùng ven biển Quảng Ngãi, lăng Ông ngoài thờ cúng cá Ông còn là nơi “phối thờ các thủy thần Ông Sứa, Long đại nhị tướng quân, ông Nược… hai hộ vệ của ông, các nữ thần biển, tiền hiền hậu hiền, tiền công hậu công…” [68, 286].

Qua những nét phác thảo trên đây, chúng ta có thể hình dung phần nào về một vùng văn hóa ven biển Trung bộ, khu biệt với văn hóa ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ bới tính chất hưởng biển đậm nét, và ít nhiều có ảnh hưởng của màu sắc văn hóa Chăm-pa. Điều đó làm cho văn hóa ven biển miền Trung càng có sức hấp dẫn và tồn tại bền vững hơn với thời gian.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 25 - 28)