Đặc điểm của tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 85 - 92)

6. Bố cục luận văn

3.1.Đặc điểm của tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An

Hình thành và phát triển trên mảnh đất của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm nghề chính để sinh sống, cư dân người Việt đã từng bước tạo dựng cho mình một đặc trưng văn hoá nông nghiệp độc đáo. Trong nền văn hoá Việt Nam, đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng là một điểm nhấn quan trọng.

Tuy nhiên, để thích ứng với từng điều kiện sống cụ thể, cư dân của mỗi vùng, từ miền rừng núi xuống đồng bằng đến ven biển đã không ngừng bổ sung, làm phong phú, đa dạng hơn nền văn hoá nông nghiệp lúa nước của dân tộc. Từ không gian rộng của văn hoá Việt Nam soi chiếu vào vùng văn hoá ven biển Nghệ An, điển hình là ở tín ngưỡng thờ thần, chúng ta thấy rõ cách con người ven biển xứ Nghệ ứng xử với tự nhiên, xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hoá tâm linh của dân tộc, từ đó tìm ra những đặc điểm chung, riêng của tín ngưỡng thờ thần ở vùng văn hoá này.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, văn hoá Việt Nam nằm trong dòng chảy của nền văn minh Đông Nam Á với đặc điểm: “Là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước với một phức thể văn hoá gồm ba yếu tố: văn hoá đồng bằng, văn hoá núi và văn hoá biển, trong đó yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố biển dù cho có nhiều nét khu biệt nhưng vốn là kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển” [68, 288].

Theo đó, vùng ven biển Nghệ An là vùng văn hoá biển nhưng là “kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra

biển”. Vì vậy, tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An, vừa mang những đặc điểm chung trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, vừa có đặc điểm riêng của vùng.

Về đặc điểm chung, tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An cũng mang đặc trưng của văn hoá nông nghiệp. Đó là xu hướng tôn trọng và sùng bái tự nhiên, gắn bó mật thiết với thiên nhiên; hài hoà âm dương; đề cao người phụ nữ và có tính tổng hợp, linh hoạt.

Sự gắn bó mật thiết với tự nhiên trong tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An được biểu hiện rõ trong đối tượng thờ tự. Trong số các vị thần được thờ, các thần có nguồn gốc nhiên thần chiếm một số lượng lớn. Theo thống kê sơ bộ ban đầu thì ở vùng ven biển Nghệ An có đến 138 đền, miếu có thờ nhiên thần và thiên thần. Hầu hết các vị thần được người Việt thờ phụng đều có mặt ở các đền, miếu ven biển Nghệ An như thần Núi, thần Cây, thần Sông, thần Biển, thần Nông… Rõ ràng cư dân ở đây đã dành cho các đối tượng tự nhiên sự sùng bái đặc biệt.

Trong các vị thần được thờ ở đây cùng thể hiện triết lý hài hoà âm dương của người Việt, đó là việc có sự phối thờ cả thần nam và nữ, thần trời và đất, thần núi, thần đá với thần sông, nước. Đi cùng với thần núi Cao Sơn, Cao Các có thần sông nước Hà Bá, Long Vương, đi cùng với nam thần như Đức thánh Trần Hưng Đạo, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là các nữ thần như Liễu Hạnh công chúa, Bạch Y công chúa.

Cũng theo truyền thống tôn trọng người phụ nữ của dân tộc Việt Nam, trong tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An cũng hướng nhiều đến việc thờ Mẫu. Các hình thức thờ Tam phủ, Tứ phủ cũng xuất hiện ở các đền, miếu. Đặc biệt nhiều Mẫu thần trở thành thành hoàng của nhiều làng ven biển như Thánh mẫu Liễu Hạnh là thành hoàng làng của làng Cao Quan (Diễn Trung, Diễn Châu), làng Lộc Thọ (Phúc Thọ, Nghi Lộc), Tứ Vị thánh nương

là thành hoàng làng của làng Phương Cần (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu), làng Phú Lương (Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu)…

Đặc biệt, tính tổng hợp và linh hoạt của tín ngưỡng và văn hoá Việt Nam cũng có mặt trong đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển Nghệ An.

Tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An chịu sự ảnh hưởng của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo từ bên ngoài. Sự du nhập của các tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo vào vùng ven biển Nghệ An đã tạo nên sự dung hợp giữa các tôn giáo này với tín ngưỡng thờ thần cổ truyền của nhân dân. Tín ngưỡng thờ thần có sự tiếp nhận, dung hòa với các tôn giáo này. Chính vì vậy mà trong số các nhân thần được thờ ở vùng ven biển Nghệ An chúng ta thấy có sự xuất hiện của các vị thần có nguồn gốc từ các tôn giáo mới du nhập như Thái Thượng Lão Quân của Lão giáo được thờ ở nghè Đầu Cân và đền La (Diễn Trung, Diễn Châu), đức Thánh Khổng Tử của Nho giáo được thờ ở đền Hiền Từ (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu), nhà sư Dương Không Lộ của Phật giáo được thờ ở đền Xóm (Diễn Tháp, Diễn Châu).

Ngay cả trong hình thức thờ tự ở đền, đình, miếu cũng có sự phối hợp thờ cùng lúc nhiều vị thần, còn gọi là hình thức phối thờ. Cụ thể như đền Cửa (Nghi Khánh, Nghi Lộc) có sự phối thờ cả Cao Sơn Cao Các, Tam tòa Thánh Mẫu, Tướng Ninh Vệ và Trần Quang Khải; đền Kim Lung (Mai Hùng, Quỳnh Lưu) có sự phối thờ thần Cao Sơn Cao Các và Hàn Sơn, Hiệp Sơn…

Điểm đặc biệt của tính tổng hợp, linh hoạt trong tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An đó là việc ở các đền, miếu không chỉ thờ các vị thần thuần Việt mà còn có sự phối thờ cả những vị thần có nguồn gốc nước ngoài. Cụ thể như nhà thơ Khuất Nguyên người Trung Quốc được thờ ở Nghi Thạch (Nghi Lộc) và Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu); Quan Vân Trường được thờ ở Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu); Đế Bính, Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu được thờ ở đền Cờn; hay ở đền Chiêm Thành (Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu) là nơi thờ một vị tướng người Chiêm Thành.

Trong phương tiện chuyển tải của tín ngưỡng thờ thần cũng có sự đa dạng, linh hoạt. Tín ngưỡng thờ thần từ tâm thức con người được chuyển tải qua nhiều hình thức khác nhau.

Trước hết là tín ngưỡng được biểu hiện ở các nơi thờ tự, sau đó là các lễ nghi thờ cúng, lễ vật.

Để chuyển tải những nhu cầu tâm linh của mình, cộng đồng đã dành những vị trí trang trọng, linh thiêng để thờ cúng thần linh: “Thành hoàng làng thường được thờ tại đền, miếu, phủ hay đình, gọi chung là điện thờ. Điện thờ thường đặt tại một khu đất đẹp đẽ, cao ráo của làng. Có điện thờ 1 tòa, có điện thờ 2, 3 tòa, thậm chí có điện thờ 7 tòa. Điện thờ thường được làm bằng gỗ quý, lợp ngói, xây tường có trang điểm bằng các bức chạm tứ linh, tứ quý, các hoa văn, các điển tích trong sách Hán hoặc các sinh hoạt xã hội… Xung quanh khu điện thờ có tường xây bao bọc, trong vườn điện thờ có các cây cổ thụ mà thường là đa, đề, thông, tùng, bàng… Trong điện thờ đặt bài vị hoặc thần tượng của thành hoàng với các hương án, bàn thờ cùng các đồ tế khí, các gươm giáo, bát bửu, các nghi trượng để rước thần như tàn, quạt, lọng, voi, ngựa, các nhạc khí như trống, chiêng…” [20, 239].

Từ lễ vật đến nghi thức cúng tế trong các ngày tế lễ cũng rất trang trọng, chu đáo. Mỗi người dân khi đến cúng lễ không quên mang theo vật phẩm, cả cỗ mặn như xôi, thịt đến hoa, quả, trầu, rượu để dâng lễ thần, cầu mong thần phù hộ, chở che.

Và các lễ hội dân gian cũng là một phương tiện chuyển tải, là nơi để cư dân thể hiện niềm tin, tín ngưỡng đối với các vị thần họ tôn thờ. Hầu hết trong các lễ hội đều có đầy đủ các nghi thức cúng tế (phần lễ) và cá trò chơi, trò diễn (phần hội) để biểu đạt tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Phần lễ lần lượt trải qua các nghi thức: lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ nghênh thần, lễ đại tế… Phần hội bao gồm các trò chơi, trò diễn như đua thuyền, đấu vật, hát bả trạo…

Bên cạnh những đặc điểm của tín ngưỡng người Việt nói chung, tục thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An còn có những đặc điểm riêng.

Đặc điểm thứ nhất là đa số các vị thần được thờ ở vùng ven biển Nghệ An đều là phúc thần. Khi tìm hiểu về tín ngưỡng thờ thần ở làng xã, người ta thường đề cập đến hai loại thần: phúc thần và hung thần. Phúc thần là những vị thần được nhân dân tôn thờ, đề cao bởi họ là những vị thần mang tính thiện, luôn phù hộ, giúp đỡ cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Qua tìm hiểu về các thần và thần tích ở vùng ven biển Nghệ An cho đến nay chưa thấy có làng nào thờ hung thần. Các vị thần được thờ ở Nghệ An là thần sông, thần núi cai quản một vùng đất, bảo vệ cho vùng đất ấy, hay là những anh hùng dân tộc có công dẹp giặc, bảo vệ đất nước, những vị khoa bảng đỗ đạt, những danh y bốc thuốc cứu người… Tất cả những vị thần ấy đều được nhân dân thờ phụng để thể hiện lòng thành kính và mong thần phù hộ, che chở.

Đặc điểm thứ hai là vùng ven biển Nghệ An là nơi phát tích của hai vị thần biển được nhân dân cả nước tôn thờ là Tứ Vị thánh nương và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Sát Hải đại vương là nhân thần có gốc tích từ làng Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Trong khi đó Tứ vị thánh nương tuy không phải có nguồn gốc từ vùng biển Nghệ An nhưng lại có thần tích gắn với vùng đất cửa Cờn ở xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu. Điều đó đã góp phần khẳng định thêm cho sự ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng thờ thần ở khu vực này. Và đúng như dân gian đã nói: “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”.

Đặc điểm thứ ba là trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ thần có hiện tượng nhân thần hóa và nhiên thần hóa diễn ra song song.

Thần ở Nghệ An có nhân thần và nhiên thần. Nhưng trong một số trường hợp rất khó để tách bạch được hai hình thức này bởi giữa chúng có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau. Nhiên thần là những vị thần của tự nhiên, chủ yếu là có nguồn gốc từ tôn giáo nguyên thủy. Với quan niệm “vạn vật hữu

linh”, con người hướng đền thờ tự tất cả các đối tượng tự nhiên xung quanh có liên quan đến cuộc sống của họ. Trong khi đó nhân thần là hình thức thờ cúng xuất hiện muộn hơn, khi nhận thức của con người đã phát triển đến một trình độ nhất định, chủ yếu là ở thời kì phong kiến.

Nhân hóa nhiên thần thành nhân thần là quá trình cá thể hóa, biến đối tượng sùng bái từ một hiện tượng tự nhiên chung chung thành một cá thể với một lí lịch nhân thế cụ thể, rõ ràng. Trong tín ngưỡng thờ thần vùng ven biển Nghệ An chúng ta thấy khá phổ biến hiện tượng này. Đặc biệt hai vị thần được nhân dân vùng ven biển thờ nhiều nhất là Cao Sơn Cao Các và Tứ Vị thánh nương lại là những vị nhiên thần được nhân thần hóa. Cao Sơn Cao Các được nhân dân nhiều làng thờ phụng với thần tích Cao Hiển đời Tống nhưng thực chất đây là những vị thần Núi. Còn Tứ Vị thánh nương từ lâu nay vẫn được biết đến là bốn người phụ nữ từ Nam Tống do biến loạn mà lưu lạc đến cửa Cờn và mất tại đây. Nhưng qua nhiều tư liệu, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng thực chất Tứ Vị thánh nương là thần nước đã được nhân thần hóa thành những con người có tên tuổi cụ thể. Đó cũng là cơ sở để chúng ta lí giải hiện tượng gần như hầu hết các vùng ven biển trên đất nước ta đều có thờ Tứ Vị thánh nương.

Ngược lại với xu thế nhân hóa là xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa. Đó là việc gắn cho những vị thần cụ thể, có tên tuổi, gốc tích rõ ràng những điều linh dị, phi thường. Xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa làm cho thần tích của nhiều thần có nhiều nét linh dị, những tình tiết kì diệu. Các vị thần được nhiên thần hóa thường có mô típ về một sự ra đời lạ, tuổi nhỏ đã hơn người, khi trưởng thành thì làm được những điều tốt đẹp, lập công trạng lớn và khi qua đời thì được gọi là “hóa”, “về trời”. Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn là một trong số những nhân thần vùng ven biển Nghệ An được nhân dân gắn cho những điều linh diệu: mẹ ngài đi gánh nước, nắm cái lông trâu

vàng mà có mang, ngài có tài bơi lặn dưới nước, lập nhiều công tích… Chính xu thế này đã làm cho các nhân thần là phúc thần được dân làng thờ phụng lấp lánh các kì tích mà thần ấy đã lập được lúc sinh thời và tôn thêm tính linh thiêng của thần.

Đặc điểm thứ tư là vùng ven biển Nghệ An là nơi giao thoa, dung hoà của tín ngưỡng thờ thần hai miền Nam, Bắc. Yếu tố văn hoá biển trong tín ngưỡng thờ thần ở đây không mờ nhạt như ở miền Bắc nhưng cũng không đậm nét như ở Nam Trung Bộ. Không như những cư dân “xa rừng, nhạt biển” ở ven biển Bắc bộ hay cũng không mang đậm dấu ấn biển của cư dân ven biển Nam Trung Bộ mà cư dân ven biển Nghệ An là những cư dân của làng quê nông nghiệp được bổ sung thêm, làm phong phú thêm bởi một chút văn hoá biển. Cư dân ở đây có niềm tin, tôn thờ thần thánh nhưng không sùng bái một cách mù quáng. Các cơ sở thờ tự, nghi lễ thờ cúng vẫn diễn ra thường xuyên nhưng không đẩy lên đến mức cực đoan.

Về mặt sinh hoạt lễ nghi, điểm đặc biệt của một làng biển chính là tín ngưỡng thờ cá Ông. Trong khi ở miền Bắc không tồn tại tín ngưỡng thờ cá Ông thì càng đi về phía Nam, yếu tố này đậm nét dần, để đến vùng Nam Trung Bộ, tín ngưỡng thờ này đã có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh cư dân ven biển. Nghệ An là khu vực trung gian, có rất nhiều các đền, miếu thờ thần biển như Tứ vị thánh nương, Hà Bá, Long Vương, cá Ông… nhưng từ thời phong kiến, hầu như các nghi lễ thờ cúng đều thuộc vào quy chế tế tự của triều đình phong kiến. Nếu ở Nam Trung Bộ, các đền miếu thờ thần cá Voi, gọi là lăng Ông là một thiết chế đặc biệt, có khi còn quan trọng hơn cả thiết chế đình làng thì ở ven biển Nghệ An, nó chỉ khiêm tốn là một ngôi đền, miếu trong nhiều thiết chế văn hoá, phong phú, chặt chẽ, mang nhiều dáng dấp quen thuộc của một làng quê nông nghiệp truyền thống.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 85 - 92)