Vài nét về điều kiện tự nhiên, xã hội vùng ven biển Nghệ An

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 33 - 37)

6. Bố cục luận văn

2.1.1.Vài nét về điều kiện tự nhiên, xã hội vùng ven biển Nghệ An

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Vùng ven biển Nghệ An trải dài từ các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc đến thị xã Cửa Lò với diện tích 1.288,0416km2 (chiếm 7,8% diện tích toàn tỉnh), nằm trong tọa độ 1900’15” đến 19022’12” vĩ độ Bắc, 105047’50” kinh độ Đông, bao gồm 3 huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và 1 thị xã: Cửa Lò. Phía Bắc giáp huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), phía Tây giáp các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, phía Nam giáp thành phố Vinh, phía Đông giáp biển Đông.

Khu vực ven biển Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, với vùng biển rộng 4.230 hải lý vuông, trong đó vùng ven biển Quỳnh Lưu dài 43 km, Diễn Châu dài 25 km, Nghi Lộc 12,8 km và Cửa Lò 10,2 km.

Về khí hậu và thời tiết, cũng như đặc điểm chung của cả Việt Nam, vùng ven biển Nghệ An nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường nhận được 3 luồng gió: gió mùa đông bắc, gió mùa Tây nam và gió mùa đông nam. Gió mùa đông bắc còn gọi là gió bắc, là luồng gió lạnh, chủ yếu xuất hiện vào mùa đông, thổi từ vùng Sibia, qua Trung Quốc vào vịnh Bắc Bộ; gió mùa Tây Nam khô nóng, xuất hiện vào mùa hè, thổi từ vịnh Bengan tràn qua lục địa, vượt dãy Trường Sơn thổi sang, còn gọi là gió Lào, gió mùa đông nam, là luồng gió mát mẻ nhất thổi từ biển Đông vào, còn gọi là gió Nồm.

Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa nóng, từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch và mùa lạnh, từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch năm sau.

Vùng đất xứ Nghệ vốn được xem là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước. Chính vì thế, khí hậu vùng ven biển Nghệ An cũng

không là ngoại lệ. Người dân vùng biển cũng vì chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, với biển cả dữ dội mà ngày càng thêm cứng cỏi, vững chải.

Về địa hình, vùng ven biển Nghệ An có cả 3 loại hình: đồng bằng, vùng núi và vùng giáp biển, với địa hình thấp dần về phía đông. Về địa hình đồi núi, tiếp với hệ thống núi đá vôi Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, vùng ven biển Nghệ An, tuy không có núi non trùng điệp nhưng các dãy núi cũng cũng góp phần tạo nên cho vùng đất này một hình thế khá đa dạng. Vùng Quỳnh Lưu là nơi có nhiều núi hơn cả. Ở đây có núi Trụ Hải, với hình thế cao lớn, chạy thẳng đến biển, trên đá núi còn in dấu vết của mực nước biển; có núi Bào Đột hình thế hiểm trở, đầm nước mênh mông, sông Thai, sông Đàm chảy vòng quanh; có núi Tùng Lĩnh rừng thông phủ dày; có núi Tiên Kỳ, gọi là núi Cờ Tiên, núi Bàn Cờ nằm bên bờ biển; có núi Xước, một thắng cảnh thiên nhiên hùng tráng, như con rồng đá khổng lồ đang cuốn nước biển Đông;…

Tiếp sau địa hình núi non là vùng đồng bằng. Ở đây có những dải đồng bằng ven sông, tuy không rộng nhưng khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trên đất Nghệ An có 5 con sông lớn đổ ra biển thì vùng ven biển đã có đến 4 con sông, gồm sông Hoàng Mai, sông Thai, sông Bùng và sông Cấm. Nhờ sự bồi đắp lâu đời của phù sa từ các vùng cao đổ xuống cộng thêm sự bồi tụ của những dòng sông này đã tạo nên cho vùng ven biển những dải đồng bằng màu mỡ như đồng Hồng- Hậu- Thạch của Quỳnh Lưu, đồng Yên- Trường- Đoài của Diễn Châu, và cả khu vực Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành hợp thành vùng đồng bằng phì nhiêu Diễn- Yên- Quỳnh.

Đến với vùng giáp biển, nơi đây đã được tự nhiên ban tặng cho những cửa biển đẹp và đầy tiềm năng. Trên dải bờ biển 82 km, chúng ta có đến 6 cửa biển, đó là cửa Cờn, cửa Quèn, cửa Thơi ở Quỳnh Lưu, cửa Vạn ở Diễn Châu, cửa Lò, cửa Hội ở thị xã Cửa Lò.

Hình thế địa hình phong phú này cũng đã góp phần tạo nên cho vùng ven biển Nghệ An sự đa dạng của các loại đất đai. Đất đai các huyện ven biển Nghệ An đa số là đất pha cát, đất mùn và các loại nhuyễn thể do trầm tích biển bồi tụ, vùng núi có thêm đất badan, đất đỏ đá vôi, đất feralit. Nhìn chung đất đai ở đây không thực sự màu mỡ, lại dễ bị xói mòn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Chỉ vào sâu trong lục địa, nơi có những cánh đồng do phù sa sông bồi đắp như đồng bằng ven sông Hoàng Mai, sông Thai, sông Bùng, sông Cấm, đất đai mới phì nhiêu và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Về tài nguyên thiên nhiên, vùng ven biển Nghệ An là nơi ẩn chứa nhiều nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả tỉnh Nghệ An. Bên cạnh nguồn tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng để phát triển nông- lâm nghiệp thì thế mạnh lớn nhất, đóng góp thực sự có giá trị của vùng ven biển Nghệ An là tài nguyên biển.

Vùng ven biển Nghệ An có hải phận rộng 4230 hải lý vuông, là vùng tập trung nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Ở đây có trên 267 loài cá thuộc 91 họ, trong đó nhóm gần bờ có 121 loài, nhóm xa bờ có 146 loài.

Trữ lượng cá biển trên 80.000 tấn, trong đó đánh cá xa bờ khoảng 50.000 tấn chiếm gần 62%, cho phép khai thác từ 30.000 - 35.000 tấn, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá chim, cá thu, cá hồng, cá nục,… Có 20 loài tôm thuộc 8 giống và 6 họ trong đó có tôm he, tôm ráo, tôm bộp, tôm vàng, tôm sắt, tôm đất, tôm sú và tôm hùm. Trữ lượng 610-680 tấn, phân bố tại các bãi tôm chính như: Bãi tôm từ cửa Lạng Bạch đến Lạch Quèn: 250- 300 tấn; Bãi tôm Diễn Châu: 360-380 tấn.

2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

* Dân cư, xã hội:

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà sử học và những di chỉ khảo cổ học còn lại đến ngày nay như di chỉ cồn sò điệp ở Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu),

di chỉ Rú Ta, Đồng Mõm ở Diễn Thọ (Diễn Châu)… cho thấy: ngay từ thời tiền sử, trong thời đại đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng, cách đây 5000 năm, con người đã đến sinh sống ở vùng ven biển Nghệ An. Di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn đã được dúng để gọi tên cho cả một nền văn hoá tiền sử thời đại đá mới ở Việt Nam. Di chỉ này đã cho thấy chủ nhân của nó đã có một đời sống văn hoá vật chất, tinh thần khá phong phú. Các di chỉ khác như Trại Ổi (Quỳnh Hồng), Rú Ta, Đồng Mõm (Diễn Thọ) tiếp tục cho ta thấy về cuộc sống của con người thời tiền sử.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, biến đổi của địa chất, dân cư ngày càng quần tụ đông đảo ở vùng ven biển Nghệ An, hình thành nên làng xóm, rồi dần được nhà nước tổ chức thành các đơn vị hành chính. Tên của các huyện vùng ven biển Nghệ An cũng đã trải qua nhiều biến đổi theo từng thời kì. Đến thời Nguyễn, Diễn Châu là một trong 4 phủ của tỉnh Nghệ An, lấy tên là Đông Thành. Quỳnh Lưu đến thời Nguyễn còn là một huyện của phủ Diễn Châu. Chỉ đến thời kì chính quyền thực dân phong kiến, khi nhà nước bỏ cấp phủ thì Quỳnh Lưu mới trở thành một huyện độc lập. Thời Nguyễn, huyện Nghi Lộc có khi thuộc phủ Diễn Châu, đến năm 1919 thì được gọi là huyện Nghi Lộc, thuộc tỉnh Nghệ An. Các vùng này là nơi sinh sống của cư dân Việt, thuộc chủng Môn-gô-lô-it.

Vùng đất Cửa Lò được hình thành muộn hơn. Theo những di chỉ và dấu vết cổ sử, các nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng từ xưa vùng đất này là những điểm tụ cư của các nhóm cư dân có nguồn gốc Mã lai- Đa đảo. Tên Cửa Lò cũng là tên được Việt hoá từ tiếng Mã lai (Kuala).

Đến nay, dải đất ven biển Nghệ An, trên địa phận của 3 huyện (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc) và 1 thị xã (Cửa Lò), dân số của vùng là 923.447 người (chiếm 29,6% dân số toàn tỉnh) (số liệu năm 2008). Đây là nơi cư trú của 3 tộc người: Kinh, Thổ và Thanh.

* Kinh tế:

Với sự quần tụ lâu đời của các nhóm cư dân, khu vực ven biển Nghệ An đã có một điều kiện thuận lợi để tạo dựng và phát triển về mọi mặt, trong đó có kinh tế. Từ sau công cuộc đổi mới của Đảng, vùng ven biển Nghệ An đã có những bước đi lên rõ rệt và đạt được những thành tự quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng giai đoạn 1990- 2005 là 11,5 %. Giá trị sản xuất năm 2005 là 4770 tỷ đồng, trong đó giá trị nông- lâm- ngư là 1864 tỷ, công nghiệp là 1744 tỷ, dịch vụ là 1935 tỷ. Thu ngân sách năm 2005 là 105 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,2 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng kinh tế đạt 13,5 %.

Nhìn chung, với những kết quả phát triển kinh tế quan trọng trong những năm qua, vùng ven biển Nghệ An đã có sự đổi thay rõ rệt, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, từng bước đưa người dân vùng biển vượt qua những khó khăn để vững bước đi lên.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 33 - 37)