6. Bố cục luận văn
2.1.2. Một số nét sinh hoạt văn hoá
2.1.2.1. Phong tục tập quán
Việt Nam có một nền văn hoá phong phú và đa sắc, sắc màu văn hoá chung của cả dân tộc được tạo nên từ những bản sắc văn hoá vùng, miền. Trong hệ thống văn hoá chung ấy, văn hoá miền biển cũng là một yếu tố góp thành. Với đặc trưng của vùng ven biển là cuộc sống gắn với biển khơi, biển là người bạn luôn song hành cùng cuộc sống cư dân, văn hoá biển nói chung, phong tục tập quán nói riêng của cư dân vùng biển, trong đó có cư dân biển Nghệ An cũng mang những dấu ấn riêng, không trộn lẫn với văn hoá các vùng miền khác.
Đặc trưng phong tục tập quán của cư dân ven biển Nghệ An có thể thấy được qua phong tục cưới hỏi, việc sinh, việc tang ma, tập quán tín ngưỡng nghề nghiệp, tôn trọng người già, cổ vũ việc học, hay tục uống nước chè xanh tập thể.
Về tục cưới hỏi, như nhân dân cả nước nói chung, nhân dân vùng biển cũng coi cưới hỏi là một nghi lễ quan trọng của đời người. Nhưng khác với một số vùng khác còn nặng về lễ giáo, nghi thức cưới hỏi phải tuân thủ theo sách “Chu công lục lễ” thì với nhân dân lao động vùng ven biển Nghệ An thì lễ cưới thường theo thông tục, bớt đi những nghi thức rườm rà, chỉ giữ lại những lễ chính, bao gồm: lễ đi dạm (do nhà trai chủ động với những món lễ đơn giản), lễ ăn hỏi, lễ cưới, tiếp luôn là đưa dâu và lễ lại mặt. Lễ cưới không nặng về kiểu cách mà cái quan trọng là người dân lao động hướng đến tình yêu chân chính, hạnh phúc lứa đôi, bởi họ tin rằng “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Trong cuộc đời một con người, khoảnh khắc chào đời là thời điểm quan trọng và thiêng liêng nhất. Người dân vùng biển Nghệ An, gắn với cả quan niệm liên quan đến nghề nghiệp, rất coi trọng nghi lễ đón đứa bé chào đời. Những người làm nghề đánh cá, chài lưới thường quan niệm rằng bé trai nào chào đời vào lúc nước đang xuống thì sau này nó sẽ làm ăn khấm khá, sẽ trở thành tay đi biển thành thạo; nhưng nếu đẻ vào lúc nước sinh thì lại không hay. Áo và vải lót của em bé mới chào đời thường làm bằng quần áo cũ của một người nào đó khoẻ mạnh và có nhiều con, để em ảnh hưởng cái “khước” của người có áo. Quan niệm này bắt nguồn từ câu chuyện về một cậu bé làng chài vừa sinh ra được bà đỡ xé cho tấm váy rách để quấn quanh người, sau này lớn lên cậu đã trở thành một thuỷ thủ giỏi.
Đến cuối cuộc đời, khi trở về với cát bụi, con người cũng lại được họ hàng, láng giềng tiễn đưa bằng những nghi lễ công phu. Khi có người thân mất, người ta làm lễ nhập quan, phúng viếng trước lúc đưa đám, rồi lễ chuyển cửu đám ma, lễ hạ huyệt. Sau khi chôn xong còn có lễ ba ngày, rồi lễ 50 ngày, 100 ngày, sau đó là giỗ tiểu tường, giỗ đại tường. Đưa tang cũng phải chọn giờ, chọn ngày. Đối với người đi biển, khi táng xong phải có con thuyền úp
trên mộ. Trong lễ đưa tang, tất cả con cháu, họ hạng, làng xóm đều có mặt để tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng,. Nhìn chung, trong việc tang ma vùng ven biển Nghệ An không khác nhiều so với các vùng miền khác, thể hiện trong đó sự trọng hậu đối với người chết, tính cộng đồng, sự tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng họ, cùng làng.
Liên quan đến nghề nghiệp, người dân vùng ven biển Nghệ An cũng có những quan niệm, kiêng cữ, những tập quán rất đặc trưng của người đi biển. “Trước đây, dân chài khi phơi lưới, đan lưới cũng không muốn cho người ta đi qua chỗ gác lưới, vì cho rằng lưới sẽ mang theo hơi hám của những người xấu vía hoặc những người không may mắn, như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến việc đánh cá. Khi bắt đầu đan lưới cũng như đóng thuyền, dân chài thường chọn ngày tốt và phải có lễ phẩm cúng các thần, trong đó không quên khấn các ông Đăng Buồm, ông Trở Nhốn, những vị thần quen thuộc và chuyên môn giúp đỡ bạn chài. Dân chài vùng biển Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc cho thuyền ra khơi thường cúng ngay trên thuyền...” [6, 491].
Thuyền vừa đóng mà lần đầu tiên không đánh được cá ở mức bình thường thì chủ thuyền thường cho đẩy lên bờ, dùng roi dâu đi xung quanh quất nhiều lần vào thuyền rồi làm một lễ cúng. Khi đánh được mẻ cá đầu tiên, người ta thưởng thả một con xuống biển. Nếu đánh được nhiều cá thì khi về đất liền, chủ thuyền chọn một con thật to để đưa đến đền cúng thần.
“Ngày rằng tháng bảy âm lịch và ngày 8 tháng 4 âm lịch, ngày cá vượt vũ môn, hầu hết cá thuyền đánh cá đều nghỉ. Khi ra biển, gặp xác chết trôi, các thuyền chài thường vớt đưa về đất liền chôn cất, vì họ cho rằng cử chỉ ấy sẽ được báo đáp hoặc để phúc lành cho con cháu” [6, 492].
Những quan niệm, phong tục này cũng cư dân vùng biển tất cả đều để mong cho công việc thuận buồm xuôi gió, ra khơi thuận lợi, thuyền cá đầy khoang.
Bên cạnh tập quán nghề nghiệp, người dân vùng biển vẫn nằm trong bản sắc văn hoá làng Việt Nam, vẫn giữ được một tập quán rất dân dã nhưng đậm tình xóm làng, đó là tập quán uống nước chè xanh tập thể.
Hay cũng nằm trong đạo lý của con người Việt Nam, hiếu học và biết kính trên nhường dưới. Nhân dân vùng biển Nghệ An vẫn luôn giữ được nguyên tắc xử thế “Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ”. Trong hương ước, khoán ước của nhiều làng đều có quy định về việc con cái, người trẻ phải cư xử như thế nào đối với cha mẹ, với người già. Ở các làng ngày đầu xuân, những cụ từ 60 tuổi trở lên đều được mời ra đình làng để làm lễ mừng thọ, được tổ chức Yến lão, tặng quà rất trang trọng.
Với cư dân vùng biển, cuộc sống lao động vất vả nhưng họ vẫn không ngừng vươn lên, quan tâm thực sự đến tương lai, cổ cũ mạnh mẽ cho việc học hành của con cháu. Việc học với một số nơi thuộc vùng ven biển Nghệ An nhờ sự quan tâm thực sự của nhân dân mà có khi trở thành một tập tục, một có chế đối với người đi học.
Những người con ở nhiều làng của vùng Quỳnh Lưu, Diễn Châu đi học nếu đỗ đạt đều được coi như là người đã đem lại vinh quang cho cả gia đình, dòng họ, xóm làng, họ được đón rước, làng nổi trống đình để cả làng biết. Nhiều làng xã như Kim Khê, Đông Hải, Cẩm Trường (Nghi Lộc), Lý Trai, Nho Lâm (Diễn Châu)… đã xây dựng bia khắc tên những người thi đậu để con cháu noi theo. Nhiều làng còn tổ chức lễ cầu khoa, cầu cho nhiều người đỗ đạt, học giỏi. Chính nhờ tục cổ vũ học hành này mà vùng ven biển Nghệ An, nằm trong truyền thống hiếu học của đất Nghệ nói chung đã hình thành nên những làng học nổi tiếng, được cả nước biết đến như làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), làng Nho Lâm (Diễn Châu)…
Có thể nói, sự đa dạng của văn hoá Việt Nam được tạo nên bởi bản sắc vùng miền. Với vùng biển Nghệ An, bên cạnh mạch nguồn chung của phong
tục tập quán Việt Nam thì với đặc điểm riêng về phong tục tập quán của cư dân nơi đây đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn về một vùng mang đậm bản sắc văn hoá biển.
2.1.2.2. Tôn giáo
Tìm hiểu về bức tranh văn hoá làng biển Nghệ An, bên cạnh phong tục tập quán, tín ngưỡng, không thể không kể đến loại hình sinh hoạt văn hoá tâm linh thu hút đông đảo nhân dân, đó là tôn giáo.
Như nhiều địa phương khác, vùng ven biển Nghệ An cũng là nơi gặp gỡ, chung sống của nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Thiên chúa giáo.
Phật giáo là loại hình tôn giáo du nhập vào Việt Nam từ sớm. Đây là một tôn giáo hướng thiện, gần gũi với đời sống, với truyền thống văn hóa Việt Nam nên dễ dàng được nhân dân chấp nhận. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, phát triển, nó đã ăn sâu, bám rễ vào trong đời sống văn hoá tâm linh của dân tộc. Đạo Phật gần như đã và đang có mặt ở hầu hết các làng xã Việt Nam. Vùng ven biển Nghệ An, tuy đạo Phật không phát triển mạnh như ở khu vực phía Bắc nhưng ở đây cũng có nhiều chùa thờ Phật. Theo thống kê của Ban tôn giáo tỉnh Nghệ An thì vùng ven biển Nghệ An có 165 ngôi chùa, trong đó Quỳnh Lưu: 83, Diễn Châu: 40, Nghi Lộc: 40, Cửa Lò: 2.
Hiện nay vẫn còn nhiều ngôi chùa có quy mô, thu hút nhân dân đến thắp hương, thờ Phật như chùa Bụt Mọc ở Quỳnh Hải, chùa Gám ở Quỳnh Minh, chùa Bảo Minh ở Quỳnh Thiện, chùa Phượng Lịch ở Diễn Hoa, chùa Am ở Diễn Minh, chùa Lô Sơn ở Nghi Tân, chùa đảo Ngư…
Song song với Phật giáo, Nho giáo cũng du nhập và có ảnh hưởng sâu rộng đến tận làng xã Việt Nam. Văn hoá Nho giáo đặc biệt phát huy vai trò trong việc quản lý xã hội, phát triển giáo dục, thi cử.
Người dân vùng ven biển Nghệ An vốn nổi tiếng hiếu học, cũng tiếp thu Nho học, ngày đêm dùi mài kinh sử để qua “cửa Khổng, sân Trình”. Tinh
thần hiếu học vốn có của người dân vùng biển, kết hợp với hình thức giáo dục Nho học đã tạo ra một tầng lớp Nho sĩ đông đảo. Sau khi thi cử đỗ đạt, một bộ phận ra làm quan, một bộ phận khác lại làm nghề dạy học. Cái danh thầy đồ xứ Nghệ đã lưu truyền trong dân gian và trở thành niềm tự hào của người dân vùng đất này. Đã có rất nhiều những danh nhân xứ Nghệ, đặc biệt là của vùng ven biển Nghệ An tinh thông Nho học, thi cử đỗ đạt và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Hơn thế nữa, vùng đất này cũng ghi nhận những dòng họ nổi danh học giỏi, có nhiều người đỗ đạt như dòng họ Hồ, họ Dương ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, dòng họ Ngô ở làng Lý Trai, Diễn Châu…
Với những người bình dân ở vùng ven biển Nghệ An, họ không thông hiểu triết lý của Nho giáo, không biết đến “cửa Khổng sân Trình” nhưng họ lại thấm nhuần đạo vua- tôi, cha- con, chồng- vợ, hiểu thế nào là chữ đức, chữ hiếu… Nho giáo trong lòng cư dân xứ Nghệ đã hoà quyện cùng với đạo Phật, với truyền thống nhân văn của người Việt để trở nên gần gũi hơn, con người hơn.
Cùng với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo cũng có mặt ở vùng ven biển Nghệ An, hoà chung với tín ngưỡng dân gian và ngày càng gắn bó đến mức không phân biệt được. Ở vùng ven biển Nghệ An, cùng như nhiều vùng khác, sự có mặt của Đạo giáo có thể nhận thấy được bằng sự xuất hiện của những điện thờ, am miếu và đâu đó trong các phong tục tập quán của nhân dân như xem ngày, giờ, gieo quẻ, bói toán, chiêm nghiệm, bùa chú… khi làm nhà, cưới hỏi, giao dịch.
Ở vùng ven biển Nghệ An còn có sự phát triển khá sâu rộng của loại hình tôn giáo đến từ phương Tây- Thiên chúa giáo. Theo bước chân của các giáo sĩ truyền đạo và những thương nhân đến buôn bán, Thiên chúa giáo cập bến đầu tiên ở các làng chài ven biển rồi mới dần tiến sâu vào đồng bằng. Có lẽ vì thế mà ở các làng ven biển Nghệ An, Thiên chúa giáo cũng có sức ảnh
hưởng khá lớn. Vùng Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu là những nơi tôn giáo này phát triển mạnh hơn cả. Riêng vùng Nghi Lộc có đến 3 giáo xứ: xứ Xã Đoài (Nghi Diên), xứ Lộc Mỹ (Nghi Quang) và xứ Lộc Thạch (Nghi Thạch).
Đến nay, Thiên chúa giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống văn hoá của cư dân ven biển Nghệ An. Tuy nhiên không vì thế mà những người dân theo Thiên chúa giáo quên đi tổ tiên, làng xóm, mà ngược lại, họ vẫn thờ cúng tổ tiên, vẫn quan niệm sống sao cho “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhìn chung, trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân ven biển Nghệ An chúng ta thấy có sự hoà nhập của nhiều hoại hình tôn giáo. Các tôn giáo này không mâu thuẫn, chồng chéo nhau mà cùng hoà nhập, chung sống hoà bình. Và hơn thế nó còn góp phần làm cho đời sống văn hoá tinh thần của cư dân nơi đây thêm phong phú, nhiều màu sắc.
2.1.2.3. Lễ hội
Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần lâu đời của nhân dân ta. Lễ hội có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp xã hội, đã trở thành một nhu cầu, một khát vọng của nhân dân trong nhiều thế kỉ.
Nói đến lễ hội, người ta nghĩ ngay đến một dịp để nhân dân thực hành những nghi thức liên quan đến nghề nghiệp, để tưởng nhớ công lao của một vị thần, hay vị anh hùng có công với địa phương, đất nước và cũng là dịp để người ta nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu, gặp gỡ nhau. Lễ hội đó có thể là lễ hội tín ngưỡng nghề nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hội gắn với di tích…
Ở vùng ven biển Nghệ An, với đời sống tinh thần phong phú, nhân dân còn lưu giữ hầu hết các hình thức lễ hội, có cả lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại. Hiện nay ở Nghệ An có hơn 20 lễ hội tiêu biểu, được UBND tỉnh cho phép tổ chức hàng năm thì ở vùng ven biển có 5 lễ hội (lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Nguyễn Xí, lễ hội đền Vạn Lộc và lễ hội sông nước Cửa Lò).
Liên quan đến tín ngưỡng ngành nghề, ở vùng ven biển Nghệ An hiện còn lưu giữ được lễ hội cầu ngư ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Nếu ở vùng đồng bằng, gắn với cư dân sản xuất nông nghiệp lúa nước, lễ hội cầu mùa là lễ hội tiêu biểu thì với cư dân vùng ven biển, cuộc sống gắn chặt với biển khơi, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai, tín ngưỡng của họ lại hướng về sông nước, biển cả. Họ thờ các thuỷ thần, cầu cho mưa thuận gió hoà, ngư dân ra khơi đánh được nhiều cá và trở về bình an. Vị thuỷ thần được thờ phổ biến nhất ở vùng biển là cá voi. Đi cùng với tín ngưỡng thờ cá voi là lễ hội cầu ngư nhiều màu sắc và mang đậm chất văn hoá biển: “Trong số các thủy thần thì có lẽ cá Voi (cá Ông) là một trong những vị thần được thờ cúng, tôn kính và kèm theo đó là các nghi thức, lễ hội uy nghiêm, tưng bừng với lễ hội cầu ngư” [44, 65].
Trong lễ hội cầu ngư, bắt đầu là phần lễ, gồm lễ Phụng nghinh và rước ấn dấu, sau đó là phần hội với hội đua thuyền và nhiều trò chơi dân gian thú vị khác. Tất cả hội tụ trong đó niềm tin, sự kính cẩn của ngư dân đối với vị thần phù hộ và niềm vui của ngày hội tập thể.
Bên cạnh lễ hội thể hiện tín ngưỡng ngành nghề, vùng ven biển Nghệ An còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống gắn với các di tích và tín ngưỡng thờ thần của dân gian. Tiêu biểu là các lễ hội lớn như lễ hội đền Cuông gắn với di tích đền Cuông (Diễn Châu) và tục thờ Thục An Dương Vương; lễ hội đền Cờn tại đền Cờn (Quỳnh Lưu) gắn với tục thờ Tứ vị thánh nương; lễ hội đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc) gắn với tục thờ danh nhân Nguyễn Xí; lễ hội đền Vạn Lộc (thị xã Cửa Lò) gắn với tục thờ danh nhân Nguyễn Sư Hồi…
Các lễ hội truyền thống này hầu hết được tổ chức vào mùa xuân, với những nghi thức tế lễ trang trọng, những trò hội vui tươi, hào hứng, thể hiện đầy đủ quan niệm, tín ngưỡng của dân gian về thần thánh. Đây là cũng là nơi