Vai trò của tín ngưỡng thờ thần đối với đời sống văn hóa của cư dân ven biển

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 92 - 98)

6. Bố cục luận văn

3.2.Vai trò của tín ngưỡng thờ thần đối với đời sống văn hóa của cư dân ven biển

hết vẫn là tín ngưỡng mang tính chất truyền thống của cư dân nông nghiệp, mang những đặc điểm chung của tín ngưỡng văn hoá nông nghiệp, cộng thêm một số đặc trưng vùng văn hoá xứ Nghệ và dấu ấn của văn hoá miền biển phía Nam. Tất cả hội tụ, dung hoà, giao thoa để làm nên cái vừa lạ, vừa quen của văn hoá tâm linh vùng ven biển Nghệ An.

3.2. Vai trò của tín ngưỡng thờ thần đối với đời sống văn hóa của cư dân ven biển ven biển

Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, là kết quả thuộc về nhận thức của con người, là sản phẩm của tư duy xã hội. Song hành cùng sự phát triển của xã hội, tín ngưỡng đóng một vai trò không nhỏ, chi phối đến đời sống của con người. Quay trở lại, nó phục vụ chính con người, là liều thuốc để nuôi dưỡng tâm hồn, là chỗ dựa tinh thần cho con người khi rơi vào bế tắc.

Tục thờ thần là một phạm trù thuộc về thế giới tâm linh, và “những vị thần cai quản thôn xã, bảo vệ cho dân làng, phù hộ cho dân làng được an khang thịnh vượng. Với dân làng, thần là biểu hiện của lịch sử, phong tục cùng đạo đức, pháp luật, hi vọng của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên hệ vô hình nhưng vô cùng chặt chẽ, khiến cho cả làng thành một cộng đồng có tổ chức và hệ thống gắn bó giữa bao mối quan hệ gắn bó trên dưới về tuổi tác, trong ngoài; giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” [18, 61]. Nếu sự thờ phụng tổ tiên là tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông thì sự thờ phụng thành hoàng làng là tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn dân.

Tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An cũng không nằm ngoài những quy luật trên đây. Vai trò cũng những tác động của tín ngưỡng thờ thần đối với cư dân vùng ven biển trên thực tế cũng đã góp phần chứng minh điều đó.

Trước hết, tín ngưỡng thờ thần là sự phản ánh quan niệm, trình độ nhận thức của con người, là nơi để con người gửi gắm tâm tư, tình cảm, cả niềm tin, sự tôn sùng hay sợ hãi... đối với một đối tượng trong tự nhiên, xã hội.

Là cư dân của vùng nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, người Việt ngay từ sớm đã hình thành một hệ thống các tín ngưỡng, kèm theo những nghi lễ thể hiện quan niệm, niềm tin của mình vào thần thánh. Cư dân mỗi vùng, trong đó có cư dân ven biển Nghệ An dù là có ít nhiều những đặc điểm mang tính địa phương nhưng trước hết trong họ vẫn mang tâm lý của cư dân nông nghiệp lúa nước và tư duy tín ngưỡng vẫn nằm trong khuôn khổ của tín ngưỡng nông nghiệp truyền thống. Tư tưởng đó phản ánh vào ngay trong tín ngưỡng thờ thần của nhân dân lao động. Theo đó, những vị thần được cư dân ven biển Nghệ An thờ phụng trước hết là những vị thần của tự nhiên, có nguồn gốc từ tư tưởng “vạn vật hữu linh” như thờ những hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp, thờ thần cây, thần núi, thần sông, thần biển… Những vị thần được thờ thể hiện quan niệm, nhận thức của con người về thế giới với niềm tin rằng tất cả những sự vật tồn tại trong tự nhiên đều có linh hồn, đều có thể chi phối đến cuộc sống của con người. Đó là lí do để cư dân vùng ven biển Nghệ An lập đền thờ những vị thần theo quan niệm của họ như thần Nông ở Nghi Hợp, Nghi Thạch (Nghi Lộc), thờ thần Cây ở Quỳnh Long, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), thờ thần Đá ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), thờ cá Voi ở Nghi Hải (Cửa Lò)…

Xuất hiện sau tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng nhân thần lại phản ánh quan niệm của con người về các vị anh hùng dân tộc, những người tài giỏi, có khả năng đặc biệt. Những con người này được nhân dân tôn sùng, kính phục và dần tôn họ làm thần, thánh.

Tục thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An, cũng như tín ngưỡng con người nói chung, là nơi phản ánh tâm tư, tình cảm và thể hiện quan niệm,

nhận thức của họ về thế giới. Chính vì vậy mà ít nhiều thông qua những vị thần được thờ cúng, chúng ta phần nào thấy được trong đó tính xã hội, tính giai cấp…

Từ chỗ là nơi thể hiện quan niệm, niềm tin về các đấng siêu nhiên, thần thánh, tín ngưỡng thờ thần dần quay trở lại phục vụ con người, phát huy vai trò mang lại cho con người niềm an ủi, động viên và sự nâng đỡ tinh thần nhất định. Có quan điểm coi đây là chức năng “đền bù hư ảo”.

Lòng tin vào lực lượng siêu nhiên, sự sợ hãi sẽ bị trừng phạt hay hi vọng được che chở, niềm tin rằng sẽ thoát khỏi tai ương, trắc trở là cơ sở hình thành tín ngưỡng. Niềm tin ấy còn tồn tại cho đến khi nào con người chưa làm chủ được tự nhiên, xã hội và bản thân. Trong những lúc khó khăn, bất lực trước một đối tượng nào đó, con người luôn khát khao, ước mơ một sự trợ giúp từ một sức mạnh siêu phàm có khả năng giúp đỡ mình. Một khi con người còn gặp bất hạnh, rủi ro, còn muốn thoát khỏi ràng buộc, khổ đau thì họ còn dựa vào đấng siêu nhiên huyền bí. Và vì thế, họ vẫn tìm đến với tín ngưỡng thờ thần, tôn sùng và lễ bái những vị thần mà chính họ đã sáng tạo ra. Họ coi đó như là chỗ dựa tinh thần, là nơi “cứu rỗi”. Những vị thần với sức mạnh siêu phàm, vượt cả không gian, thời gian sẽ là niềm tin để con người vươn lên, cho họ sức mạnh để cố gắng vượt qua khó khăn.

Ven biển Nghệ An, nơi cuộc sống của cư dân gắn liền với biển cả nên ngoài thờ những vị thần như thần Cây, thần Núi, thần Đá, họ còn thờ thần Biển. Người dân đi biển coi thần biển như vị thần hộ mệnh của cả dân làng. Trước lúc ra khơi họ cũng đến đền để thắp hương cầu khấn, mong được thần phù hộ cho chuyến đi bình an. Khi gặp sóng gió, những ngư dân cũng mong được thần linh giúp đỡ. Họ chờ đợi vị thần cá Voi trên biển đến cứu khỏi cơn nguy nan. Và khi chuyến đi trở về bình an, ngư dân lại sắm đồ đến tế lễ, cảm tạ. Dù đã được hay chưa một lần được vị thần của mình phù hộ, nhưng việc

đến đền, miếu chỉ để thắp một nén hương thôi cũng đã phần nào làm cho ngư dân cảm thấy lòng bình an, vững vàng hơn trước khi đối mặt với biển cả mênh mông.

Trong tâm thức cư dân ven biển Nghệ An, những vị thần biển là người luôn bên cạnh để phù hộ, giúp đỡ ngư dân khi họ lênh đênh trên biển khơi. Hầu như tất cả các làng ở vùng ven biển Nghệ An đều có thờ thần. Những vị thần được thờ ở làng được nhân dân coi là vị thần bảo hộ của làng mình. Nếu ở làng Phương Cần (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) coi Tứ vị thánh nương là vị thần luôn che chở cho dân làng thì ở làng Vạn Phần (Diễn Vạn, Diễn Châu), nhân dân lại thờ Sát Hải đại vương như thành hoàng làng. Với những vị thần ấy, nhân dân lao động gửi gắm hết niềm tin, sự tôn sùng vào đó. Họ tin rằng những vị thần làng sẽ phù hộ cho nhân dân trong làng luôn gặp may mắn, cuộc sống tốt đẹp, yên vui.

Đời sống tâm linh là một trong những cái nền vững chắc của quan hệ cộng đồng làng xã. Tín ngưỡng thờ thần theo đó cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong việc gắn kết cộng đồng ấy.

“Đời sống tâm linh là một trong những cái nền vững chắc của quan hệ cộng đồng làng xã. Trước hết nó là ý thức hướng về cội nguồn, cội nguồn của làng qua việc thờ cúng Thành hoàng và các thổ thần và mở rộng phóng đại hơn là cội nguồn của đất nước, của dân tộc… Thế giới tâm linh là thế giới của cái thiêng liêng mà ở đó chỉ có cái gì cao cả, lương thiện, đẹp đẽ mới có thể vươn tới. Cả cộng đồng tôn thờ và cố kết nhau lại trên cơ sở cái thiêng liêng, cao cả ấy là Thành hoàng” [18, 68].

Từ chỗ được hình thành nên từ trong đầu óc, tư duy, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người đến việc tạo dựng cho con người niềm tin, làm chỗ dựa, sức mạnh tinh thần cho con người những lúc bế tắc, tín ngưỡng đã cho thấy vai trò quan trọng của nó trong cộng đồng làng xã. Nhưng bên cạnh đó,

tín ngưỡng còn đóng vai trò là chiếc cầu nối con người với con người, làm cho những con người trong một cộng đồng, tập thể thêm gắn bó với nhau.

Việc thờ cúng cùng một thành hoàng hay những vị thần chung của cư dân trong một làng trước hết đã tạo cho mỗi cư dân của làng ấy sự cộng cảm ở thế giới tâm linh, ý thức cùng hướng về cội nguồn. Bởi thế giới tâm linh là thế giới của cái thiêng liêng mà ở đó chỉ dành cho những gì đẹp đẽ, lương thiện nên việc cùng thờ một vị thần là cách mà cả cộng đồng ấy cố kết nhau lại nhờ cái thiêng liêng, cao cả. Nó hướng cộng đồng đến những gì là cao cả, tốt đẹp, xa rời những bon chen của cuộc sống trần tục.

Hàng năm, mỗi làng đều có ngày lễ cúng thành hoàng làng và những vị thần được thờ ở làng. Đó là lúc tất cả dân làng cùng tập trung về nơi thờ tự để làm lễ, bày tỏ tấm lòng thành kính với thần thánh. Trước thần linh, cả cộng đồng cùng tâm niệm về những điều tốt đẹp, thiêng liêng nhất.

“Điện thờ là nơi hội tụ toàn thể dân làng để cúng tế thành hoàng vào các ngày lễ tết, các kì xuân tế, thu tế, giỗ thần, nhất là kì lễ hội. Người dân Nghệ An thờ Thành hoàng, dù là Nhân thần, Nhiên thần hay Thiên thần đều với một lòng sùng kính và niềm tin đơn giản để mong được phù hộ” [20, 239].

Vào những ngày cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hàng năm, con cháu họ Nguyễn Đình và nhiều du khách thập phương lại tập trung về đền Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc để dâng hướng tế tổ. Hay các ngày 18, 19, 20 tháng Giêng, nhân dân làng Phương Cần, Quỳnh Phương lại làm lễ cúng tế long trọng vị thành hoàng của họ là Tứ Vị thánh nương ở đền Cờn.

Cùng với nghi lễ thờ cúng, nhân dân trong mỗi cộng đồng làng xã còn có cơ hội để gắn kết với nhau hơn khi cùng tham gia một lễ hội để tưởng nhớ các vị nhân thần,nhiên thần được thờ phụng ở làng mình. Đến với lễ hội đền Nguyễn Xí, sau phần lễ trang nghiêm, kính cẩn, ai ai cũng háo hức với những trò hội chọi gà, hội trống, bóng chuyền… Hay về với lễ hội đền Cờn, cư dân

vùng biển Bãi Ngang lại say sưa với hội đua thuyền, tục chạy ói. Những mùa lễ hội thực sự là dịp để con người gặp gỡ nhau, giao lưu, chia sẻ niềm vui. Chính những lúc này là lúc tâm hồn con người được thư thái, nghỉ ngơi sau những ngày lao động miệt mài. Và những trò chơi dân gian là cơ hội để cộng đồng thêm gắn kết.

Có thể nói, tâm thức hướng về thần linh, không gian linh thiêng của những đền, miếu thờ tự, không khí náo nhiệt của những lễ hội, tất cả đều góp phần hun đúc tinh thần cộng đồng, làm nên sức sống cho mỗi làng xã. Và thực sự, tín ngưỡng thờ thần đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc gắn kết cả tập thể ấy, để mọi thế hệ đều tìm thấy tiếng nói chung, duy trì sự ổn định cho cả cộng đồng.

Hơn thế nữa, tín ngường thờ thần nói riêng và tín ngưỡng nói chung nó còn có vai trò là một công cụ để định hướng giá trị, xác định chuẩn mực ứng xử của con người, hướng đến điều chỉnh hành vi cá nhân và mối quan hệ cộng đồng trong phạm vi làng xã. Từ việc liên kết tinh thần giữa những người có cùng một niềm tin, cùng một tín ngưỡng, tục thờ thần làm cho con người cùng hướng đến điều thiện, hướng đến những chuẩn mực sống cao đẹp, yêu thương con người, trợ giúp con người trong những lúc nguy nan.

Cư dân vùng ven biển Nghệ An, tuy không có sự sùng bái cực đoan đối với thần linh nhưng rõ ràng, tín ngưỡng thờ thần đã có ảnh hưởng, có vai trò nhất định đối với đời sống văn hoá và sự phát triển của kinh tế xã hội. Tín ngưỡng thờ thần vùng ven biển Nghệ An “dù là Nhiên thần, Thiên thần hay Nhân thần đều biểu thị lòng kính, sợ, tin và cầu của người dân đối với cái thiêng” [20, 240].

Tín ngưỡng thờ thần, cùng với những lễ nghi thờ cúng, lễ hội dân gian là nơi để con người gửi gắm niềm tin, có thêm chỗ dựa tinh thần để vươn lên trong cuộc sống, là nơi để cố kết cộng đồng và đồng thời cũng góp phần làm cho màu sắc văn hoá cộng đồng ấy thêm phong phú, đậm đà.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 92 - 98)