Tục thờ thần của cư dân ven biển Nam Bộ

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 28 - 33)

6. Bố cục luận văn

1.2.3. Tục thờ thần của cư dân ven biển Nam Bộ

Đi dọc ven biển từ miền Bắc, qua miền Trung để vào đến Nam Bộ, tìm hiểu về đời sống văn hoá tín ngưỡng, tục thờ thần ở đây, chúng ta thấy có

những sự chuyển dịch, thay đổi để làm nên nét văn hoá riêng của vùng miền cực nam Tổ quốc.

Nam Bộ là vùng đất cực nam của Việt Nam, nằm trong lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai và châu thổ sông Cửu Long, địa hình khá bằng phẳng, ít núi non, kênh rạch chằng chịt. Vùng đất này bao gồm đồng bằng rộng lớn nhất Việt Nam, diện tích rộng gần 4 triệu ha với 19 tỉnh thành. Vùng ven biển Nam bộ là vùng có bờ biển chạy dài qua nhiều tỉnh nhất trong cả nước.

Vùng văn hoá Nam Bộ được tạo dựng nên từ những nền văn hoá cổ xưa như văn hoá Đồng Nai, văn hoá Óc Eo, là nơi cư trú của nhiều tộc người, đa số là người Việt, sau đó là người Hoa, người Kh’mer… Sự chung sống của nhiều tộc người đã làm nên sự dung hợp văn hoá, tạo nên nét đặc sắc của văn hoá Nam bộ.

Hình thành trên một vùng đồng bằng sông nước và trên một vùng đất đa tộc người, văn hoá Nam Bộ có hai đặc trưng chủ đạo là đặc trưng đồng bằng sông nước và sự tiếp biến các yếu tố văn hoá của người Chăm, người Khmer, người Hoa vào văn hoá Việt trong vùng. Xét về mức độ, những đặc trưng chủ đạo này cũng là những nét đặc thù của vùng văn hoá Nam Bộ. Mặc dù đặc trưng đồng bằng sông nước cũng có mặt trong các vùng văn hoá đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhưng chỉ ở Nam Bộ yếu tố sông nước mới nổi lên thành một đặc trưng chủ đạo, chi phối toàn diện cuộc sống cũng như các thành tố văn hoá của các cộng đồng cư dân. Và mặc dù các vùng văn hoá đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đều có tiếp biến văn hoá của các tộc người khác nhau, nhưng chỉ ở Nam Bộ, văn hoá các tộc người thiểu số cộng cư mới đủ sức khúc xạ văn hoá của cư dân Việt trong vùng đến mức làm cho nó trở nên vừa quen vừa lạ đối với chính người Việt đến từ miền Bắc, miền Trung.

Về tín ngưỡng, là một vùng đất đa tộc người, Nam Bộ cũng là nơi gặp gỡ các tín ngưỡng tôn giáo sẵn có từ Bắc Bộ, Trung Bộ, đồng thời là cái nôi sinh thành những tín ngưỡng tôn giáo mới.

Vùng ven biển Nam bộ, nằm trong vùng văn hoá Nam bộ nên cũng không nằm ngoài những đặc điểm về văn hoá, tín ngưỡng của cả khu vực.

Tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng làng là đặc trưng của cư dân nông nghiệp, tuy nhiên, hầu hết các làng nghề đánh bắt hải sản Nam Bộ đều có đình làng và tổ chức lễ hội hàng năm. Quan niệm tín ngưỡng, nghi thức, đối tượng thờ phụng mang tính nghề nghiệp của ngư dân thể hiện rõ nét bên cạnh yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp.

Cũng như ở miền Bắc và miền Trung, ven biển miền Nam, cư dân vẫn duy trì tín ngưỡng thờ Mẫu. So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn. Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,...và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,... Lễ hội thờ Mẫu/Nữ thần, gồm lễ hội Bà Ngũ hành, lễ hội Nghinh Cô, lễ hội Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ hội Bà Chúa xứ…

Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, ở đây cũng có tục thờ nhân thần, là các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Hữu Kính, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Ngô Tán Đước, Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng, Trần Công Thận...

Ở vùng ven biển, tín ngưỡng thờ cá Voi (cá Ông) và lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân. Lễ hội Nghinh Ông thường gắn liền với lễ hội cầu ngư, phổ biến ở hầu hết các làng nghề đánh bắt hải sản Nam Bộ. Đây là lễ hội hoàn toàn mang tính đặc trưng nghề nghiệp.

Theo thống kê bước đầu, trên chiều dài khoảng 100km, duyên hải miền Đông Nam Bộ có 15 đền thờ (lăng) cá Ông, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các làng xã duyên hải miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có 10 đền thờ cá voi, nhiều nhất ở miền Nam, bên cạnh lễ hội Nghinh Ông còn có lễ Lệ Cô Long Hải từ 10/2 đến 12/2 âm lịch để thờ cúng Mẫu - Nữ thần và kết hợp cúng thần biển. Ở Bến Tre, lễ hội Nghinh Ông tiến hành vào ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại các các làng ven biển thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri. Trong ngày hội, tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung để nghinh Ông, tế lễ, vui chơi và ăn uống. Ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vàm Láng (Tiền Giang)... đều có lễ hội Nghinh Ông trọng thể hằng năm.

Trong nghi lễ thờ cúng cá Ông, vùng ven biển Nam Bộ cũng có nét đặc trưng hơn so với Trung Bộ: “Nếu như trong văn tế Nghinh Ông của các ngư dân miền Trung nghiêng về phận ngợi ca và gửi gắm niềm tin của Ông về việc cứu thuyền trong cơn lâm nạn, thì nội dung văn tế trong Nghinh Ông từ Bà Rịa- Vũng Tàu trở vào đến Cà Mau, Hà Tiên thường nhấn mạnh đến sự “phù hộ của Ông” để cho mùa đánh bắt, tôm cá đầy khoang, ghe thuyền ra khơi vào lộng an toàn” [59, 171].

Có thể nói, sự hỗn dung, tiếp biến văn hoá ở miền Nam đã làm cho đời sống văn hoá tín ngưỡng của cư dân ven biển Nam bộ trở nên phong phú, nhiều màu sắc, từ các đối tượng thờ cúng đến các hình thức lễ nghi, lễ hội.

Tiểu kết:

Tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ thần là một nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc, nơi phản ánh tâm hồn Việt, cũng là một khía cạnh quan trọng để góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Đi từ Bắc vào Nam, tìm hiểu về tín ngưỡng cư dân ven biển các vùng, chúng ta thấy có những đặc điểm chung và đặc điểm riêng. Tín ngưỡng thờ

thần ở vùng ven biển không nằm ngoài truyền thống phong tục, tín ngưỡng của con người Việt Nam. Đối với tự nhiên, đó là quan niệm vạn vật hữu linh, để từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ các hiện tượng, đối tượng tự nhiên (nhiên thần); đối với con người là quan niệm, phong tục tôn thờ người tài giỏi, người có công với cộng đồng, anh hùng dân tộc và đi đến tín ngưỡng thờ nhân thần. Và gần như các tín ngưỡng thờ thần của vùng ven biển đều có màu sắc của yếu tố nông nghiệp- đồng bằng, xuất phát từ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Song bên cạnh đó, đối với vùng ven biển Việt Nam, khi cuộc sống gắn liền với biển khơi, con người đã sớm hình thành nên ý thức về biển cả. Biển là môi trường để con người sống và lao động, biển cũng là nơi con người gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng. Theo đó, tín ngưỡng thờ thần của vùng ven biển cũng hướng đến thờ những vị thần của biển cả. Cư dân ven biển Việt Nam hầu hết đều có tục thờ cá Voi, thờ Tứ vị thánh nương, thờ Sát hải đại vương, Long vương, Hà bá…- những vị thần biển mà trong tâm niệm của ngư dân, luôn bảo vệ, che chở cho họ trước sóng gió biển khơi.

Nhưng đi từ Bắc vào Nam, theo đặc điểm văn hoá vùng mà tín ngưỡng thờ thần cũng mang đặc điểm: Chất biển từ nhạt ở miền Bắc, trở nên đậm hơn ở miền Trung và lại ít đi khi vào Nam Bộ.

Chương 2

TỤC THỜ THẦN CỦA CƯ DÂN VEN BIỂN NGHỆ AN

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển nghệ an (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w