Giới thiệu về tình hình kinh tế xã hội quận Phú Nhuận

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các trường trung học cơ sở quận phú nhuận, TP HCM (Trang 51 - 55)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1.1Giới thiệu về tình hình kinh tế xã hội quận Phú Nhuận

Quận Phú Nhuận với diê ̣n tích 4.870km2, dân số khoảng 173.220 người, được chia thành 15 phường; điều kiện kinh tế, dân cư tương đối thuận lợi nhưng không đồng đều, vẫn còn một bộ phận nhân dân đời sống khó khăn.

Trước năm 1975, Phú Nhuận mang đặc thù vùng đất dân cư, không có cơ sở sản xuất lớn, chỉ có một số ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp các ngành nghề mộc gia dụng, mỹ nghệ, dệt, gò hàn,... với quy mô gia đình. Về thương mại, dịch vụ có chợ Phú Nhuận và các cửa hàng tạp hóa, ăn uống, may mặc,... trên các trục đường Trương Minh Ký, Võ Di Nguy. Thời kỳ này, Phú Nhuận không có trường trung học công lập và mạng lưới bậc học mẫu giáo mầm non; không có tụ điểm phúc lợi công ích văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí.

Sau ngày giải phóng Thành phố, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, nhất là củng cố bộ máy hành chính nhà nước, đủ sức giải quyết nhiều vấn đề cực kỳ phức tạp về chính trị xã hội thời hậu chiến ngay tại địa phương, Đảng bộ và chính quyền Phú Nhuận sớm có chủ trương vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực sản xuất tăng bình quân 10%/năm, tập trung vào các ngành hàng dệt may, mỹ nghệ, cơ khí, chế biến lương thực,... Về thương mại, dịch vụ, Quận hình thành mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã với chức năng chủ yếu là phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu cho dân. Các cửa hàng chuyên doanh vật liệu xây dựng, chất đốt, thực phẩm, công nghệ phẩm,... được thành lập từ quận tới phường, đáp ứng phần nào nhu cầu cuộc sống nhân dân.

Ngành Y tế với trên dưới 20 cán bộ tiếp quản bệnh viện Cơ đốc, nhà bảo sanh và một số cơ sở y tế nhỏ để hoạt động. Trong hai năm tiếp theo, 1976, 1977, ngành phải phát triển lên tới trên 250 cán bộ nhân viên y tế mới đáp ứng nổi yêu cầu nhiệm vụ.

Thời kỳ 1980 - 1985, từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, Quận chỉ đạo xây dựng 07 xí nghiệp quốc doanh, hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp. Các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể này đã nhanh chóng lớn mạnh (chiếm 16,38% sản lượng chung) và chiếm ưu thế trên thương trường, quy tụ được nhiều cơ sở cá thể làm vệ tinh, tạo việc làm cho đông đảo lao động. Thành phần kinh tế cá thể cũng tăng trưởng khá (chiếm 44% sản lượng chung). Giá trị tổng sản lượng của Quận vào cuối năm 1985 gấp 3 lần năm 1980. Giai đoạn này, các ngành nghề da giày, vải sợi, may mặc, thêu đan, nhựa và nghề mỹ nghệ như sơn mài, mây tre lá, mành trúc phát triển mạnh nhờ ký được hợp đồng lớn và trao đổi kinh tế hai chiều với khối SEV (Liên xô và các nước Đông Âu cũ).

Năm 1986, mở đầu công cuộc đổi mới đất nước với đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của nhà nước, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền Quận một mặt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế; mặt khác phải tăng cường chức năng quản lý nhà nước về kinh tế xã hội. Bên cạnh duy trì, phát triển thành phần quốc doanh (14 đơn vị), Quận khuyến khích, tạo điều kiện hình thành trên 40 doanh nghiệp tư doanh, tạo sản lượng đáng kể, tăng thu ngân sách, giải quyết hàng ngàn lao động mỗi năm. Giá trị tổng sản lượng những năm đầu thời kỳ 1991 - 1995 tăng bình quân 16%/năm, kim ngạch xuất khẩu 22%/năm, mức thu ngân sách tăng từ 15 - 20%/năm.

Từ năm 1987 trở đi, ngành thương mại cả quốc doanh lẫn dân doanh phát triển mạnh. Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu Quận hình thành được mối liên kết bền vững giữa sản xuất với kinh doanh xuất nhập khẩu bằng

phương thức đầu tư vốn, giao nguyên liệu cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ, sơ chế nông sản và thu hồi thành phẩm để xuất khẩu. Giữa Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu và thương nghiệp quốc doanh cũng có mối liên hệ tốt thông qua ủy thác xuất khẩu nông sản và nhập các chủng loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Đầu năm 1992, Quận thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á với 80% vốn góp của các đơn vị kinh tế quốc doanh, đồng thời hình thành dịch vụ tín dụng đầu tư làm phong phú thêm đời sống kinh tế địa phương.

Giai đoạn 1996 -2005, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện còn nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan về năng lực quản lý, lao động có tay nghề, vốn đầu tư, mặt bằng sản xuất, kho bãi,... Đảng bộ, chính quyền Quận đã có những chủ trương đúng đắn mang tính đột phá như tạo môi trường pháp lý thông thoáng, đồng thời trực tiếp gợi ý, chỉ đạo tăng cường liên kết hoạt động giữa các đơn vị kinh tế cả trong lẫn ngoài quốc doanh; thu hút đối tác đầu tư liên doanh, hợp doanh và 100% vốn nước ngoài vào những ngành mũi nhọn, thế mạnh kinh tế của Quận; mở rộng quy mô kinh doanh một cách thích hợp. Các đơn vị kinh tế quốc doanh Công ty Nam Á, Công ty Vật tư - Dịch vụ - Du lịch, Công ty May 30/4,... được củng cố kiện toàn, chuyển biến tốt, có lãi, tiến bộ nhanh trong quản lý điều hành sản xuất, trong liên kết kinh doanh, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, tổ chức tiếp thị, xây dựng được uy tín thương hiệu.

Triển khai chương trình mở rộng hẻm theo quy hoạch với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm“, Quận thực hiện đầy đủ quy trình, bảo đảm dân chủ, không làm xáo trộn nhiều tới đời sống dân cư. Tiếp theo công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc, cù lao phường 2 Rạch Miễu, công trình mở rộng hẻm làm cho diện mạo quận Phú Nhuận bừng sáng, đã có dáng vẻ một khu đô thị văn minh hiện đại của một nước phát triển.

Công tác xã hội hóa sự nghiệp giáo dục được nhân rộng và ngày càng có chất lượng chiều sâu. Các trường dân lập, tư thục phát triển tốt, nhất là ở

bậc học mầm non. Sự quan tâm và tinh thần đóng góp của nhân dân đối với phát triển sự nghiệp giáo dục ngày càng cao. Nhiều quỹ học bổng được thành lập nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa đối với gia đình nghèo có con em hiếu học, học giỏi. Bình quân hàng năm các quỹ trao gần 2000 suất học bổng, tổng giá trị trên 100 triệu đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cảm thụ, hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của người dân, nhận thức đầy đủ nghị quyết 90/CP, nghị định 73/NĐ-CP về phương hướng, chủ trương và chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Quận tính toán đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa, bố trí mặt bằng hợp lý cho các đơn vị sự nghiệp có chức năng tổ chức hoạt động văn hóa thể thao đủ điều kiện thu hút đông đảo đối tác đầu tư. Trung tâm Văn hóa Quận được đầu tư xây dựng mới, kinh phí 15 tỷ đồng, khởi công cuối năm 1999, khánh thành cuối năm 2000 với đầy đủ công năng, trang thiết bị hiện đại, thu hút nhiều tổ chức cá nhân tham gia hoạt động, khai thác mọi loại hình văn hóa nghệ thuật. Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên thuộc Quận đoàn cũng được đầu tư 1,76 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp và đổi thành Nhà Thiếu nhi.

Tổng kết 11 năm thực hiện chương trình Xóa đói giảm nghèo và việc làm, tính đến tháng 11/2003 Quận không còn hộ nghèo theo tiêu chí Thành phố giai đoạn 1992 - 2003 (thu nhập 3 triệu đồng/người/năm trở xuống). Hiện có 1171 hộ nghèo theo tiêu chí mới (thu nhập 4 triệu đồng/người/năm trở xuống), chiếm tỷ lệ 2,97%/tổng số hộ sẽ được bảo lưu, trợ vốn trong giai đoạn 2004 - 2005. Tổng vốn xóa đói giảm nghèo của Quận hiện có 463 tỷ đồng. Để đạt được những thành tựu kể trên, trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Nhuận đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, thậm chí có lúc phải trả giá rất nghiệt ngã cho tính nóng vội, chủ quan, duy ý chí, cho những ấu trĩ, tả khuynh trên bước đường khắc phục đói nghèo, lạc hậu để vươn lên. Cùng với các thành tựu, những ký ức không vui đó sẽ là

những bài học kinh nghiệm quý giá, là một trong những nguồn nội lực giúp Phú Nhuận cùng Thành phố và cả nước sánh vai với các nước phát triển bước vào kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các trường trung học cơ sở quận phú nhuận, TP HCM (Trang 51 - 55)