Công tác huy động vốn đã tạo ra nguồn vốn để ngân hàng có thể thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình, để bù đắp phần chi phí và tạo lợi nhuận thì ngân hàng phải sử dụng vốn có hiệu quả. Vốn huy động được sử dụng vào mục đích cho vay hay đầu tư, chênh lệch lãi suất giữa huy động vốn và sử dụng vốn sẽ tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Do vậy, ngân hàng luôn quan tâm đến việc sử dụng vốn như thế nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất mà vẫn đảm bảo an toàn. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế các hình thức tín
dụng ngày càng mở rộng và phát triển. Do vậy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngân hàng cần phải đa dạng hóa các hình thức tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Tại chi nhánh hiện nay đang áp dụng một số hình thức cho vay chủ yếu đó là: cho vay vốn lưu động, cho vay sản xuất, cho vay tiêu dùng, cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động, cho vay đời sống... Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về vốn cho vay địa phương, chi nhánh cần phải đa dạng hóa các hình thức và phương thức tài trợ tín dụng đối với mọi đối tượng khách hàng kể cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, phát triển hơn nữa các hình thức cho vay mới như: cho vay trả góp, góp vốn đầu tư, các hình thức tín dụng thế chấp, tín chấp, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với dân cư như cho vay trả góp để mua nhà ở, cho vay mua sắm phương tiện tiêu dùng có giá trị lớn... Tuy nhiên, đa dạng hóa các hình thức tín dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Do vậy, chi nhánh cần phải cân nhắc trước khi ra quyết định để vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng để tạo thêm khách hàng mới, vừa đảm bảo chất lượng hoạt động tín dụng.